Phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới

GS, TS. Nguyễn Hồng Quân
Thiếu tướng, Viện Chiến lược quốc phòng
23:37, ngày 20-02-2020

TCCS - Vùng biển Việt Nam có nhiều tiềm năng kinh tế, là cửa ngõ giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển một số ngành mũi nhọn của đất nước. Việc kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại là đòi hỏi bức thiết nhằm nâng cao đời sống nhân dân, nhanh chóng tạo ra thế và lực trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Tàu thuyền tại vũng neo thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi)_Ảnh: Quang Duy

Phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại

Từ sau Đại hội XI của Đảng, chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã được điều chỉnh cụ thể, chi tiết hơn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh; quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 nhấn mạnh “gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển”(1), đề ra những giải pháp tích cực để gắn phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, như tăng cường công tác quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng; xây dựng các vùng biển, đảo ở địa bàn chiến lược đều phải gắn kết chặt chẽ với quá trình tăng cường lực lượng, tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh; thực hiện nhiệm vụ, phương án, kế hoạch tác chiến và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chăm lo xây dựng thế trận lòng dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện quân với dân một ý chí; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội....

Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải (kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển)... du lịch biển, đảo. Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển, đảo một cách bền vững...”(2).

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng nêu rõ những giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển, trong đó có giải pháp tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển. Nghị quyết chỉ rõ, cần “hoàn thiện tổ chức các lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng, tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đất nước. Xây dựng lực lượng công an khu vực ven biển, đảo, các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển vững mạnh, làm nòng cốt bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biển, đảo. Nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng khu vực biển, đảo; bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động kinh tế khu vực biển; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển, đảo”(3)

Qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, “kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện. Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả tích cực”(4), tạo ra việc làm ổn định cho khoảng 9 triệu người, thay đổi về cơ cấu ngành, nghề theo hướng hiện đại hóa.

Trong khi đó, quốc phòng - an ninh đóng góp rất tích cực vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo, kiềm chế được xung đột; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được triển khai chủ động, toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển. Không chỉ quan hệ chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, kinh tế biển còn gắn chặt với công tác đối ngoại. Việt Nam tăng cường thúc đẩy quan hệ với các nước, nhất là các nước có lợi ích, có tiềm lực về biển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia; chủ động, tích cực giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình  trên cơ sở luật pháp quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển, trong đó có phát triển kinh tế biển. Đồng thời, chúng ta thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng, bảo tồn bền vững biển, đại dương và tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực về biển. Các giải pháp này góp phần giải quyết tranh chấp, xác định rõ quyền lợi của các quốc gia trên biển, tạo điều kiện cho việc phát triển quan hệ và là cơ sở cho việc hợp tác lâu dài; mở rộng hiểu biết, tin cậy, tạo cơ sở thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp, cũng như nâng cao năng lực quốc gia trong việc sử dụng và khai thác, phát triển kinh tế biển bền vững.

Tuy nhiên, một số địa phương, một số ngành chưa thực sự gắn kết phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ngược lại, có một số lĩnh vực của quốc phòng, an ninh chưa được gắn kết với phát triển kinh tế, làm cho kinh tế biển vốn còn nhiều hạn chế về khoa học - công nghệ, kỹ thuật và năng lực lại thêm phần bất cập trong công tác bảo vệ, làm hạn chế quá trình phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh. Một số địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch các khu công nghiệp, kinh tế tập trung, các dự án ven biển, trên đảo, chưa chú trọng các phương án xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, chủ yếu chạy theo lợi ích kinh tế; một số quy hoạch, kế hoạch, nhất là việc xây dựng bến cảng, cơ sở công nghiệp biển, các khu dịch vụ trên đảo vẫn còn tràn lan, không tuân thủ các nguyên tắc chung... làm ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển, đảo. Đây là điểm cần chú ý khắc phục trong thời gian tới.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế biển, gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới

Trước hết, bảo đảm kết hợp trong xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế  biển với quốc phòng, an ninh.

Việc bảo đảm kết hợp cần tiến hành trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, thành phố ven biển với xây dựng các khu vực phòng thủ then chốt, các cụm chiến đấu, các xã, phường chiến đấu trên địa bàn; trong quá trình phân công lao động, phân bố lại dân cư với tổ chức, xây dựng và điều chỉnh, bố trí lại lực lượng quốc phòng, an ninh cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược quốc phòng, kế hoạch phòng thủ bảo vệ Tổ quốc; kết hợp đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế biển với xây dựng các công trình quốc phòng, phòng thủ dân sự, thiết bị chiến trường... bảo đảm vừa phục vụ quốc phòng, an ninh, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp xây dựng các cơ sở kinh tế biển vững mạnh với xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, kỹ thuật và hậu phương vững chắc để sẵn sàng đối phó khi có xung đột, chiến tranh xâm lược.

Ngư dân Phú Yên đánh bắt cá ngừ đại dương_Ảnh: TTXVN

Đẩy mạnh xây dựng thực lực kinh tế biển, thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và lựa chọn đối tác đầu tư nước ngoài để phát triển các ngành kinh tế biển, trước mắt là lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến các sản phẩm dầu khí; phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, kinh tế biển và công nghiệp đóng tàu; khai thác đánh bắt hải sản; phát triển du lịch và kinh tế đảo; tiếp tục triển khai chủ trương đánh bắt hải sản xa bờ, kết hợp bảo vệ chủ quyền vùng biển , hỗ trợ cho tàu, thuyền của các doanh nghiệp và ngư dân khi có tình huống thiên tai, cướp biển, nguy cấp về sức khỏe, đồng thời giữ vững chủ quyền, an ninh.

Quy hoạch, lựa chọn những thành phố, thị xã ven biển có vị trí thích hợp để xây dựng thành các trung tâm kinh tế, các hải cảng lớn, vừa là “bàn đạp” tiến ra biển, vừa là “đầu tàu” lôi kéo các vùng kinh tế khác ở trong nước cùng phát triển. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng chính sách thu hút ngày càng nhiều dân cư đến ở và lập nghiệp lâu dài trên các đảo, quần đảo, nhất là quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác chủ chốt và nước lớn, kiên quyết đấu tranh chống âm mưu của bên ngoài lấn chiếm biển, đảo, biến vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam thành vùng tranh chấp; đồng thời tạo thế và lực để giải quyết hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế các tranh chấp trên biển.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo với các hoạt động đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, trước hết là tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; đầu tư xây dựng lực lượng quốc phòng trên biển, đảo vững mạnh, làm nòng cốt trong nhiệm vụ phòng thủ, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trên biển, đảo.

Chú trọng đầu tư phát triển chương trình bám biển, đánh bắt xa bờ, củng cố lực lượng dân quân biển, các hải đoàn tự vệ, các lực lượng chấp pháp (cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng...); kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời những hoạt động vi phạm chủ quyền biển, đảo nước ta; làm nòng cốt cho phát triển kinh tế biển và tạo thế bảo vệ vững chắc các điểm, đảo đóng quân, nhà giàn DK1...  Hoàn thiện phương án đối phó với các tình huống có thể xảy ra, đủ sức canh giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo.

Tăng cường xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển vững mạnh, nhất là lực lượng hải quân, không quân, các quân khu ven biển đủ sức hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao; trong đó kiện toàn hải quân về tổ chức biên chế, theo hướng tinh gọn, cơ động, linh hoạt cao, có sức chiến đấu mạnh; đồng thời, nghiên cứu, vận dụng ngvới những giải pháp đồng bộ: đóng tàu đủ tiêu chuẩn để ngư dân yên tâm hoạt động dài ngày trên biển; bao tiêu sản phẩm, bảo đảm hậu cầnhệ thuật tác chiến của hải quân và các lực lượng vũ trang khác trên chiến trường biển, đảo một cách sáng tạo, linh hoạt để đánh thắng đối phương trong mọi tình huống.

Chăm lo xây dựng lực lượng cảnh sát biển, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, đồng thời tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của quân đội và của cảnh sát biển theo Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, trong đó quy định Cảnh sát biển Việt Nam được quyền truy đuổi tàu thuyền vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; tiếp tục giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ. Nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là tình hình trên biển để kịp thời tham mưu với Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương về đối sách xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ; nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện và thông báo kịp thời mọi hoạt động xâm phạm, vi phạm vùng biển, đảo của nước ta. Chấp hành nghiêm chủ trương, đối sách xử lý các tình huống trên biển, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định. Đấu tranh có hiệu quả phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma tuý; phòng, chống mua bán người; chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tăng cường hoạt động tuần tra của các lực lượng hải quân, không quân, Cảnh sát biển, làm chỗ dựa cho ngư dân trên biển, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra; hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản, cứu hộ - cứu nạn trên biển, hỗ trợ hậu cần, y tế, nước ngọt... để ngư dân ta có thể hoạt động dài ngày trên biển.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân về đánh bắt, khai thác hải sản trên biển_Ảnh: baohaiquanvietnam.vn

Phát triển dân quân biển thành lực lượng đấu tranh trên biển, đây là một trong những nội dung của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Dân quân biển là một thành phần của lực lượng vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Lực lượng này không những được trang bị phương tiện chắc chắn, hiện đại, mà còn cần được tổ chức, liên kết chặt chẽ, thông tin thông suốt, có nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước; chính quyền cần khuyến khích sự tham gia của các nhà tài trợ cho hoạt động của lực lượng dân quân biển.

Các địa phương cần chủ trì, phối hợp với Hải quân, Bộ đội Biên phòng có biện pháp quản lý khi ngư dân và tàu, thuyền đánh cá xuất bến nhằm góp phần giữ môi trường ổn định, triệt tiêu nguy cơ xung đột trên biển, góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU) đối với thủy sản Việt Nam.

Củng cố, xây dựng các xã, phường trọng điểm về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh, trong đó chú trọng các địa bàn dự định xây dựng các đặc khu kinh tế biển. Tập trung xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển kinh tế biển và xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới, làm cơ sở cho việc thực hiện kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, đối ngoại một cách cơ bản, toàn diện, lâu dài.

Coi trọng xây dựng khu vực phòng thủ ở các tỉnh, thành phố ven biển, đặc biệt là xây dựng các đảo trở thành các “pháo hạm” kiên cố; tích cực bổ sung, hoàn thiện kế hoạch phòng thủ bảo vệ biển, đảo để bảo đảm giữ vững chủ quyền, ngăn chặn xung đột vũ trang trên biển. Tranh thủ thời cơ để tăng cường sức mạnh trên biển và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Thứ ba, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về quốc phòng, nhất là với các nước trong khu vực và các nước lớn để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia. Tăng cường hợp tác quốc phòng trong cơ chế Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), các cơ chế của ASEAN, đặc biệt là phối hợp xử lý các vấn đề an ninh trên biển; trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, như cứu trợ nhân đạo, chống khủng bố, cướp biển... Tăng cường giao lưu quốc tế, phối hợp tuần tra, diễn tập, cứu hộ - cứu nạn trên biển giữa các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư góp phần giữ vững môi trường ổn định, triệt tiêu nguy cơ xung đột trên biển.

Khai thác khả năng viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản trong xây dựng kết cấu hạ tầng cảng, cầu,  đường, cảng quốc tế nước sâu cỡ lớn, tạo điều kiện tiếp nhận các tàu tải trọng lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế. Tận dụng thế mạnh, như kinh nghiệm và công nghệ hiện đại của một số tập đoàn Nhật Bản. Thúc đẩy hợp tác an ninh năng lượng, vừa góp phần cân bằng cán cân  thương mại Mỹ  - Việt Nam, vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng gia tăng(5). Cần có kế hoạch cụ thể hợp tác với một số công ty hàng đầu của Mỹ, tận dụng điểm mạnh của các công ty Mỹ như kỹ thuật công nghệ...

Nỗ lực để sớm kết thúc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và việc tìm kiếm một giải pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Trong đàm phán COC, cần đưa vào nội dung cấm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân di động trên biển; khéo đưa các nước có lợi ích liên quan vào cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường biển.

Phát triển kinh tế biển không chỉ đáp ứng nhu cầu dân sinh mà còn thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững; là sự gắn kết chặt chẽ xây dựng vùng chiến lược quốc phòng, an ninh với phát triển vùng kinh tế chiến lược, tạo ra và tăng cường thế bố trí chiến lược cả về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên vùng biển, đảo./.

------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 121
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 94 - 95
(3) Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, https://bnews.vn/nghi-quyet-ve-chien-luoc-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-viet-nam-den-nam-2030/99434.html
(4) Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, Tlđd
(5) Nhu cầu này tăng từ 54 triệu lên 90 triệu đơn vị tiêu thụ năng lượng vào năm 2035