Chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn đối với khu vực Trung Đông
TCCS - Sau năm đầu tiên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn đã có nhiều điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực Trung Đông. Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách đối ngoại của Mỹ cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức tại khu vực. Những diễn biến mới của tình hình thế giới và khu vực được cho là sẽ có tác động lớn tới cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực Trung Đông trong thời gian tới.
Ngay từ khi tranh cử vị trí Tổng thống Mỹ, ứng cử viên Giô Bai-đơn và Đảng Dân chủ đã bày tỏ sự coi trọng đặc biệt đối với chính sách của Mỹ tại khu vực Trung Đông, tuyên bố về những điều chỉnh trên nhiều vấn đề, như: 1- Đưa Mỹ quay trở lại Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) năm 2015, sẵn sàng đàm phán với I-ran(1) khi cho rằng chính sách “áp lực tối đa” của chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm là không phù hợp, khiến tình hình trở nên xấu đi, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, thậm chí có thể dẫn tới chiến tranh; 2- Duy trì song có điều chỉnh trong quan hệ với các đối tác tại khu vực, như I-xra-en và A-rập Xê-út, theo hướng cân bằng hơn, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng dân chủ, nhân quyền; 3- Hạn chế, rút dần lực lượng binh sĩ Mỹ tham chiến ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, chấm dứt can dự quân sự với cuộc chiến tại Y-ê-men trong bối cảnh Y-ê-men đang đối mặt với thảm họa nhân đạo; 4- Tiếp tục ủng hộ bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en và các quốc gia A-rập, như Các tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), Ba-ranh, làm trung gian hòa giải trong vấn đề bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en và A-rập Xê-út.
Trong Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời năm 2021, Mỹ nhấn mạnh: 1- Cam kết tiếp tục bảo đảm an ninh cho I-xra-en, thúc đẩy hợp tác giữa I-xra-en với các quốc gia khu vực; 2- Thúc đẩy giải pháp “hai nhà nước” trong cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin, giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo; 3- Kiềm chế sự “hung hăng trong khu vực” của I-ran, đập tan tổ chức An Kê-đa và các mạng lưới khủng bố, ngăn chặn sự trỗi dậy của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng; 4- Chấm dứt sự hỗ trợ các hoạt động quân sự tấn công tại Y-ê-men, ủng hộ nỗ lực của Liên hợp quốc để chấm dứt cuộc nội chiến tại nước này; 5- Điều chỉnh lực lượng quân sự của Mỹ tại khu vực để vừa bảo đảm các mục tiêu chống khủng bố, kiềm chế I-ran, vừa bảo vệ các lợi ích của Mỹ; 6- Quân sự không phải là giải pháp cho các thách thức tại khu vực.
Một số điều chỉnh trong chính sách đối với khu vực Trung Đông
Trên cơ sở chương trình nghị sự được đề ra, trong năm đầu tiên cầm quyền, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã tích cực triển khai nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao với lãnh đạo các nước khu vực, đẩy mạnh tham gia trung gian giải quyết các vấn đề khu vực và đạt được một số kết quả nổi bật.
Thứ nhất, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Với chủ trương ủng hộ giải pháp “hai nhà nước”, tiếp cận cân bằng hơn, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã viện trợ hơn 500 triệu USD để hỗ trợ người dân Pa-le-xtin và thúc đẩy chính quyền I-xra-en cấp hơn 10.000 giấy phép lao động cho người Pa-le-xtin, trong đó tại khu vực dải Ga-da, số lượng giấy phép được cấp tăng hơn 40%. Các quan chức của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn, nhất là Ngoại trưởng Mỹ An-tô-ni Giôn Blin-kin, đã nhiều lần điện đàm, thăm và làm việc với lãnh đạo hai bên, nhất là lãnh đạo Nhà nước Pa-le-xtin - Tổng thống Ma-mút Áp-bát, để kêu gọi cùng kiềm chế, không leo thang căng thẳng nhằm chấm dứt “vòng xoáy bạo lực” tại khu vực Bờ Tây và dải Ga-da. Dưới sự trung gian của Mỹ, cuộc gặp cấp ngoại trưởng lần đầu tiên trong lịch sử giữa I-xra-en, Mỹ và bốn nước A-rập, bao gồm UAE, Ba-ranh, Ma-rốc, Ai Cập đã được tổ chức tại I-xra-en vào ngày 28-3-2022 để tăng cường trao đổi về việc xây dựng quan hệ đối tác mới dựa trên sự nhượng bộ tôn giáo, hợp tác kinh tế, công nghệ và an ninh. Ngoại trưởng I-xra-en Y. La-pít cho biết, cuộc gặp cấp ngoại trưởng này sẽ được tổ chức định kỳ hằng năm và phía Pa-le-xtin sẽ được mời tham gia trong tương lai. Đây chính là một trong những tín hiệu tích cực khẳng định quyết tâm chính trị của các bên trong giải quyết xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin.
Thứ hai, từng bước thu hẹp khác biệt, giải quyết hồ sơ hạt nhân I-ran. Bất chấp sự phản đối từ các đồng minh I-xra-en và A-rập Xê-út, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn, một mặt, khẳng định cam kết bảo đảm an ninh với đồng minh; mặt khác, tăng cường đối thoại với I-ran và các thành viên Nhóm P5+1 (Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) để đạt được thỏa thuận toàn diện, ngăn chặn quá trình đẩy nhanh tiến độ làm giàu u-ra-ni-um cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của I-ran. Dưới sự trung gian và hỗ trợ tích cực của Liên minh châu Âu (EU), Nga và Trung Quốc, đàm phán về khôi phục JCPOA đã sớm được khởi động ngay sau khi Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn nhậm chức. Kể từ khi nối lại từ đầu tháng 4-2021 tới nay, việc khôi phục JCPOA đã trải qua nhiều vòng đàm phán, đem lại một số tín hiệu tích cực đối với an ninh khu vực và thế giới. Việc tích cực tham gia đàm phán cho thấy thiện chí và cam kết của cả I-ran và Mỹ để thu hẹp bất đồng, chấp nhận nhượng bộ cùng có lợi, giải quyết một trong những vấn đề nan giải nhất tại khu vực Trung Đông. Trong phát biểu vào ngày 21-3-2022, Lãnh tụ tối cao của I-ran A-li Kha-me-ni đã đưa ra tín hiệu ủng hộ đối với các cuộc đàm phán hạt nhân I-ran, cho rằng các nhà đàm phán I-ran vẫn giữ được không gian chính trị và sự linh hoạt.
Thứ ba, hoàn thành các cam kết về rút lực lượng quân đội khỏi chiến trường Áp-ga-ni-xtan và tiến tới hoàn thành mục tiêu tại I-rắc, Xy-ri. Mặc dù gặp một số tổn thất nhất định từ việc rút quân đội khỏi Áp-ga-ni-xtan, song việc Mỹ chấm dứt can dự quân sự trực tiếp tại Áp-ga-ni-xtan sau gần 20 năm tham chiến đã phần nhiều đáp ứng nguyện vọng của không ít người dân Mỹ.
Thứ tư, tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ và quân sự với các đồng minh, đối tác chủ chốt khu vực, tạo động lực mới cho các hoạt động xuất khẩu, phục hồi kinh tế. Thông qua các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của I-xra-en, UAE,... nhiều hợp đồng kinh tế, thương mại, đầu tư đã được ký kết. Năm 2021, xuất khẩu của Mỹ sang UAE đạt khoảng 17 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020; với I-xra-en đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 30% và A-rập Xê-út đạt khoảng 11 tỷ USD, tăng 5%. Về hợp tác quân sự, thông qua việc tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực quốc phòng của các đối tác tại khu vực, như UAE, I-xra-en, các quốc gia Vùng Vịnh, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn duy trì lợi ích của các tập đoàn quân sự Mỹ, bảo đảm vị thế quốc gia xuất khẩu vũ khí số 1 thế giới. Báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Xtốc-khôm (SIPRI, Thụy Điển) ngày 14-3-2022 cho thấy, trong giai đoạn 2017 - 2021, khu vực Trung Đông chiếm tới 43% số lượng xuất khẩu vũ khí của Mỹ, trong đó lớn nhất là A-rập Xê-út - quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều thứ hai thế giới(2). Đồng thời, việc các quốc gia khu vực, như A-rập Xê-út, UAE, Ca-ta,... vẫn ưu tiên thanh toán giao dịch dầu mỏ bằng đồng USD (ngay cả khi giao dịch với Trung Quốc và các nước châu Á khác), góp phần quan trọng giúp Mỹ duy trì đồng USD là đồng tiền chính trong thương mại toàn cầu.
Thứ năm, bảo đảm lợi ích từ mạng lưới kinh tế và tài chính toàn cầu thông qua duy trì hoạt động của các tuyến hàng hải chiến lược tại khu vực Trung Đông, như Vùng Vịnh Péc-xích, một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất của kinh tế thế giới, nơi vận chuyển tới 1/3 sản lượng dầu mỏ cho toàn bộ thế giới và là cửa ngõ của khu vực có đến hơn 50% trữ lượng dầu thô toàn cầu. Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn coi trọng và đẩy mạnh củng cố, tăng cường quan hệ với các quốc gia Vùng Vịnh, như Cô-oét, Ba-ranh và nhất là Ca-ta - quốc gia có căn cứ quân sự Al Udeid lớn nhất của Mỹ tại khu vực Trung Đông; đồng thời, là nơi đặt trụ sở của Bộ Chỉ huy các chiến dịch quân sự của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Trung Á và Nam Á (CENTCOM). Mặc dù đã trở thành quốc gia xuất khẩu dầu mỏ nhờ sự phát triển mạnh mẽ của dầu đá phiến, song việc kiểm soát, bảo đảm an toàn cho tuyến đường hàng hải qua khu vực này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ nhờ sự gắn kết chặt chẽ với kinh tế toàn cầu. Nhiều dự báo cho thấy, nếu chiến tranh xảy ra tại khu vực Vùng Vịnh Péc-xích, giá dầu mỏ trên thế giới có thể tăng lên gấp 3 lần.
Những thách thức trong việc cải thiện quan hệ của Mỹ với khu vực Trung Đông
Bên cạnh những kết quả đạt được trong hơn một năm qua, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chính sách đối ngoại có phần chưa rõ ràng của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đối với khu vực Trung Đông cũng đối mặt với một số thách thức lớn.
Một là, uy tín, niềm tin của các quốc gia khu vực dành cho Mỹ có phần suy giảm do sự thiếu nhất quán trong các tuyên bố và hành động của Mỹ trong giải quyết các vấn đề ở khu vực Trung Đông. Việc thiếu đi chương trình nghị sự rõ ràng cũng như quyết tâm chính trị tác động lớn tới cách thức triển khai chính sách của Mỹ tại Trung Đông, thúc đẩy các đối tác khu vực ngày càng coi trọng việc đa dạng hóa, tăng cường quan hệ với các cường quốc bên ngoài. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã có một loạt hành động đảo ngược những tuyên bố trước đó, như: Phê duyệt bán tên lửa và hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo cho A-rập Xê-út vào tháng 11-2021, bao gồm 280 tên lửa không đối không trị giá lên tới 650 triệu USD(3); làm ngơ trước hành động mở rộng các khu tái định cư của I-xra-en tại những khu vực tranh chấp. Đồng thời, việc chưa đưa ra được những chính sách cụ thể về chống khủng bố cũng góp phần gia tăng sự hoang mang cho các đồng minh và đối tác, thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực. Nguy cơ về sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố ngày càng tăng sau khi Mỹ rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan và nhiều nhóm thánh chiến tại khu vực châu Phi mở rộng hoạt động. Nhiều quốc gia khu vực đã và đang theo đuổi chính sách riêng, thậm chí không phù hợp với lợi ích của Mỹ khi ngày càng coi trọng hợp tác kinh tế với Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác với Nga trong vấn đề an ninh, quân sự. Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn tin rằng cách an toàn nhất vừa giúp Mỹ tập trung vào cạnh tranh cường quốc ở châu Âu và châu Á, vừa bảo đảm lợi ích của Mỹ ở Trung Đông là dựa nhiều hơn vào các đồng minh hoặc đối tác khu vực, thì Mỹ cần phải tạo ra niềm tin lớn hơn cho các nước này, thông tin rõ hơn về các ưu tiên và mục tiêu chính sách của Mỹ tại khu vực.
Thứ hai, tiến trình đàm phán khôi phục JCPOA vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ thất bại. Mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm, được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu, song tiến trình đàm phán về vấn đề Thỏa thuận hạt nhân I-ran vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải. Những khác biệt về các vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết trong khi tốc độ làm giàu u-ra-ni-um của I-ran ngày càng được đẩy nhanh(4). Hơn nữa, trong khi Mỹ yêu cầu I-ran cam kết tuân thủ một cách có thể kiểm chứng đối với các hoạt động hạt nhân và ngừng làm giàu u-ra-ni-um, I-ran lại đề nghị Mỹ: 1- Đưa Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo I-ran ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố; 2- Cam kết không tái áp đặt các lệnh trừng phạt khi đã được dỡ bỏ; 3- Bảo đảm sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn với một loạt hành động gần đây của hai bên. Ngày 31-3-2022, để trả đũa việc I-ran hậu thuẫn các lực lượng phiến quân tiến hành tấn công bằng tên lửa nhằm vào một căn cứ quân sự và Tổng Lãnh sự quán của Mỹ tại tỉnh Erbil (I-rắc), Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt đối với 5 cá nhân và thực thể của I-ran vì cho rằng có liên quan đến hành vi mua bán, sản xuất thuốc phóng tên lửa và vật liệu liên quan hỗ trợ cho chương trình phát triển tên lửa đạn đạo.
Thứ ba, quan hệ với các đồng minh, đối tác tại khu vực, nhất là với A-rập Xê-út và UAE, xuất hiện nhiều tín hiệu xấu do bất đồng về quan điểm trong giải quyết một số vấn đề khu vực. Việc chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn quyết tâm nối lại đàm phán hạt nhân I-ran đi kèm với điều kiện dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp dụng đối với I-ran vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ I-xra-en cũng như các quốc gia A-rập trong khu vực, nhất là A-rập Xê-út và UAE, do những quan ngại điều này sẽ tạo ra dư địa lớn cho I-ran phát triển, tận dụng tiềm lực kinh tế để tiếp tục theo đuổi các tiến bộ đạt được trong sản xuất u-ra-ni-um và tên lửa đạn đạo, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của các nước này. Mối quan ngại càng gia tăng khi tại sự kiện giới thiệu tên lửa đất đối đất mới “Kheibar Shekan” sản xuất trong nước với tầm bắn 1.450km, có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa (ngày 9-2-2022), Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang I-ran, Thiếu tướng Mô-ham-mét Ba-ghi-ri (Mohammad Bagheri) nhấn mạnh: “I-ran sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình tên lửa đạn đạo của mình”. Bên cạnh đó, quyết định đưa lực lượng Houthi ở Y-ê-men ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố của Mỹ cũng gặp phải sự phản đối tương tự từ các quốc gia này, trở thành một vấn đề đáng quan ngại trong quan hệ hai bên, nhất là sau khi lực lượng Hu-thi được cho là đã thực hiện một loạt vụ tấn công vào lãnh thổ của các nước này từ cuối tháng 2-2022. Đáp trả sự thờ ơ của Mỹ, A-rập Xê-út và UAE đã từ chối đề xuất điện đàm, phớt lờ lời kêu gọi của Mỹ về việc hình thành liên minh trừng phạt Nga trên toàn cầu sau khi chiến sự tại U-crai-na nổ ra(5). Thậm chí, UAE đã dọa hủy hợp đồng mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ và đàm phán ký kết hợp đồng với Tổng Công ty xuất - nhập khẩu kỹ thuật hàng không Trung Quốc (CATIC) về việc mua 12 máy bay chiến đấu L15 và có thể mua thêm 36 máy bay loại này. Ngày 3-3-2022, đặc phái viên UAE tại Mỹ Y. An-Ô-tai-ba (Yousef al-Otaiba) cho biết, UAE và Mỹ đang trải qua một giai đoạn “thử thách căng thẳng”.
Thứ tư, những cam kết của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn về giải pháp “hai nhà nước” cho cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin; rút quân tham chiến tại I-rắc, Xy-ri; thúc đẩy giá trị “dân chủ”, “tự do” tại khu vực và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Y-ê-men phải đối mặt với diễn biến có phần phức tạp hơn. Bất chấp các nỗ lực của Mỹ và sự kêu gọi của cộng đồng quốc tế, I-xra-en vẫn tiếp tục mở rộng các khu tái định cư tại các khu vực chiếm đóng. Tại Y-ê-men, chiến sự phức tạp khiến số lượng dân thường bị thương vong ngày càng lớn và số lượng người đối mặt với nạn đói gia tăng. Theo số liệu do Liên hợp quốc công bố vào tháng 3-2022, khoảng 3/4 dân số Y-ê-men cần viện trợ, tương đương 23,4 triệu người, trong đó 19 triệu người đối mặt với nạn đói, tăng 20% so với năm 2021. Tại I-rắc, trước những diễn biến phức tạp từ hoạt động của các nhóm thánh chiến cực đoan Daesh/ISIS và bế tắc chính trị khi chưa bầu ra được tổng thống sau cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 10-2021, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã quyết định giữ lại 2.500 binh sĩ Mỹ hoạt động cố vấn, tiềm ẩn về một phiên bản của Áp-ga-ni-xtan. Trước đó, năm 2014, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma cũng đã tuyên bố kết thúc nhiệm vụ tham chiến của quân đội Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan. Hệ quả là hơn 107 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, 612 binh sĩ khác bị thương(6). Trong khi đó, tại báo cáo về tình hình nhân quyền toàn cầu được công bố vào tháng 4-2022, Mỹ cho rằng, Trung Đông đang tiếp tục ở trong cuộc “suy thoái” về vấn đề dân chủ và nhân quyền. Tại các quốc gia khu vực, ngay cả các nước đồng minh, đối tác thân cận của Mỹ, việc bắt giữ các đối thủ chính trị, các nhà hoạt động vẫn diễn ra phổ biến.
Dự báo chính sách thời gian tới
Thời gian qua, nhất là từ đầu năm 2022, những biến chuyển từ tình hình thế giới và khu vực mang đến không ít vấn đề mới, được cho là thông điệp rõ ràng đối với chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn về cách tiếp cận đối với khu vực Trung Đông trong thời gian tới. Cụ thể như: 1- Nhu cầu bảo đảm nguồn cung năng lượng từ khu vực Trung Đông, nhất là trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu biến động mạnh dưới tác động của cuộc khủng hoảng U-crai-na. Việc Nga thực hiện các biện pháp cắt giảm nguồn cung dầu khí tới khu vực châu Âu để ứng phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đã thúc đẩy Mỹ và đồng minh coi trọng hơn hợp tác với các đối tác Trung Đông để tìm kiếm nguồn cung thay thế. Đồng thời, nhiều dự báo chỉ ra rằng dầu mỏ vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng trong thị trường năng lượng toàn cầu từ hai đến ba thập niên tới, bất chấp những nỗ lực chuyển hướng sang sử dụng và phát triển nguồn năng lượng sạch(7); 2- Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc gia tăng trong bối cảnh cả hai nước này đang mở rộng ảnh hưởng sang phía Tây. Trong khi Nga gia tăng ảnh hưởng tại khu vực thông qua đẩy mạnh hợp tác song phương với các quốc gia chủ chốt trong khu vực là I-ran, I-xra-en, A-rập Xê-út, UAE cũng như với Xy-ri và Pa-le-xtin trong giải quyết các vấn đề khu vực, Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai, con đường”, tăng cường hợp tác sâu rộng về chính trị, kinh tế với các nước Hồi giáo, thúc đẩy ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC); 3- Yêu cầu hỗ trợ bảo đảm an ninh của các đồng minh, đối tác khu vực trong bối cảnh nhiều thách thức an ninh nổi lên từ việc I-ran đạt được tiến bộ trong sản xuất u-ra-ni-um và tên lửa đạn đạo; IS gia tăng hoạt động tại Xy-ri, I-rắc; lực lượng Houthi liên tiếp thực hiện các cuộc tấn công trả đũa; tình hình chính trị bất ổn tại nhiều quốc gia khu vực, như I-rắc, Li-băng và Cô-oét...
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia, học giả quốc tế và khu vực nhận định chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đối với khu vực Trung Đông thời gian tới sẽ được triển khai theo hướng:
Một là, củng cố, tạo đột phá trong quan hệ với các đồng minh, đối tác chủ chốt khu vực, nhất là với I-xra-en, A-rập Xê-út, UAE và GCC. Việc làm sâu sắc quan hệ chính trị tin cậy với các nước này sẽ giúp Mỹ không chỉ tiết kiệm nguồn lực giải quyết các thách thức an ninh khu vực, mà còn giúp bảo đảm nguồn cung năng lượng, hàng hóa qua khu vực, duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn sẽ điều chỉnh cách tiếp cận trên cơ sở hạn chế khác biệt, coi trọng giải quyết các bất đồng, ưu tiên đáp ứng các mối quan tâm của các đối tác hay kêu gọi của các nước trong hỗ trợ nâng cao năng lực phòng thủ. Đồng thời, để góp phần củng cố, gia tăng sự tin cậy chính trị, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn cũng sẽ tăng cường trao đổi thông tin với các quốc gia này về các chính sách liên quan đến các vấn đề I-ran, Y-ê-men, Li-băng và Xy-ri.
Hai là, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, như tiến trình hòa bình Trung Đông và các vấn đề tồn đọng về hạt nhân I-ran, khủng hoảng nhân đạo tại Y-ê-men, để tạo dấu ấn nhiệm kỳ. Theo đó, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn sẽ tiếp tục cách tiếp cận tăng cường đối thoại đa phương, tăng cường đoàn kết nội bộ để có những chính sách nhất quán, thu hẹp khác biệt, đạt được một thỏa thuận với I-ran. Đồng thời, để góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Y-ê-men, Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi sự tham gia của cộng đồng quốc tế thông qua vai trò của Liên hợp quốc để huy động nguồn lực hỗ trợ người dân Y-ê-men vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Với tiến trình hòa bình Trung Đông, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy thành quả của chính quyền tiền nhiệm, tích cực làm trung gian thúc đẩy hợp tác giữa I-xra-en và các quốc gia A-rập khu vực, vốn đang trên đà phát triển tốt. Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy thêm nhiều quốc gia khu vực hành động, như UAE, Ba-ranh, xây dựng quan hệ, đối xử với I-xra-en bình đẳng như các quốc gia khác(8).
Ba là, hướng tới một chiến lược quân sự - đối ngoại ít tốn kém hơn, tiếp tục nhất quán chủ trương giảm can dự trực tiếp, chú trọng nâng cao năng lực quân sự cho các đối tác khu vực. Trong bối cảnh xuất hiện nguy cơ về một cuộc “chiến tranh thế giới thứ ba”, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn sẽ điều chỉnh chính sách quân sự - đối ngoại theo hướng, một mặt, xoa dịu Nga, I-ran và các đối thủ khác; mặt khác, khuyến khích các đồng minh, đối tác ở khu vực Trung Đông có trách nhiệm lớn hơn trong tham gia xây dựng mặt trận phòng thủ chung. Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quân sự, viện trợ, trao đổi vũ khí với các đối tác khu vực, nhất là A-rập Xê-út và UAE, trong bối cảnh I-ran đẩy nhanh tiến độ làm giàu u-ra-ni-um, sự tấn công từ lực lượng Houthi gia tăng, nguy cơ về sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố sau biến động chính trị tại Áp-ga-ni-xtan và những diễn biến tại Xy-ri, I-rắc. Đồng thời, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn cũng sẽ nâng cao năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải tại khu vực Vùng Vịnh Péc-xích, Biển Đỏ; coi trọng hợp tác an ninh, quốc phòng, tình báo với các nước GCC để bảo đảm hoạt động thông suốt của các tuyến đường hàng hải trọng yếu tại khu vực.
Bốn là, tăng cường, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng với các đối tác khu vực, đồng thời duy trì hợp tác sâu rộng trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng mạnh mẽ tại khu vực và nhu cầu bảo đảm an ninh hàng hải, an ninh năng lượng gia tăng. Tận dụng việc Mỹ giảm dần can dự đối với khu vực, Trung Quốc và Nga ngày càng đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thương mại, hợp tác năng lượng với các quốc gia khu vực, thách thức vị thế của Mỹ trong hợp tác với các nước này. Bên cạnh đó, tác động từ chiến sự tại U-crai-na đã góp phần khiến thế giới nói chung và Mỹ nói riêng thay đổi quan điểm về vai trò của năng lượng Trung Đông đối với hoạt động của nền kinh tế thế giới. Xung đột giữa phương Tây và Nga đã đưa vị thế của khu vực Trung Đông lên cao, trở thành nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm cung ứng năng lượng cho khu vực châu Âu khi nguồn năng lượng từ Nga bị cắt giảm. Đồng thời, để bảo vệ các lợi ích của Mỹ và đồng minh, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn sẽ tăng cường đối thoại chiến lược với các nước khu vực về cách tiếp cận chung đối với các vấn đề cấp thiết từ an ninh năng lượng, hàng hải tới biến đổi khí hậu, phục hồi sau đại dịch COVID-19, người tị nạn và di cư.../.
------------------------
(1) Xem: Patrick Osgood: “What a Biden Presidency means for the Middle East” (Tạm dịch: “Nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Bai-đơn có ý nghĩa như thế nào với Trung Đông”), Control Risk, ngày 7-12-2020, https://www.controlrisks.com/our-thinking/insights/what-a-biden-presidency-means-for-the-middle-east
(2) Xem: Ai Heping: “US arms exports rise as global transfers drop” (Tạm dịch: “Xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng trong khi tổng trao đổi toàn cầu giảm”), People’s Daily Online, ngày 17-3-2022, http://en.people.cn/n3/2022/0317/c90000-9972340.html
(3) Xem: Mike Stone - Patricia Zengerle: “Saudi gets first major arms deal under Biden with air-to-air missiles” (Tạm dịch: “A-rập Xê-út đạt được thỏa thuận vũ khí lớn đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Bai-đơn với tên lửa không đối không”), Reuters, ngày 5-11-2021, https://www.reuters.com/world/middle-east/us-state-dept-okays-650-million-potential-air-to-air-missile-deal-saudi-arabia-2021-11-04/
(4) Tính đến tháng 4-2022, I-ran đạt được bước tiến lớn trong việc sản xuất một quả bom u-ra-ni-um nặng 25kg khi đã giảm được thời gian sản xuất từ khoảng 1 năm xuống còn khoảng 2 tuần. Đồng thời, I-ran cũng đã tự chủ được việc làm giàu tỷ lệ u-ra-ni-um ở mức 60%
(5) Cùng với A-rập Xê-út, UAE, đa số các quốc gia A-rập tại khu vực Trung Đông bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hồi tháng 4-2022
(6) Xem: Trita Parsi - Adam Weinstein: “Why are American troops still in Iraq?” (Tạm dịch: “Tại sao quân đội Mỹ vẫn ở I-rắc?”), Quincy Institute for Responsible Statecraft, ngày 10-2-2022, https://quincyinst.org/
2022/02/10/why-are-american-troops-still-in-iraq/
(7) Xem: Paul Salem: “The US in the Middle East: One Year into the Biden Administration” (Tạm dịch: “Mỹ tại Trung Đông: Một năm dưới thời kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ Bai-đơn”), The Labanese Center for Policy Studies, ngày 17-2-2022, https://www.lcps-lebanon.org/articles/details/3658/the-us-in-the-middle-east-one-year-into-the-Bai-đơn-administration--interview-with-paul-salem fbclid=IwAR0CqpoaTgt6FzjwMtXVT5p8ukdHHMkvrmInc1kKtqmSa4anhpCvXTjdJJA
(8) Xem: Ali Harb: “A year in, Biden’s Middle East policy brings little change” (Tạm dịch: “Một năm trôi qua, chính sách Trung Đông của chính quyền Tổng thống Mỹ Bai-đơn ít thay đổi”), Aljazeera, ngày 31-12-2021, https://www.aljazeera.com/news/2021/12/31/a-year-in-biden-middle-east-policy-brings-little-change
Những bước chuyển mới trong cục diện khu vực Trung Đông  (31/03/2022)
Một số điểm mới trong chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông  (20/01/2021)
Những toan tính chiến lược của Mỹ ở Trung Đông trong năm bầu cử 2020  (20/04/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển