Bản cáo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương năm 2009 của Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 10-12-2008 nhận định, ở khu vực Đông Á, các luồng vốn đầu tư có nguy cơ suy giảm hơn nữa, thậm chí sẽ lựa chọn khắt khe hơn hiện tại. Giá cả hàng hóa có thể tiếp tục sụt giảm nếu tăng trưởng trên toàn cầu suy giảm thêm, làm tăng khả năng giảm phát và các thách thức kèm theo. Vì thế, kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, tăng trưởng Việt Nam trong năm 2009 sẽ là 6,5%.

Ở Việt Nam, theo đánh giá của WB, tuy không tránh khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu tới kinh tế trong nước, nhưng mức độ ảnh hưởng chưa nặng nề bởi khu vực tài chính ngân hàng của Việt Nam chưa trực tiếp tham gia vào giao dịch các sản phẩm rủi ro phức tạp trên. Các định chế tài chính nước ngoài của Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng nhưng tỷ lệ sở hữu của chúng còn khá khiêm tốn trong khu vực tài chính ngân hàng của Việt Nam.

Việt Nam cần một phản ứng linh hoạt, hiệu quả
 
Khi được yêu cầu bình luận về những phản ứng của Chính phủ Việt Nam trước tình hình khó khăn vừa qua, ông Mác-tin Ra-ma (Marin Rama), Quyền giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam phản ứng hơi muộn, nhưng không quá muộn. Phản ứng của Việt Nam được đánh giá tương đối tốt và đã có hiệu quả. Bởi Việt Nam đã có sẵn những cải cách về cơ cấu trước khi bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nên có những ứng phó tốt hơn với cuộc khủng hoảng này. Bây giờ là cơn khủng hoảng thứ hai mà châu Á chịu tác động, và nó cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành tài chính, ngân hàng, vì thế Việt Nam cũng cần có phản ứng nhanh chóng và chính xác, linh hoạt. Tuy nhiên, ông Mác-tin nhìn nhận: "Mọi người đều cảm thấy lo lắng về tương lai sắp tới nhưng tôi cho rằng, Việt Nam sẽ có khả năng tốt hơn để ứng phó với những tác động của cuộc khủng hoảng đó. Cái quan trọng nhất chúng ta cần làm bây giờ là tiếp tục cải cách, cải tiến trong vấn đề quản lý tài chính".
 
... để mau chóng phục hồi nền kinh tế vào năm 2009.
 
Đánh giá cao việc Chính phủ thực hiện gói giải pháp ổn định kinh tế được đưa ra hồi tháng 3-2008, trên cơ sở những tính toán của WB, báo cáo đã đưa ra những nhìn nhận lạc quan về tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2008-2009, dự báo, sẽ đạt 6,5%. Con số này khả quan hơn so với dự báo tăng trưởng 5% của Quỹ Tiền tệ quốc tế và cũng phù hợp với mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đề ra. Ông Mác-tin Ra-ma thừa nhận, một số tổ chức có những đánh giá khác nhưng WB có hai lý do để đưa ra dự báo như vậy. Đó là, thứ nhất, trước khủng hoảng, Việt Nam đã tăng cường rất mạnh khả năng xuất khẩu của mình. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như dệt may, thuỷ sản đã tăng nhanh trong thời gian ngắn. Vì vậy, khủng hoảng có thể khiến tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam giảm, nhưng không quá nghiêm trọng để rơi vào suy thoái. Thứ hai, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chắc chắn sẽ giảm trong năm 2009 cả giá trị phê duyệt lẫn giá trị giải ngân, nhưng Việt Nam vẫn sẽ nhận được một lượng FDI đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Bởi theo số liệu mới nhất, giá trị phê duyệt FDI trong 10 tháng đầu năm 2008 đã đạt mức kỷ lục là 59,3 tỉ USD, bằng khoảng 2/3 GDP. Giải ngân trong năm 2008 dự kiến sẽ đạt khoảng 11 tỉ USD, tăng so với 8,1 tỉ USD của năm 2007.

Các giải pháp thích hợp trước hết mà Việt Nam cần làm hiện nay là ưu tiên bình ổn kinh tế, tiếp tục giám sát các hoạt động ngân hàng, đảm bảo linh hoạt trong điều hành và xử lý các bất cập nảy sinh từ cán cân thanh toán. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong bối cảnh suy giảm xuất khẩu và đầu tư FDI cũng rất quan trọng. Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra độ linh hoạt nhất định trong việc duy trì tổng cầu.

Cũng theo WB, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 2,5% trong năm 2008 và 0,9% trong năm 2009. Mức tăng trưởng của các nước đang phát triển sẽ giảm từ 7,9% trong năm nay xuống 4,5% trong năm sau, trong khi mức tăng trưởng của các nước phát triển tiếp tục có những tín hiệu xấu. Giá dầu mỏ thế giới trong năm tới ở mức trung bình khoảng 75 USD/thùng và giá lương thực dự kiến giảm 23% so với mức trung bình năm 2008./.