Thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thông qua chính sách khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Phần Lan: Kinh nghiệm và một số vấn đề đặt ra
TCCS - Phần Lan là quốc gia đứng hàng đầu thế giới về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI). Để có được kết quả như vậy, Chính phủ Phần Lan đã triển khai hiệu quả chính sách STI nhằm thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong cả khu vực công lẫn khu vực tư. Hiện nay, mặc dù vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng như trước, nhưng Phần Lan vẫn coi thúc đẩy đầu tư cho R&D là nền tảng quan trọng bậc nhất để phát triển quốc gia. Kinh nghiệm của Phần Lan về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo rất có ý nghĩa để các nước, trong đó có Việt Nam tham khảo.
Vai trò của chính sách STI trong thúc đẩy đầu tư cho R&D
Chính sách STI đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy đầu tư cho R&D tại Phần Lan. Từ những năm 1980 cho đến năm 2011, Phần Lan đã triển khai các chính sách STI cân bằng nhằm đẩy mạnh đầu tư cho R&D tại khu vực công và khuyến khích đầu tư R&D tại khu vực tư nhân. Trong giai đoạn này, nhờ triển khai chính sách STI cân bằng thông qua thúc đẩy R&D cả khu vực công lẫn khu vực tư mà Phần Lan vẫn duy trì được đà tăng trưởng ở mức cao, bất chấp hai đợt đại suy thoái kinh tế diễn ra vào đầu năm 1990 và năm 2008. Trong giai đoạn này, Tập đoàn viễn thông Nokia đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư cho R&D thông qua các hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới (RDI) quy mô lớn cho đến khi đạt được thị phần cao nhất vào năm 2008. Điều này đã tác động làm thay đổi quan điểm của các nhà hoạch định chính sách STI tại Phần Lan là chuyển trọng tâm chính sách sang kích thích đầu tư cho R&D của khu vực tư nhân, thông qua thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2011 - 2015, với sự sụp đổ của “đế chế Nokia” - xương sống của nền kinh tế Phần Lan - kết hợp với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, đã làm nợ công nước ngoài của Phần Lan tăng nhanh (từ 54 tỷ euro năm 2008 lên 100 tỷ euro năm 2015); thâm hụt ngân sách tăng lên đáng kể đã làm giảm nguồn lực có thể phân bổ cho R&D(1). Vì vậy, trong giai đoạn này, Phần Lan đã giảm nguồn tài trợ công cho R&D. Việc giảm đầu tư cho R&D tại khu vực công đã tác động tiêu cực đến khu vực doanh nghiệp. Kể từ năm 2015 đến nay, Phần Lan đã có những điều chỉnh về chính sách STI để những khoản đầu tư cho R&D đạt hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của xã hội. Hiện nay, Phần Lan tập trung đầu tư nhiều hơn vào gia tăng đổi mới, nghĩa là tập trung nhiều vào cải tiến nhỏ và nâng cao liên tục chất lượng các sản phẩm, quy trình và dịch vụ hiện có để gia tăng hiệu suất, hiệu quả đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng; tỷ lệ đầu tư cho R&D cả khu vực công và tư của Phần Lan đã giảm xuống còn 2,98% vào năm 2023 và dự kiến năm 2024 chỉ còn 2,96%(2). Tuy nhiên, Nghị viện Phần Lan cũng đã đưa ra cam kết sẽ tăng chi tiêu cho R&D lên 4% GDP vào năm 2030(3).
Các chính sách STI trong thúc đẩy đầu tư cho R&D
Để thúc đẩy đầu tư cho R&D, Phần Lan đã triển khai và cải cách nhiều sáng kiến chính sách STI, cụ thể:
Một là, Chương trình Trung tâm Chuyên môn (OSKE), được triển khai với mục đích sử dụng kiến thức và chuyên môn chuyên sâu làm nguồn lực cho hoạt động kinh doanh, tạo việc làm và phát triển khu vực. Chương trình này được triển khai từ năm 1994 đến năm 2013. Đây là công cụ chính sách STI quan trọng, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới khu vực ở Phần Lan. OSKE đã triển khai nhiều hoạt động tại các lĩnh vực có tầm quan trọng quốc gia và hỗ trợ hợp tác giữa khu vực nghiên cứu với khu vực kinh doanh. OSKE được triển khai trong ba giai đoạn là 1994 - 1998, 1999 - 2006 và 2007 - 2013. Trong giai đoạn 2007 - 2013, hợp tác theo cụm đã được phát triển trên 13 lĩnh vực trọng tâm khác nhau(4).
Hai là, Chương trình Thành phố đổi mới (INKA), được triển khai trong giai đoạn 2014 - 2017. Chương trình này nhấn mạnh vai trò của các thành phố trong việc xây dựng những trung tâm đổi mới khu vực, với mục tiêu tạo ra các trung tâm được kết nối toàn cầu, mang tính hấp dẫn hơn ở các khu vực thành thị. Tuy nhiên, chương trình này lại được triển khai vào đúng giai đoạn khủng hoảng của Phần Lan, vì vậy, kinh phí bị giảm dần từ năm 2015 và đến năm 2017, Chính phủ Phần Lan đã quyết định hạn chế dần INKA, song vẫn dành phần lớn nguồn vốn của Quỹ Cơ cấu của Liên minh châu Âu (tài trợ cho giai đoạn 2014 - 2020) để tiếp tục triển khai INKA. Mục tiêu là để có các công cụ chính sách tốt hơn nhằm hướng nguồn lực quốc gia và khu vực vào các thực thể phát triển chiến lược và rộng lớn hơn, bao gồm cả mạng lưới quốc tế.
Ba là, Trung tâm Chiến lược Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (SHOK), do Hội đồng Nghiên cứu và Đổi mới (RIC) thành lập vào năm 2007, với mục đích tăng cường các hoạt động kinh doanh theo định hướng nghiên cứu, phát triển và đổi mới ở khu vực doanh nghiệp bằng cách tạo ra lợi thế cạnh tranh mới ở cả cấp độ tổ chức, cụm và hệ thống. SHOK triển khai một loại hình hợp tác và tương tác công - tư (PPP) mới cũng như thử nghiệm các nền tảng và môi trường hợp tác mới để doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu thực hiện nghiên cứu dựa trên chương trình nghiên cứu chung, nhằm tạo ra những đổi mới cụ thể và mô hình kinh doanh trong giai đoạn 5 - 10 năm. SHOK ban đầu có tầm nhìn dài hạn về phát triển theo định hướng RDI nhưng dần dần, SHOK đã trở thành một trong những công cụ chính trong chính sách STI của Phần Lan.
Bốn là, cải cách đại học. Cải cách các trường đại học và đặc biệt là các đại học khoa học ứng dụng lần lượt được đưa vào thực hiện từ năm 2010 và giai đoạn 2014 - 2015. Mục tiêu của những cải cách này là tăng cường quyền tự chủ về kinh tế và hành chính, tăng tính linh hoạt trong chính sách nhân sự, đa dạng hóa cơ sở tài chính và cải thiện điều kiện hợp tác giữa các trường đại học(5). Ngoài ra, Phần Lan còn tiến hành tách các trường đại học ra khỏi khu vực nhà nước thành các thực thể pháp lý độc lập, mục đích là nâng cao các điều kiện cần thiết cho các trường đại học trong tái cơ cấu các hoạt động và có nguồn lực nhiều hơn để đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh cũng như tăng cường sự tham gia của các trường đại học vào tương tác đa phương. Bên cạnh đó, ngân sách của Chính phủ Phần Lan dành cho R&D của các trường đại học cũng có sự thay đổi theo hướng tăng cường cho các trường đại học khoa học ứng dụng. Năm 2022, ngân sách đầu tư cho R&D đối với các trường đại học ứng dụng khoa học là 90,3 triệu euro (tăng 9,6 triệu so với năm 2021), còn của các trường đại học khác là 721,9 triệu euro (giảm 2,2 triệu so với năm 2021(6).
Năm là, cải cách các viện R&D. Kể từ năm 2013, Phần Lan đã tiến hành cải cách các viện R&D công và có chương trình tài trợ nghiên cứu cho các viện này. Một số viện nghiên cứu của địa phương đã được sáp nhập vào các đơn vị lớn hơn hoặc sáp nhập vào trường đại học. Kết quả là, số lượng viện R&D nhà nước đã giảm từ 20 xuống còn 12 (năm 2015). Do áp dụng chính sách cải cách cùng các quyết định khác của chính phủ, kinh phí ngân sách dành cho nghiên cứu của các viện R&D đã giảm 37% (xuống còn 197 triệu euro) trong giai đoạn 2013 - 2016. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, ngân sách đầu tư cho các viện nghiên cứu đang có xu hướng gia tăng. Năm 2022, ngân sách dành cho các viện nghiên cứu là 215,6 triệu euro (tăng 4,3 triệu euro so với năm 2021)(7).
Sáu là, cải cách Hội đồng Nghiên cứu và Đổi mới (RIC). Trong những năm qua, RIC hoạt động chủ yếu như một diễn đàn để thảo luận rộng rãi về các chính sách và hướng đến mục tiêu hình thành sự đồng thuận chiến lược quốc gia về các vấn đề chính sách thiết yếu nhất. Điều này gắn liền với việc giám sát trạng thái và tính hiệu quả của toàn bộ hệ thống STI của Phần Lan. Việc cải tổ RIC diễn ra vào tháng 4-2016 với một số thay đổi lớn gồm: 1- Cải tổ quy mô RIC nhỏ hơn nhưng Hội đồng vẫn do Thủ tướng làm chủ tịch và các thành viên hiện nay là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, một Bộ trưởng khác do Chính phủ bổ nhiệm và năm thành viên khác là đại diện cho khu vực nghiên cứu và khu vực công nghiệp; 2- Ban thư ký độc lập của Hội đồng và hai tiểu ban bị bãi bỏ, công việc chuẩn bị được giao cho một nhóm công chức của Bộ Giáo dục và Văn hóa, Bộ Kinh tế và Việc làm, Văn phòng Thủ tướng, Quỹ Tekes, Cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp Business Finland và Học viện Phần Lan. Bản chất hoạt động và cách thức tổ chức công việc của RIC đã thay đổi đáng kể từ năm 2016. Ngoài ra, hầu hết các khuyến nghị được đưa ra trong đánh giá độc lập của RIC công bố năm 2014 đều không được áp dụng vào thực tế cũng như các hoạt động của RIC từ năm 2016 đến nay không còn mang tính chuyên sâu và độc lập như trước. Tuy nhiên, hiện nay, quan điểm về khu vực công và tư của RIC vẫn mang tính thời sự, vì vậy vẫn được đưa vào chương trình nghị sự của chính phủ.
Bảy là, các sáng kiến khác. Bên cạnh những cải cách và sáng kiến chính sách STI kể trên, Phần Lan còn triển khai một số sáng kiến chính sách khác như:
1- Chương trình “Hướng đạo đổi mới” (KINO) nhằm phát triển năng lực đổi mới và hoạt động thương mại hóa trong các tổ chức nghiên cứu, dành cho các doanh nghiệp trong giai đoạn 2015 - 2017. Số vốn tài trợ cho chương trình này là 7,2 triệu euro.
2- Chương trình hàng đầu (Học viện Phần Lan) dành cho các trung tâm chuyên môn học thuật, cung cấp nguồn tài trợ dài hạn cho các hệ sinh thái/đầu tàu lớn của Phần Lan, mỗi hệ thống hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể. Chương trình này thúc đẩy sự hợp tác giữa nghiên cứu, kinh doanh và xã hội, đồng thời giúp tạo ra các giải pháp ứng phó với những thách thức xã hội và phát triển các cơ hội kinh doanh mới. Trong giai đoạn 2019 - 2022, tổng kinh phí tài trợ cho chương trình này vào khoảng 320 triệu euro, trong đó Học viện chiếm hơn 54 triệu euro.
3- Thành lập Trung tâm Năng lực dựa trên mạng lưới về Mua sắm công Sáng tạo và bền vững (KEINO). Nhân sự của trung tâm gồm 14 chuyên gia và 6 tổ chức nền tảng. Hoạt động của trung tâm hướng tới một số mục tiêu, như gia tăng số lượng hoạt động mua sắm sáng tạo và bền vững; mua sắm công sẽ được công nhận và sử dụng tích cực như một công cụ quản lý; các thực thể ký hợp đồng sẽ phổ biến thông tin kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Bên cạnh đó, tháng 4-2020, Bộ Giáo dục và Văn hóa cùng Bộ Kinh tế và Việc làm của Phần Lan đã công bố lộ trình RDI mới, với mục đích tổng hợp một loạt sáng kiến về cách hỗ trợ để đạt được các mục tiêu chính sách STI của chính phủ và đề ra mục tiêu đầu tư cho R&D đạt 4%.
Năm 2023, Chính phủ Phần Lan đã ban hành hai luật mới để thúc đẩy đầu tư cho R&D nhằm đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030. Thứ nhất, Đạo luật Tài trợ nghiên cứu và phát triển, có hiệu lực từ đầu năm 2023. Với đạo luật này, ngân sách R&D của khu vực công sẽ tăng từ 2,4 tỷ euro (năm 2023) lên 4,3 tỷ euro (năm 2030). Đạo luật này được thông qua dựa trên sự đồng thuận của tất cả các đảng phái chính trị lớn về sự nhất trí cần phải có một chiến lược R&D dài hạn.
Thứ hai, Luật Ưu đãi thuế R&D mới được Chính phủ Phần Lan ban hành vào tháng 1-2023, với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động R&D bằng cách đưa ra các ưu đãi nghiên cứu và phát triển cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án R&D riêng. Luật mới này cho phép các doanh nghiệp Phần Lan được khấu trừ 50% từ tiền lương và chi phí dịch vụ liên quan đến hoạt động R&D. Bên cạnh đó, các công ty của Phần Lan có thể nhận được khoản khấu trừ bổ sung 45% dựa trên số lượng hoạt động R&D tăng lên nếu số lượng hoạt động do người nộp thuế thực hiện trong năm tính thuế đã tăng lên so với năm tính thuế trước đó(8).
Một số đánh giá về thúc đẩy đầu tư cho R&D thông qua chính sách STI của Phần Lan
Về thành công
Trong quá trình triển khai chính sách và các sáng kiến chính sách STI đầu tư cho R&D, Phần Lan đã đạt được một số thành công cụ thể sau:
Thứ nhất, việc thành lập Cơ quan Công nghệ quốc gia (Tekes) vào năm 1983 là một cột mốc quan trọng đối với đầu tư cho R&D cũng như đối với hệ thống STI của Phần Lan. Việc thành lập Tekes là một phần trong chiến lược tập trung đầu tư vào kiến thức và công nghệ, được thúc đẩy bởi các thành viên có tầm nhìn của Tekes, bao gồm các đại diện đến từ cơ quan hành chính công, khu vực doanh nghiệp và cộng đồng STI. Tekes ban đầu là một Ủy ban Tự động hóa với nhiệm vụ tìm ra các giải pháp ngăn chặn tác động tiêu cực của công nghệ tự động hóa và các hậu quả xã hội khác. Trong quá trình phát triển, cách tiếp cận của Tekes đã thay đổi khi nhận thấy việc tăng cường tự động hóa và phát triển công nghệ khác thực sự mang lại sự tăng trưởng kinh tế cao hơn và việc làm tốt hơn. Cách tiếp cận tổng thể dài hạn của Tekes là đầu tư vào năng lực. Điều này có tầm quan trọng chiến lược đối với những thành tựu trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Phần Lan.
Thứ hai, RIC đưa ra những khuyến nghị quan trọng liên quan đến SHOK và sự hợp tác giữa giới học thuật trong ngành. Điều này đã tác động đến các công cụ tài chính của Học viện Phần Lan và Tekes vào năm 2006 và đánh dấu sự ra mắt của mô hình và công cụ chính sách PPP để đầu tư cho R&D.
Thứ ba, chương trình OSKE đạt thành công ngoài mong đợi. Nguồn tài trợ của OSKE đã tác động lớn đến các hoạt động R&D tại nhiều khu vực của Phần Lan. Đối tượng hưởng lợi chính của OSKE là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng phát triển R&D trong các khu vực đô thị lớn.
Thứ tư, vai trò lãnh đạo của RIC được coi là một trong những yếu tố góp góp phần tạo ra tính hiệu quả cho hệ thống STI của Phần Lan. RIC đóng vai trò là công cụ nền tảng cho đối thoại chính trị và thảo luận chuyên sâu về cách thực hiện các chính sách STI cũng như thúc đẩy đầu tư cho R&D.
Về hạn chế
Việc thực hiện chính sách STI nhằm thúc đẩy đầu tư cho R&D đã gặp phải thách thức khi một số công cụ chính sách không đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế của Phần Lan gặp khó khăn do chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến GDP của Phần Lan suy giảm, môi trường kinh tế và chính sách trở nên bất ổn và hỗn loạn hơn.
Một là, hạn chế chung trong quá trình thúc đẩy đầu tư R&D ở Phần Lan chính là việc đưa ra các ưu đãi thuế. Trong giai đoạn 2013 - 2014, ưu đãi thuế cho R&D không mang lại thành công do những sai sót về cơ cấu, thách thức trong quá trình thực hiện. Hiện nay, vấn đề ưu đãi thuế dành cho R&D lại nằm trong chương trình nghị sự chính sách như một khuyến nghị về lộ trình RDI mới của Chính phủ Phần Lan.
Hai là, việc triển khai SHOK không hiệu quả bởi mô hình SHOK ban đầu không tính đến đặc thù của từng ngành trong nền kinh tế của Phần Lan. Bên cạnh đó, từ năm 2015, Chính phủ Phần Lan đã quyết định chấm dứt tài trợ cho SHOK và điều này đã để lại một khoảng trống trong hợp tác giữa khu vực doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu, bởi SHOK đã đóng góp rất lớn vào việc tạo ra mạng lưới và văn hóa hợp tác lâu dài giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp, đồng thời tạo nền tảng đàm phán các chương trình nghị sự chiến lược và xây dựng đồng thuận liên quan đến các tiêu chuẩn.
Ba là, điều quan trọng nhất là cần chú ý đến đặc thù của các ngành khi thiết kế và thực hiện các công cụ chính sách STI để thúc đẩy R&D cho các ngành trong nền kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ Phần Lan đã thúc đẩy R&D cho tất cả các ngành dựa trên đặc điểm của lĩnh vực công nghệ thông tin và điều này đã tạo ra tác động ngược cho nền kinh tế Phần Lan khi quá lệ thuộc vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Việc công ty công nghệ hàng đầu Phần Lan là Tập đoàn viễn thông Nokia bị sụp đổ đã dẫn đến hậu quả khôn lường cho nền kinh tế của Phần Lan.
Bốn là, những khác biệt giữa chính sách khu vực và chính sách STI đã tạo ra khó khăn trong cách tiếp cận; sự chồng chéo giữa chính sách STI quốc gia và chính sách khu vực và gần đây hơn là chính sách của các thành phố lớn đã làm suy yếu cách tiếp cận hệ thống được thực hiện trước đó tại Phần Lan.
Năm là, tính dễ bị tổn thương hiện nay trong chính sách STI của Phần Lan xuất phát từ tình trạng các bộ đều xây dựng những chiến lược riêng mà chưa tích hợp với thực tiễn của các ngành, khiến chính sách quốc gia không thể tác động lớn đến các doanh nghiệp. Vấn đề này bắt nguồn từ thực tế là có quá ít sự phối hợp và quản lý để hình thành nên một chính sách mang tính hệ thống và tổng hợp.
Sáu là, việc thiếu tính liên tục và thiếu sự kết nối giữa các chương trình của chính phủ là một hạn chế lớn. Trong giai đoạn 1990 - 2000, Phần Lan từng dẫn đầu thế giới trong việc điều phối chính sách STI giữa các bộ và các tổ chức tài trợ, để các bên luôn có sự hợp tác chặt chẽ hơn. Đồng thời, mối liên hệ giữa chính sách STI với các lĩnh vực chính sách khác, như kinh tế, khu vực, xã hội và môi trường ngày càng chặt chẽ hơn. Tuy nhiên đến giai đoạn 2012 - 2016, khi sự phối hợp này trở nên ít hơn ở nhiều khía cạnh đã đẩy hệ thống đổi mới của Phần Lan rơi vào khủng hoảng, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, nguồn tài trợ R&D của khu vực công và tư nhân liên tục giảm, hợp tác giữa khu vực nghiên cứu với khu vực doanh nghiệp giảm sút, mối liên kết giữa chính quyền trung ương và khu vực trong RDI cũng không còn như trước. Sự suy giảm nguồn lực R&D của khu vực công và tư nhân cũng như quản lý yếu kém đã dẫn đến tình trạng hiệu suất đổi mới tương đối của Phần Lan suy yếu.
Bảy là, kể từ năm 2011 đến nay, thế hệ các nhà hoạch định chính sách mới của Phần Lan ít chú trọng đến vai trò của RDI trong các chính sách kinh tế và xã hội, đồng thời có những quan điểm khác nhau về vai trò và nội dung của chính sách STI. Điều này dẫn đến sự suy yếu về thể chế đối với hệ thống STI. Nền kinh tế suy thoái và thâm hụt ngân sách của chính phủ ngày càng tăng đã làm gia tăng áp lực cần phải thực hiện những thay đổi căn bản trong hệ thống STI. Như việc RIC đã từng đóng vai trò điều phối, gắn kết tất cả các bên tham gia trong hệ thống STI nhưng hiện nay không còn giữ vai trò này nữa và không có tổ chức nào khác để thực hiện việc điều phối trên toàn hệ thống STI.
Có thể thấy rằng, để triển khai các công cụ chính sách STI nhằm thúc đẩy đầu tư R&D hiệu quả, thành công, cần thực hiện một số vấn đề: 1- Nâng cao mức độ cam kết của tất cả các bên liên quan; 2- Một tầm nhìn chính sách STI, được soạn thảo đa phương và cần nâng cao sự hiểu biết cho các bên tham gia về những mục tiêu, chiến lược để có thể có sự hợp tác thành công dựa trên quan điểm chung và chương trình nghị sự R&D chung; 3- Duy trì khả năng tăng cường quan hệ đối tác (lâu dài) giữa khu vực công và tư trong lĩnh vực STI để thúc đẩy R&D; 4- Thu hút, tập hợp các nguồn tài chính từ nhiều nguồn khác nhau và các đơn vị mở rộng hơn; 5- Có sự tập hợp chuyên môn từ các bên liên quan và lĩnh vực kiến thức khác nhau; 6- Chính phủ phải thể hiện sự ủng hộ và cam kết lâu dài - đây là tiền đề để có được sự thành công, đặc biệt đối với những lĩnh vực STI quan trọng; 7- Cách tiếp cận chính sách mang tính hệ thống và tích hợp để có sự phối hợp và quản lý hiệu quả. Phần Lan từng dẫn đầu thế giới về điều phối chính sách STI và hợp tác đa phương cũng như hợp tác giữa khu vực doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu, những điều này sẽ làm cho cách tiếp cận chính sách STI trở nên bền vững hơn; 8- Một hệ thống STI cân bằng với cơ chế hợp tác theo hình thức PPP hiệu quả sẽ có tác dụng ứng phó với các cú sốc tốt hơn; cần có sự cân bằng ở tất cả các bên liên quan chính trong hệ thống STI; sự ủng hộ mạnh mẽ về mặt chính trị về tầm quan trọng của R&D là điều kiện tiên quyết để xây dựng niềm tin và thúc đẩy đầu tư cho R&D của khu vực tư nhân; 9- Thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực STI không đòi hỏi các tổ chức mới mà cần có những cách tiếp cận chính sách STI, các sáng kiến và mô hình quản trị xuyên biên giới giữa các ngành, lĩnh vực hành chính và tổ chức; 10- Chiến lược quan trọng để có thể ứng phó với các cú sốc đối với nền kinh tế và xã hội là đầu tư xây dựng năng lực phù hợp và lâu dài. Việc nâng cao nền tảng kiến thức và lợi thế so sánh cần được thực hiện dựa trên sự đa dạng về kỹ năng và tập trung vào sự hợp tác ngày càng tốt hơn giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, trọng tâm lâu dài chính là cần có sự lãnh đạo sáng suốt, tầm nhìn dài hạn lợi ích kinh tế và xã hội chung của quốc gia. Đây chính là những kinh nghiệm để các quốc gia có thể tham khảo trong quá trình triển khai thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thông qua chính sách khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo./.
------------------------------
(1) L Kajanoja: “Paljonko kustannuskilpailukyvyn pitäisi parantua” (Tạm dịch: Khả năng cạnh tranh về chi phí nên cải thiện bao nhiêu), ngày 25-6-2015, https://www.eurojatalous.fi/fi/2015/artikkelit/kuinka-paljon-kustannuskilpailukyvyn-pitaisi-parantua/
(2) R&D funding grows in the 2024 budget (Tạm dịch: Kinh phí R&D tăng trong ngân sách năm 2024), ngày 22-2-2024, https://stat.fi/en/publication/cln00fc71jwg60cutsf9xpb6y
(3) Jan Petter Myklebust: “Government gets serious about reaching R&D target of 4%” (Tạm dịch: Chính phủ nghiêm túc đặt mục tiêu R&D 4%), University World News, ngày 18-6-2022, https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20220618070441720
(4) OSKE: “Osaamiskeskusohjelma, tuloksia ja käytäntöjä 2007 - 2013” (Tạm dịch: Chương trình, kết quả và thực tiễn của Trung tâm chuyên môn 2007 - 2013)
(5) Wennberg, M., N. Korhonen & M. Koramo: “Korkeakoulu-uudistusten vaikutusten arviointi” (Tạm dịch: Đánh giá tác động của cải cách giáo dục đại học), ngày 21-9-2018, https://okm.fi/-/korkeakoulu-uudistusten-vaikutukset-arvioitu
(6), (7) R&D funding grows in the 2024 budget (Tạm dịch: Kinh phí R&D tăng trong ngân sách năm 2024), Tlđd
(8) Corporate - Tax credits and incentives (Tạm dịch: Doanh nghiệp - Tín dụng và ưu đãi thuế), ngày 10-1-2024, https://taxsummaries.pwc.com/finland/corporate/tax-credits-and-incentives
Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, phát triển con người và những gợi ý tham chiếu cho Việt Nam  (15/09/2023)
Mã số chuẩn quốc tế ISSN tính điểm khoa học trên Tạp chí Cộng sản điện tử (ISSN: 2734-9071)  (07/04/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm