Vai trò của các nước Trung Đông trong bảo đảm an ninh năng lượng của Trung Quốc
TCCS - Trung Đông là khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới, có ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng toàn cầu. Trong hai thập niên qua, khu vực Trung Đông là nguồn cung cấp trên 40% số lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc. Nguồn cung dầu mỏ của Trung Đông hiện nay đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng của quốc gia đông dân nhất trên thế giới này.
Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc
Trung Đông luôn là khu vực đóng vai trò quan trọng bậc nhất đến an ninh năng lượng thế giới với 48,4% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu cùng chỉ số dự trữ/sản xuất (R/P ratio) đạt 72,1 năm, sản xuất 33,3% sản lượng và chiếm trên 38,5% số lượng dầu mỏ xuất khẩu toàn thế giới trong năm 2018; nắm giữ 38,4% tổng trữ lượng khí đốt toàn cầu với chỉ số dự trữ/sản xuất (R/P ratio) 109,9 năm, sản xuất hơn 17,8% số lượng khí đốt của thế giới trong năm 2018(1). Mọi điều chỉnh chính sách liên quan đến sản xuất, giá cả dầu mỏ cũng như những biến động chính trị của các nước khu vực Trung Đông đều có ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường năng lượng thế giới, tác động mạnh mẽ đến tình hình an ninh năng lượng của Trung Quốc.
Nhu cầu năng lượng để phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc đã biến Trung Quốc trở thành quốc gia về tiêu thụ năng lượng khổng lồ. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 25% năng lượng toàn cầu vào năm 2035 và hơn 50% số lượng nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc sẽ đến từ các nước khu vực Trung Đông. Vai trò quan trọng của các nước Trung Đông trong bảo đảm an ninh năng lượng của Trung Quốc càng được thể hiện rõ hơn khi Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới với 7,4 triệu thùng dầu/ngày so với 7,2 triệu thùng/ngày của Mỹ vào tháng 4-2015 và trong cả năm 2015, Trung Quốc sản xuất bình quân 4,31 triệu thùng dầu/ngày, trong khi tiêu thụ 11,97 triệu thùng dầu/ngày(2). Mức độ phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc ngày càng lớn khi thống kê của Tập đoàn dầu khí đa quốc gia BP cho thấy, năm 2018, quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ sản xuất 3,798 triệu thùng dầu/ngày trong khi tiêu thụ đến 13,525 triệu thùng dầu/ngày, đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang dựa vào nhập khẩu để đáp ứng 71,92% nhu cầu tiêu thụ trong nước(3) và các nước Trung Đông là những nhà cung cấp chủ yếu cho nhu cầu thiếu hụt đó.
Ngay sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949, Trung Quốc bắt đầu thiết lập quan hệ với các nước Trung Đông thông qua các cơ chế hợp tác đa phương. Với Hiệp ước Băng-đung năm 1955, Trung Quốc có mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia trong khu vực này, tuy nhiên chưa thực sự chặt chẽ. Đến cuối thế kỷ XX, khi trở thành quốc gia nhập khẩu năng lượng, Trung Quốc tăng cường chú ý đến Trung Đông do lợi ích chiến lược của khu vực này mang lại.
Từ năm 2001 đến nay, dầu mỏ nhập khẩu từ các nước Trung Đông luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc, thấp điểm nhất cũng chiếm 39,95% tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2007. Đây là thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng phát, dẫn đến nhu cầu năng lượng giảm sút mạnh ở Trung Quốc cũng như trên thế giới, kéo theo số lượng dầu mỏ nhập khẩu từ các nước Trung Đông suy giảm. Các năm 2001 và 2018 là thời điểm nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông của Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng lượng nhập khẩu với tỷ lệ nhập khẩu lần lượt là 56,2% và 57%. Riêng năm 2019, trong danh sách 10 nước cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc đã có 6 quốc gia Trung Đông, bao gồm Saudi Arabia, Iraq, Oman, Kuwait, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iran, chiếm 44,2% tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu của quốc gia này với giá trị nhập khẩu lên đến 112,5 tỷ USD (4). Trong bối cảnh tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu từ các nước khu vực Trung Đông luôn chiếm tỷ trọng cao, Trung Quốc khó có khả năng bù đắp thiếu hụt từ những nhà cung cấp năng lượng khác trong ngắn hạn nếu xảy ra gián đoạn nguồn cung từ các nước Trung Đông và nguy cơ khủng hoảng năng lượng sẽ bùng phát, dẫn đến những bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội của Trung Quốc.
Nhân tố Trung Đông trong bảo đảm an ninh năng lượng của Trung Quốc
Hiện nay, các quốc gia sản xuất dầu mỏ chủ chốt ở Trung Đông, như Saudi Arabia, Iran, Iraq, Kuwait, UAE, Qatar, Oman,… đang đóng vai trò quan trọng trong cung ứng năng lượng cho Trung Quốc, bảo đảm cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước này.
Đối với Saudi Arabia, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990 và chỉ trong một thời gian ngắn, Saudi Arabia đã trở thành quốc gia cung ứng dầu mỏ quan trọng, đối tác năng lượng chiến lược của Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 2001, Trung Quốc tăng cường triển khai chính sách năng lượng ở khu vực Trung Đông, tập trung vào Saudi Arabia và Iran(5) và trong những năm đầu thế kỷ XXI, dầu mỏ của Saudi Arabia luôn chiếm tỷ trọng lớn trong nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc và sản lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Saudi Arabia liên tục tăng qua các năm: Năm 2007 là 26,33 triệu tấn, năm 2008 và 2009 là 36,37 triệu tấn. Năm 2011, 14% sản lượng dầu của Saudi Arabia xuất khẩu sang Mỹ nhưng hơn một nửa sản lượng dầu của quốc gia này được xuất khẩu sang Trung Quốc(6). Năm 2013, 19% số lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc đến từ quốc gia này. Là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới với 15,9% dầu mỏ xuất khẩu toàn cầu trong năm 2017, Saudi Arabia tiếp tục là quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ đến an ninh năng lượng của Trung Quốc với 13% tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu và là quốc gia cung ứng dầu mỏ lớn thứ hai cho Trung Quốc. Sự phát triển trong hợp tác trên lĩnh vực năng lượng giữa Trung Quốc và Saudi Arabia được thể hiện rõ nét hơn khi các nhà máy lọc dầu được xây dựng mới ở Trung Quốc phần lớn được cấu hình phù hợp với nguồn dầu mỏ từ Saudi Arabia. Điều này góp phần đưa kim ngạch nhập khẩu dầu mỏ từ Saudi Arabia của Trung Quốc đạt 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2019, tăng gần 600.000 thùng/ngày so với năm 2018, đưa Saudi Arabia trở lại vị trí số 1 trong danh sách các quốc gia cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc với 16% tổng lượng nhập khẩu của quốc gia này, trị giá 40,1 tỷ USD(7).
Mối quan hệ chiến lược về năng lượng giữa Trung Quốc và Saudi Arabia càng chặt chẽ hơn khi quốc gia Trung Đông này tăng cường đầu tư vào Trung Quốc trên lĩnh vực năng lượng, tiếp tục thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước với lợi ích đan xen chặt chẽ với nhau. Năm 2001, Tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia đầu tư gần 1 tỷ USD vào nhà máy lọc dầu tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu với trên 600 cây xăng được cấp phép hoạt động tại Phúc Kiến; đổi lại, Trung Quốc nhận được hợp đồng cung cấp dầu thô dài hạn 30.000 thùng/ngày trong vòng 30 năm. Bên cạnh đó, Tập đoàn Aramco được phép sở hữu 25% cổ phần nhà máy lọc dầu tại Thanh Đảo khi triển khai đầu tư với điều kiện cho phép Trung Quốc đầu tư 80% vốn trong một dự án sản xuất khí hóa lỏng tại Saudi Arabia và Tổng Công ty Dầu lửa quốc gia Trung Quốc SINOPEC đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất khí hóa lỏng tại phía Nam Saudi Arabia với công suất 40.000 mét khối khí/ngày(8). Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Saudi Arabia vào tháng 4-2006, Saudi Arabia cũng cam kết đầu tư 20 tỷ USD để xây dựng cơ sở dự trữ dầu thô với khối lượng 10 tỷ thùng tại đảo Hải Nam (Trung Quốc), tương đương 4 kho dự trữ dầu chiến lược của Trung Quốc tại Sơn Đông và Chiết Giang. Năm 2008, SINOPEC và Tập đoàn Aramco ký kết hiệp định khung về hợp tác sản xuất khí hóa lỏng tại Thiên Tân (Trung Quốc) với sản lượng 1 triệu tấn/năm. Công ty hóa dầu khổng lồ Saudi Arabian Basic Industries điều hành một tổ hợp hóa dầu ở Thiên Tân trong một liên doanh 50 - 50 với SINOPEC và có kế hoạch thực hiện một liên doanh khác tại Đại Liên(9).
Trong chuyến công du Trung Quốc vào tháng 2-2017, Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin AbdulAziz và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký kết bản ghi nhớ bao gồm 35 dự án hợp tác, đầu tư trên lĩnh vực năng lượng, tài chính, văn hóa và hàng không vũ trụ với tổng giá trị lên đến 65 tỷ USD(10). Tiếp đó, Saudi Basic Industries Corp (SABIC) đã ký kết bản ghi nhớ với Trung Quốc về việc xây dựng khu phức hợp hóa dầu tại Phúc Kiến. Saudi Arabia tiếp tục đóng vai trò quan trọng hơn trong cung ứng dầu mỏ cho Trung Quốc khi Tập đoàn Aramco ký kết thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD xây dựng một khu phức hợp lọc và hóa dầu tại thành phố Bàn Cẩm, Đông Bắc Trung Quốc, nhân chuyến thăm chính thức của Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman tới Bắc Kinh ngày 22-2-2019, trong đó Tập đoàn Aramco sẽ cung cấp 70% số lượng dầu thô nguyên liệu cho khu phức hợp trên(11). Bên cạnh đó, Tập đoàn Aramco đang đẩy mạnh việc cung cấp dầu thô cho các công ty lọc dầu ngoài nhà nước ở Trung Quốc. Với việc trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong xây dựng các nhà máy lọc dầu, các kho dự trữ dầu mỏ chiến lược cũng như là quốc gia cung ứng năng lượng lớn nhất cho Trung Quốc hiện nay, Saudi Arabia đang đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong bảo đảm an ninh năng lượng cho Trung Quốc.
Trung Quốc cũng có quan hệ chặt chẽ với Iran - quốc gia đứng thứ sáu thế giới về xuất khẩu dầu mỏ năm 2017 với tỷ lệ 4,8% giá trị xuất khẩu dầu mỏ toàn cầu, cung cấp cho Trung Quốc 7% số lượng dầu mỏ nhập khẩu trong năm. Đây là mối quan hệ chiến lược liên tục được làm sâu sắc hơn trong ba thập niên qua và hai bên chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 1-2016. Quan hệ Trung Quốc và Iran được phát triển theo phương châm cùng thắng, theo đó Iran cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho Trung Quốc; đổi lại, Trung Quốc hỗ trợ Iran trong hiện đại hóa quân đội và ngăn chặn, hạn chế tác động của các nghị quyết cấm vận của quốc tế đối với Iran. Trong bối cảnh Iran đang chịu lệnh cấm vận quốc tế, Trung Quốc có nhiều cơ hội để tiếp cận quốc gia dồi dào năng lượng này và Iran trở thành nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt lớn cho Trung Quốc. Năm 2004, hai nước đã ký kết hợp đồng khí đốt khổng lồ trị giá gần 100 tỷ USD trong bối cảnh Iran đang chịu lệnh cấm vận nặng nề của cộng đồng quốc tế, theo đó, SINOPEC mua 250 triệu tấn khí đốt hóa lỏng của Iran trong vòng 30 năm, được phép khai thác giếng dầu ở Yadavan thuộc miền Nam Iran và nhập khẩu 150.000 thùng dầu thô/ngày. Tháng 12-2006, Tổng Công ty Dầu lửa Trung Hải ký kết với Iran hợp đồng khai thác giếng dầu North Pars với tổng giá trị 160 tỷ USD, trong đó 50 tỷ USD dùng vào việc thăm dò, khai thác, 110 tỷ USD dùng cho việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật(12).
Bất chấp áp lực của Mỹ và các lệnh cấm vận đối với Iran, Trung Quốc vẫn duy trì các mối quan hệ trên lĩnh vực năng lượng với Iran và quốc gia này tiếp tục có vai trò quan trọng trong cung ứng dầu mỏ cho Trung Quốc với tỷ lệ 3% số lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc năm 2019, rơi từ vị trí thứ 3 năm 2011 xuống vị trí thứ 9 trong danh sách 10 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc năm 2019 với giá trị xuất khẩu 7,1 tỷ USD, giảm 52,9% so với năm 2018(13). Theo dự báo của các chuyên gia, khi vấn đề hạt nhân Iran giảm bớt căng thẳng, các lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ đối với Iran bị bãi bỏ, sản lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Iran của Trung Quốc được cho là sẽ nhanh chóng gia tăng trở lại.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Iraq được thiết lập từ cuộc cách mạng Iraq năm 1958. Từ năm 1990, Trung Quốc ngừng các mối quan hệ kinh tế, thương mại, quân sự với nước này do cuộc khủng hoảng vùng Vịnh Persian. Sau chiến tranh vùng Vịnh, Trung Quốc thực hiện trao đổi thương mại với Iraq trong khuôn khổ chương trình “đổi dầu lấy lương thực” và ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế, chính trị tại quốc gia này liên tục gia tăng trong những năm qua. Các khoản đầu tư của Trung Quốc đã đưa quốc gia này trở thành đối tác quan trọng của Iraq bên cạnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, góp phần đưa sản lượng dầu mỏ của Iraq liên tục gia tăng, vươn lên trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu dầu mỏ năm 2017 với 7,3% số lượng xuất khẩu dầu mỏ toàn cầu. Trong khi các công ty của Mỹ và châu Âu chủ yếu đầu tư ở khu vực phía Bắc Iraq vì lý do an ninh thì Trung Quốc tập trung đầu tư vào khu vực phía Nam Iraq. Mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Iraq đã bảo đảm nguồn cung ứng dầu mỏ dồi dào cho Trung Quốc. Năm 2000, Trung Quốc nhập khẩu 3,18 triệu tấn dầu từ Iraq nhưng sau cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, số lượng dầu nhập khẩu từ Iraq giảm mạnh, chỉ còn 1,31 triệu tấn năm 2004 và 1,17 triệu tấn năm 2005. Năm 2006, trong chuyến thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iraq bày tỏ mong muốn trở thành nhà cung cấp dầu lửa lớn cho Trung Quốc và mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực năng lượng đã được đẩy mạnh. Năm 2011, Trung Quốc nhập khẩu 17,6 tỷ USD dầu thô từ Iraq và đến năm 2017, Iraq trở thành quốc gia cung ứng dầu mỏ lớn thứ 4 của Trung Quốc với 9% tổng lượng nhập khẩu. Năm 2019, Iraq tiếp tục vươn lên, trở thành quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 sang Trung Quốc với giá trị 23,7 tỷ USD, chiếm 9,9% tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu(14), tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc.
Các quốc gia khác trong khu vực như Kuwait, UAE, Oman cũng là những nhà cung ứng dầu mỏ quan trọng cho Trung Quốc và những nội dung hợp tác trên lĩnh vực năng lượng giữa Trung Quốc và những quốc gia này liên tục được mở rộng. Cuối năm 2005, Kuwait và Trung Quốc đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc đầu tư 5 tỷ USD xây dựng một nhà máy lọc dầu gần Quảng Châu (Trung Quốc), bảo đảm xử lý 30 triệu thùng dầu thô từ Kuwait mỗi ngày. Ngày 29-3-2006, Công ty dầu mỏ Kuwait đã thành lập văn phòng tại Bắc Kinh và có liên hệ chặt chẽ với các công ty dầu khí Trung Quốc. Năm 2019, Kuwait xếp thứ 7 trong 10 nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc với 4,5% tổng nhập khẩu, trị giá 10,8 tỷ USD(15).
Quan hệ hợp tác trên lĩnh vực năng lượng giữa Trung Quốc và UAE đặc biệt phát triển trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI và mối quan hệ đó tiếp tục được làm sâu sắc hơn thông qua chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến UAE vào tháng 7-2018. Trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, hai nước đã ký kết một loạt thỏa thuận thương mại và dầu mỏ, như: Công ty Dầu lửa quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) ký kết hai hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD với BGP Inc, một chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), nhằm tiến hành thăm dò địa chất tại UAE để tìm kiếm dầu và khí đốt trên một khu vực rộng 53.000km2 (16). UAE hiện là một trong mười nhà cung ứng dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc với giá trị xuất khẩu 7,1 tỷ USD, chiếm 3,1% số lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc năm 2019(17).
Đối với Oman, ngày 22-5-2007, China Gas Holding và Công ty Dầu khí quốc gia Oman đã ký kết một thỏa thuận liên doanh chiến lược trị giá 40 triệu USD liên quan đến nhập khẩu các sản phẩm năng lượng từ Trung Đông, qua đó China Gas Holdings cũng có được nguồn cung cấp năng lượng ổn định(18). Hiện nay, Oman là quốc gia cung ứng dầu mỏ lớn thứ 6 cho Trung Quốc năm 2019 với giá trị xuất khẩu 16,4 tỷ USD, chiếm 6,9% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc(19).
Trong nỗ lực sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch thay thế các nguồn năng lượng truyền thống, gây ô nhiễm, Chính phủ Trung Quốc chủ trương tăng cường sử dụng khí hóa lỏng. Năm 2017, Trung Quốc đã trở thành quốc gia tiêu thụ khí hóa lỏng hàng đầu thế giới, quốc gia nhập khẩu khí hóa lỏng lớn thứ hai thế giới với mức nhập khẩu bình quân 5 Bcf/ngày, chiếm gần 50% tăng trưởng nhu cầu khí hóa lỏng trên toàn thế giới. Năm 2018, Trung Quốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới với 121,3 tỷ m3, chiếm 12,9% khí đốt nhập khẩu toàn cầu(20). Các nước Iran, Qatar, Saudi Arabia và UAE với trữ lượng khí đốt hàng đầu thế giới, lần lượt chiếm tỷ lệ 16,2%, 12,5%, 3%, 3% tổng dự trữ khí đốt toàn cầu, là những nhà cung cấp không thể thiếu đối với Trung Quốc, tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng của quốc gia này.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn cung năng lượng từ các quốc gia Trung Đông, “Văn kiện chính sách của Trung Quốc đối với các nước Arab” công bố năm 2016 đã xác định hợp tác năng lượng là một trong những lĩnh vực chính. Các chủ trương, chính sách được triển khai ở khu vực Trung Đông phải bảo đảm thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực năng lượng phát triển, bảo đảm nguồn cung ứng lâu dài, ổn định với mức giá tối ưu cho Trung Quốc. Năng lượng chính là nhân tố thúc đẩy sự phát triển trong quan hệ của Trung Quốc với các nước Trung Đông, định hình mối quan hệ của một khu vực giàu năng lượng nhất thế giới và một trung tâm tiêu thụ, nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Để bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định từ các nước Trung Đông, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động thương mại, đầu tư với khu vực này nhằm gắn chặt lợi ích hai bên và hiện nay đang trở thành đối tác hàng đầu của khu vực với tổng kim ngạch trao đổi thương mại đạt 313,8 tỷ USD năm 2018(21). Từ năm 2005 đến năm 2018, Trung Quốc đã đầu tư, tham gia thực hiện các dự án trong khu vực với tổng giá trị 231,4 tỷ USD và trọng tâm trong hợp tác năng lượng được thể hiện rõ khi các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng chiếm 42% tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc(22). Những quốc gia giàu dầu mỏ nhất như Saudi Arabia, UEA, Iran, Iraq, Kuwait, Oman, Qatar cũng là những quốc gia thu hút đầu tư nhiều nhất từ Trung Quốc trong khu vực. Với mối quan hệ ngày càng khăng khít trên lĩnh vực năng lượng, dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thương mại, đầu tư vào các nước Trung Đông. Khu vực này cũng được xem là mắt xích quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.
Căn cứ tình hình nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ XXI, có thể thấy mặc dù Trung Quốc đã triển khai chính sách đa dạng hóa nguồn cung, tìm kiếm nguồn nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau với mong muốn không quá lệ thuộc vào nguồn dầu mỏ Trung Đông, nhưng vai trò của dầu mỏ Trung Đông đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc vẫn không thay đổi. Là quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới với 23,6% nhu cầu năng lượng thế giới năm 2018, chiếm 22,6% số lượng dầu mỏ nhập khẩu toàn cầu năm 2019 với giá trị lên đến 238,7 tỷ USD(24), Trung Quốc không thể không đặt trọng tâm vào các nước khu vực Trung Đông trong bảo đảm an ninh năng lượng của mình. Trong quan hệ với các nước Trung Đông, Trung Quốc đã phát triển từ việc thực hiện các hợp đồng thương mại dầu khí sang hợp tác thăm dò khai thác dầu khí tại khu vực; đồng thời, triển khai các hoạt động đầu tư, thương mại, kêu gọi các nước khu vực Trung Đông đầu tư mạnh mẽ vào Trung Quốc để gắn kết chặt chẽ hơn lợi ích giữa hai bên./.
-------------------------
(1), (3), (10) BP: Statistical Review of World Energy 2019
(2), (6) Engin KOÇ: China’s Middle East Energy Policies, International Journal of Social Sciences and Education Research, 2015
(4), (13), (14), (15), (17), (19), (23) Daniel Workman: “Top 15 Crude Oil Suppliers to China”, http://www.worldstopexports.com/top-15-crude-oil-suppliers-to-china/, truy cập ngày 26-4-2020
(5), (9) Bryce Wakefield and Susan L.Levenstein: China and the Persian Gulf, Woodrow Wilson International Center for Scholars, 2011
(7) Jeff Barron: “China’s crude oil imports surpassed 10 million barrels per day in 2019, U.S. Energy Information Administration”, https://www.eia.gov/todayinenergy/detail.php?id=43216, truy cập ngày 30-3-2020
(8), (12) Nguyễn Minh Mẫn: “Chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ XXI”, Luận án Tiến sĩ lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, 2012
(10) Thông tấn xã Việt Nam: Trung Quốc, Saudi Arabia ký 14 thỏa thuận trị giá 65 tỷ USD, https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-saudi-arabia-ky-14-thoa-thuan-tri-gia-65-ty-usd-20170316172507526.htm, truy cập ngày 20-3-2017
(11) Thông tấn xã Việt Nam: “Trung Quốc, Saudi Arabia ký thỏa thuận lọc dầu trị giá 10 tỷ USD”, https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-saudi-arabia-ky-thoa-thuan-loc-dau-tri-gia-10-ty-usd-20190222184906969.htm, truy cập ngày 23-2-2019
(16) Thông tấn xã Việt Nam: “Trung Quốc và UAE ký nhiều thỏa thuận thương mại và dầu mỏ”, https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-va-uae-ky-nhieu-thoa-thuan-thuong-mai-va-dau-mo/514517.vnp, truy cập ngày 15-6-2019
(18) Qian Xuewen: “China ’s energy cooperation with Middle East oil-producing countries”, Journal of Middle Eastern and Islamic Studies (in Asia) Vol. 4 (3): 65 - 80, 2010
(21) International Gas Union (2018): “2018 World LNG Report USD”,
(21) National Bureau of Statistics of China: China Statistical yearbook 2019
(22) American Enterprise Institute and The Heritage Foundation: China Global Investment Tracker, 2019
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam: Vững bước để tiến xa hơn  (19/08/2020)
Binh chủng Tăng thiết giáp phòng, chống dịch Covid-2019 bằng nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả  (12/05/2020)
Quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới  (11/05/2020)
Vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhận diện tình hình thế giới hiện nay  (23/02/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển