Quyền lực chuẩn tắc: Trường hợp của Liên minh châu Âu
TCCS - Trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, thế giới chứng kiến sự tham gia tích cực của các chủ thể khác nhau vào quan hệ quốc tế bên cạnh chủ thể chính là quốc gia, trong đó không thể không đề cập đến Liên minh châu Âu (EU). Với sự ra đời của Hiệp ước Maastricht (năm 1992) cùng Chính sách đối ngoại và an ninh chung (CFSP), EU đã vượt ra khỏi mô hình của một tổ chức liên chính phủ và trở thành một chủ thể chính trị liên kết chặt chẽ, thậm chí tiến gần tới một siêu quốc gia. Đã có nhiều luận giải về loại hình quyền lực của chủ thể đặc biệt này, trong đó “quyền lực chuẩn tắc” hiện được giới phân tích xem là phù hợp nhất đối với EU khi đề cập đến sức mạnh ảnh hưởng mang tính chuẩn tắc trên phạm vi toàn cầu.
Khái niệm và đặc điểm của quyền lực chuẩn tắc
Trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế đã đưa ra nhiều khái niệm quyền lực khác nhau. Bên cạnh khái niệm truyền thống, như quyền lực cứng, quyền lực mềm, còn có quyền lực thông minh, quyền lực dân sự... Khái niệm “quyền lực chuẩn tắc” (normative power) được học giả I-an Man-nơ (Ian Manners) đưa ra vào đầu thế kỷ XXI với quan điểm “quyền lực chuẩn tắc là năng lực định hình hoặc thay đổi những gì được coi là bình thường trong quan hệ quốc tế”(1). Theo đó, quyền lực chuẩn tắc có thể được hiểu là khả năng một chủ thể tạo ra, định hình và đưa những ý tưởng, giá trị, niềm tin hay nội dung liên quan đến quan niệm, quan điểm vào hệ thống quan niệm của chủ thể khác để đạt được mục đích của họ.
Nhóm nghiên cứu của dự án “Quyền lực của EU với tư cách là một chủ thể quốc tế” thuộc Mạng lưới nghiên cứu châu Âu tại Đại học Hen-xin-ki (Phần Lan) năm 2009 đưa ra định nghĩa về quyền lực chuẩn tắc ở một góc độ khác. Đó là, quyền lực chuẩn tắc tuân theo các quy định như luật pháp quốc tế hoặc các quy tắc và nguyên tắc thông thường khác nhau như chủ nghĩa đa phương. Vì vậy, một cường quốc có quyền lực chuẩn tắc có thể sử dụng sức mạnh quân sự, nhưng tiến hành theo phương thức đa phương và phải bảo đảm được sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế. Định nghĩa này càng củng cố cho quan điểm, ý tưởng của học giả I. Man-nơ và R. Uýt-man (Richard Whitman) rằng quyền lực chuẩn tắc tập trung vào các chuẩn mực phổ quát và có tính toàn cầu... Do đó, một quốc gia chuẩn tắc sẽ tuân thủ và thúc đẩy luật pháp quốc tế, từ đó tự ràng buộc mình với các quy tắc này.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu về loại hình quyền lực chuẩn tắc còn tương đối mới, chính vì vậy chưa có sự thống nhất thực sự về tên gọi bằng tiếng Việt cho thuật ngữ “normative power”(2). Do vậy, có thể lựa chọn cách gọi “quyền lực chuẩn tắc” để chuyển tải được hết ý nghĩa của khái niệm này như đã nêu ở trên, đó là quyền lực chuẩn tắc xoay quanh các vấn đề “chuẩn mực” và “quy tắc/nguyên tắc”.
Để có góc nhìn rõ ràng hơn về nội hàm của quyền lực chuẩn tắc, cần xem xét ba khía cạnh quan trọng của một loại hình quyền lực, gồm: nguồn của quyền lực, công cụ và phương thức thực hiện.
Nguồn của quyền lực là thành tố chính bảo đảm nền tảng của quyền lực. Trong số ba loại nguồn chính của quyền lực là quân sự, kinh tế và nguồn phi vật chất, thì nguồn phi vật chất là nguồn của quyền lực chuẩn tắc. Đây là loại nguồn tiềm năng phức tạp và khó nắm bắt, có thể được hiểu là niềm tin, giá trị văn hóa, chuẩn mực, các giá trị chính trị, các nguyên tắc và điều luật của một quốc gia... Trong đó, cấp độ cao nhất của nguồn quyền lực chuẩn tắc là luật lệ, bao gồm những tiêu chuẩn được cụ thể hóa bằng văn bản; các chủ thể phải có trách nhiệm và sẽ chịu chế tài nếu không tuân thủ. Đương nhiên, nội dung của các điều luật đều dựa trên chuẩn mực hay giá trị của cộng đồng để việc thi hành được bảo đảm. Nói một cách đơn giản, nguồn của quyền lực chuẩn tắc là nguồn phi vật chất tập trung vào các ý tưởng và lý tưởng. Tuy nhiên, trong thực tế, ba nguồn quân sự, kinh tế và phi vật chất thường có mối quan hệ mật thiết và bổ trợ lẫn nhau, nguồn này sẽ là nền tảng để phát triển nguồn kia và ngược lại. Công cụ để thực hiện quyền lực khá đa dạng, có thể là chính sách, mạng lưới quan hệ, các tổ chức... Đối với quyền lực chuẩn tắc, công cụ hay phương tiện thực hiện chủ yếu thông qua các tổ chức quốc tế, các hình thức hợp tác song phương và đa phương, như các diễn đàn thảo luận... Ngoài ra, công cụ thực hiện quyền lực chuẩn tắc còn có thể là học bổng, truyền thông, mạng xã hội...
Phương thức thực hiện quyền lực là cách chủ thể sử dụng công cụ để chuyển nguồn lực thành quyền lực. Có hai cách thức chính là bắt buộc và không bắt buộc. Về phương thức mà quyền lực chuẩn tắc sử dụng bao gồm rất nhiều hành vi, như định hình, truyền bá, làm thấm nhuần, phổ biến các giá trị, nguyên tắc và luật lệ...
Quyền lực chuẩn tắc của Liên minh châu Âu
Có thể nói, trước sự phát triển đặc biệt của EU trong những thập niên gần đây, quyền lực chuẩn tắc là nội hàm được đưa ra để lý giải cho loại hình quyền lực của EU khi mà các loại hình quyền lực truyền thống, như quyền lực cứng hay quyền lực mềm... chưa đủ để giải thích toàn diện “trường hợp EU”.
Các nguyên tắc/quy tắc trong EU và các mối quan hệ của EU đối với các đối tác khác trên thế giới đều dựa trên những nguyên tắc của luật pháp quốc tế(3). Trên thực tế, các nguyên tắc này có thể được chia thành các nguyên tắc cơ bản về hòa bình bền vững; các nguyên tắc cốt lõi về tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền(4); các mục tiêu và nhiệm vụ bình đẳng, đoàn kết xã hội, phát triển bền vững và quản trị tốt(5). Sự thống nhất và nhất quán trong việc thúc đẩy các nguyên tắc này xuất phát từ vai trò đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại được quy định trong Hiệp ước Li-xbon. Đây cũng chính là nguồn của quyền lực chuẩn tắc EU.
Trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, sức mạnh của các ý tưởng và lý tưởng đã có ảnh hưởng đến việc đưa Cộng đồng châu Âu trở thành EU. Những ý tưởng đó cũng giúp tạo ra một EU không chỉ còn tập trung vào các chính sách kinh tế hay chỉ quan tâm đến việc thực hiện nhiều hơn các hình thức ảnh hưởng và quyền lực mang tính vật chất. Có thể thấy, việc hình thành và thực thi quyền lực chuẩn tắc trong phần lớn các mối quan hệ của EU với phần còn lại của thế giới, bao gồm các khía cạnh đối ngoại của các chính sách nội bộ; các chính sách mở rộng, thương mại và phát triển cũng như quan hệ đối ngoại nói chung...
Đơn cử như, tiêu chuẩn Cô-pen-ha-gen đưa ra các yêu cầu mà một quốc gia cần phải thực hiện để trở thành một thành viên của EU. Liên minh sẽ chỉ chấp nhận tiến tới vòng đàm phán nếu các quốc gia mong muốn gia nhập có nền dân chủ ổn định, bảo đảm được pháp quyền, nhân quyền, lợi ích của các nhóm thiểu số; có nền kinh tế thị trường và khả năng tồn tại với động lực cạnh tranh trong thị trường của EU; khả năng thực hiện nghĩa vụ của thành viên, bao gồm việc tuân thủ các mục tiêu chính trị, kinh tế và tiền tệ của Liên minh(6). Tất cả những điều kiện này đều nhằm bảo vệ những giá trị cơ bản của EU. Một ví dụ khác về sức mạnh của ý tưởng và lý tưởng sau Chiến tranh lạnh của EU trong quan hệ với thế giới là ý tưởng về “phát triển bền vững” và “can thiệp nhân đạo”. Cả hai ý tưởng này đều xuất phát từ hệ thống Liên hợp quốc, được đưa vào cơ sở hiệp ước của EU và cuối cùng được thúc đẩy cũng như thực hiện trong các mối quan hệ đối ngoại của EU. Đây là cách mà EU hình thành quyền lực chuẩn tắc từ chính các giá trị mà EU theo đuổi và nuôi dưỡng.
Công cụ chính của quyền lực chuẩn tắc EU là hợp tác quốc tế. Về hợp tác song phương, quan hệ giữa EU và các nước thứ ba trở thành một trong những công cụ hữu hiệu giúp các giá trị và chuẩn mực của EU được lan tỏa rộng rãi. Tương tự như tiêu chuẩn Cô-pen-ha-gen, EU sẽ ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước thứ ba khi các nước này đạt được một số chỉ tiêu nhất định do EU đặt ra. Ví dụ, trong ký kết FTA EU - Việt Nam (EVFTA), ngoài việc phải đáp ứng là một nền chính trị dân chủ ổn định và một nền kinh tế thị trường, Việt Nam cần cam kết thực hiện các tiêu chí bảo đảm quyền của người lao động theo như công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng như các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, gồm Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992, Nghị định thư Ky-ô-tô liên quan đến Công ước UNFCCC và Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu. Về hợp tác đa phương, EU vừa tham gia, vừa tổ chức nhiều diễn đàn quốc tế, từ đó các giá trị và chuẩn mực của Khối được lan tỏa. EU cũng chính là một ví dụ điển hình cho sự thành công của công cụ này, khi hợp tác quốc tế đã tạo nên thành công của EU. Ở phạm vi rộng hơn, các cơ chế hợp tác quốc tế, như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay các diễn đàn liên khu vực, như Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM)... là những nền tảng thuận lợi để EU đưa ra các sáng kiến hợp tác gắn liền với các chuẩn mực và nguyên tắc của Khối. Bảo vệ môi trường là vấn đề đang được EU coi trọng, vì vậy, EU là chủ thể đầu tiên đề xuất các khung tiêu chuẩn pháp lý về môi trường tại các diễn đàn chủ thể quốc tế, đi tiên phong trong việc thực hiện và vận động các quốc gia khác cam kết về các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. EU đã trở thành một chủ thể có tiếng nói và ảnh hưởng trong các hoạt động môi trường, nhất là việc kêu gọi các quốc gia ký kết Hiệp định Pa-ri tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) trong các năm qua. Ngoài ra, EU cũng đi tiên phong trong thúc đẩy các giá trị về nhân quyền, ủng hộ bãi bỏ hình phạt tử hình. Từ đầu thế kỷ XXI, các quốc gia EU, như Phần Lan và Bồ Đào Nha, trong nhiều mối quan hệ hợp tác song phương với các quốc gia ngoài EU, đã bắt đầu đề cập đến vấn đề hình phạt tử hình, đưa vấn đề này vào bản ghi nhớ và giới thiệu của “Nghị quyết về hình phạt tử hình” trong cuộc họp của Ủy ban Liên hợp quốc về quyền con người lần thứ 55 và 56.
Các tổ chức phi chính phủ (NGOs) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và duy trì quyền lực chuẩn tắc, khiến đối tượng của quyền lực chuẩn tắc dễ dàng tiếp thu các quan điểm của chủ thể quyền lực chuẩn tắc thông qua các dự án hỗ trợ phát triển. EU có một mạng lưới NGOs hoạt động trong nhiều lĩnh vực góp phần bảo đảm cho EU thực hiện tốt quan hệ công chúng. EU đã tài trợ và hỗ trợ nhiều chương trình, như “Chương trình sáng tạo EU” (văn hóa và truyền thông), “Quỹ xã hội châu Âu cộng” (bảo đảm bình đẳng xã hội), “Chương trình Horizon” (lĩnh vực nghiên cứu và phát triển)... Với lợi thế không mang yếu tố chính trị và hoạt động tích cực trong các dự án xã hội giúp đỡ nhóm người yếu thế, NGOs thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, nhất là thế hệ trẻ. Sự thay đổi trong suy nghĩ, quan điểm có thể tạo nên những áp lực lớn tới chính quyền và tạo động lực cho việc thay đổi cả chính sách cũng như pháp luật.
Quyền lực chuẩn tắc của EU được thực hiện thông qua phương thức sử dụng công cụ không bắt buộc. Học giả I. Man-nơ đưa ra sáu phương thức của quyền lực chuẩn tắc EU, bao gồm:
Thứ nhất, sự lan truyền các chuẩn mực và nguyên tắc một cách tự nhiên. Việc học tập mô hình của EU tại khu vực Mỹ La-tinh là một ví dụ điển hình, trong đó Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)(7), ban đầu gồm bốn nước Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Pa-ra-goay và U-ru-goay, được thiết lập vào năm 1991 với mục đích tương tự EU là tạo ra một thị trường và liên minh thuế quan chung, thúc đẩy phát triển kinh tế các nước thành viên. Năm 2006, Vê-nê-xu-ê-la chính thức trở thành thành viên thứ năm của Khối.
Thứ hai, sự truyền tin là những thông báo, tuyên bố của EU về chính sách hay các sáng kiến. Phương thức truyền tin có thể thấy rõ trong cách EU đưa ra “Nghị quyết về hình phạt tử hình” tại cuộc họp của Ủy ban Liên hợp quốc về quyền con người lần thứ 55 (năm 1999). Một số nước, mặc dù không phải là quốc gia muốn gia nhập EU, cũng có sự thay đổi hành động nhất định. Đơn cử như, Nê-pan và U-crai-na lần lượt bỏ hình phạt tử hình vào năm 1999 và năm 2000, Phi-líp-pin ban hành lệnh cấm hành quyết vào năm 2000...
Thứ ba, sự chuyển giao là những tương tác trực tiếp, như chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức, trao đổi hàng hóa... Ngoài những hoạt động chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, một hoạt động khác cũng có thể được xếp vào cách truyền bá các chuẩn tắc là thông qua công cụ học bổng, du học để chia sẻ kiến thức cho sinh viên.
Thứ tư, việc thể chế hóa các hình thức giao tiếp hoặc quan hệ đối tác thường xuyên cũng là một hình thức thực thi quyền lực chuẩn tắc. Việc ký kết hiệp định hợp tác với EU sẽ giúp các quốc gia đối tác tiếp cận được thị trường châu Âu, tạo cơ hội để phát triển năng lực kinh tế. Cùng với đó, các quốc gia này cũng tự nguyện tuân theo các điều khoản trong hiệp định hợp tác và nguyên tắc hoạt động của EU, trong đó luôn có các giá trị và chuẩn tắc của EU.
Thứ năm, sự minh bạch là cách truyền bá rõ ràng khi EU đặt các cơ quan, trụ sở của mình tại các nước thứ ba. Ngoài ra, việc đặt các đại sứ quán, các trung tâm văn hóa cũng như thường xuyên tổ chức các sự kiện, những dự án hoạt động của các NGOs là phương thức quan trọng trong việc thúc đẩy và quảng bá các chuẩn tắc của EU đến với công chúng.
Thứ sáu, sàng lọc văn hóa có thể hiểu là các hoạt động thúc đẩy quảng bá văn hóa đến với đối tượng của quyền lực chuẩn tắc, chính vì vậy cách truyền bá này cũng đan cài các phương thức truyền bá trên. Tại một số nước châu Á, các hoạt động văn hóa nổi bật có thể kể đến, như triển lãm mỹ thuật tại trung tâm văn hóa nghệ thuật của các quốc gia thành viên EU (Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace, Viện Goethe của Đức), “Ngày hội châu Âu” hay các cuộc thi tìm hiểu về EU...
Mục tiêu thúc đẩy các nguyên tắc luôn bao trùm toàn bộ các hoạt động thực tiễn và chính sách của EU, khuyến khích việc tiếp cận toàn diện hơn đối với những thách thức chính trị toàn cầu. EU từng rất thành công với các biện pháp giải quyết những thách thức mang tính cấu trúc, như thương mại, viện trợ phát triển, hợp tác khu vực, mở rộng và đối thoại chính trị... Trong những thập niên vừa qua, các chính sách mới nổi lên của EU, như ngăn chặn, phòng ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng đã góp phần nâng cao khả năng ứng phó đối với các trường hợp khẩn cấp, bao gồm khủng hoảng nhân đạo, tái thiết sau xung đột... Việc kết hợp các hoạt động này đã cho thấy chiến lược về hòa bình ổn định của EU, trong đó phát huy được điểm mạnh của EU là thúc đẩy các tiến trình tham gia và đối thoại. EU đã thành công trong việc đưa ra sáng kiến, thúc đẩy và thể chế hóa các mô hình trao đổi, hợp tác thông thường với các đối tác. Chẳng hạn, thông qua các thủ tục gia nhập, các thỏa thuận ổn định hoặc liên kết, như chính sách láng giềng châu Âu, quan hệ với khối các nước châu Phi, Ca-ri-bê và Thái Bình Dương, ký kết các hiệp định đối tác chiến lược...
Một số nhận xét
Như vậy, trong so sánh với hai loại hình “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm”, có thể thấy quyền lực chuẩn tắc khác với quyền lực cứng, được khắc họa rõ nét trong hình ảnh ví von quyền lực chuẩn tắc như “nước chảy trên đá” chứ không phải “bom na-pan vào buổi sáng”(8). Quyền lực chuẩn tắc tập trung vào ý tưởng và lý tưởng, là nguồn phi vật chất, vì vậy, loại hình quyền lực này có nhiều nét tương đồng và thường dễ bị nhầm với quyền lực mềm. Cũng không thể coi quyền lực chuẩn tắc như một hình thức của quyền lực mềm. Nếu quyền lực mềm chuyển hóa các nguồn của quyền lực để tạo ra hình ảnh hấp dẫn, thu hút đối tác tự nguyện đi theo, thì quyền lực chuẩn tắc là khả năng hình thành, lan tỏa hay xóa bỏ các nguyên tắc/quy tắc trong một xã hội hoặc một cộng đồng bằng cách thể chế hóa và tuân thủ luật pháp quốc tế. Thêm một khía cạnh khác, chủ thể có quyền lực chuẩn tắc truyền bá các nguyên tắc, giá trị của mình sang nền văn hóa khác và có thể chuyển đổi các nền văn hóa khác theo khuôn mẫu giá trị của họ, vì vậy phương thức tiến hành của quyền lực chuẩn tắc có thể không hoàn toàn giống như của quyền lực mềm.
Từ đó, có thể khẳng định đặc điểm chính của quyền lực chuẩn tắc chính là “tính hợp pháp”, các nguyên tắc được khuyến khích, lan tỏa hay thúc đẩy đều phải “hợp pháp”. Nói cách khác, các nguyên tắc này phải phù hợp với luật pháp quốc tế mới có sức “thuyết phục” và “hấp dẫn”.
Về tác động của quyền lực chuẩn tắc đối với nền chính trị thế giới, có thể nhận thấy loại hình quyền lực này đã góp phần tạo nên một cách tiếp cận toàn diện hơn, chính đáng và bền vững hơn. Quyền lực chuẩn tắc đòi hỏi tư duy toàn diện hơn về mục tiêu của các thể chế và chính sách, phải xem xét kỹ lưỡng hơn cơ sở lý luận, nguyên tắc, thực tiễn, hành động và hậu quả, tác động của các tác nhân, chủ thể trong quan hệ quốc tế, chính trị thế giới. Trên thực tế, quyền lực chuẩn tắc thường được sử dụng cùng với các biện pháp có tính chất “cứng” hoặc “mềm”, song việc ưu tiên quyền lực chuẩn tắc có thể giúp bảo đảm rằng việc sử dụng bất kỳ các biện pháp nào cũng cần phải hợp lý, chính đáng và hợp pháp. Tư duy tổng thể và phương thức tiến hành chính đáng sẽ góp phần tạo nên một nền chính trị thế giới ổn định và bền vững hơn.
Phân tích trường hợp của EU, có thể thấy những đặc điểm của quyền lực chuẩn tắc EU, bao gồm: nguồn quyền lực từ những giá trị, chuẩn mực có nguồn gốc lịch sử lâu đời; công cụ thực hiện là các công cụ mềm, chủ yếu là các cơ chế hợp tác quốc tế; cách thức thực hiện bao gồm sáu phương thức không bắt buộc. Đây cũng là những nội hàm chi phối để quyền lực chuẩn tắc trở thành loại hình quyền lực đặc trưng của EU. Phương thức chủ yếu của EU trong thực thi quyền lực chuẩn tắc không dựa vào sức mạnh quân sự để thiết lập chương trình nghị sự và các tiêu chuẩn của chính trị quốc tế mà ngược lại, khả năng lãnh đạo và thuyết phục đã trở thành hiệu quả của quyền lực chuẩn tắc. Trên thực tế, không loại trừ khả năng trong một số trường hợp sức mạnh quân sự đôi khi có thể củng cố quyền lực chuẩn tắc(9). Một số cường quốc và quốc gia trong quá trình truyền bá những nguyên tắc, chuẩn mực của mình vào các nền văn hóa khác đã sử dụng sức mạnh cứng.
EU có lịch sử và khả năng thực hành quyền lực chuẩn tắc trong nền chính trị thế giới, tuy nhiên, vẫn còn có những hoài nghi về loại hình quyền lực này của EU. Những băn khoăn này có thể xuất phát từ thực tế rằng trong những thập niên qua, sự phát triển của chính sách và chính trị EU đôi khi vẫn có xu hướng tuân theo các mô hình và thông lệ của các “cường quốc” thay vì thúc đẩy tư duy toàn diện, chính đáng và sử dụng quyền lực chuẩn tắc theo cách hợp lý hơn.
Nhìn chung, rất khó để đánh giá được hết các tác động của EU trong việc thúc đẩy các nguyên tắc, nói cách khác là các tác động của quyền lực chuẩn tắc EU. Tuy nhiên, không thể phủ nhận dấu ấn của EU trong các vấn đề quốc tế. Đó là sự rõ ràng, nhất quán trong việc thúc đẩy các nguyên tắc chung để bảo đảm những chủ thể khác có thể hiểu rõ những gì mà EU đang nỗ lực triển khai. Dấu ấn về tư duy toàn diện, tổng thể cũng thể hiện rõ nét trong việc truyền bá rộng rãi hơn các nguyên tắc thông qua hệ thống đa phương, chẳng hạn như việc EU tham gia giải quyết các thách thức của vòng đàm phán Đô-ha về tự do hóa thương mại, các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), hay giải pháp ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu... Ngoài ra, quan hệ đối tác, không phải chủ nghĩa đơn phương của EU, cũng rất quan trọng đối với việc xây dựng sự đồng thuận toàn cầu và bảo đảm thành công trong các thể chế đa phương. Mặc dù vậy, vẫn cần thêm thời gian để có thể đánh giá được chính xác hơn các nguyên tắc, hành động và tác động của quyền lực chuẩn tắc EU. Trong cuộc khảo sát hằng năm của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Xin-ga-po (ISEAS) về quan điểm của các nước Đông Nam Á đối với các vấn đề khu vực, EU là lựa chọn hàng đầu của khu vực này trong việc đưa ra vai trò lãnh đạo trong luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự dựa trên các nguyên tắc và luật lệ. Tăng cường chủ nghĩa đa phương và pháp quyền là thế mạnh của EU. EU cũng là lựa chọn hàng đầu với tư cách là đối tác chiến lược ưu tiên và đáng tin cậy của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cuộc khảo sát tương tự. Với việc sở hữu quyền lực chuẩn tắc, EU nhìn chung hướng tới mục tiêu của quyền lực chuẩn tắc là tạo ra môi trường hòa bình cho các chủ thể hợp tác, xây dựng mối liên kết với nhau, từ đó giúp việc truyền bá giá trị, chuẩn mực trở nên dễ dàng hơn. Có thể nói, việc hiểu đúng và đầy đủ quyền lực chuẩn tắc nói chung cũng như nhận thức được mức độ EU sở hữu loại hình quyền lực này có thể mở ra các nghiên cứu sâu hơn về phân tích và dự báo chính sách của EU, từ đó giúp đánh giá được kết quả và tầm ảnh hưởng của quyền lực chuẩn tắc EU trong quan hệ quốc tế./.
----------------------------
(1) I. Manners: Normative Power Europe: A Contradiction in Terms?, Copenhagen Peace Research Institute, 2000, tr. 32
(2) Một số học giả Việt Nam gọi “normative power” là quyền lực chuẩn mực, quyền lực quy chuẩn, quyền lực tiêu chuẩn, quyền lực quy phạm...
(3) Bao gồm: Hiến chương Liên hợp quốc, Đạo luật Hen-xin-ki, Hiến chương Pa-ri, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, các Công ước của Liên hợp quốc, Công ước châu Âu về nhân quyền...
(4) Quy định tại tại Điều 6 của Hiệp ước về EU
(5) Quy định tại Điều 2 của Hiệp ước về EU và Điều 2 của Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu
(6) European Commission: “Conditions for membership”, ec.europa.eu, https://ec.europa.eu/neigbourhood-enlargement/policy/conditions-membership_en, ngày 13-3-2021
(7) Coombes, David: Leading by Virtuous Example: European Policy for Overseas Development, Basingstoke: Macmillan, 1998
(8) Ian Manner: Normative Power in the World Politics, Danish Institute For International Studies, 2009, tr. 1
(9) Thomas Diez & Michelle Pace: Normative Power Europe and Conflict Transformation, EUSA Conference, Montreal, 17 - 19 May, 2007
Quan hệ Liên minh châu Âu - Nhật Bản: Điểm hội tụ lợi ích Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương  (03/08/2021)
Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Liên minh châu Âu trong bối cảnh đại dịch COVID-19  (13/07/2021)
Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden  (26/06/2021)
Những bước tiến trong quan hệ Việt Nam - Italia và triển vọng hợp tác trong thời gian tới  (24/05/2021)
Chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với khu vực Đông Nam Á: Một số đánh giá bước đầu  (21/05/2021)
Bước tiến mới trong quan hệ hợp tác ASEAN - EU  (11/05/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên