Toàn cầu hóa đã trở thành một hiện thực sống động của thế giới, đang tác động nhiều chiều, nhiều mặt đến sự phát triển của tất cả các quốc gia, dân tộc, nó đặt ra nhiều thời cơ, nhưng cũng không ít những thách thức; nó hàm chứa cả những động lực cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh - cơ hội làm giàu cho nhiều người, nhưng cũng đe dọa đến thu nhập và cuộc sống của hàng trăm triệu con người trước nguy cơ nghèo đi, bần cùng hóa và thất nghiệp. Điều đó buộc các quốc gia phải sáng tạo và linh hoạt...

Toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa kinh tế là một thuật ngữ xuất hiện trên các ấn phẩm vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX và dần dần người ta đã đi tới thừa nhận đó là một xu thế khách quan do sự phát triển của lực lượng sản xuất. Toàn cầu hóa là một xu thế phát triển tất yếu của lực lượng sản xuất trên toàn thế giới. Toàn cầu hóa nghĩa là quá trình hội nhập. Trước hết, có thể hiểu đó là một quá trình hội nhập trên nhiều phương diện khác nhau và nhiều cấp độ khác nhau. Các phương diện chủ yếu có thể kể đến là thị trường vốn, công nghệ, môi trường, phòng chống tội phạm, ngăn ngừa dịch bệnh và ô nhiễm... Tất cả những điều này là những khía cạnh rất quan trọng của hội nhập và toàn cầu hóa. Trong toàn cầu hóa, đặc biệt quan trọng là sự hội nhập về thương mại.

Toàn cầu hóa thực sự là một yếu tố có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng, vẫn còn hàng tỉ người trên thế giới đang đứng ngoài tiến trình toàn cầu hóa này, bởi hai lý do: Thứ nhất, các nước nghèo, hay nhóm, bộ phận dân cư nghèo không có đủ điều kiện để hội nhập, chẳng hạn thiếu thông tin, trình độ dân trí thấp... nên thường bị "gạt sang bên lề" của quá trình hội nhập. Thứ hai, bảo hộ mậu dịch diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau với mục đích bảo vệ sản xuất trong nước, mà chủ yếu lại diễn ra trong lĩnh vực bảo hộ sản xuất nông nghiệp của các nước giàu. Tất cả đang làm tổn thương nghiêm trọng đến người nghèo, và các quốc gia nghèo.

Nếu năm 1980, 3/4 hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển là hàng sơ chế hoặc nguyên liệu, thì hiện nay 4/5 trong số đó đã là hàng tinh chế công nghiệp. Lần đầu tiên trong lịch sử, trong 20 năm gần đây, chúng ta thấy các nước đang phát triển đã tấn công vào thị trường toàn cầu một cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, phải thừa nhận toàn cầu hóa đem lại nhiều thuận lợi và lợi ích. Có thể thấy, toàn cầu hóa diễn ra trên 3 phương diện: Dòng chảy hàng hóa, dòng chảy vốn và dòng chảy lao động; và diễn ra theo ba thời kỳ khác nhau.

Thời kỳ thứ nhất, bắt đầu từ năm 1870 đến chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhớ lại, trước năm 1870 dường như không có nhiều điều để nói về toàn cầu hóa. Những nền kinh tế của các quốc gia khác nhau trên thế giới chưa có sự hội nhập mạnh mẽ và đầy đủ trên các phương diện như hiện nay. Đến thời kỳ này đã có sự gia tăng mạnh mẽ dòng chảy vốn, dòng chảy nhân công và tỷ lệ thương mại trên GDP tăng gần gấp đôi, từ 5% lên 9%. Nguyên nhân dẫn đến những thay đổi ấy một phần nhờ sự thay đổi về chính sách tự do hóa các dòng chảy này và một phần nhờ công nghệ đã làm hạ bớt giá thành hàng hóa và giá thành vận chuyển giao thông.

Thời kỳ thứ hai, công nghệ vẫn tiếp tục phát triển như thời kỳ thứ nhất. Giá thành vận tải tiếp tục giảm nhưng chính sách có sự thay đổi lớn lao. Điều đó dẫn đến sự giảm bớt các dòng chảy vốn, dòng chảy nhân công và sự suy sụp về thương mại. Thương mại trên GDP trở lại gần sát mức của mốc 1870. Đói nghèo tăng rõ rệt. Sự bất bình đẳng tăng. Đây là một thời kỳ tụt hậu về kinh tế.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, đã có những thay đổi đột ngột. Trao đổi thương mại trên GDP tăng lên mức chưa từng có, và chính quá trình đó đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy toàn cầu hóa. Thời kỳ này, không chỉ có sự tăng vọt về vốn hay nhân công mà còn là sự nổi trội, chiếm ưu thế hơn hẳn của thương mại. Và thương mại không chỉ có sự tăng lên về số lượng mà còn có sự biến đổi trong cơ cấu.

Nếu chúng ta nhìn lại cơ cấu hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển khoảng 40 năm về trước, tức là từ năm 1965, thậm chí chỉ tính từ năm 1980, chúng ta sẽ thấy hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển chủ yếu là khoáng sản và sản phẩm nông nghiệp. Nhưng giờ đây, hàng tiêu dùng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của các nước này. Đó là sự thay đổi lớn trong 20 năm qua.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này. Hàng sơ chế, tích tụ và tập trung ruộng đất đã đem lại thuận lợi, lợi ích cho những chủ sở hữu đất. Các nước đang phát triển đã xuất khẩu không chỉ hàng công nghiệp, mà còn xuất khẩu những mặt hàng đòi hỏi nhiều nhân công nói chung, điều đó đã đem lại thuận lợi cho người có sức lao động, đặc biệt là lao động có trình độ cao.

Tăng trưởng

Nhiều nghiên cứu gần đây đã đưa ra những kết luận rất quan trọng và được dựa trên những chứng cứ cụ thể và xác thực trong nhiều năm, đều đã khẳng định toàn cầu hóa có ý nghĩa to lớn đối với các mục tiêu tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển.

Thực tế là, đến những năm 80 của thế kỷ XX, vẫn còn có sự khác biệt về trình độ phát triển giữa Bắc và Nam bán cầu. Sau năm 1980, các nước ở Nam bán cầu đã có sự phân hóa về tốc độ phát triển. Một số nước tham gia vào toàn cầu hóa, một số nước lại không tham gia. Một số nước đã tăng được tỷ lệ thương mại trên GDP, chúng ta gọi đó là những nước mới tham gia toàn cầu hóa. Ước tính số dân những nước này vào khoảng 3 tỉ người.

Vấn đề đặt ra với các nước đang phát triển vào những năm 90 là họ có mức tăng trưởng khá nhanh, tính trên đầu người khoảng 5%/năm. Đó là một kết quả khả quan. Mức tăng trưởng của họ nhanh hơn các nước giàu. Lần đầu tiên trong 200 năm, các nước nghèo bắt đầu theo kịp các nước giàu. Khoảng cách giàu nghèo đang được thu hẹp lại.

Nhưng không phải nước đang phát triển nào tham gia toàn cầu hóa cũng tăng trưởng tốt. Một số nước không tăng được tỷ trọng thương mại/GDP và nền kinh tế của những nước này có thể bị ngưng trệ hoặc giảm sút. Họ bị phụ thuộc nhiều vào nước ngoài về hàng tiêu dùng cơ bản, trong lúc không phát triển được sản xuất trong nước, lệ thuộc chủ yếu vào ngành khai thác tài nguyên, khoáng sản để cung cấp cho các nước công nghiệp, dần dần thu nhập tính theo đầu người giảm.

Bởi vậy, không thể khẳng định chắc chắn rằng, không phải tham gia toàn cầu hóa tự khắc có tăng trưởng nhanh. Đối với một số nước, họ bắt đầu tiến trình hội nhập vào những năm 80 và tăng tốc vào những năm 90 của thế kỷ XX. Nếu nhìn lại giai đoạn từ năm 1960 -1970, không có gì đặc biệt để nói về những nước này. Họ rất nghèo và tăng trưởng chậm.

Vào những năm 90, không những các nước này tăng trưởng nhanh mà họ còn xóa đói, giảm nghèo tốt, giảm nghèo một cách nhanh chóng. Bằng chứng là từ năm 1994 - 1998 các nước mới tham gia toàn cầu hóa đã giảm được 14% số người nghèo. Tuy số người nghèo ở các nước này vẫn còn khoảng 762 triệu, song như vậy đã giảm được 14% so với 5 năm trước đó. Có sự tăng trưởng nhanh trong những năm 90 về thu nhập/đầu người, tỷ lệ thương mại/GDP, và giảm nhanh tỷ lệ nghèo đói. Đây là những ví dụ về vấn đề làm thế nào để tăng trưởng nhanh gắn với xóa đói giảm nghèo.

Xóa đói, giảm nghèo

Nhìn tổng thể, tưởng như những hiểm họa tiềm ẩn trong quá trình hội nhập thương mại rất nhỏ. Song trên thực tế, có nhiều hiểm họa lớn, trên nhiều phương diện khác nhau.

Toàn cầu hóa không chỉ đem lại thời cơ, mà còn đưa ra những thách thức lớn. Một thực tế, như đã nêu ở trên, chúng ta phải thừa nhận là: Có hàng trăm triệu người, hàng tỉ người bị đặt ra ngoài tiến trình toàn cầu hóa. Thách thức đặt ra cho chúng ta là: Nếu đúng tiến trình này là một trong những con đường tích cực nhất giúp họ xóa đói, giảm nghèo, thì làm thế nào, làm những gì để có thể đưa người nghèo tham gia vào tiến trình hội nhập. Và nếu đúng vậy thì còn một vấn đề lớn nữa là liệu bảo hộ có phải là cách tốt nhất để bảo vệ người nghèo không? Nếu không, phải sớm xóa bỏ những rào cản của các chính sách bảo hộ mậu dịch.

Chẳng hạn, hội nhập thị trường vốn tự bản thân nó đã tiềm ẩn những nguy cơ và có những mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính nội địa. Do đó, nhu cầu thực tế đối với toàn thế giới hiện nay là phải sớm xây dựng một nền tài chính quốc tế có thể chống lại những hiểm họa này. Mặc dù thừa nhận sự tồn tại của những nguy cơ, hiểm họa, thách thức, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, lợi nhuận từ toàn cầu hóa đem lại là có thực và rất lớn. Song, vấn đề quan trọng hơn cả là: Hội nhập thương mại có tác dụng xóa đói, giảm nghèo như thế nào?

Nếu so sánh nền kinh tế - xã hội của một số nước như I-ta-li-a, Thụy Điển, Hà Lan, Nhật, Mỹ, chúng ta sẽ thấy xã hội các nước giàu có cấu trúc, những giá trị, cách thức tổ chức và cách tiêu dùng khác với những quốc gia nghèo và đang phát triển. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào lộ trình mà các nước đang phát triển đã "gặt hái" được nhiều thành công hơn cả trong vài thập niên qua như: Trung Quốc, Mê-hi-cô, Hung-ga-ry hay Băng-la-đét..., sẽ thấy họ đi theo những lộ trình rất không giống nhau. Tựu trung, các nước này đều mở cửa nền kinh tế với những bước khởi đầu mạnh mẽ về thương mại và dịch vụ. Như vậy, các hệ quả của toàn cầu hóa đã được nói rõ. Thương mại có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo.

Những thách thức còn lại chúng ta phải đối mặt là việc hàng tỷ người đang bị đứng ngoài tiến trình toàn cầu hóa, cần phải đưa họ vào tiến trình này một cách nhanh chóng và tích cực. Mặt khác, cần có những nỗ lực cải thiện cơ chế chính sách của chính phủ các nước. Ví dụ như việc xây dựng kết cấu hạ tầng, và đặc biệt quan trọng là mở cửa thị trường ở cả các nước nghèo và nước giàu.

Mức độ trợ cấp và chính sách bảo hộ trong lĩnh vực nông nghiệp ở các nước giàu không chỉ gây hại đến sự thịnh vượng của các nước giàu (nơi mà những người đóng thuế phải chịu đựng gánh nặng của những sự trợ cấp này, người tiêu dùng ở các nước giàu phải chịu đựng gánh nặng của thực phẩm giá cao...), mà còn ảnh hưởng đến người làm nông nghiệp ở các nước nghèo. Vấn đề cơ bản và quan trọng ở đây là: những chính sách này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nước nghèo. Vì vậy, vấn đề sống còn là, làm thế nào để chính sách bảo hộ và trợ cấp trong nông nghiệp ở các nước giàu được giảm bớt theo thời gian và tất cả các nước đều giành được quyền lợi một cách hợp lý?

Cải cách chính sách ở các nước nghèo, sự mở rộng hay gia tăng thị trường thương mại, những hành động của các nước giàu, và sự gia tăng mức độ trợ cấp... đều là những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn đến "cuộc chiến" chống đói nghèo.

Trong lĩnh vực công nghiệp cũng có một vấn đề tương tự là ngành dệt may, một ngành đòi hỏi nhiều về nhân công, là một thuận lợi của các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển đều có thể sản xuất hàng dệt may, trong một số trường hợp nằm ngoài tầm kiểm soát của các nước giàu. Song, các nước giàu lại có sự áp đặt về hạn ngạch đối với hàng dệt may của các nước đang phát triển, góp phần kìm hãm sự phát triển công nghiệp của các nước này.

Vấn đề tham gia của các nước đang phát triển vào toàn cầu hóa kinh tế trong mấy thập niên qua đang chứa đựng hai mặt: Một là, nó bị tác động bởi chính sách tự do hóa thương mại của các nước phát triển. Các nước phát triển đã tháo gỡ bớt những rào cản thương mại, mặc dù trong giai đoạn này vẫn tồn tại một số rào cản, một số rào cản khác lại được tăng lên, đặc biệt trong lĩnh vực hàng dệt may. Nhưng tự do hóa thương mại đã giúp các nước đang phát triển mở cửa thị trường, đó là một yếu tố quan trọng để những những nước này hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Mặt khác, có một nguyên nhân nữa là do các nước đang phát triển cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo, do đó người lao động có trình độ cao hơn. Hệ thống luật lệ và kết cấu hạ tầng được cải thiện, tối thiểu là đủ để cuốn hút các nước đang phát triển khác tham gia vào.

Một trong những chính sách được coi là hữu ích và tối quan trọng đối với tiến trình toàn cầu hóa là việc mở cửa thị trường. Đây là yếu tố cơ bản nhất, quan trọng nhất, đặc biệt là với các nước mới tham gia toàn cầu hóa trong 20 năm vừa qua. Nó đóng vai trò quan trọng không chỉ với những nước mới tham gia toàn cầu hóa mà còn với các nước đang đứng ngoài tiến trình này. Điều quan trọng nữa là phải cải thiện được môi trường đầu tư, vì mở cửa thị trường mà không cải thiện môi trường đầu tư cũng giống như chưa mở.

Chính sách bảo trợ xã hội cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp với môi trường mới. Toàn cầu hóa là một tiến trình nhiều chông gai, nhiều rủi ro, nhất là đối với tầng lớp dân cư nghèo, dễ bị tổn thương, do đó phải có sự bảo đảm và hỗ trợ cho người nghèo. Chính các nước phát triển cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Ở các nước đang có sự tăng trưởng, nó sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn. Trợ giúp thúc đẩy tăng trưởng rất hiệu quả ở những nơi có môi trường chính sách vừa phải, hợp lý.

Chính sách tiếp cận thị trường sẽ tạo thuận lợi cho tiến trình toàn cầu hóa. Những nỗ lực làm cho các nước nghèo nhất được dễ dàng trong việc tiếp cận tốt hơn với thị trường thế giới đều mang lại lợi ích lớn lao. Nếu cố gắng nhìn nhận, chúng ta có thể thấy những sự khởi đầu tại Đô-ha, đó là tính khả thi của các tiến trình tự do hóa nông nghiệp, những quy định thoáng hơn về sở hữu trí tuệ, tiếp cận tốt hơn thị trường dệt may... Như vậy, tiếp cận thị trường là một ưu tiên cho phát triển.

Cần nhấn mạnh một điều là, sự nỗ lực của bản thân mỗi nước có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Với điều này, cần nhấn mạnh những tiến bộ cho môi trường đầu tư; mục tiêu hướng tới các chính sách bảo vệ xã hội; những biện pháp bảo đảm an toàn để bảo vệ cho người nghèo... đều do những quyết định độc lập của các nước trên cơ sở mô hình phát triển mà nước đó đã lựa chọn.

Có một thực tế là, nếu sự điều tiết của thị trường trở nên mạnh mẽ và phổ cập, sự can thiệp có chủ đích của nhà nước (điều này còn tùy thuộc vào từng nhà nước cụ thể) yếu đi thì quá trình phân hóa giàu nghèo diễn ra nhanh chóng. Thường thì tại các nước đang phát triển thiên về sự điều tiết thị trường, nên các biện pháp bảo vệ rơi vào tình trạng mâu thuẫn: chính những người đã được bảo vệ tốt được bảo vệ tốt hơn nữa, trong khi những người cần được bảo vệ phải là những người nghèo thì lại chưa được bảo vệ tốt. Như vậy, mọi người cần phải có một biện pháp bảo vệ khác nhằm hướng tới những người nghèo.

Nếu bản thân nước tiếp nhận sự trợ giúp không độc lập trong việc lựa chọn chính sách, và nhất là chỉ lựa chọn những phương án có lợi ích trước mắt cho bản thân nước mình, thì rất dễ rơi vào cảnh nợ nần, nguy hiểm hơn là cảnh lệ thuộc quá mức vào một kiểu thực dân kinh tế mới, chỉ biết xuất khẩu tài nguyên và nguyên liệu thô để đổi lấy hàng xa xỉ.

Cuối cùng, đó là sự trợ giúp của những nước phát triển. Tại những nước đã và đang có tiến trình phát triển, sự trợ giúp sẽ giúp tăng tốc tiến trình đó. Sự trợ giúp sẽ có hiệu quả trong việc đẩy nhanh tăng trưởng nếu có môi trường, chính sách phù hợp. Theo một số nghiên cứu, tại những nước ít có khả năng tham dự được vào tiến trình toàn cầu hóa, những sự trợ giúp sẽ mất rất nhiều thời gian.

Vấn đề nổi cộm không chỉ là toàn cầu hóa nền kinh tế mà còn là toàn cầu hóa các vấn đề khác trong xã hội. Chúng ta có thể chỉ ra những ví dụ rõ ràng về những hoạt động tổng hợp nổi lên từ một xã hội không phải tổ chức chỉ bởi những quốc gia riêng lẻ mà là xã hội của cộng đồng quốc tế. Và những hành động của cộng đồng quốc tế là cần thiết để điều chỉnh những vấn đề chung của toàn cầu hóa, ví dụ như sự tàn phá môi trường hay những nguy cơ làm trái đất nóng lên...