TCCS - Sau gần 15 năm thành lập và phát triển, tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2023, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần đầu tiên quyết định mở rộng thành viên. Tính tới tháng 5-2024, đã có thêm năm nước gia nhập BRICS, nâng tổng số thành viên của nhóm lên 10 quốc gia với quy mô hợp tác và ảnh hưởng ngày càng lớn. Đáng chú ý, theo các chuyên gia, các thành viên mới đều là các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông - châu Phi, do vậy sẽ có tác động lớn tới cục diện khu vực và thế giới.

BRICS lần đầu tiên kết nạp thành viên mới

Nhóm BRICS là tổ chức liên chính phủ gồm năm nước thành viên là Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nga và Trung Quốc. Tiền thân của BRICS là nhóm BRIC do Nga thúc đẩy thành lập gồm bốn nước sáng lập là Ấn Độ, Brazil, Nga và Trung Quốc vào năm 2009. Năm 2010, Nam Phi, thành viên nhỏ nhất xét về tương quan ảnh hưởng kinh tế và quy mô dân số, gia nhập BRIC, đưa nhóm BRIC trở thành nhóm BRICS như hiện nay. Sau khi thành lập, BRICS nổi lên trở thành một trong những tổ chức kinh tế - chính trị có tiềm lực và ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, hướng tới mục tiêu tái cân bằng quyền lực kinh tế và chính trị thế giới, ưu tiên hợp tác kinh tế, thương mại và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại thành phố Johannesburg, Nam Phi, ngày 24-8-2023 _Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Hội nghị thượng đỉnh của BRICS do Nam Phi đăng cai tổ chức vào tháng 8-2023, lần đầu tiên kể từ khi được thành lập, BRICS xem xét mở rộng thành viên. Trong Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh 2023(1), BRICS thông báo quyết định mời sáu quốc gia gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia trở thành thành viên chính thức của BRICS kể từ ngày 1-1-2024. Theo đó, sau khi Hội nghị kết thúc, sáu nước này có thời gian là bốn tháng để xem xét hoàn thiện thủ tục cần thiết trước khi trở thành thành viên chính thức của nhóm, bao gồm việc cử đại diện tham gia Ban Thư ký của BRICS và gửi thư thông báo chấp thuận lời mời gia nhập tới Chủ tịch luân phiên của BRICS. Tuy nhiên, vào tháng 12-2023, Tổng thống đắc cử của Argentina Javier Milei tuyên bố nước này không gia nhập BRICS với lý do đang trong giai đoạn điều chỉnh chính sách đối ngoại.

Tính tới tháng 5-2024, đã có bốn quốc gia là Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE thông báo chính thức gia nhập BRICS. Saudi Arabia mặc dù chưa đưa ra tuyên bố chính thức gia nhập BRICS, song vẫn cử đại diện, trong đó có quan chức cấp Bộ trưởng tham dự nhiều cuộc họp của BRICS dưới sự chủ trì của Nga. Đồng thời, trong phát biểu với vai trò Chủ tịch luân phiên BRICS năm 2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng xác nhận Saudi Arabia  là thành viên của BRICS(2).

Sau khi mở rộng, nhóm BRICS nâng tổng số lên thành 10 nước thành viên với nội hàm, quy mô, cơ chế hợp tác và các quy trình hoạt động ngày càng được hoàn thiện. Về cơ chế hợp tác, BRICS vẫn duy trì hoạt động theo cơ chế đồng thuận, có Ban Thư ký điều phối thông tin giữa các nước thành viên và chương trình hoạt động của nhóm dựa trên chương trình nghị sự hằng năm của nước Chủ tịch luân phiên. Về tên gọi, BRICS vẫn sử dụng tên gọi BRICS trong các văn bản, hội nghị chính thức, bao gồm cả các hoạt động trong năm 2024 do Nga làm Chủ tịch luân phiên. Bên cạnh tên gọi BRICS, trong giới nghiên cứu quốc tế, nhiều học giả, chuyên gia cũng sử dụng tên gọi của nhóm sau khi mở rộng là BRICS Cộng (BRICS+) - tên gọi được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2023. Về nội hàm, quy mô hợp tác, sau gần 15 năm phát triển, hợp tác trong khuôn khổ BRICS ngày càng được mở rộng, toàn diện hơn, tập trung trên ba trụ cột chính là: 1- Chính trị và an ninh; 2- Kinh tế và tài chính; 3- Văn hóa và giao lưu nhân dân. Các lĩnh vực hợp tác ngày càng được làm sâu sắc hơn, cả trong hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư tới y tế, giáo dục, du lịch, lao động, lương thực, phòng, chống tham nhũng, công nghệ số... Hiện nay, BRICS hướng đến ba mục tiêu chính: Một là, nâng cao vai trò của các nước BRICS tại các thể chế quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và quá trình cải cách trật tự quốc tế với vị thế lớn hơn dành cho BRICS và các nước đang phát triển; hai là, thúc đẩy hợp tác kinh tế, lưu thông hàng hóa, đầu tư và thanh toán thuận lợi, nâng cao tiếng nói của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển tại các cơ chế đa phương toàn cầu, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước phát triển; ba là, tăng cường đoàn kết, hợp tác chặt chẽ giữa các nước thành viên, vì hòa bình, phát triển của nhân loại. Về tiêu chuẩn thành viên và thủ tục kết nạp, tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 8-2023(3), BRICS thông qua tuyên bố về nguyên tắc, tiêu chuẩn, thủ tục cần thiết đối với việc mở rộng thành viên. Theo đó, một quốc gia muốn gia nhập BRICS cần đáp ứng ba tiêu chuẩn chính sau: 1- Tuân thủ các nguyên tắc hoạt động của BRICS; 2- Là thành viên của Liên hợp quốc và là quốc gia đang phát triển hoặc mới nổi, có tầm ảnh hưởng; 3- Có quan hệ tốt với tất cả các nước thành viên BRICS. Sau khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thành viên, các nước mong muốn gia nhập nhóm cần phải trải qua quá trình sáu bước trước khi trở thành thành viên chính thức của BRICS(4).

Sau khi kết nạp thêm năm nước thành viên mới, vai trò, vị thế trong cục diện địa kinh tế quốc tế của BRICS ngày càng được nâng cao. Về kinh tế, theo số liệu đầu năm 2024, BRICS chiếm gần 37,3% GDP toàn cầu(5), 25% kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên trong năm 2024 cũng ở mức tích cực, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của thế giới. Theo báo cáo cập nhật tháng 4-2024(6), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước BRICS trong năm 2024 lần lượt là: Ấn Độ đạt 6,8%, Ethiopia đạt 6,2%, Trung Quốc đạt 4,6%, UAE là 3,5%, Iran là 3,3%, Nga: 3,2%, Ai Cập: 3%, Brazil: 2,2% và Nam Phi đạt 0,9%. Về dân số và tài nguyên, BRICS chiếm gần 46% dân số thế giới, hơn 40% cung ứng dầu mỏ, 32% cung ứng khí ga và hơn 50% trữ lượng khí ga của thế giới(7). Việc kết nạp thêm các nước thành viên mới góp phần quan trọng giúp củng cố và tăng cường vai trò của BRICS với tư cách là nhà cung cấp lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng và nguyên liệu thô, đặc biệt là về dầu khí, ma giê và than chì.

Tác động tới cục diện khu vực và quốc tế

BRICS được mở rộng trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực Trung Đông - châu Phi có nhiều diễn biến mới với tính phức tạp, bất ổn, bất định gia tăng: Một là, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều thách thức tới từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và xu hướng gia tăng “chính trị hóa”, “an ninh hóa” các quan hệ hợp tác; hai là, cạnh tranh chiến lược, thậm chí “đối đầu” gia tăng mạnh mẽ giữa một bên là Nga, Trung Quốc với một bên là Mỹ, phương Tây, thúc đẩy cả hai khối đẩy mạnh mở rộng tập hợp lực lượng nhằm giành thế chủ động trong cạnh tranh; ba là, Trung Đông - châu Phi trở thành khu vực “trọng tâm” trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn với sự can dự ngày càng sâu rộng, nhất là trong hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh và tiến trình giải quyết các vấn đề tồn tại từ lâu như xung đột giữa Israel và Palestine, vấn đề hạt nhân Iran, chiến sự tại Syria, Lybia và khu vực Sahel...; bốn là, sự nghi kỵ, thậm chí phản đối của các nước khu vực với sự hiện diện của Mỹ và các nước phương Tây gia tăng, tác động lớn tới lợi ích của nhiều nước, nhất là các nước khu vực Trung Đông; năm là, các quốc gia đang phát triển tại khu vực tích cực đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, trong đó mở rộng hợp tác về kinh tế, thương mại, công nghệ và tiếp cận thị trường, nguồn lực đầu tư với Trung Quốc, Nga.

Trong bối cảnh đó, việc năm quốc gia khu vực Trung Đông - châu Phi gia nhập BRICS có ý nghĩa quan trọng, tác động nhiều chiều tới cục diện quốc tế và khu vực, cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế và ảnh hưởng của BRICS. Bên cạnh Liên hợp quốc, BRICS hiện là tổ chức đa phương duy nhất có sự tham gia của các nước lớn, các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với cả Iran và Saudi Arabia.  

Theo đó, xét về ý nghĩa địa - chính trị, việc cả năm thành viên mới của BRICS đều là các quốc gia có vai trò quan trọng tại khu vực không chỉ giúp BRICS nâng cao vị thế trong kết nối, trung chuyển quốc tế, mà còn giúp BRICS gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông - châu Phi và thế giới Hồi giáo. Trong khi Ai Cập là nơi đặt trụ sở của Liên đoàn Arab (AL), Ethiopia là nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Phi (AU), Arab Saudi là nơi đặt trụ sở của Tổ chức hợp tác vùng Vịnh (GCC), Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC), thì Iran là quốc gia có ảnh hưởng lớn trong thế giới Hồi giáo và UAE là quốc gia năng động, tích cực thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hội nhập quốc tế của khu vực. Về quốc phòng, an ninh, lần mở rộng này không chỉ giúp tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh giữa các nước thành viên BRICS với các quốc gia mới gia nhập, mà còn tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại vũ khí của Nga, Trung Quốc tại các khu vực, nhất là tại Trung Đông. Thời gian qua, chi tiêu quân sự tại khu vực Trung Đông - châu Phi tăng mạnh, nhất là sau khi bùng phát một số cuộc đảo chính tại khu vực Sahel và xung đột giữa Israel với lực lượng Hamas và đồng minh. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ngày 22-4-2024 (8), chi tiêu quân sự của khu vực Trung Đông - châu Phi chiếm khoảng 10,3% tổng chi tiêu quân sự của thế giới trong năm 2023. Cũng trong năm này, chi tiêu quân sự của Trung Đông tăng 9% và của châu Phi tăng 22% so với năm 2022, lần lượt đạt khoảng 200 tỷ USD và 51,6 tỷ USD. Trong đó, Arab Saudi là quốc gia chi tiêu nhiều nhất với 75,8 tỷ USD.

Thứ hai, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, vai trò của khu vực Trung Đông - châu Phi trên trường quốc tế, nhất là tại các thể chế đa phương quốc tế lớn, quan trọng.

Trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức dai dẳng, việc gia nhập BRICS giúp các quốc gia khu vực tận dụng được ảnh hưởng, sự hỗ trợ của BRICS nói chung cũng như của Trung Quốc và Nga nói riêng cùng thúc đẩy sớm giải quyết những vấn đề còn tồn tại, góp phần bảo đảm môi trường an ninh, ổn định cho phát triển. Đơn cử như với Ai Cập, nước này muốn tận dụng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc giúp tham gia giải quyết các thách thức an ninh, như nội chiến tại Lybia, Sudan, xung đột tại Trung Đông và đặc biệt là vấn đề nguồn nước sông Nile. Với Ethiopia, gia nhập BRICS giúp quốc gia Bắc Phi này làm sâu sắc hơn quan hệ với Trung Quốc, Nga, tranh thủ sự ủng hộ của các nước này tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc liên quan tới vấn đề xung đột tại khu vực Tigray ở phía bắc Ethiopia. Với Iran, tham gia BRICS giúp nước này giảm bớt tác động từ sự cô lập của Mỹ và phương Tây, hạn chế ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt kinh tế, gia tăng thu hút nguồn lực cho phát triển. Với UAE và Saudi Arabia, gia nhập BRICS vừa giúp nâng cao vị thế của hai nước này trong tổng thể chính sách của Mỹ tại khu vực Trung Đông, vừa gia tăng tính tự chủ trong chính sách phát triển.

Bên cạnh đó, thông qua việc gia nhập BRICS, năm quốc gia khu vực góp phần quan trọng gia tăng ảnh hưởng, củng cố và nâng cao vị thế của khu vực Trung Đông - châu Phi trong bản đồ địa - chính trị thế giới: Một là, làm sâu sắc quan hệ hợp tác, tin cậy với các nước thành viên BRICS, nhất là với Trung Quốc và Nga, tận dụng nguồn lực, ảnh hưởng của BRICS cùng xây dựng môi trường an ninh, phát triển tại khu vực, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc phòng, an ninh; hai là, khẳng định xu hướng theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, đa phương hóa, đa dạng hóa, nâng cao tính tự chủ và chủ trương “đa liên kết” trong quan hệ đối ngoại tại khu vực, vừa mở ra cơ hội hợp tác mới, vừa nâng cao vị thế, giá trị chiến lược trong quan hệ với nước lớn. Theo đó, thay vì thực hiện chủ trương không liên kết, không tham gia các tổ chức do Mỹ, Trung Quốc, Nga dẫn dắt, các nước này tích cực tham gia các diễn đàn, khuôn khổ hợp tác với cả hai bên, nhằm tận dụng cơ hội hợp tác từ cả hai phía.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự Hội nghị thượng đỉnh bất thường trực tuyến của nhóm BRICS về xung đột Hamas - Israel, ngày 21-11-2023_Ảnh: AFP/TTXVN

Thứ ba, gia tăng tính cạnh tranh, phức tạp, khó lường của cục diện khu vực Trung Đông - châu Phi. Cạnh tranh chiến lược, tập hợp lực lượng của nước lớn tại khu vực ngày càng đa dạng, đa tầng nấc với ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Trung Quốc và Nga.

Thời gian qua, các nước lớn đẩy mạnh tập hợp lực lượng, gia tăng ảnh hưởng, thúc đẩy sự tham gia của các nước khu vực Trung Đông - châu Phi vào các cơ chế hợp tác đa phương, như: 1- Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) kết nạp Iran (tháng 7-2023), thiết lập quan hệ đối tác đối thoại với Ai Cập, Qatar và Saudi Arabia vào tháng 9-2022, với Kuwai và UAE (tháng 5-2023); 2- Mỹ thành lập nhóm I2U2 gồm Mỹ, UAE, Ấn Độ và Israel vào tháng 10-2021; 3- Mỹ, Trung Quốc, Nga đẩy mạnh phối hợp với các nước khu vực, tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị cấp cao mang tính lịch sử như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi vào tháng 12-2022, Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi vào tháng 7-2023, Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi lần thứ 8 vào tháng 12-2021… Trong bối cảnh “đối đầu” Đông - Tây, cạnh tranh chiến lược gia tăng, việc Trung Quốc, Nga thành công thúc đẩy kết nạp năm quốc gia có vị trí, vai trò quan trọng tại khu vực Trung Đông - châu Phi gia nhập BRICS giúp cả Trung Quốc và Nga nâng cao vị thế trong tương quan so sánh lực lượng với Mỹ và phương Tây tại khu vực cũng như trên toàn cầu. Thông qua việc đề cao khẩu hiệu đi đầu trong đấu tranh cho lợi ích của các nước phía Nam Bán cầu, bao gồm cả các nước nghèo đói khỏi chủ nghĩa tư bản phương Tây, xây dựng các luật lệ, khuôn khổ hợp tác mới, Trung Quốc và Nga ngày càng nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm cao của nhiều quốc gia khu vực Trung Đông - châu Phi, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình cải cách trật tự quốc tế, xây dựng trật tự đa cực, đa trung tâm.

Thứ tư, thúc đẩy giải quyết các điểm nóng khu vực, nhất là các cuộc xung đột và chiến sự lâu năm. Nhờ lợi thế tập hợp nhiều quốc gia có ảnh hưởng, BRICS sẽ trở thành diễn đàn quan trọng để các quốc gia, các bên liên quan đẩy mạnh trao đổi, giải quyết các vấn đề khu vực, vốn gặp nhiều trở ngại do khác biệt lợi ích của các bên liên quan tại các điểm nóng với Mỹ, phương Tây, như vấn đề nội chiến ở Yemen, xung đột tại Sudan, vấn đề hạt nhân Iran hay các cuộc xung đột tại khu vực Sahel. Kể từ khi mở rộng, BRICS đã tổ chức nhiều hội nghị, cuộc gặp ở nhiều cấp độ giữa các nước thành viên để trao đổi, cùng tìm giải pháp cho các vấn đề khu vực, đáng chú ý là cuộc gặp của nhóm giúp việc BRICS về chống khủng bố và rửa tiền (tháng 2-2024), cuộc gặp của nhóm công tác BRICS về ngăn chặn và ứng phó với tình huống khẩn cấp (tháng 4-2024), tham vấn cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao BRICS về tình hình Trung Đông - Bắc Phi (tháng 4-2024). Tuy nhiên, triển vọng đạt được giải pháp đột phá trong ngắn hạn còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do khác biệt lợi ích giữa các bên cũng như sự can dự từ bên ngoài.

Thứ năm, gia tăng sử dụng đồng nội tệ của các nước thành viên BRICS, nhất là đồng nhân dân tệ và đồng rúp trong giao dịch quốc tế, thúc đẩy tiến trình thiết lập đồng tiền chung nội khối BRICS và quá trình “phi đô-la hóa” trong thương mại quốc tế. Thời gian qua, các nước thành viên BRICS, đi đầu là Trung Quốc, Nga đẩy mạnh thực hiện các hoạt động giao dịch thanh toán bằng đồng nội tệ trong các thỏa thuận hợp tác. Tại cuộc gặp vào tháng 2-2024, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước thành viên BRICS nhấn mạnh việc đẩy mạnh thanh toán bằng đồng nội tệ là một trong những ưu tiên hàng đầu của BRICS trong năm 2024. Một số quốc gia mới như Ai Cập, Iran thông báo sẽ tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán với các nước thành viên. Hiện thương mại giữa Trung Quốc và Nga hay giữa Nga với Iran được thanh toán chủ yếu bằng đồng nội tệ. Cùng với đó, tiến trình thành lập đồng tiền chung BRICS cũng tích cực được thúc đẩy, góp phần đẩy nhanh quá trình giảm sự phụ thuộc vào đồng USD hay còn gọi là quá trình “phi đô-la hóa” trong thương mại quốc tế dù còn gặp không ít thách thức.

Triển vọng mở rộng BRICS tại khu vực Trung Đông - châu Phi thời gian tới

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu sau khi kết nạp thành công thêm năm nước thành viên mới, song nỗ lực mở rộng, kết nạp thành viên của BRICS cũng sẽ gặp không ít trở ngại, bao gồm cả các thách thức từ bên trong và bên ngoài.

Về các thách thức nội tại, BRICS đối mặt với việc hiện thực hóa mục tiêu trở thành một tổ chức đoàn kết, thống nhất, mạnh: 1- Sự đa dạng về hệ thống chính trị, tôn giáo, văn hóa là trở ngại lớn trong triển khai mục tiêu làm sâu sắc quan hệ hợp tác, kết nối giữa các nước thành viên, thúc đẩy xây dựng thị trường chung và đồng tiền chung nội khối; 2- Tồn tại bất đồng, xung đột giữa các thành viên, nhất là giữa các nước mới gia nhập, như giữa Iran và Saudi Arabia, giữa Ethiopia và Ai Cập. Trong khi Iran và Saudi Arabia tồn tại bất đồng về vai trò, vị thế lãnh đạo của hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni, thì Ai Cập và Ethiopia đang tồn tại xung đột về quản lý nguồn nước xoay quanh dự án đập thủy điện Đại phục hưng của Ethiopia, nguy cơ làm giảm nguồn nước sông Nile của Ai Cập; 3- Cơ chế hoạt động còn hạn chế, nhất là quy tắc đồng thuận và chương trình hoạt động của Nhóm phụ thuộc vào nước Chủ tịch luân phiên.

Về thách thức từ bên ngoài, một là, sự lôi kéo, sức ép của Mỹ và phương Tây đối với các quốc gia có ý định gia nhập BRICS. Trên thực tế, mặc dù không công khai phản đối việc mở rộng thành viên của BRICS tại khu vực Trung Đông - châu Phi, song Mỹ và một số nước phương Tây cũng gửi đi tín hiệu “cảnh báo” đáng chú ý đến các quốc gia có ý định gia nhập BRICS. Tháng 8-2023, phát biểu ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh BRICS kết thúc, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ J. Sullivan có phần “hạ thấp” vai trò của BRICS khi cho biết BRICS còn tồn tại nhiều khác biệt, nhất là trong các vấn đề quan trọng. Trong khi đó, theo các chuyên gia, việc Argentina từ chối lời mời của BRICS và phần nào là Indonesia chưa chính thức đề nghị gia nhập BRICS mặc dù Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8-2023 xuất phát từ những lo ngại về nguy cơ suy giảm quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây.

Hai là, cạnh tranh từ các thể chế đa phương do Mỹ dẫn dắt, như Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Thời gian qua, Mỹ và các nước phương Tây đẩy mạnh tuyên truyền, nhấn mạnh các cơ chế đa phương do Mỹ và các nước phương Tây dẫn dắt như G20 hay G7 mới là các diễn đàn hợp tác hàng đầu, vừa đáp ứng mong muốn của các nước tham gia, vừa giúp giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu, đóng góp vào tiến trình phát triển chung của thế giới.

Ba là, quan ngại của Mỹ, phương Tây về “mối đe dọa” từ sự mở rộng của BRICS tới lợi ích tại khu vực Trung Đông - châu Phi. Nhiều nhà nghiên cứu, học giả phương Tây cho rằng mặc dù chưa là một đối thủ địa - chính trị, song việc BRICS mở rộng thành viên tại khu vực Trung Đông - châu Phi là tín hiệu đáng quan ngại tới Mỹ và phương Tây khi không chỉ các “đối thủ” về ý thức hệ như Trung Quốc, Nga đang ngày càng thắt chặt quan hệ, mở rộng tập hợp lực lượng tại khu vực, mà còn cả các quốc gia có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Mỹ tại khu vực cũng đang dần “rời xa” Mỹ, tìm kiếm các liên minh mới không có Mỹ, khiến vị thế của Mỹ tại khu vực Trung Đông - châu Phi suy giảm.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, theo các chuyên gia, BRICS sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình mở rộng thành viên cũng như hoàn thiện cơ chế hợp tác của nhóm để nâng cao hơn nữa vị thế, ảnh hưởng như là một tổ chức đa phương hàng đầu thế giới. Phát biểu vào tháng 2-2024 - vài tuần sau khi BRICS mở rộng thành viên lần đầu tiên sau hơn một thập niên - Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor cho biết, có không ít quốc gia đang phát triển, trong đó có các nước thuộc khu vực Trung Đông - châu Phi, như Algeria, Bahrain, Kuwait, Nigeria... có ý định gia nhập BRICS (9). Do vậy, Trung Đông - châu Phi sẽ tiếp tục là một trong những địa bàn trọng yếu trong cạnh tranh, tập hợp lực lượng của các nước lớn, gia tăng tính bất định, đe dọa an ninh, hòa bình, ổn định tại khu vực.

Đối với Việt Nam, việc BRICS đã và đang tiếp tục tiến trình mở rộng thành viên tác động nhất định tới Việt Nam, đan xen cả cơ hội và thách thức. Về cơ hội, thời gian qua, việc dư luận quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn gia nhập BRICS giúp Việt Nam nâng cao vị thế quốc tế như là quốc gia đang phát triển có ảnh hưởng tại khu vực. Trở thành thành viên của BRICS sẽ không chỉ mang lại thêm nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, mà còn giúp gia tăng thu hút nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các nước thành viên. Về thách thức, triển vọng tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các nước, nhất là các quốc gia khu vực Trung Đông - châu Phi sẽ gặp khó khăn nhất định do sự gia tăng bất ổn dưới tác động từ cạnh tranh chiến lược nước lớn. Đồng thời, Việt Nam cũng đứng trước áp lực trong việc cân bằng quan hệ với nước lớn nếu quyết định gia nhập BRICS./.

------------------------

(1) Xem: “XV BRICS Summit Joannesburg II Declaration” (Tạm dịch: Tuyên bố Joannesburg II tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15), BRICS, ngày 24-8-2023, http://brics2023.gov.za/wp-content/uploads/2023/08/Jhb-II-Declaration-24-August-2023-1.pdf.
(2) Xem: “Address by President of the Russian Federation Vladimir Putin on the start of Russia's BRICS Chairmanship” (Tạm dịch: Phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân dịp Nga đảm nhận vai trò Chủ tịch BRICS), The State Duma, ngày 11-7-2024, http://duma.gov.ru/en/news/59672/
(3) Xem: “BRICS Membership Expansion: Guiding Principles, Standards, Criteria and Procedures” (Tạm dịch: Mở rộng thành viên BRICS: Nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục), BRICS,  2023, http://www.brics.utoronto.ca/ docs/BRICS-Membership-expansion-guiding-principles-criteria-and-standards-2023.pdf.
(4) Gồm: 1- Lãnh đạo hoặc Bộ trưởng Ngoại giao của quốc gia mong muốn gia nhập gửi đề nghị gia nhập tới nước Chủ tịch luân phiên của BRICS; 2- Chủ tịch BRICS sẽ thông báo các điều kiện của Nhóm tới các nước thành viên BRICS, cũng như quốc gia mong muốn gia nhập; 3- Ban Thư ký BRICS sẽ đánh giá và đưa ra tham vấn cho Bộ trưởng Ngoại giao của các nước thành viên để báo cáo lãnh đạo các nước BRICS; 4- Lãnh đạo các nước BRICS sẽ quyết định kết nạp thành viên mới thông qua quy chế đồng thuận; 5- Sau khi được thông qua, Chủ tịch BRICS sẽ gửi thư mời gia nhập BRICS và yêu cầu quốc gia được mời tham dự cử đại diện tham gia Ban Thư ký của BRICS; 6- Quốc gia được mời gia nhập chính thức trở thành thành viên mới của BRICS sau khi Nguyên thủ hoặc Bộ trưởng Ngoại giao của quốc gia đó chuyển tới Chủ tịch BRICS quyết định chấp thuận lời mời trở thành thành viên của BRICS.
(5) “Expansion of BRICS: A quest for greater global influence?” (Tạm dịch: Sự mở rộng của BRICS: Tìm kiếm ảnh hưởng toàn cầu lớn hơn?), European Parliament, tháng 3-2024, https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/ BRIE/2024/760368/EPRS_BRI(2024)760368_EN.pdf.
(6) “World economic outlook: Steady but Slow: Resilience and Divergence” (Tạm dịch: Triển vọng kinh tế thế giới: Ổn định nhưng chậm: Khả năng phục hồi và phân mảnh), IMF, tháng 4-2024, https://www.imf.org/en/Publications/ WEO/Issues/2024/04/16/world-economic-outlook-april-2024#:~:text=Steady %20but%20Slow%3A%20Resilience%20amid%20Divergence,-April%2020 24&text=Global%20inflation%20is%20forecast%20to,emerging%20market%20and%20developing%20economies.
(7) “BRICS+ implications for investors in 2024” (Tạm dịch: Ý nghĩa của BRICS+ với các nhà đầu tư trong năm 2024), GTN, ngày 19-1-2024, https://gtngroup.com/asia/insights/brics-implications-for-investors-in-2024/.
(8) “Global military spending surges amid war, rising tensions and insecurity” (Tạm dịch: Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng vọt trong bối cảnh chiến tranh, căng thẳng và bất ổn gia tăng), SIPRI, ngày 22-4-2024, https://www.sipri.org /media/press-release/2024/global-military-spending-surges-amid-war-rising-tensions-and-insecurity
(9) Xem: Simone McCarthy: “Countries are clamoring to join BRICS group, South Africa says, as Russia takes up leadership” (Tạm dịch: Nam Phi cho biết nhiều nước cho biết gia nhập BRICS khi Nga đảm nhận vai trò Chủ tịch), CNN, ngày 01-02-2024, https://edition.cnn.com/2024/02/01/china/brics-membership-applications-china-russia-intl-hnk/index.html.