Phát huy vai trò của phúc lợi doanh nghiệp trong bảo đảm và từng bước nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân
TCCS - Tiếp nối chủ trương “thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển”(1), Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội”(2); “Bảo đảm cơ bản an sinh xã hội, quan tâm nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân”(3)… Để thực hiện tốt những chủ trương này, bên cạnh vai trò của Nhà nước, cần phát huy sự tham gia của xã hội, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, thông qua phát triển phúc lợi doanh nghiệp.
1. Phúc lợi doanh nghiệp là những lợi ích vật chất, tinh thần của doanh nghiệp dành cho người lao động (ngoài tiền công, tiền lương), được phân bổ theo quy chế, quy định của doanh nghiệp nhằm chia sẻ, hỗ trợ, động viên, khuyến khích người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Những phúc lợi cụ thể của mỗi doanh nghiệp được ghi nhận trong thỏa ước lao động tập thể, do đại diện tập thể người lao động trong doanh nghiệp ký kết với người sử dụng lao động và hai bên có trách nhiệm chấp hành nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định; giảm mâu thuẫn, bất bình đẳng; hạn chế tình trạng đình công tự phát. Cũng như việc đầu tư cho máy móc, trang thiết bị để phát triển sản xuất, kinh doanh, việc trích lập quỹ phúc lợi doanh nghiệp cũng là một sự đầu tư, đầu tư vào con người, đầu tư để tái sản xuất mở rộng sức lao động. Về thực chất, nguồn để trích lập quỹ phúc lợi là một phần lợi nhuận do người lao động làm ra được đầu tư trở lại cho người lao động.
Tiền lương, tiền công thể hiện quan hệ phân phối theo lao động, trong đó, khi giao kết hợp đồng, người lao động với tư cách từng cá nhân có quyền đàm phán, thỏa thuận với lãnh đạo doanh nghiệp. Còn phúc lợi doanh nghiệp không lấy tiêu chí lao động làm căn cứ phân bổ, hơn nữa, cá nhân mỗi người lao động không thể trực tiếp đàm phán, thỏa thuận với lãnh đạo doanh nghiệp về phúc lợi mà mình được hưởng.
Phúc lợi doanh nghiệp và phúc lợi xã hội có những điểm giống và khác nhau, quan hệ tương hỗ với nhau. Phúc lợi xã hội là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên xã hội, chủ yếu được phân phối ngoài thu nhập theo lao động, phân phối lại. Nội hàm phúc lợi xã hội bao gồm một hệ thống các chính sách, các chương trình và các dịch vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về kinh tế, văn hóa, giáo dục và chăm sóc sức khỏe của các tầng lớp dân cư, chủ yếu hướng tới các nhóm yếu thế, nhóm thiệt thòi trong xã hội, mục tiêu chủ yếu là hướng tới công bằng xã hội. Bản chất phúc lợi xã hội là sự phân phối lại thu nhập quốc dân do nhà nước tiến hành nhằm thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của số đông, chủ yếu là những nhóm yếu thế (không có khả năng tự thỏa mãn nhu cầu của mình trong cơ chế thị trường). Như thế, giữa phúc lợi xã hội và phúc lợi doanh nghiệp có những điểm giống nhau ở chỗ, có nguồn gốc từ thu nhập (thu nhập quốc dân hoặc thu nhập của doanh nghiệp); không phân phối theo lao động; hướng đến số đông trong xã hội, đó là người dân, người lao động.
Giữa hai loại hình phúc lợi cũng có những điểm khác nhau. Nếu như phúc lợi xã hội chủ yếu hướng đến thỏa mãn nhu cầu thiết yếu của các nhóm yếu thế, nhóm thiệt thòi, nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội thì phúc lợi doanh nghiệp lại quan tâm đến các nhu cầu nói chung (không chỉ là những nhu cầu thiết yếu) và của toàn bộ đội ngũ người lao động trong doanh nghiệp. Mục tiêu chủ yếu của phúc lợi xã hội là bảo đảm ổn định xã hội, hướng tới sự công bằng, thì mục tiêu chủ yếu của phúc lợi doanh nghiệp là khuyến khích, động viên người lao động để họ thêm gắn bó với doanh nghiệp, tận tâm tận lực cống hiến cho sự phát triển và phồn thịnh của doanh nghiệp. Phúc lợi xã hội bao trùm phạm vi cả xã hội, bao gồm cả người lao động trong mỗi doanh nghiệp, còn phúc lợi doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến người lao động trong doanh nghiệp. Phúc lợi xã hội được điều chỉnh bằng luật pháp, cơ chế, chính sách của nhà nước, trong khi phúc lợi doanh nghiệp được phân bổ theo các quy chế, quy định của mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp làm tốt chế độ phúc lợi của mình thì sẽ giảm gánh nặng phúc lợi xã hội và phúc lợi xã hội có thể dành nguồn lực (luôn luôn rất hữu hạn) cho các nhóm đối tượng khác trong xã hội. Như thế có thể thấy, phúc lợi doanh nghiệp cùng với phúc lợi xã hội là những trụ cột quan trọng bảo đảm ổn định xã hội, tạo cơ hội công bằng, bình đẳng thụ hưởng các phúc lợi thiết yếu của người dân.
2. Phúc lợi doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, thể hiện cụ thể trên các khía cạnh như sau:
Góp phần thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và giữ ổn định lực lượng lao động.
Một trong những đặc điểm cơ bản của nền kinh tế thị trường nói chung, nền kinh tế thị trường hiện đại nói riêng là các loại thị trường phải phát triển, cạnh tranh công bằng và ngày càng tự do hóa không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trong khu vực và trên toàn cầu. Cạnh tranh diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dẫn đến các doanh nghiệp chuyển trọng tâm vào việc thu hút và giữ chân lực lượng lao động, nhất là lực lượng lao động chất lượng cao, có năng lực trí tuệ, năng lực sáng tạo phù hợp.
Xét từ góc độ lao động, bên cạnh môi trường làm việc, sắp xếp, bố trí công việc hợp lý, cơ hội đào tạo và thăng tiến cũng như các khuyến khích tinh thần khác thì tiền lương và phúc lợi là những yếu tố cơ bản tạo động lực cho người lao động. Để xác định tiềm năng gắn bó lâu dài với một tổ chức, một doanh nghiệp, chính sách phúc lợi của đơn vị đó luôn được người lao động xem xét bên cạnh tiền lương. Chế độ phúc lợi là một trong những cơ sở quan trọng nhất giúp ứng viên được tuyển dụng đo lường sức hấp dẫn của doanh nghiệp và ra quyết định trước lời đề nghị của nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, phúc lợi cũng là yếu tố không thể thiếu khi được đề bạt, thăng chức, thuyên chuyển vị trí việc làm. Ngoài mức lương theo thỏa thuận (theo nhiều nghiên cứu thường chiếm khoảng 70% thu nhập), giá trị còn lại qua những khoản phúc lợi hoặc đãi ngộ mà doanh nghiệp hứa hẹn dành cho cho người lao động cũng có vai trò rất quan trọng.
Chế độ phúc lợi tốt cũng góp phần tạo nên uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh tiền lương, phúc lợi là công cụ ngày càng quan trọng được các doanh nghiệp sử dụng trong cạnh tranh, thu hút lao động, nhất là lao động chất lượng cao, qua đó, giành ưu thế cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường hiện đại.
Góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp là những giá trị cốt lõi, niềm tin, thái độ, tiêu chuẩn, mục đích và hành vi, được định hình qua thời gian, tạo dựng nên thương hiệu của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với người lao động. Nếu phù hợp, người lao động sẽ cảm thấy được “tận hưởng” thời gian làm việc tại doanh nghiệp và ngược lại, nếu không phù hợp, người lao động sẽ có cảm giác lạc lõng, thụ động, tinh thần làm việc, khả năng sáng tạo suy giảm.
Đối với mỗi doanh nghiệp, sự hình thành và phát triển văn hóa doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển, khẳng định uy tín, thương hiệu, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Không chỉ xây dựng văn hóa doanh nghiệp, điều quan trọng không kém là quảng bá, lan tỏa để văn hóa doanh nghiệp thẩm thấu, đi vào suy nghĩ, hành động của mỗi thành viên, để mỗi thành viên tự hào, trân trọng và đồng cảm với các giá trị của văn hóa doanh nghiệp. Ở đây, có thể thấy rõ vai trò của phúc lợi doanh nghiệp. Bằng cách tổ chức các hoạt động, những sinh hoạt văn hóa, thể thao, tham quan, du lịch tập thể từ nguồn phúc lợi, các doanh nghiệp tạo điều kiện để tăng cường giao tiếp, chia sẻ giữa các thành viên, giúp họ cảm nhận và ý thức rõ ràng hơn về những giá trị chung, mục tiêu chung để liên kết họ trong một tập thể. Ngay cả các hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến cá nhân mỗi người lao động như tổ chức tặng quà nhân dịp sinh nhật, thăm hỏi động viên khi ốm đau, gia đình có việc hiếu… cũng có ý nghĩa rất lớn, củng cố niềm tin trong họ rằng mình là thành viên của một tập thể, được chia sẻ, hỗ trợ trong những tình huống bất thường của cuộc sống.
Những hoạt động nêu trên của doanh nghiệp từ nguồn phúc lợi có tác động lan tỏa văn hóa doanh nghiệp, làm cho người lao động xích lại gần nhau, từ đó, khích lệ tinh thần phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu chung là sự phát triển của doanh nghiệp, của mỗi cá nhân. Người lao động cảm thấy tự hào, hài lòng về doanh nghiệp khi chế độ phúc lợi được bảo đảm.
Thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Bên cạnh những lợi ích phát triển riêng của từng doanh nghiệp phù hợp với pháp luật hiện hành thì hoạt động của mỗi doanh nghiệp đều phải gắn kết với lợi ích phát triển chung của cộng đồng xã hội, bao gồm: Trách nhiệm với thị trường và người tiêu dùng; trách nhiệm về bảo vệ môi trường; trách nhiệm với người lao động; trách nhiệm chung với cộng đồng(4).
Phúc lợi thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động; góp phần tăng thu nhập, nâng cao hơn chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho người lao động và gia đình họ; hỗ trợ người lao động trong những tình huống khó khăn… Lợi ích mà phúc lợi doanh nghiệp đem lại là cải thiện quan hệ trong công việc, giảm bớt tai nạn, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất lao động... Do vậy, làm tốt và ngày càng tốt hơn trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng là một trong những thước đo cơ bản để uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp được khẳng định, chiếm được tình cảm của người tiêu dùng, qua đó, doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững hơn. Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày càng được đề cao, không chỉ dừng ở các khuyến nghị mà đã trở thành các yêu cầu bắt buộc trong thương mại quốc tế. Những quy định về lao động, môi trường… hiện diện trong nghị sự của các cuộc đàm phán về thương mại, trở thành các biện pháp phi thuế quan trong phòng vệ thương mại của nhiều nước, nhất là các nước phát triển.
Từ vai trò của phúc lợi doanh nghiệp, có thể thấy phúc lợi là sự đầu tư cho phát triển của doanh nghiệp. Như đã phân tích, phúc lợi góp phần thu hút và giữ chân người lao động, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây là những yếu tố căn cốt làm nên giá trị, thương hiệu của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện đại, quyết định năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, bảo đảm để doanh nghiệp phát triển. Như vậy, đầu tư cho phúc lợi là đầu tư cho tái sản xuất mở rộng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, đầu tư cho giá trị cốt lõi, hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. Đó là những khoản đầu tư để doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
3. Xuất phát từ vai trò quan trọng của phúc lợi doanh nghiệp đối với sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, góp phần bảo đảm và nâng cao phúc lợi xã hội nói chung, trong thời gian tới, cần tiếp tục phát triển phúc lợi doanh nghiệp bảo đảm một số định hướng sau:
Phát triển phúc lợi doanh nghiệp phải gắn với xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, có vai trò quan trọng trong việc giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động. Phát triển phúc lợi doanh nghiệp phải hướng tới xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong mỗi doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Từng bước mở rộng các loại hình phúc lợi doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của người lao động.
Đối với các doanh nghiệp, bên cạnh các khoản trích nộp bắt buộc theo quy định pháp luật đối với người lao động như trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cần gia tăng các loại phúc lợi tự nguyện trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, qua đó, tạo thêm động lực cho người lao động. Các chương trình phúc lợi của doanh nghiệp hướng tới tạo môi trường làm việc tốt, an toàn, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chương trình chăm sóc sức khỏe của doanh nghiệp cho người lao động, gia đình họ; cải thiện các bữa ăn ca, nước uống tại nơi làm việc; tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động cộng đồng, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao...
Phát triển phúc lợi doanh nghiệp không làm biến dạng quan hệ tiền lương, bảo đảm trả lương theo lao động giữ vai trò chủ yếu.
Trong doanh nghiệp, tiền lương, tiền công là sự phân phối theo lao động còn phúc lợi là sự phân phối lại, không lấy tiêu chí lao động làm căn cứ phân bổ. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phân phối chủ yếu phải theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Vì thế, bên cạnh mong muốn không ngừng mở rộng phúc lợi doanh nghiệp cũng cần phải chú ý đến tỷ lệ hợp lý giữa quỹ phúc lợi và quỹ tiền lương, bảo đảm sự hài hòa của quan hệ lao động trong doanh nghiệp. Quỹ phúc lợi quá lớn so với quỹ tiền lương sẽ làm “méo mó” quan hệ lao động, triệt tiêu động lực làm việc của người lao động. Khi đó, kỳ vọng mà phúc lợi doanh nghiệp sẽ mang đến cũng không thành hiện thực.
Phát triển phúc lợi doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu các cam kết hội nhập quốc tế về lao động.
Trong thời gian qua, thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết rất cao, trong đó có các cam kết về lao động, việc làm, quyền của người lao động, điều kiện lao động, tôn trọng các quyền cơ bản của người lao động; lương tối thiểu; giới hạn thời gian làm việc tối đa; an toàn và sức khỏe lao động; cân bằng cuộc sống và công việc… Các cam kết đó sẽ từng bước được nội luật hóa trong pháp luật Việt Nam, trở thành khung pháp lý để các doanh nghiệp thực hiện. Như vậy, phát triển phúc lợi doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu đó và đây chính là bước chuẩn bị để mỗi doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện tham gia vào quá trình hợp tác và cạnh tranh quốc tế.
Thực tế những bài học thành công và thất bại ở nhiều quốc gia cho thấy, tăng trưởng, phát triển của mỗi doanh nghiệp luôn đi cùng với chế độ phúc lợi thỏa đáng cho người lao động. Đến lượt mình, chế độ phúc lợi tốt có ý nghĩa động viên, khuyến khích người lao động thêm gắn bó với doanh nghiệp, tận tâm tận lực lao động, cống hiến, làm cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
-----------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 103
(2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 47, tr. 65
(4) Trần Anh Phương: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Triết học, số 8 (219), tháng 8-2009
Agribank dành gần 50 tỷ đồng ủng hộ người nghèo và đối tượng chính sách đón xuân Nhâm Dần (21/01/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên