Kinh nghiệm tự chủ chiến lược của một số quốc gia trên thế giới và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
TCCS - Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, phức tạp, khó lường, chứa đựng không ít nhân tố bất ổn, bất định hiện nay, tự chủ chiến lược đang nổi lên như một xu hướng trong chính sách đối ngoại của các nước dù lớn hay nhỏ. Tự chủ chiến lược đã trở thành định hướng chính sách của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, ứng phó với các thách thức từ cạnh tranh nước lớn, khủng hoảng kinh tế, các vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.
Tự chủ chiến lược và nguyên nhân các nước đẩy mạnh tự chủ chiến lược
Khái niệm tự chủ chiến lược (strategic autonomy) được đưa vào chính sách đối ngoại của một số quốc gia trên thế giới kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Tuy nhiên, đối với mỗi quốc gia khác nhau, khái niệm tự chủ chiến lược bao hàm những định hướng và hàm ý khác nhau, dựa trên bối cảnh lịch sử, lợi ích quốc gia - dân tộc cụ thể cũng như vị trí của quốc gia đó trong trật tự quốc tế. Tự chủ chiến lược phản ánh khả năng của một quốc gia trong việc theo đuổi, triển khai chính sách đối ngoại phục vụ lợi ích quốc gia và các ưu tiên đã xác định mà không bị ràng buộc, tác động bởi bất kỳ quốc gia nào khác(1). Hay nói một cách khác, tự chủ chiến lược là việc các nước đưa ra những lựa chọn chỉ “đơn thuần dựa trên lợi ích quốc gia”(2). Song, tự chủ chiến lược không có nghĩa là tự cô lập, hay theo đuổi chính sách biệt lập. Trên thực tế, tự chủ chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn hiện nay phản ánh sự độc lập của một quốc gia trong việc lựa chọn các đối tác, tham gia những thỏa thuận hợp tác để bảo vệ và thực hiện các mục tiêu, lợi ích một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Tự chủ chiến lược dùng để chỉ khả năng của một chủ thể trong việc định hình các ưu tiên và có đủ sức mạnh tổng hợp về thể chế, chính trị, vật chất để tự thực hiện các ưu tiên, quyết định đó mà không bị ảnh hưởng bởi bên thứ ba(3). Một trong những nhân tố tác động trực tiếp đến sự tự chủ chiến lược của một quốc gia về đối ngoại là yếu tố sức mạnh tổng hợp quốc gia(4). Sức mạnh tổng hợp quốc gia càng lớn sẽ giúp các quốc gia khẳng định chỗ đứng của mình trên trường quốc tế, tối đa hóa khả năng hành động độc lập và bảo vệ hiệu quả giá trị, lợi ích của mình trên thế giới(5).
Như vậy có thể thấy, hầu hết quan niệm về tự chủ chiến lược trong quan hệ quốc tế cho đến nay đều cơ bản nhấn mạnh, một quốc gia để có khả năng tự chủ chiến lược, trước tiên cần hội tụ đủ ba yếu tố, đó là: 1- Sự độc lập về ý chí chính trị; 2- Khả năng tự quyết định và hành động; 3- Sức mạnh tổng hợp quốc gia, để triển khai các quyết tâm của mình. Bởi vì, một quốc gia dù có nội lực mạnh đến đâu, song nếu thiếu sự nhận thức, ý chí về tự chủ, cũng khó có thể tự quyết định hoặc hành động một cách tự chủ(6). Trên thực tế, không ít quốc gia tầm trung có sức mạnh tổng hợp quốc gia hạn chế song ngày càng thể hiện được các quyết định độc lập dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc, cho dù những quyết định đó có thể gặp phải sức ép lớn từ các cường quốc khác.
Trong giai đoạn hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, có ba nhân tố chính làm gia tăng xu hướng tự chủ chiến lược của các quốc gia trên thế giới.
Một là, những biến động phức tạp, khó dự báo của cục diện thế giới trong giai đoạn quá độ, khi trật tự thế giới mới chưa hình thành. Nhìn chung, từ thập niên cuối thế kỷ XX đến nay diễn ra sự suy yếu tương đối của Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số nước, nổi bật là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, dẫn đến sự chuyển dịch quyền lực lần thứ ba trên phạm vi toàn cầu. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các quốc gia này thúc đẩy cục diện thế giới biến đổi mạnh theo xu hướng đa cực, đa trung tâm nhanh hơn, chuyển trật tự thế giới từ đơn cực sau Chiến tranh lạnh thành trật tự “nhất siêu, đa cường”. Trong bối cảnh này, sự cọ xát, cạnh tranh chiến lược, điều chỉnh chiến lược, tập hợp lực lượng, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn đang gia tăng tính quyết liệt, gay gắt và tác động ảnh hưởng sâu rộng đến an ninh chính trị toàn cầu, nhất là đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Biển Đông, tạo ra nhiều thách thức mới khó lường đối với những khu vực này.
Hai là, sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc là cuộc cạnh tranh chiến lược tiêu biểu giữa một cường quốc đang “trỗi dậy” mạnh mẽ và một cường quốc “tại vị”. Nếu như trước đây, mặt cạnh tranh chủ yếu diễn ra trên khía cạnh hệ tư tưởng, an ninh, quân sự…, thì hiện nay, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra với tính chất ngày càng phức tạp, tinh vi; đa dạng về lĩnh vực (kinh tế, công nghệ,…) và phạm vi địa lý, quy mô ngày càng mở rộng (Bắc cực, Nam cực, đại dương, vũ trụ…). Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn và chi phối đời sống quan hệ quốc tế ít nhất trong vài thập niên tới; các nước vừa và nhỏ sẽ chịu sức ép “chọn bên” lớn hơn. Trong bối cảnh đó, một số tổ chức quốc tế được cho là sẽ suy giảm vai trò hoặc giải thể; một số sẽ tái cấu trúc về thành phần, tập hợp lực lượng, “luật chơi”; một số phù hợp với quy luật vận động sẽ ngày càng phát triển.
Ba là, những diễn biến phức tạp, kéo dài cùng những tác động nghiêm trọng và khó đảo ngược của các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Trong những năm tới, nguy cơ về xung đột vũ trang, an ninh hạt nhân, những biểu hiện của chính trị cường quyền… được dự báo có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, đe dọa vai trò, quyền lực thực tế của Liên hợp quốc và sự độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước vừa và nhỏ. Các vấn đề toàn cầu, như khủng bố toàn cầu, tội phạm xuyên quốc gia, phổ biến vũ khí hủy diệt, thảm họa thiên tai, thảm họa môi trường sinh thái, đói nghèo, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng… có thể nổi lên gay gắt hơn, cả về tính chất, quy mô và mức độ tác động. Đặc biệt, vấn đề cạn kiệt tài nguyên, nhất là năng lượng và nguồn nước, đang là thách thức hết sức nghiêm trọng, tác động mạnh mẽ đến an ninh và phát triển của nhiều quốc gia, khu vực. Đồng thời, vấn đề an ninh biển cũng đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng do cạnh tranh chiến lược, tranh chấp biển, đảo ngày càng quyết liệt, đe dọa trực tiếp đến an ninh các tuyến đường hàng hải và an ninh môi trường biển, an ninh các nguồn lợi hải sản.
Tự chủ chiến lược của một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới
Có thể thấy, các quốc gia tầm trung tiến hành tự chủ chiến lược do nhu cầu bảo đảm độc lập, chủ quyền, thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc trước các thách thức của bối cảnh khu vực và thế giới. Tự chủ chiến lược là phương cách để các nước tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia và vị thế, tự lực, tự cường, tăng khả năng chống chịu và xử lý các thách thức, tránh phụ thuộc hay chịu sự chi phối của nước lớn.
Tại châu Á, Ấn Độ được xem là trường hợp tiêu biểu về thực hiện tự chủ chiến lược trong đối ngoại. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã đề cập tới tự chủ chiến lược trong các phát biểu chính thức từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX và đưa khái niệm này trở thành tinh thần xuyên suốt của chính sách đối ngoại Ấn Độ thời kỳ sau Chiến tranh lạnh. Trong diễn văn trung tâm tại Đối thoại Shangri-La năm 2018, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, chủ trương tự chủ chiến lược của Ấn Độ chính là thúc đẩy các quan hệ đối tác ngày càng lớn mạnh với cả ba cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nga và xây dựng thế giới đa cực. Phát biểu của nhiều nhà lãnh đạo Quốc hội, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tự chủ chiến lược trong bối cảnh thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đối với Ấn Độ, tự chủ chiến lược là nâng cao khả năng tự lựa chọn, quan hệ cân bằng với tất cả các nước lớn, tham gia các khuôn khổ, sáng kiến và vươn lên vị trí Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo quan điểm của cựu Đại sứ Ấn Độ Rajiv Bhatia, tự chủ chiến lược thực chất là thúc đẩy “đa liên kết” (multi-alignment) để ứng xử trong thế giới đa cực, khác với chủ trương “không liên kết” trong trật tự hai cực trước đây. Tự chủ chiến lược chú trọng vào các cơ chế hợp tác theo vấn đề (issue-based alliances) và cho phép ứng xử linh hoạt hơn, thích ứng tùy thuộc với những biến động của chính trị quốc tế(7). Bên cạnh đó, theo Giám đốc Tập đoàn RAND (Mỹ) Derek Grossman, bản chất chính sách đối ngoại của Ấn Độ vẫn là không liên kết, không tham gia liên minh, hiệp ước với nước nào, đa liên kết thực chất cũng là để phục vụ không liên kết(8).
Với vị trí địa - chiến lược quan trọng, Ấn Độ duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ và phương Tây, đồng thời hợp tác thực chất với Nga trong nhiều lĩnh vực. Ấn Độ được coi là một trong những đồng minh ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ với nhiều thỏa thuận quan trọng, như Bản ghi nhớ về trao đổi hậu cần, Hiệp định tương thích về thông tin và an ninh (COMCASA). Là một trong những nước đầu tiên khởi xướng khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ năm 2007, là mắt xích không thể thiếu trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, song Ấn Độ vẫn có phiên bản Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương riêng khác với Mỹ.
Đối với Nga, Ấn Độ có quan hệ quốc phòng sâu rộng, sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với Nga bất chấp sức ép trừng phạt từ phía Mỹ đối với Nga. Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) và các lệnh cấm vận của Mỹ không ảnh hưởng đến quyết định của Ấn Độ trong việc mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga cũng như việc tiếp tục đẩy mạnh mua dầu thô, phân bón giá rẻ từ Nga. Tên lửa hành trình siêu thanh mang thương hiệu Brahmos của Ấn Độ được sản xuất bởi liên doanh Nga - Ấn Độ và được thử nghiệm đồng bộ với máy bay Sukhoi của Nga(9).
Có quan điểm cho rằng, tự chủ chiến lược của Ấn Độ xuất phát từ nhận thức về an ninh, địa - chính trị của Ấn Độ và việc chuyển từ tư duy P-2 (Mỹ - Trung Quốc) sang tư duy P5+2(10). Đến nay, Ấn Độ là nước duy nhất có mặt trong cả Nhóm “Bộ tứ” (QUAD)(11) và Nhóm “Bộ tứ Tây Á” (I2U2)(12), đồng thời là thành viên của một số cơ chế đối trọng với phương Tây, tiêu biểu là Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Sự tham gia của Ấn Độ trong Nhóm QUAD và mới đây là sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ đề xuất không những giúp Ấn Độ nâng cao vị thế quốc tế, phục vụ chính sách “hướng Đông”, mà còn đưa Ấn Độ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng về kết cấu hạ tầng, năng lượng, thương mại, y tế cùng với các cường quốc phát triển hàng đầu, như Mỹ, Nhật Bản, Australia. Bên cạnh đó, Ấn Độ tham gia các cơ chế hợp tác ba bên Nga - Ấn Độ - Trung Quốc (RIC) và Nhật Bản - Mỹ - Ấn Độ (JAI). Liên quan đến “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, Ấn Độ nhiều lần bỏ phiếu trắng tại Liên hợp quốc trong một số sự thảo nghị quyết do Ukraine và phương Tây đề xuất(13).
Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện tự chủ chiến lược để tránh phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây, giảm thiểu sức ép của Mỹ đối với chính quyền Tổng thổng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Nhận thấy Mỹ có xu hướng giảm dần sự hiện diện tại khu vực Đông Địa Trung Hải và Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ có cơ hội lấp “khoảng trống quyền lực” tại đây, chuyển từ chính sách đối ngoại định hướng an ninh sang chính sách đối ngoại định hướng bằng quyền lực, thực hiện những bước đi nhằm cân bằng quan hệ giữa các nước lớn, cụ thể là Mỹ, Nga và Trung Quốc. Một mặt, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phối hợp với các thành viên NATO, thúc đẩy quan hệ với Mỹ bằng cách hỗ trợ bảo đảm an ninh tại Afghanistan sau khi Mỹ rút lực lượng quân đội khỏi Afghanistan(14); mặt khác, hợp tác thực chất với Nga về quốc phòng, là thành viên NATO duy nhất mua hệ thống S-400 của Nga bất chấp sự chỉ trích và cấm vận của Mỹ. Trong khi ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Trung Đông dần thu hẹp, Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng Nga và Iran đồng bảo trợ tiến trình đàm phán Astana nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria(15). Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, chính sách tự chủ chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ được thể hiện khá rõ. Cùng với các thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện hoạt động cứu trợ nhân đạo cho Ukraine, ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đóng cửa eo biển Bosphorus để ngăn tàu chiến các nước, trong đó có Nga, đi qua. Thậm chí, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. T. Erdogan còn ngỏ ý tạm thời chưa mua thêm vũ khí mới của Nga như dự kiến(16). Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây trừng phạt Nga và không đóng cửa không phận đối với máy bay của Nga(17). Đáng chú ý, Thổ Nhĩ Kỳ đến nay là nước thứ ba duy nhất tổ chức được một số vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine. Mặc dù chưa đạt được bước tiến căn bản nhằm chấm dứt cuộc xung đột, nhưng thành công của Thổ Nhĩ Kỳ trong thúc đẩy thỏa thuận giữa Nga và Ukraine về xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen rất đáng ghi nhận trong bối cảnh khủng hoảng lương thực hiện nay. Nỗ lực trung gian hòa giải này cho thấy tự chủ chiến lược đã đem lại lợi ích và uy tín cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong số các nước ASEAN, Indonesia là trường hợp tiêu biểu nhất về thực hiện tự chủ chiến lược trong đối ngoại. Là nước chủ nhà của Hội nghị Bandung năm 1955, Indonesia luôn đề cao những nguyên tắc tự quyết về chính trị, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ(18). Những nguyên tắc này đều thể hiện tinh thần tự chủ và đến nay được kết hợp với lợi ích quốc gia cùng tầm nhìn chiến lược, đã trở thành nền tảng cho chính sách đối ngoại của Indonesia. Tự chủ chiến lược của Indonesia thể hiện rõ trong cách ứng xử với các nước lớn(19). Đối với Trung Quốc, Indonesia tích cực thúc đẩy hợp tác, tham gia một số dự án trong Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI), thậm chí chấp nhận ngoại lệ cho Tập đoàn Shanghai Decent Investment (Trung Quốc) nắm giữ tới 66,25% cổ phần Khu công nghiệp Morowali (theo quy định chỉ được nắm tối đa 49%). Tuy nhiên, Indonesia vẫn kiên quyết bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Natuna (Indonesia) và đặt tên vùng biển này là Bắc Natuna (thay vì biển Nam Trung Hoa).
Quan hệ với Mỹ được Indonesia hết sức coi trọng, do Mỹ là đối tác quốc phòng lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ ba của Indonesia. Hợp tác quốc phòng giữa Indonesia và Mỹ được thúc đẩy toàn diện về cả mua sắm vũ khí, huấn luyện chung, gìn giữ hòa bình và chia sẻ thông tin. Về an ninh, hai bên hợp tác chặt chẽ về chống khủng bố, an ninh biển, an ninh mạng(20). Bên cạnh đó, tự chủ chiến lược của Indonesia thể hiện qua sáng kiến xây dựng Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với những điểm khác so với IPS của Mỹ. Indonesia cũng là nước tích cực bày tỏ quan ngại trước sự ra đời của Thỏa thuận hợp tác an ninh ba bên giữa Mỹ - Anh - Australia (AUKUS).
Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, Indonesia là một trong những nước ASEAN phản đối “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, nhưng vẫn giữ quan hệ tốt đẹp với Nga. Indonesia bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc chống Nga, nhưng lại bỏ phiếu trắng về quyết định loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền. Indonesia tiếp tục mời Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20). Trong thời gian gần đây, Indonesia đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, tăng cường trao đổi đoàn với Mỹ, Trung Quốc, Nga. Indonesia cũng là nước ASEAN đầu tiên tiến hành các chuyến thăm đến cả Nga, Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và tỏ ý sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa hai bên. Trong vai trò nước chủ nhà G-20, Indonesia đã chủ động đưa ra những thông điệp về an ninh năng lượng, an ninh lương thực và chống đứt gãy chuỗi cung ứng để tranh thủ cơ hội tự chủ về kinh tế, năng lượng và nâng cao vị thế.
Tại Đông Nam Á, Singapore cũng tiến hành chính sách tự chủ chiến lược, mặc dù không nêu khái niệm này trong các văn bản chính thức. Phát biểu tại Bộ Ngoại giao Singapore vào ngày 3-3-2022, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định, lợi ích của Singapore bao gồm thúc đẩy quan hệ gần gũi với cả Mỹ và Trung Quốc thông qua ngoại giao dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Singapore sẽ hoạch định chính sách dựa trên lợi ích quốc gia dài hạn và không trở thành quốc gia phụ thuộc hay “quân cờ” của một trong hai bên(21). Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, Singapore là nước ASEAN duy nhất cấm vận Nga, song chỉ tập trung vào lĩnh vực tài chính và mua bán các mặt hàng chiến lược. Nhìn chung, Singapore vẫn tìm cách duy trì quan hệ tốt đối với cả ba nước lớn Mỹ, Trung Quốc và Nga, ngay cả khi công khai phản đối các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hay “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine.
Những điểm chung về kinh nghiệm tự chủ chiến lược của một số quốc gia trên thế giới và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Từ thực tiễn hoạch định, triển khai chính sách đối ngoại, tự chủ chiến lược của một số quốc gia trên thế giới, có thể rút ra một số điểm chung về tự chủ chiến lược như sau:
Thứ nhất, mục đích thực hiện tự chủ chiến lược của các nước trước hết là để giảm thiểu áp lực, thế bị động từ cạnh tranh nước lớn, ứng xử hiệu quả với các lực kéo, đẩy, sức ép “chọn bên”, tránh nguy cơ bị rơi vào thế “kẹt”. Đa phần các nước nhỏ và các quốc gia tầm trung chủ trương không “chọn bên” mà đưa ra các lựa chọn dựa trên lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thứ hai, lợi ích quốc gia - dân tộc luôn được đặt lên vị trí hàng đầu cả trong mục tiêu chính sách đối ngoại và đối nội. Các quốc gia đều xác định, lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến; không có đồng minh, kẻ thù vĩnh viễn, mà chỉ có lợi ích quốc gia - dân tộc là vĩnh viễn; do đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dưới sức ép nào cũng phải kiên định lập trường. Để phù hợp với từng bối cảnh, từng giai đoạn, các quốc gia điều chỉnh linh hoạt cả về chính sách đối nội và đối ngoại; điều chỉnh nhiệm vụ, phương thức thực hiện chính sách đối ngoại; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong công tác đối ngoại với cách nhìn nhận thực tế để phát triển đất nước bền vững, nhất là loại trừ nguy cơ đe dọa chủ quyền dân tộc.
Thứ ba, các nước đều muốn độc lập, tự chủ trong hoạch định và triển khai chính sách về đối ngoại, kinh tế, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ, mà không chịu sức ép hay can thiệp từ bên ngoài, nhất là từ các nước lớn, vì mục đích tối cao là phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Thứ tư, các nước đều nhận thức sâu sắc về vị trí địa - chiến lược của đất nước, xây dựng tầm nhìn chiến lược từ sớm về phát triển và an ninh, cũng như chủ động tự định vị vai trò một cách có lợi nhất.
Thứ năm, duy trì quan hệ cân bằng, linh hoạt với các nước lớn nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào một nước lớn hoặc một tập hợp lực lượng duy nhất, tham gia có chọn lọc vào sáng kiến của các nước lớn, đề xuất các sáng kiến hoặc các tập hợp lực lượng không do cường quốc dẫn dắt.
Thứ sáu, tích cực, chủ động hội nhập, liên kết, tranh thủ các cơ hội thu hút nguồn lực phục vụ phát triển, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia và nâng cao vị thế quốc gia; đa dạng hóa quan hệ hợp tác, thị trường, nguồn cung và công nghệ, chủ động tích lũy nguồn lực và tài nguyên, nhất là lương thực và năng lượng, để giảm phụ thuộc vào một số thị trường và nguồn cung nhất định, tăng khả năng chống chịu với các cú sốc và thích ứng, phục hồi sau biến động.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực đang trải qua những biến động khó lường, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới đối với việc thực hiện tự chủ chiến lược của Việt Nam. Để bảo đảm tự chủ chiến lược trong bối cảnh mới, Việt Nam cần ưu tiên thực hiện một số giải pháp chính sau:
Một là, bổ sung, phát triển lý luận về độc lập, tự chủ quốc gia trong điều kiện mới trên cơ sở: 1- Nắm vững và thực hiện “ba điều giữ vững” (giữ vững môi trường hòa bình; giữ vững cục diện cách mạng đã thiết lập có lợi cho Việt Nam trước mọi thay đổi của bối cảnh khu vực và quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội); “bốn điều bảo vệ” (kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chiến lược, không gian sinh tồn của đất nước; kiên quyết, kiên trì bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết, kiên trì bảo vệ nhân dân; kiên quyết, kiên trì bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc); “bốn điều tránh” (tránh để bị “kẹt” trong quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ cạnh tranh, đối đầu giữa các nước lớn; tránh bị hiểu lầm đi với nước này chống nước kia; tránh trở thành địa bàn để các nước lớn biến thành nơi xung đột vũ trang, thử vũ khí, thực hiện “chiến tranh ủy nhiệm”; tránh để các nước thỏa hiệp “trên lưng”, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc trao đổi, mua bán, thương lượng); 2- Độc lập, tự chủ về chính trị theo phương châm “ba bảo đảm” (bảo đảm đường lối, chính sách, luật pháp độc lập, tự chủ, mà không tạo ra sự khác biệt, cân nhắc đầy đủ mức độ phù hợp thông lệ quốc tế; bảo đảm tính ổn định, đổi mới và phát triển hệ thống chính trị đất nước, triệt tiêu, ngăn chặn mọi nguy cơ “từ sớm, từ xa”, từ nguồn gốc, lấy phát triển tạo ra năng lực bảo vệ; không để cho nước ngoài lợi dụng những hạn chế, sơ hở bên trong để can thiệp vào công việc nội bộ hoặc kích hoạt xung đột để thôn tính chủ quyền biển, đảo; bảo đảm mức độ đan cài sâu sắc lợi ích giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là với các nước lớn để tạo thế ràng buộc, tùy thuộc lẫn nhau); 3- Độc lập, tự chủ về kinh tế thông qua phát huy vai trò chủ đạo, nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước ở các lĩnh vực then chốt; duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao và khá cao liên tục trong thời gian dài; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; có năng lực điều chỉnh linh hoạt để tạo ra năng lực chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài, đón bắt được cơ hội, ngăn chặn các thách thức khi dịch chuyển chuỗi cung ứng và nguồn lực quốc tế…
Hai là, tiếp tục kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Đảng ta. Mặt khác, trước những thách thức đang nổi lên, nhất là cạnh tranh nước lớn gia tăng, việc tiếp thu, bổ sung tư duy tự chủ chiến lược là cần thiết. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm tự chủ chiến lược của các nước, có thể cân nhắc đưa tư duy tự chủ chiến lược vào nghị quyết, văn kiện của Đảng, nội dung trao đổi với các nước và phát biểu tại các diễn đàn phù hợp.
Ba là, thực hiện nguyên tắc “bốn không, một tùy” phù hợp với bối cảnh thực tế(22), tăng tính tự chủ trong việc ra quyết sách trong quan hệ với các đối tác chủ chốt, trong xử lý những vấn đề nảy sinh do cạnh tranh nước lớn và những thách thức an ninh. Phân loại các nhóm đối tác theo mức độ lòng tin và đan xen lợi ích trong các lĩnh vực. Đối với các nước lớn, cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ theo hướng cân bằng, tham gia sáng kiến của các nước lớn kịp thời và có chọn lọc với phương châm “ba không”: không cam kết quá sâu và nghiêng về bên nào, không cam kết cả gói, lựa chọn lĩnh vực tùy theo lợi ích và thời điểm, không theo nước này chống lại nước khác. Đối với các nước tầm trung, cần tăng cường kết nối đan xen lợi ích, thúc đẩy hợp tác thực chất, tích cực đối thoại, tham khảo kinh nghiệm thực hiện tự chủ chiến lược phù hợp, qua đó mở ra các cơ hội hợp tác và có dư địa lớn hơn trong ứng xử với các nước lớn.
Bốn là, vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “ngũ tri”: biết mình, biết người, biết thời thế, biết tiến, biết lui. Nắm vững phương châm này giúp Việt Nam định vị được đất nước trong trạng thái phát triển mới; xác định tầm nhìn, con đường và cách thức phát triển phù hợp; hiểu rõ lợi ích của đất nước, của quốc gia và tiềm lực tổng hợp với những điểm mạnh, điểm yếu để dự liệu cho các quan hệ với đối tác; đánh giá đúng lợi ích, mục đích, khả năng, phương thức thực hiện lợi ích của đối tác; dự báo đúng tình hình quốc tế, khu vực để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, qua đó có những ứng phó linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trước những biến động của thời cuộc.
Năm là, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo hướng nhạy bén, chủ động và sáng tạo hơn. Sử dụng có hiệu quả các hình thức ngoại giao chuyên biệt để thực hiện tự chủ chiến lược. Chủ động đề xuất sáng kiến trong những vấn đề nổi bật của thế giới sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhất là thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững, công nghệ, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng. Có thể cân nhắc việc khởi xướng, dẫn dắt một vài cơ chế hợp tác nhóm, tiểu đa phương hoặc đảm nhiệm trung gian, hòa giải trong những vấn đề gắn với lợi ích quốc gia - dân tộc và mối quan tâm chung của thế giới. Chủ động đóng góp vào việc củng cố vai trò của ASEAN, nâng cao năng lực tự chủ chiến lược của ASEAN trong ứng phó với cạnh tranh nước lớn và các thách thức đang nổi lên./.
-------------------------
(1) S. Kalyanaraman: “Aravind Devanathan asked: What is ‘strategic autonomy’? How does it help India’s security?”, Manohar Parrika Institute for Defence Studies and Analyses, ngày 20-1-2015, https://idsa.in/askanexpert/strategicautonomy_indiasecurity
(2) Jeff M. Smith: “Strategic Autonomy and US - Indian Relations”, War on the rock, ngày 6-11-2020, https://warontherocks.com/2020/11/strategic-autonomy-and-u-s-indian-relations/
(3) Barbara Lippert - Nicolai von Ondarza - Volker Perthes: “European Strategic Autonomy: Actors, Issues, Conflicts of Interests”, SWP Research Paper, tháng 3-2019, https://www.swp-berlin.org/publications/products/research_papers/2019RP04_lpt_orz_prt_web.pdf
(4) Evan A. Laksmana: “Southeast Asian Militaries: The Need to Boost Strategic Autonomy”, Fulcrum, ngày 23-12-2021, https://fulcrum.sg/southeast-asian-militaries-the-need-to-boost-strategic-autonomy/
(5) Suzana Anghel - Beatrix Immenkamp - Elena Lazarou: “On the path to ‘strategic autonomy’”, European Parliamentary Research Service, tháng 9-2020, https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/STUD/2020/652096/EPRS_STU(2020)652096_EN.pdf
(6) Evan A. Laksmana: “Southeast Asian Militaries: The Need to Boost Strategic Autonomy”, Fulcrum, ngày 23-12-2021, https://fulcrum.sg/southeast-asian-militaries-the-need-to-boost-strategic-autonomy/
(7) Rajiv Bhatia: “India and Strategic Autonomy”, Gateway House, ngày 12-2-2019, https://www.gatewayhouse.in/india-strategic-autonomy/
(8) Phát biểu của học giả Derek Grossman tại cuộc trao đổi với Học viện Ngoại giao vào ngày 6-8-2022
(9) “India successfully test-fires extended-range version of BrahMos missile from Sukhoi”, The Economic Times, ngày 12-5-2022, https://economictimes.indiatimes.com/news/defence/india-test-fires-extended-range-version-of-brahmos-missile/articleshow/91521029.cms
(10) “Strategic autonomy in a multipolar world order”, Forum, ngày 28-1-2021, https://blog.forumias.com/strategic-autonomy-in-a-multipolar-world-order/
(11) Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ
(12) Ấn Độ, Israel, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Mỹ
(13) Gareth Price: “Ukraine war: Why India abstained on UN vote against Russia”, Chathamhouse, ngày 25-3-2022, https://www.chathamhouse.org/2022/03/ukraine-war-why-india-abstained-un-vote-against-russia
(14) Galip Dalay - E. Fuat Keyman: “Has Turkey’s Quest for “Strategic Autonomy” Run its Course?”, GMF, ngày 26-7-2021, https://www.gmfus.org/news/has-turkeys-quest-strategic-autonomy-run-its-course
(15) Tiến trình đàm phán Astana được khởi xướng từ năm 2017, đến nay đã tiến hành được 18 vòng đàm phán
(16) “Erdogan says it is unclear whether Turkey will buy more Russian arms”, Reuters, ngày 15-3-2022, https://www.reuters.com/world/erdogan-says-too-early-comment-more-russian-arms-purchases-given-ukraine-war-2022-03-14/
(17) Xem: Steven A. Cook: “Where Turkey Stands on the Russia-Ukraine War”, Council on Foreign Relations, ngày 3-3-3022, https://www.cfr.org/in-brief/where-turkey-stands-russia-ukraine-war
(18) Xem: “Bandung Conference (Asian-African Conference), 1955”, Office of the Historian, Foreign Service Institute United States Department of State, https://history.state.gov/milestones/1953-1960/bandung-conf
(19) Evan A. Laksmana: “Buck-passing from behind: Indonesia’s foreign policy and the Indo-Pacific”, Brookings, ngày 27-11-2018, https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2018/11/27/buck-passing-from-behind-indonesias-foreign-policy-and-the-indo-pacific/
(20) “U.S. Security Cooperation With Indonesia” (Tạm dịch: ), U.S. Department of State, ngày 23-3-2021, https://www.state.gov/u-s-security-cooperation-with-indonesia/#:~:text=In%20FY%202020%2C%20Indonesia%20received,security%20assistance%20under%20Section%20333
(21) Xem: “Speech by Minister for Foreign Affairs Dr Vivian Balakrishnan at MFA’s Committee of Supply Debate, 3 March 2022”, Ministry of Foreign Affairs, ngày 3-3-2022, https://www.mfa.gov.sg/Newsroom/Press-Statements-Transcripts-and-Photos/2022/03/20220303-MFACOS2022-Min
(22) 1- Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; 2- Không tham gia liên minh quân sự; 3- Không liên kết với nước này để chống nước kia; 4- Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp
Những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Đức và nhìn lại quan hệ Việt Nam - Đức thời gian qua  (23/01/2024)
Một số vấn đề về đối tác, đối tượng trong tình hình mới hiện nay  (15/12/2021)
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với Mỹ từ năm 2017 đến nay  (05/12/2021)
Quyền lực chuẩn tắc: Trường hợp của Liên minh châu Âu  (21/09/2021)
Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden  (26/06/2021)
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nhận diện một số tiêu chí cơ bản của xã hội văn minh ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm