Công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế
TCCS - Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, công tác bảo đảm an ninh kinh tế luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác bảo đảm an ninh kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ độc lập, tự chủ và ổn định của nền kinh tế đất nước; bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; phục vụ thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tình hình trong nước, khu vực và thế giới đang có nhiều thay đổi, diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh nói chung, an ninh kinh tế nói riêng. Đặc biệt là chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường nội địa và quốc tế; kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa thực sự vững chắc, nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn; việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; đổi mới, sắp xếp lại, cổ phần hóa và quản trị doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có những kết quả tích cực, song vấn nạn trên vẫn diễn biến phức tạp; còn xảy ra tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước về kinh tế…
Các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động phá hoại kinh tế nhằm làm mất ổn định kinh tế vĩ mô. Lợi dụng việc mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam để làm giảm tính tự chủ, gia tăng sự lệ thuộc của nền kinh tế nước ta vào các yếu tố nước ngoài; thông qua kinh tế để âm mưu tác động, chi phối về chính trị. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng những năm gần đây đáng lo ngại, gây thiệt hại cho Nhà nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng, liên quan đến nhiều cán bộ tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, trong đó có cán bộ cấp cao…
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là do việc xây dựng chính sách quốc gia để bảo đảm an ninh kinh tế chưa đủ mạnh, chưa đồng bộ, còn hạn chế; cấp ủy, chính quyền nhiều nơi còn có biểu hiện chủ quan, chưa lường hết được những vấn đề phức tạp, dẫn đến thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ bảo đảm an ninh kinh tế; có nơi, có lúc coi công tác bảo đảm an ninh kinh tế là nhiệm vụ của riêng lực lượng công an…
Để làm tốt công tác bảo đảm an ninh kinh tế, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Bộ Công an đã tổng kết và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 5-1-2017, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”. Đây là chỉ thị đầu tiên của Bộ Chính trị về công tác bảo đảm an ninh kinh tế.
Ngay sau khi ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW, Bộ Công an tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP, ngày 13-9-2017, kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW; xây dựng kế hoạch của Bộ Công an thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP, của Chính phủ.
Đánh giá công tác bảo đảm an ninh kinh tế giai đoạn 2009 - 2016 và triển khai Chỉ thị số 12-CT/TW, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích mà lực lượng công an nhân dân đạt được trên các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung, công tác bảo vệ an ninh kinh tế nói riêng trong thời gian qua. Đồng thời, nhấn mạnh trách nhiệm quan trọng của Đảng ủy Công an Trung ương trong việc tham mưu cho Đảng, Chính phủ triển khai Chỉ thị số 12-CT/TW; cần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách của công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong tình hình hiện nay. Xác định rõ bảo đảm an ninh kinh tế là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, trong đó, Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt; bảo đảm an ninh kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ cán bộ, bảo vệ đảng viên, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bảo đảm an ninh kinh tế là điều kiện tiên quyết góp phần tạo tiền đề, môi trường thuận lợi, an ninh, an toàn cho sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế, bảo đảm kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Công an nhân dân tiếp tục phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng vẻ vang; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân, các ban, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và dựa vào nhân dân; không ngừng nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị.
Tại Chỉ thị số 12-CT/TW, Đảng ủy Công an Trung ương được Bộ Chính trị giao chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện, kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thực hiện phân công, chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 15-1-2019, Đảng ủy Công an Trung ương ban hành Kế hoạch số 110-KH/ĐUCA, về sơ kết 2 năm triển khai thực hiện chỉ thị trên; ngày 13-3-2019 ban hành Kế hoạch số 113-KH/ĐUCA, về kiểm tra công tác triển khai, thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW. Việc sơ kết và kiểm tra thực hiện tại một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế; đánh giá đúng thực trạng tình hình, kết quả quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW. Qua kiểm tra, một số cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW; phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên; lồng ghép việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW vào các chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng để tổ chức thực hiện.
Lực lượng an ninh kinh tế nắm chắc, phân tích, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp cơ bản, có tính chiến lược về bảo đảm an ninh kinh tế, hoạch định chính sách và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xử lý kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, các hoạt động chuyển giá, trốn thuế, đình công, lãn công... Phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá, “dùng kinh tế để chuyển hóa chính trị” của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế; ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguy cơ đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, phục vụ thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức. Năm 2020, nhiều tổ chức kinh tế lớn dự báo, kinh tế toàn cầu tuy có một vài điểm sáng nhưng nhìn chung vẫn tiếp tục “bấp bênh, ảm đạm”, cùng những bất ổn về chính trị, chiến tranh thương mại, bảo hộ hàng hóa và tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Trong nước, năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực, GDP tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra. Năm 2020, các chuyên gia đều đánh giá, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển tốt, tuy nhiên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro và nếu không nắm chắc, có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế đất nước, điển hình như lạm phát có nguy cơ quay trở lại; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn (60% các doanh nghiệp làm ăn không có lãi trong năm 2019 dẫn đến nguồn thu ngân sách không đạt); tình trạng “nhóm lợi ích”, tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp, gây những hậu quả lớn về kinh tế; hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra chậm, chưa như mong đợi, phát sinh những khó khăn, phức tạp mới; tình trạng vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp FDI như trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, “chuyển giá”chưa được ngăn chặn kịp thời; hoạt động hợp tác kinh tế của nước ta với một số nước còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn yếu tố phức tạp có thể gây thua thiệt cho nền kinh tế…
Mặt khác, tình hình tội phạm kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn mới, trong đó nổi lên là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, buôn lậu và lợi dụng những sơ hở trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế để thực hiện hành vi phạm tội. Những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa, các loại dịch bệnh, hiểm họa môi trường, an ninh lương thực, an ninh hàng hải, an ninh hàng không, an ninh tài chính, đầu tư, an ninh mạng... và các loại tội phạm xuyên quốc gia khác tiếp tục là nguy cơ đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế.
Việc bảo đảm an ninh kinh tế là điều kiện, tiền đề quan trọng để nền kinh tế nước ta gia tăng sức mạnh nội lực, năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng, có những bước phát triển vững chắc, nhất là khi bước vào giai đoạn thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới. Do đó, để công tác bảo đảm an ninh kinh tế được coi trọng và triển khai hiệu quả, cần tập trung thực hiện:
Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt hơn trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp về bảo đảm an ninh kinh tế theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TWcủa Bộ Chính trị, góp phần đưa Chỉ thị thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự chuyển biến rõ nét, mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cấp, các ngành, cùng với lực lượng công an phải quán triệt triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo, chính sách của Đảng, Nhà nước về về công tác bảo đảm an ninh kinh tế thành các chương trình, kế hoạch và trách nhiệm của từng cấp, ngành để thực hiện có hiệu quả. Quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo đảm an ninh kinh tế; những chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài vào địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh chỉ được phê duyệt khi có ý kiến đồng thuận của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các biện pháp công tác công an góp phần bảo vệ kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ ba, làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh quốc gia trên lĩnh vực kinh tế, bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, không để xảy ra các sơ hở, thiếu sót.
Thứ tư, kịp thời phát hiện, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế.
Thứ năm, đổi mới phương thức và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới các cấp, ngành, từ Trung ương đến địa phương, về trách nhiệm bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, để tạo những chuyển biến tích cực, rõ nét hơn từ nhận thức đến hành động, đưa công tác bảo đảm an ninh kinh tế trở thành trách nhiệm của cả hệ thống chính trị./.
Tạp chí Cộng sản giữ vững vị trí của một tạp chí lý luận chính trị uy tín hàng đầu của Đảng  (16/01/2020)
Vinh danh 57 tác giả, tác phẩm đoạt Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ IV năm 2019  (16/01/2020)
Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí  (06/01/2020)
Xây dựng hình ảnh người Công an Thủ đô vì nhân dân phục vụ  (31/12/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên