Tây Nguyên phát triển cây cao su gắn với giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc
Thực hiện chương trình trồng mới 10 vạn ha cây cao su trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên trong hai năm qua cho thấy, địa phương và các doanh nghiệp chỉ mới chú trọng đến các dự án chuyển đổi đất rừng tự nhiên, chưa quan tâm khai thác quỹ đất trống, đất nông nghiệp kém hiệu quả trong dân. Thực trạng này nếu không sớm được điều chỉnh hợp lý sẽ làm chệch hướng mục tiêu chung của chương trình.
Quyết định số 86/TTg, ngày 5-2-1996, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng quan phát triển ngành cao su của cả nước đến năm 2005, trong đó vùng Tây Nguyên được xác định phát triển từ 180 nghìn ha (PAI) đến 330 nghìn ha (PAII). Năm 2005, toàn vùng Tây Nguyên đã phát triển được 109 nghìn ha, so với mục tiêu đề ra của phương án một (PA1) mới đạt 60%, trong đó tỉnh Kon Tum đạt 99,2%, các tỉnh khác đạt thấp như Đăk Lăk 44,7% (gồm cả Đăk Lăk và Đăk Nông), Gia Lai 65%. Hầu hết các tỉnh không đạt so với quy hoạch phát triển là do cây cao su phải cạnh tranh với các cây trồng khác, đặc biệt là cây cà phê.
Cây cao su là loại cây công nghiệp dài ngày cho hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất Tây Nguyên. Nếu giá xuất khẩu ở mức bình quân 2.000 USD/tấn tại thời điểm năm 2008 thì lãi suất bình quân đạt trên 30 triệu đồng/ha. Với mức lợi nhuận này, cao su đang là loại cây được thu hút đầu tư mạnh nhất hiện nay ở Tây Nguyên.
Vấn đề quy hoạch và hiện trạng đất đai ở Tây Nguyên
Để thực hiện quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn Tây Nguyên, kế hoạch trồng mới 10 vạn ha cao su giai đoạn 2006 - 2010 của Thủ tướng Chính phủ nhằm sử dụng có hiệu quả quỹ đất hiện có, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là giải quyết việc làm cho cư dân vùng đồng bào dân tộc, vấn đề quy hoạch xác định vùng, đối tượng đất cùng các chính sách đầu tư vốn, lao động trên địa bàn là việc làm có ý nghĩa cấp bách. Công tác quy hoạch phải được xây dựng trên cơ sở khoa học, bảo đảm khai thác có hiệu quả tài nguyên đất, bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư và được các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc tại chỗ cùng tham gia chương trình.
Quỹ đất phát triển cao su hiện nay ở Tây Nguyên được xác định gồm 3 loại: đất trống chưa khai thác; đất canh tác nông nghiệp không hiệu quả và đất rừng tự nhiên.
Với quỹ đất trống, số liệu thống kê các loại đất (2006 - 2007) cho thấy: Tây Nguyên hiện còn 519.579 ha đất chưa sử dụng, nhưng loại đất này phần lớn là đất có độ dốc cao, cằn cỗi, phân tán, không phù hợp để trồng cao su.
Quỹ đất nông nghiệp, gồm 1.593.743 ha, trong đó đất trồng lúa là 160.707 ha; đất đồng cỏ cho chăn nuôi: 4.649 ha; đất trồng cây lâu năm: 847.298 ha và đất trồng cây theo thời vụ: 581.088 ha. Trong 581.088 héc-ta đất trồng cây theo thời vụ, hiện đang có hàng trăm ngàn héc-ta đất bạc màu, canh tác không hiệu quả, chủ yếu đất nương rẫy của đồng bào dân tộc, đây là đối tượng đất cần được quy hoạch ưu tiên đưa vào trồng cao su.
Đất rừng tự nhiên chủ yếu là nhóm đất thuộc đối tượng rừng sản xuất nghèo, kinh doanh lâm nghiệp không hiệu quả, chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường kém, có thể xem xét để chuyển đổi một số diện tích nhất định sang trồng cao su. Hiện nay, loại đất này chưa được quy hoạch, xác định cụ thể, đất rừng sản xuất loại nghèo chủ yếu là rừng khộp, đất xấu, tầng đất mỏng ít phù hợp với cây cao su.
Mặt khác, do độ che phủ của rừng tự nhiên ở Tây Nguyên hiện đang ở mức thấp, chỉ còn dưới 50%, thiếu an toàn cho sự phát triển bền vững nên không thể chuyển đổi thiếu quy hoạch. Theo Quyết định số 25/2008/QĐ-TTg, ngày 5-2-2008, của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010, tổng diện tích rừng ở Tây Nguyên sẽ tăng lên 3,54 triệu héc-ta, độ che phủ của rừng đạt 65%. Vì vậy, việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cao su phải được cân nhắc, xem xét một cách hết sức thận trọng và có trách nhiệm.
Cả nước nói chung và Tây nguyên nói riêng cần giữ gìn, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có. Vì rừng bảo đảm an toàn cho sự phát triển, đóng góp giá trị kinh tế, phòng hộ và bảo vệ môi trường, giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có bão lũ xảy ra, điều tiết độ ẩm, giữ nước ngầm cho sản xuất và đời sống con người khi vào mùa khô... Chúng ta đã có bài học từ khai hoang, di dân trước đây cũng như hiện nay đã làm cho rừng Tây Nguyên bị tàn phá, thu hẹp một cách nhanh chóng. Trên thế giới rất ít quốc gia có chủ trương phá rừng tự nhiên để phát triển cây trồng khác.
Vì vậy, để trồng mới 10 vạn héc-ta cao su theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng đất cần được quy hoạch đầu tiên là đất nông nghiệp đang canh tác cây ngắn ngày không hiệu quả và hiện do các hộ dân quản lý và canh tác. Chúng ta cần có chính sách đầu tư vốn, kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho một đơn vị diện tích, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho nhiều hộ nông dân, trong đó có một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số.
Về mặt xã hội cho thấy, khi đồng bào dân tộc thiểu số có đất được tham gia chương trình trồng cao su, họ sẽ được hưởng những lợi ích mà cây cao su mang lại.
Phát triển các mô hình kinh tế trồng cây cao su ở Tây Nguyên
Có nhiều mô hình do đồng bào dân tộc tham gia trồng cao su mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi cuộc sống cho nhiều hộ cũng như cộng đồng nhiều thôn buôn, điển hình là nông trường cao su Cuôr Đăng thuộc Công ty cao su Đăk Lăk đang quản lý kinh doanh trên diện tích 1.245 ha cao su, trong đó diện tích cao su quốc doanh là 756 ha, cao su liên kết: 489 ha cùng với 79 ha lúa nước, 300 ha cà phê, 99% công nhân và các hộ liên kết đều là đồng bào dân tộc tại chỗ. Nông trường tổ chức hai hình thức thu hút đồng bào trồng cao su:
Mô hình quốc doanh, đối với những hộ có lao động nhưng khả năng tổ chức sản xuất thấp, công ty đưa vào làm công nhân nông trường với mức khoán ổn định, lâu dài, bình quân 2 ha - 3 ha /hộ. Với mô hình này, hộ gia đình công nhân thật sự gắn bó lâu dài với nông trường, tận dụng được lao động trong gia đình để chăm sóc và khai thác vườn cây, các chế độ, chính sách cho người lao động được Công ty bảo đảm. Năm 2007, tiền lương bình quân đạt 3,2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài thu nhập từ tiền lương, các hộ công nhân còn có nguồn thu nhập từ kinh tế vườn. Tổng thu nhập mỗi hộ bình quân đạt từ 50 triệu - 60 triệu đồng/năm.
Mô hình liên kết, những hộ có đất sản xuất và lao động, có khả năng tổ chức sản xuất nhưng thiếu vốn đầu tư được Công ty hỗ trợ đầu tư vốn, kỹ thuật. Hiện nay, mô hình này đã phát triển với quy mô 489 ha cao su, với 105 hộ, diện tích bình quân cho mỗi hộ từ 3 ha đến 5 ha. Công ty đầu tư vốn và sẽ thu hồi trong 13 năm tính từ khi vườn cây đưa vào khai thác ổn định; những năm sau khi thu hồi xong vốn, Công ty cam kết mua lại sản phẩm theo giá thị trường. Nếu theo giá mủ cao su năm 2007, thu nhập bình quân đạt 35 triệu - 40 triệu đồng/ha, với diện tích bình quân 3 ha - 5 ha/hộ, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi hộ đã có thu nhập từ 50 triệu đến 80 triệu đồng/năm. Đây là mô hình đồng bào dân tộc làm cao su, một mô hình độc đáo đầy tính nhân văn cần được quan tâm nhân rộng.
Các mô hình trên cho thấy, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển cao su trên địa bàn Tây Nguyên, bên cạnh một số diện tích vùng tập trung đại điền do các doanh nghiệp đảm nhiệm, đối với phần lớn diện tích còn lại cần tổ chức xây dựng các dự án, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cùng các hộ dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất để liên kết trồng cao su; hoặc doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, giống và tín dụng cho các hộ dân có đất phát triển cao su tiểu điền.
Đề xuất hướng phát triển cho cây cao su Tây Nguyên
Tây nguyên được xác định là vùng trồng cao su lớn thứ 2 của cả nước, diện tích cao su năm 2007 đạt 123 nghìn ha. Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Thủ tướng Chính phủ, trong những năm tới, diện tích đất trồng cao su có khả năng mở rộng khoảng 116 nghìn héc-ta, trong đó từ đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả trên 60 nghìn héc-ta, còn lại sẽ chuyển đổi từ đất rừng nghèo.
Thực hiện chương trình phát triển cao su trong 2 năm 2007 - 2008, các tỉnh Tây Nguyên mới quan tâm quy hoạch để chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cao su. Theo báo cáo của các tỉnh Tây Nguyên đến cuối tháng 7- 2008, toàn vùng đã có 97.713 ha rừng tự nhiên được các tỉnh cho phép các doanh nghiệp khảo sát lập dự án chuyển đổi sang trồng cao su, ngoài ra các doanh nghiệp đã khai hoang thêm 11.657 ha rừng.
Trong khi đó, việc quy hoạch chuyển đất nông nghiệp kém hiệu quả của các hộ dân sang trồng cao su chưa được thực hiện. Trong báo cáo quy hoạch của các tỉnh trong vùng, mới có 2 tỉnh Kon Tum và Đăk Nông tuy đã có quy hoạch chuyển đất nông nghiệp sang trồng cao su (Kon Tum 14.000 ha; Đăk Nông 11.807 ha) nhưng vẫn chưa có dự án và chính sách cụ thể.
Nguyên nhân của sự chậm trễ trên là do các địa phương chưa có chính sách đồng bộ để khuyến khích các doanh nghiệp cùng đồng bào dân tộc chuyển đất nông nghiệp đang canh tác không hiệu quả sang trồng cao su. Mặt khác, các doanh nghiệp hiện nay chưa “mặn mà” với việc liên kết cùng các hộ đồng bào dân tộc một khi các tỉnh đang cho phép họ được khai hoang rừng tự nhiên để trồng cao su đại điền. Cách làm như vậy khiến đồng bào khó có cơ hội tiếp cận với các dự án trồng mới cao su theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Để chủ trương phát triển cao su trên địa bàn Tây Nguyên đạt kết quả, các địa phương cùng Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cần có cơ chế phù hợp, công khai, thu hút đất của các hộ dân (chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc) tham gia liên kết, góp vốn bằng quỹ đất và góp lao động với các doanh nghiệp để trồng cao su, đây là giải pháp tốt nhất nhằm giải quyết xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời đây cũng là phương thức khả thi nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn Tây Nguyên./.
Đà Nẵng, Bình Dương, Vĩnh Phúc có chỉ số PCI cao nhất  (11/12/2008)
Hợp tác APEC là bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại rộng mở của Việt Nam  (11/12/2008)
Nâng cao lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật  (11/12/2008)
Những nỗ lực giảm nghèo ở huyện Thạch Thành  (11/12/2008)
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 có thể đạt 6,5%  (11/12/2008)
WB đánh giá cao nỗ lực bình ổn kinh tế của Việt Nam  (11/12/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên