1. Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Bô-li-vi-a (ALBA)

Ngày 14-12-2009, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Bô-li-vi-a dành cho châu Mỹ (ALBA) lần thứ 8 với sự tham dự của đại diện 9 nước thành viên đã bế mạc và thông qua Tuyên bố chung cam kết tăng cường hội nhập giữa các nước thành viên. Trong Tuyên bố chung, các nước ALBA đã kịch liệt lên án việc Mỹ sử dụng căn cứ quân sự ở một số nước Mỹ La-tinh để chuẩn bị các hành động can thiệp vào những nước không đi theo quỹ đạo ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn, khiến tình hình ở đây trở nên căng thẳng sau ngày 30-10-2009 - thời điểm Mỹ quyết định xây dựng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Cô-lôm-bi-a. Trong số các chủ đề cơ bản được thảo luận lần này, có các nỗ lực nhằm phát triển các chương trình xã hội ở Mỹ La-tinh, cùng với việc soạn thảo các dự án phối hợp trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, năng lượng và nông nghiệp. Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vét đề nghị các nước mời Pa-ra-ra-goay tham gia các chương trình của ALBA, vì quốc gia này là một trong những trung tâm công nghiệp và nông nghiệp của khu vực Mỹ La-tinh. Đặc biệt, các bên cũng đã xem xét vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

2. EU chấm dứt "cuộc chiến chuối" dai dẳng với các nước Mỹ La-tinh

Ngày 14-12-2009, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận nhượng bộ nhằm chấm dứt "cuộc chiến chuối" dai dẳng với các nước sản xuất chuối của Mỹ La-tinh xung quanh mức thuế nhập khẩu loại sản phẩm nhiệt đới này. Theo thỏa thuận vừa thông qua, EU sẽ cắt giảm dần thuế nhập khẩu chuối từ Mỹ La-tinh từ mức 176 ơ-rô/tấn xuống còn 114 ơ-rô/tấn trong giai đoạn 2010-2017. Với thỏa thuận mới này, người tiêu dùng sẽ có lợi do giá bán các sản phẩm sẽ hạ. Đây là cuộc tranh chấp kéo dài nhất tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khởi nguồn từ chính sách nhập khẩu chuối được áp dụng từ tháng 7-1993 của EU. Trong khi chuối nhập khẩu vào EU từ các nước Mỹ La-tinh là đối tượng phải chịu thuế nhập khẩu, thì chuối từ phần lớn các nước thuộc địa trước đây của châu Âu tại châu Phi, các nước vùng Ca-ri-bê và khu vực Thái Bình Dương (ACP) lại được miễn thuế hoàn toàn. Cũng theo thỏa thuận này, các nước vùng Ca-ri-bê và khu vực Thái Bình Dương sẽ nhận được 200 triệu euro tiền viện trợ phát triển từ EU để giúp những nước này đối phó với những thay đổi về thuế nói trên, đồng thời các nước khu vực Mỹ La-tinh sẽ đồng ý từ bỏ kiện EU đối với vấn đề thuế nhập khẩu chuối.

3. NATO và Nga tăng cường quan hệ

Từ ngày 15 đến ngày 17-12-2009, ông A.Ph. Rát-mu-xen tới Mát-xcơ-va trong chuyến thăm Nga đầu tiên trên cương vị Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), cũng là chuyến thăm Nga đầu tiên của người đứng đầu liên minh chính trị - quân sự này kể từ sau cuộc xung đột ở Nam Ô-xê-ti-a và Áp-ga-ni-xtan. Cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan và các vấn đề an ninh châu Âu là chủ đề chính trong chuyến thăm. Trong chuyến thăm này, ông A. Rát-mu-xen đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Ð.Mét-vê-đép. Tống thống Nga Ð. Mét-vê-đép tỏ ý hy vọng chuyến thăm Nga của ông A. Rát-mu-xen sẽ góp phần phát triển vững chắc hơn và hiệu quả hơn mối quan hệ Nga - NATO. Đáp lại hy vọng trên, Tổng Thư ký A. Rát-mu-xen tuyên bố, NATO không là mối đe dọa đối với Nga, trái lại, là đối tác để cùng Nga giáng trả các thách thức chung. Ông A. Rát-mu-xen khẳng định, một trong những hướng ưu tiên trong hoạt động của ông trên cương vị người đứng đầu NATO là củng cố quan hệ với Nga, nâng cao sự tin cậy lẫn nhau và hiệu quả của các cuộc tiếp xúc. Theo ông, hai bên có chung mối lo ngại về các vấn đề an ninh và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ đối tác. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.La-vrốp cho biết, Nga và NATO sẵn sàng phát triển quan hệ bình thường, bình đẳng và cùng có lợi.

4. Nguy cơ hạn hán ngày càng trầm trọng ở tất cả các nước

Ngày 17-12-2009, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã cảnh báo nguy cơ hạn hán ngày càng thường xuyên, kéo dài và trầm trọng hơn ở tất cả các nước và khu vực trên thế giới do biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cho rằng, hạn hán kéo dài đã tác động nghiêm trọng đến nông nghiệp, nguồn nước và khẳng định trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, cần có các hệ thống cảnh báo sớm, đồng thời phát triển các nguyên tắc chỉ đạo mới để các nước thực hiện và hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm về hạn hán. Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đã khẳng định, thế giới ngày càng có xu hướng bị hạn hán nhiều hơn với mức độ ngày càng trầm trọng hơn trong 25 năm qua. Những đợt hạn hán đáng chú ý ở châu Âu năm 2003, ở Ốt-xtrây-li-a năm 2009, ở Ác-hen-ti-na năm 2008 và 2009 đã làm tăng mối lo ngại của các nước về nguy cơ đối với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đời sống con người.

5. EU ưu tiên ngân sách 2010 cho phục hồi kinh tế

Ngày 17-12-2009, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua kế hoạch sử dụng ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) cho năm tài chính 2010, trong đó tập trung ưu tiên cho phục hồi kinh tế, đưa châu Âu thoát khỏi khủng hoảng. Các nguồn tin từ Brúc-xen (Bỉ) cho biết, trong tổng ngân sách 141 tỉ ơ-rô (tương đương 202,53 tỉ USD) dành cho năm tài chính 2010, các nhà lập pháp EU nhất trí dành 64 tỉ ơ-rô cho các chương trình liên quan đến nghiên cứu, giáo dục và phát minh sáng tạo, là những lĩnh vực phục vụ cho nỗ lực phục hồi. Nông nghiệp vẫn là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu, với ngân sách 44 tỉ ơ-rô, trong đó đặc biệt chú trọng cho khuyến khích phát triển nông thôn và cứu trợ khẩn cấp cho ngành sản xuất sữa vốn đang bị khủng hoảng nặng nề do giá sữa giảm mạnh trong thời gian qua. Các lĩnh vực khác như năng lượng, giao thông vận tải cũng được chú trọng. Song trong ngân sách 2010 của EU, lĩnh vực được nguồn ngân sách tăng mạnh nhất (tăng 16,2% so với năm 2009) là đấu tranh chống tội phạm, chống khủng bố và quản lý luồng người nhập cư với ngân sách 1 tỉ ơ-rô. Các nghị sĩ EP cho rằng, với ngân sách 2010, EU sẽ có thể tăng cường an ninh năng lượng, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ việc nghiên cứu và học nghề, đồng thời góp phần đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

6. Kết thúc Hội nghị Cô-pen-ha-gen

Ngày 18-12-2009, Hội nghị lần thứ 15 (COP 15) về biến đổi khí hậu khép lại với một thành quả ít ỏi là các bên chỉ đạt được một “thỏa thuận chính trị”, dù 130 nguyên thủ quốc gia đã nỗ lực không ngừng nghỉ tới tận phút chót. Nội dung của thoả thuận này dựa trên các dự thảo thỏa thuận do các nhóm công tác của Liên hợp quốc đưa ra trước đó, trong đó đặt hạn mức gia tăng nhiệt độ Trái đất dưới 2oC so với mức năm 1990 (thời kỳ tiền công nghiệp). Mức tăng nhiệt độ được đưa ra tại COP 15 vẫn hơn đề xuất 1,5 độ C của các quốc đảo. Về Quỹ hỗ trợ các nước phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu, các nước phát triển cam kết đóng góp 10 tỉ USD từ nay đến năm 2012 và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ huy động 100 tỉ USD.Về cơ chế kiểm chứng, Hiệp ước Cô-pen-ha-gen quy định các cam kết của các nước giàu sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ và minh bạch theo Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC). Các nước đang phát triển cũng đưa ra các cam kết về cắt giảm khí thải trên tinh thần tự nguyện. Mặc dù COP 15 cuối cùng cũng đã đạt được một thỏa thuận vào phút chót, nhưng đó mới chỉ mang tính chính trị thuần túy chứ chưa mang tính ràng buộc về pháp lý như lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị mong đợi. Văn bản này còn phải được 193 nước thành viên Liên hợp quốc thông qua. Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thừa nhận, thỏa thuận này không đủ mạnh để ngăn chặn Trái Đất nóng lên.

7. Tuyết rơi dày kỷ lục tại châu Âu

Ngày 18-12-2009, Cục Khí tượng Anh cho biết, tuyết rơi dày 20 cm tại miền bắc, đông và nam nước này đã khiến giao thông tê liệt, nhiều chuyến bay phải hủy bỏ, nhiều tuyến đường sắt ngừng hoạt động. Đây cũng là nguyên nhân của 180 vụ tai nạn giao thông trong đêm 17-12 tại Anh. Tuyết và gió lạnh trong những ngày qua khiến nhiệt độ không khí ở thủ đô Mát-xcơ-va, Liên bang Nga, luôn ở mức -18 đến -20 độ C. Lạnh giá đã làm 2 người chết và 33 người phải vào bệnh viện cấp cứu do bị bỏng lạnh và tê cóng. Tại Ba Lan, ít nhất năm người chết cóng, giao thông bị tê liệt, hàng trăm vụ tai nạn giao thông xảy ra tại nước này do tuyết rơi quá dày. Tại Pháp, cơ quan khí tượng thủy văn công bố mức cảnh báo da cam (mức thứ ba trong bốn bậc cảnh báo) về tình hình thời tiết khắc nghiệt tại 61 trong số 96 khu vực hành chính. Ở Thủ đô Pa-ri, 300 km đường phố ngập trong tuyết, gây rối loạn giao thông. Tại Lát-vi-a, hơn 100 người dân thị trấn Kolka phải chịu cảnh chia cắt với thế giới bên ngoài vì tuyết. Có những nơi tuyết rơi dữ dội, tạo thành những đống tuyết cao một mét. Tại miền nam U-crai-na, gần 700 chiếc ô-tô phải dừng lại do tuyết rơi, làm tắc nghẽn tuyến đường nối hai thành phố Hertsa và Nikolaiev. Tại Tây Ban Nha, 6.800 học sinh đã không thể tới trường vì bão tuyết; chính quyền tỉnh miền bắc La-Rioha khuyến cáo người dân không nên lái xe ra đường. Thủ đô Oa-sinh-tơn và các bang khác thuộc miền đông nước Mỹ cũng phải ban bố tình trạng khẩn cấp do đợt bão tuyết được cho là tồi tệ nhất tính từ tháng 2-2003 đến nay.

8. Năm quốc tế Thanh niên

Ðại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết chọn năm 2010 là Năm quốc tế Thanh niên. Quyết định này nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và sức trẻ của thanh niên trong cuộc chiến chống các thách thức đang đe dọa nhân loại, hiểu rõ hơn các nhu cầu và những vấn đề thế hệ trẻ quan tâm, đồng thời cũng nhằm ghi nhận sự đóng góp của thanh niên đối với xã hội. Theo nghị quyết, Năm quốc tế Thanh niên sẽ bắt đầu từ ngày 12-8-2010. Ðại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế, cá nhân và cộng đồng trên khắp thế giới ủng hộ các hoạt động của Năm quốc tế Thanh niên trong mỗi quốc gia và trên toàn cầu, với chủ đề "Ðối thoại và hiểu biết lẫn nhau", để cổ vũ đối thoại và tạo sự đồng cảm giữa thanh niên với thanh niên và giữa các thế hệ, đồng thời thúc đẩy lý tưởng hòa bình, đoàn kết, tôn trọng nhân quyền và các giá trị của tự do. Năm quốc tế Thanh niên cũng khuyến khích sự tham gia tích cực của thanh niên vào tất cả các lĩnh vực xã hội, đặc biệt là vào tiến trình thực hiện và đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trong năm 2015. Các sự kiện quốc tế được Liên hợp quốc dự kiến sẽ tổ chức trong Năm quốc tế Thanh niên, bao gồm Ðại hội thanh niên thế giới lần thứ năm từ ngày 31-7 đến ngày 13-8-2010 tại I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ), Hội nghị quốc tế thanh niên từ ngày 24 đến 27-8 tại Thủ đô Mê-xi-cô và Ðại hội Olympic thanh niên từ ngày 14 đến ngày 26-8-2010 tại Xin-ga-po./.