Những nỗ lực giảm nghèo ở huyện Thạch Thành
Huyện Thạch Thành nằm ở phía bắc tỉnh Thanh Hóa, là huyện miền núi và dân tộc, có hơn 90% số dân thuộc địa bàn nông thôn, kinh tế chậm phát triển, hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém. Nhờ tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, lựa chọn bước đi phù hợp trong tổ chức sản xuất, nỗ lực vượt khó, Thạch Thành đã vượt lên đạt được những kết quả quan trọng, nhất là trong công tác xóa đói, giảm nghèo để phát triển trên lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...
Những nỗ lực giảm nghèo
Thạch Thành có diện tích tự nhiên là 55.811,31 ha, trong đó 21.033 ha là rừng và đất rừng; 11.531 ha đất nông nghiệp; còn lại là diện tích mặt nước, sông, suối, hồ, đầm và đất khác. Với cấu trúc địa chất, địa mạo, huyện Thạch Thành như một “lòng máng” của tự nhiên, nằm dốc nghiêng theo hướng đông bắc - tây nam, tạo thành một gạch nối từ miền núi Tây Bắc là Hòa Bình tới vùng đồng bằng phía bắc Thanh Hóa thuộc khu vực Bắc Trung Bộ. Đia hình chia thành ba vùng tương đối rõ: vùng rừng - đồi núi cao; vùng giữa có đồi rừng xen, thấp, rộng và vùng đồng bằng. Con sông Bưởi chạy suốt chiều dài của huyện, từ Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) tới huyện Vĩnh Lộc rồi đổ vào sông Mã. Về mùa khô, sông ít nước, lòng hẹp, hai bờ dốc đứng, lưu vực sông khô hạn. Nhưng vào mùa mưa lũ, dòng chảy ào ạt với một lưu tốc lớn. Nhiều năm, người dân Thạch Thành phải oằn mình chống chọi với lũ lụt. Trận lũ năm 2007, mức nước lên cao tới 14,7m, phá vỡ nhiều quãng đê và các công trình chống lũ kiên cố, làm cho 22/28 xã, thị trấn của huyện bị ngập chìm trong nước, hậu quả phải khắc phục trong một thời gian dài. Nếu không có những nỗ lực và giải pháp ứng phó phù hợp thì các chu kỳ bão lũ sẽ làm cho Thạch Thành luôn phải đối mặt với tình trạng nghèo kiệt và thiếu đói triền miên. Tuy vậy, Thạch Thành đã biết lựa hướng đi đúng và chọn đối sách, phương châm xử lý phù hợp. Vượt qua khó khăn và thách thức, nền kinh tế của huyện trong nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng khá: từ 10,5% đến 12,5%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, công nghiệp- xây dựng và thương mại, dịch vụ đạt chỉ số 50%, 30%, 20% và đang tiếp tục tăng trưởng theo hướng bền vững. Dựa trên thế mạnh về đất đai và nguồn lực lao động, Thạch Thành đề ra và thực hiện đạt hiệu quả tốt 3 Chương trình trọng điểm trong kinh tế nông, lâm nghiệp là: Chương trình an ninh lương thực; Chương trình sản xuất mía đường và Chương trình phát triển kinh tế trang trại và cải tạo vườn tạp. Sản xuất bước đầu tiếp cận được với cơ chế kinh tế thị trường, sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp được gia tăng về giá trị, đem lại lợi ích cho nông dân do sự hình thành các trung tâm mua bán, giao dịch ở các khu vực trong huyện.
Trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng của Đảng ở một huyện miền núi với trên 90% dân số ở địa bàn nông thôn như Thạch Thành thì phải tính bước đi phù hợp. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn là chiếc chìa khóa quan trọng để thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng giá trị, tạo đà đi lên. Mục tiêu mà huyện hướng tới là: Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; nông dân thoát nghèo và giàu lên trên mảnh đất của họ; nông thôn biến đổi theo hướng hiện đại.
Sau hơn 20 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, Thạch Thành đã tạo được thế ổn định, bước đầu phát triển, bảo đảm cân đối, thực hiện an toàn và an ninh lương thực với mức bình quân đầu người đạt trên 350kg/năm. Kết cấu hạ tầng được xây dựng cơ bản, giao thông phát triển đã chấm dứt tình trạng chia cắt giữa các cơ sở, khu vực trong huyện. Số hộ nghèo hằng năm giảm mạnh, đạt mức trên 7%. Nhà tranh tre, nhà tạm của các hộ nghèo, nhất là các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số về căn bản được xóa bỏ, trên 93% số hộ gia đình nông dân trong huyện có nhà kiên cố và bán kiên cố. Văn hóa - xã hội phát triển, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy tác dụng tích cực trong đời sống cộng đồng. Vấn đề lao động, việc làm được giải quyết khá tốt. Việc thực hiện tốt “Chương trình sản xuất mía đường và cải tạo vườn đồi mở rộng trang trại” đã giải quyết việc làm ổn định cho hàng vạn lao động. Các lĩnh vực quốc phòng, an ninh được giữ vững, xã hội ổn định, diện mạo nông thôn miền núi có bước thay đổi cơ bản, khởi sắc. Các thị trấn trung tâm và khu vực biến đổi, phát triển theo hướng hiện đại.
Thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển của Chính phủ
Thạch Thành đã được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ như: Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006 - 2010) về phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn,vùng đồng bào dân tộc và miền núi; Chương trình 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định số 253 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh miền tây Thanh Hóa. Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng ra Chỉ thị số 08 về hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi. Trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách của Nhà nước, huyện đã vận dụng sáng tạo, tìm phương cách thực hiện phù hợp với thực tế và tôn trọng những nguyện vọng phù hợp của dân, nên việc tiếp nhận đầu tư các chương trình, dự án ở Thạch Thành rất có hiệu quả.
Về chương trình 135 đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển sản xuất; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở; hỗ trợ dịch vụ và trợ giúp pháp lý; đầu tư cho các thôn bản đặc biệt khó khăn: Trong giai đoạn 1, mặc dù suất đầu tư thấp nhưng huyện đã chỉ đạo sâu sát nên các công trình đưa vào sử dụng đạt chất lượng cao, qua thử thách của bão lũ vẫn vững bền, phát huy tác dụng tốt, làm yên lòng nhân dân nơi được thụ hưởng và được các cơ quan chức năng kiểm tra đánh giá cao. Chương trình đang tiếp tục được đầu tư giai đoạn 2 tới tận các thôn bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hai năm 2006 - 2007, huyện được đầu tư 9 công trình xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gồm đường giao thông, hồ đập thủy lợi và đường điện hạ thế. Tổng giá trị xây lắp đã thực hiện đạt trên 505.154 triệu đồng; dự án phát triển sản xuất là 1.080 triệu và hàng tỉ đồng cho các dự án khác. Năm 2008, huyện tiếp tục được Nhà nước đầu tư theo các danh mục và tiêu chí quy định của Chính phủ. Phát huy những kết quả và kinh nghiệm quản lý các năm trước, lãnh đạo huyện đang tổ chức chỉ đạo tiếp nhận vốn đầu tư và khẩn trương thực hiện có kết quả các công trình xây dựng và nội dung, chương trình các dự án.
Về thực hiện Chương trình 134, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn: Năm 2005, kế hoạch tỉnh giao hỗ trợ về nhà ở cho 576 hộ nghèo, mức 5 triệu đồng/hộ (2.880 triệu đồng), huyện huy động từ nhân dân được 5.670 triệu đồng, đạt mức 15 triệu đồng/hộ, nâng tổng số tiền thực hiện lên 8.640 triệu đồng. Năm 2007, tổng đầu tư được 902 hộ với số tiền 15.063,4 triệu đồng, trong đó vốn của Nhà nước đầu tư chỉ có 4.510 triệu đồng, còn lại huy động từ dân là 10.553,4 triệu, đạt mức 16,7 triệu đồng/hộ. Chỉ tính đến tháng 6-2008, huyện đã hỗ trợ đầu tư xây dựng cho 552/789 hộ nghèo với tổng trị giá 8.800 triệu đồng; 12/35 công trình nước sinh hoạt tập trung đang được thi công và các công trình nước sinh hoạt phân tán cũng đang tiếp tục được đầu tư. Về đất ở cho hộ nghèo, cũng bằng biện pháp vận động tương trợ, hỗ trợ trong cộng đồng, huyện đã giải quyết cho 433 hộ thiếu đất ở của 23 xã trong toàn huyện.
Về chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn trên toàn địa bàn dân cư, xóa nhà tạm theo Chỉ thị số 08 của Tỉnh ủy (Chương trình 08): Trong 5 năm, Thạch Thành huy động sự đóng góp, ủng hộ từ các tổ chức và nhân dân trên địa bàn được 3.288 triệu đồng và 13.947 triệu đồng từ vốn gia đình, dòng họ giúp hộ nghèo, hỗ trợ xây dựng xong 1.145 căn nhà, sáu tháng đầu năm 2008 tiếp tục xây dựng thêm 52 căn nhà mới phát sinh, cơ bản xóa được tình trạng nhà tạm trên đia bàn huyện.
Chương trình thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định số 253 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: Dự án hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, thủy lợi, điện, nước, bưu chính viễn thông, kiên cố trường lớp học và công trình văn hóa - thể thao); Dự án phát triển sản xuất kinh doanh (phát triển chăn nuôi miền núi; trồng rừng mới trong Dự án trồng mới 5 triệu héc-ta rừng, phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, dịch vụ). Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm 2 tuyến đường giao thông liên xã, liên huyện với tổng vốn đươc duyệt trong 3 năm (2006 - 2008) là 10.248 triệu đồng, trong đó đã thực hiện được 5.200 triệu đồng; đang thi công công trình hồ chứa nước K32 với tổng vốn đầu tư 5.517 triệu đồng. Huyện cũng đang được Nhà nước quan tâm cấp vốn cho một dự án nâng cấp, tu bổ đê sông Bưởi và Chương trình “chung sống với lũ”, giá trị mức huy động đầu tư đạt tới hàng trăm tỉ đồng. Về các dự án sản xuất kinh doanh, từ 2006 đến nay, huyện đã thực hiện trồng mới gần 500 ha rừng bảo đảm theo yêu cầu chất lượng và kỹ thuật.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện các dự án đang phải đối diện với nhiều khó khăn như: tốc độ gia tăng giá các loại nguyên vật liệu và hàng hóa, suất đầu tư các dự án lại quá thấp, nhiều cơ chế, quy định không còn phù hợp... Nhà nước cần kịp thời nghiên cứu thay đổi và bổ sung chế độ chính sách cho phù hợp như: tăng giá trị suất đầu tư các dự án, cho phép địa phương và cơ sở được vận dụng lồng ghép các dự án để tránh tình trạng kéo dài, kém hiệu quả. Việc cung cấp vốn đầu tư của các dự án thực hiện quá chậm, dẫn đến tình trạng dồn ép vốn tạo ra áp lực trong khi giải ngân, song hành với việc kéo dài thời gian xây dựng các công trình.
Giải pháp thoát nghèo, phát triển bền vững
Tuy đạt được một số thành tựu cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng Thạch Thành vẫn phải đối mặt trước những khó khăn, thách thức lớn: điểm xuất phát nền kinh tế của huyện nằm trong nhóm thấp nhất trong tỉnh Thanh Hóa; điều kiện tự nhiên và đất đai không thuận lợi; hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém; các nguồn lực nghèo kiệt. Đa số người lao động chưa qua đào tạo nên rất ít có cơ hội kiếm việc làm tốt để có thu nhập khá...
Để đạt được những thành tựu cơ bản và vững tin bước vào giai đoạn mới thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, mục tiêu phát triển được đảng bộ huyện xây dựng thành 5 chương trình trọng điểm, trong đó 3 chương trình chủ yếu đang được tập trung thực hiện là: Chương trình kinh tế nông nghiệp và chăn nuôi, đưa giá trị chăn nuôi lên 50% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, phát triển ngành nghề và mở rộng dịch vụ phục vụ sản xuất, chuyển dịch 20% số lao động nông nghiệp sang dịch vụ công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp; Chương trình nâng cấp xây dựng kết cấu hạ tầng bằng huy động mọi nguồn lực để đạt được 100% tuyến đường nhựa liên xã, 50% tuyến đường nhựa, đường bê tông liên thôn, 80% số phòng học được xây dựng kiên cố và phấn đấu đến năm 2010, giảm bền vững tỷ lệ hộ nghèo hằng năm 5% theo chuẩn mới, tạo ra sự biến đổi sâu sắc, toàn diện trên địa bàn huyện.
Để đạt được mục tiêu trên, huyện đã đề ra những giải pháp đồng bộ có tính khả thi, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục tạo sự chuyển biến nhanh trong sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong kinh tế nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị trên thị trường; tăng cường thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, giúp nông dân làm ăn có hiệu quả.
Thứ hai, chú trọng đào tạo nghề cho người lao động, mở rộng các nghề mới và khôi phục các nghề truyền thống; phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng dân tộc; thực hiện có hiệu quả các chính sách trợ giá, trợ cước, sử dụng và điều hành tốt các nguồn đầu tư phát triển của Nhà nước, thu hút đầu tư từ bên ngoài; khai thác tốt các nguồn lực trong dân và có kế hoạch ổn định để giúp nông dân tiêu thụ các nông sản thực phẩm hàng hóa, tránh bị ép giá, nhất là những sản phẩm đặc sản của địa phương.
Thứ ba, trên cơ sở diện tích đất hiện có, khuyến khích hướng dẫn nhân dân mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi, có năng suất và giá trị cao; duy trì tốt diện tích trồng mía nguyên liệu và phát triển thêm nhiều diện tích trồng cao su, nhất là diện tích cao su tiểu điền, để tạo ra một thế mạnh mới của nông dân vùng đồi rừng trong huyện.
Thứ tư, tăng cường năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, xây dựng hệ thống chính trị đủ mạnh, đội ngũ cán bộ có năng lực điều hành, đủ uy tín và trình độ để tổ chức thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên chú trọng nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện dân chủ thực sự./.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 có thể đạt 6,5%  (11/12/2008)
WB đánh giá cao nỗ lực bình ổn kinh tế của Việt Nam  (11/12/2008)
Khai mạc Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột 2008  (11/12/2008)
Doanh nghiệp trẻ Việt Nam đoàn kết - khát vọng - đột phá - phát triển  (10/12/2008)
Bế mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 26  (10/12/2008)
Xăng giảm 1.000 đồng/lít  (10/12/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên