Tỉnh Vĩnh Phúc bảo đảm an sinh xã hội, tạo động lực phát triển bền vững
TCCS - Cùng với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định bảo đảm an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, mọi người dân đều phải được hưởng thành quả của sự phát triển. Nhiều chương trình trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đào tạo lao động và tạo việc làm mới, cứu trợ xã hội, quan tâm tới các đối tượng yếu thế, cải thiện mức sống và điều kiện sống cho dân cư, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn,... đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo động lực phát triển bền vững.
Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã vượt lên khó khăn, tạo ra những bước phát triển lớn trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Ở đó, con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm của sự phát triển. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt”; “Giảm nghèo nhanh và bền vững hơn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội từng bước được nâng cao”(1).
Trong bối cảnh còn không ít khó khăn, thách thức, việc chăm lo phúc lợi cho người dân là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Điều đó được thể hiện sinh động trên nhiều lĩnh vực, điển hình như chăm sóc sức khỏe, đổi mới giáo dục - đào tạo, hỗ trợ bảo hiểm, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo,... với những kết quả tích cực ở Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Phát triển kinh tế - xã hội để bảo đảm an sinh xã hội
Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập từ ngày 1-1-1997 theo Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, sau 29 năm hợp nhất với tỉnh Phú Thọ. Xuất phát điểm là một tỉnh thuần nông, tổng thu ngân sách trên dưới 100 tỷ đồng, sau hơn 20 năm tái lập, bằng sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Vĩnh Phúc ngày một khởi sắc. Chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn không ngừng được cải thiện và nâng cao. Nhất quán về chủ trương, chiến lược đổi mới trong phát triển kinh tế đã tạo nền tảng cho sự phát triển chung, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc qua nhiều nhiệm kỳ đều xác định: Tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng trong quá trình phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Với những quyết sách phù hợp, các khu công nghiệp bắt đầu được hình thành và phát triển, từng bước đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt mức tăng trưởng đáng kể, đóng vai trò là động lực cho phát triển kinh tế. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở tỉnh Vĩnh Phúc nhiều năm đạt ở mức cao, đặc biệt có những năm đạt trên 20% và bình quân giai đoạn 1997 - 2016 đạt 15,37%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,1%/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP theo giá hiện hành) không ngừng được mở rộng và tăng lên (năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng). Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 100 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế thời điểm năm 2020 đã được chuyển dịch tích cực: Công nghiệp - xây dựng chiếm 61,59%; dịch vụ: 30,26%; nông - lâm nghiệp - thủy sản: 8,15%. Địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh trong nước, khu vực và thế giới.
Vĩnh Phúc là tỉnh thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, nhất là công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo được đặc biệt quan tâm và có sự chuyển biến lớn. Để đạt được những thành tựu đáng kể đó, ngay sau khi tái lập tỉnh, một trong những chủ trương lớn đầu tiên của Vĩnh Phúc là xây dựng Nghị quyết về việc thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm. Công tác này trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Đây có thể coi là một trong những điểm nhấn quan trọng trong thành tựu bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc những năm qua.
Nhờ huy động tốt các nguồn lực, tỷ lệ hộ nghèo ở Vĩnh Phúc giảm nhanh, đời sống của nhân dân trong tỉnh từng bước được nâng cao. Năm 2005, tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 18% số hộ nghèo theo tiêu chí mới (6% theo tiêu chí cũ). Từ những nỗ lực không mệt mỏi, đến cuối năm 2020, số hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 ở tỉnh Vĩnh Phúc còn 3.465 hộ, chiếm tỷ lệ 0,98%; cận nghèo còn 6.628 hộ, chiếm tỷ lệ 1,88%. Từ năm 2015, toàn tỉnh không còn xã nghèo (xã có tỷ lệ hộ nghèo lớn hơn 25%), không còn hộ nghèo là đối tượng chính sách, người có công; 100% địa phương không còn nhà tạm hoặc dột nát.
Công tác giải quyết việc làm trên toàn tỉnh cũng đạt được thành tựu đáng khích lệ. Chỉ tính giai đoạn từ 2016 - 2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 100 nghìn lao động. Bình quân mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm cho 24.000 lượt người. Đây là cơ sở để tỉnh Vĩnh Phúc giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, nhiều dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, du lịch, văn hóa, nông nghiệp, nông thôn mới được xây dựng và hoàn thành. Quy hoạch và phát triển đô thị luôn được quan tâm đầu tư. Đô thị Vĩnh Yên và Phúc Yên được quan tâm chỉnh trang, nâng cấp. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn tiếp tục được đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Đặc biệt, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đi đầu về tiến độ, hiệu quả, chất lượng xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh huy động được gần 13.000 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4/9 huyện, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Hướng đến là trung tâm giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và chất lượng cao của cả nước, giáo dục - đào tạo của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển với chất lượng khá ổn định. 100% số trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, Trường Trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc là 1 trong 15 trường trung học phổ thông chuyên trọng điểm của cả nước, trường chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế. Số lượng và chất lượng học sinh giỏi quốc gia được giữ vững. Nhiều học sinh trong tỉnh đoạt giải trong các kỳ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm. Mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được củng cố và hoàn thiện. Toàn tỉnh có 137/137 trạm y tế xã đạt chuẩn. Nhiều thiết bị y tế hiện đại được trang bị, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Y tế cộng đồng, y tế dự phòng, vệ sinh, an toàn thực phẩm được thực hiện tốt. Toàn tỉnh hiện có 13,7 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2020 là trên 90%.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông được triển khai có hiệu quả. Năm 2020, có 92% thôn, làng đạt tiêu chuẩn thôn, làng văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 92%.
Công nghệ thông tin được đặc biệt quan tâm, hạ tầng công nghệ và truyền thông phát triển mạnh mẽ. Công tác bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị ước đạt 95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn ước đạt 75%; 100% chất thải nguy hại và chất thải y tế được xử lý.
Đầu tư các nguồn lực cho việc giải quyết các vấn đề xã hội và an sinh xã hội là đầu tư cho phát triển. Nói cách khác, giải quyết kịp thời, đúng đắn, hợp lý, công bằng các vấn đề an sinh xã hội là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững. Công tác này ngày càng được tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng và đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Chính sách an sinh xã hội được tỉnh triển khai đồng bộ trên cả 3 mặt: Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng (y tế, giáo dục, dạy nghề...); hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm...; phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương.
Thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10-8-2015, của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2) và Đề án hỗ trợ hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở theo Quyết định số 743-QĐ/UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, từ năm 2015 đến nay, Vĩnh Phúc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 1.300 nhà ở cho hộ nghèo với số tiền trên 45 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa gần 450 nhà cho hội viên, đoàn viên, người khuyết tật; hỗ trợ cho 200.000 lượt người về giống, vốn, khám, chữa bệnh, hỗ trợ tiền học cho học sinh, sinh viên với số tiền gần 260 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ hằng tháng cho trên 4.970 hộ nghèo, gần 8.460 hộ cận nghèo, gần 11.000 người có công với cách mạng; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và bảo đảm 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Hỗ trợ trên 500 triệu đồng cho hơn 400 người nghèo, người cận nghèo, người thuộc gia đình mới thoát nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Vận động, quyên góp được trên 400 tỷ đồng từ cộng đồng, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm thông qua Quỹ “Vì người nghèo” và nguồn kinh phí xã hội hóa để thực hiện các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo. Để chăm lo Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng với phương châm “Không để gia đình nào không có Tết”, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo trên địa bàn được đón Tết cổ truyền vui tươi, ấm áp. Hệ thống chính sách ưu đãi đối với người có công không ngừng được hoàn thiện. Đến nay, 100% gia đình người có công đều đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư cùng địa bàn. Bước vào năm 2021 với rất nhiều khó khăn, thách thức, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 0,42% - 0,45%.
Về lĩnh vực lao động - việc làm, để giúp người lao động tìm việc làm mới, nắm bắt thông tin về chính sách lao động việc làm đang có hiệu lực, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tư vấn, giới thiệu việc làm qua tổng đài, website, facebook và fanpage của trung tâm; giải quyết việc làm cho 13.941 lao động, đạt 69,7% so với kế hoạch năm 2020, trong đó, giải quyết việc làm trong nước đối với 13.348 lao động. Từ việc tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm định kỳ và hai phiên giao dịch việc làm lưu động, kết quả đã có 225 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động tại sàn giao dịch việc làm, số lao động được tuyển tại các phiên giao dịch việc làm là 1.040 người. Trong năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu: Giải quyết việc làm cho 23.000 lao động, trong đó, tạo việc làm mới trong nước cho trên 21.700 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%. Mục tiêu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, đồng thời là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 8,5% - 9,0%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 - 135 triệu đồng/năm. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường ở khu đô thị và khu vực nông thôn đạt 100%. Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 45 giường, tuổi thọ bình quân của người dân đạt 76 tuổi.
Thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, trong quý I năm 2021, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tăng trưởng cao với mức tăng 9,78%. Trong đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng cao nhất với trên 18%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước tính tăng 24,6%; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 11.449 tỷ đồng, tăng 21,47% so với cùng kỳ năm trước.
Cho đến những ngày đầu tháng 9-2021, cùng với nhiều địa phương trong cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc một lần nữa kề vai sát cánh, đồng tâm hiệp lực phòng, chống đại dịch COVID-19. Với quan điểm ưu tiên số 1 là sức khỏe của nhân dân, Vĩnh Phúc đã bước vào cuộc chiến chống đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 với sự chuẩn bị kỹ hơn, tâm thế chủ động hơn và quyết tâm cao hơn. Để hỗ trợ kịp thời cho người dân, lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ kinh phí tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2022; Nghị quyết quy định một số chế độ chính sách hỗ trợ đặc thù phục vụ phòng, chống COVID-19 và quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 theo phương pháp gộp mẫu áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thực hiện trên địa bàn tỉnh. Giải quyết nhiệm vụ trước mắt, tỉnh đã quyết định hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày cho tất cả các trường hợp thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn; miễn phí tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho toàn dân từ đủ 18 tuổi trở lên với số tiền dự kiến trên 400 tỷ đồng. Đó là những quyết định được đưa ra trong bối cảnh tỉnh đang gặp nhiều khó khăn khi kinh tế bị đình trệ, nhưng Vĩnh Phúc quyết tâm triển khai thực hiện, với mong muốn giảm bớt gánh nặng cho người dân trong điều kiện khó khăn do tác động của đại dịch bệnh gây ra.
Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, ngày 12-3-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến 2030 với mục tiêu tổng quát: Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao thu nhập và phúc lợi cho người dân trong tỉnh. Tập trung phát triển sản xuất, trọng tâm là phát triển công nghiệp - dịch vụ, nâng cao thu nhập của nhân dân thông qua giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
Tại Kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI đã thông qua Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết này là người có hộ khẩu thường trú tại Vĩnh Phúc, từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại các cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chính sách hỗ trợ được thực hiện theo nguyên tắc: Hỗ trợ theo thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người tại các cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh kể từ tháng 8-2020 đến hết tháng 12-2025. Ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết này, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đồng thời được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được ngân sách tỉnh hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn áp dụng trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định, cụ thể: 1- Hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; 2- Hỗ trợ bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; 3- Hỗ trợ bằng 10% đối với các đối tượng khác. Sáu tháng đầu năm 2021, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh hiện là 38,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 34,7% lực lượng lao động trong độ tuổi, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 93,2% dân số.
Song song với những hoạt động cụ thể, thiết thực đó, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tinh thần khởi nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - thể thao, tăng mức cung ứng các dịch vụ cơ bản và phúc lợi xã hội để tăng mức hưởng thụ và nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Bảo đảm đa số người dân có việc làm bền vững, bình đẳng trong tiếp cận, thụ hưởng hệ thống các dịch vụ xã hội của tỉnh về y tế, giáo dục - đào tạo, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, thông tin, cung cấp điện, nước sinh hoạt, nhà ở, môi trường...
Giải pháp trong thời gian tới
Cùng với cả nước, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh mục tiêu thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ; bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển văn hóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt, việc nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân luôn được gắn với bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội, với mục tiêu nhất quán, xuyên suốt là: Cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, tăng phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.
Mặc dù trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những nỗ lực lớn, đầu tư nguồn lực và đổi mới cơ chế, chính sách để thực hiện an sinh xã hội, từng bước bảo đảm an sinh xã hội gắn với tiến bộ và phát triển xã hội, với thành tựu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn tồn tại những hạn chế. Đó là: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về an sinh xã hội chưa đúng và chưa đầy đủ, coi an sinh xã hội là trách nhiệm của Nhà nước, còn có tư tưởng trông chờ vào Nhà nước. Đặc biệt, việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội ở một số địa bàn, cơ sở còn yếu. Nguồn lực cho thực hiện còn hạn hẹp, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn thấp, phân tán; chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, người dân chưa đầy đủ và đồng bộ. Các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu sản xuất, chất lượng lao động chưa cao...
Trong điều kiện còn không ít khó khăn, nhất là về kinh tế, việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội phù hợp, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.
Tỉnh Vĩnh Phúc xác định bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, song đồng thời phải phát huy vai trò và trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, người lao động, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần xã hội hóa, tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm các điều kiện sống của chính mình. Trong thời gian tới, chủ trương đó được cụ thể hóa bằng các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của nhân dân tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội trong mối quan hệ gắn kết chặt chẽ, cân bằng với phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc xã hội đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ ngày càng cao của người dân. Trong đó, cần nỗ lực xây dựng sàn an sinh xã hội làm chuẩn, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân về tiếp cận đa chiều các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nước sạch sinh hoạt, nhà ở, văn hóa, thông tin,...) một cách khoa học và thiết thực, hiệu quả.
Thứ hai, tăng đầu tư của Nhà nước cho các chương trình bảo đảm an sinh xã hội với quan điểm đầu tư cho an sinh xã hội là đầu tư cho phát triển. Đồng thời, phát triển mở rộng các quỹ an sinh xã hội (Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Tình thương, Quỹ Hỗ trợ khẩn cấp,...) với sự đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, người dân, cộng đồng và quốc tế theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, không ngừng đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý lĩnh vực an sinh xã hội theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và từng bước hiện đại hóa quản lý nhà nước về lĩnh vực an sinh xã hội.
Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài được xác định là tiếp tục hoàn thiện thị trường lao động, phát triển việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên cơ sở tăng cường đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động; phối hợp đồng bộ chính sách an sinh xã hội với các chính sách kinh tế - xã hội khác, như chính sách việc làm, chính sách tiền lương và thu nhập; thực hiện các chương trình hỗ trợ tích cực, các chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững...; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho các đối tượng và vùng đặc thù.
Kế thừa và phát huy truyền thống của những thế hệ đi trước, trên nền tảng vững chắc đạt được sau hơn 20 năm tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục nỗ lực triển khai có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề về các lĩnh vực: Cải thiện môi trường đầu tư; y tế, giáo dục; đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn mới nâng cao; phát triển đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài,... tạo tiền đề vững chắc bảo đảm công tác an sinh xã hội, tập trung cải thiện nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo động lực cho phát triển bền vững./.
-------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 103 - 104, 102Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam  (30/09/2021)
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc giám sát, bảo đảm chính sách an sinh xã hội  (30/09/2021)
Hà Nội nỗ lực bảo đảm chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19  (29/09/2021)
Hà Nội đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững  (27/09/2021)
Nâng cao năng suất lao động - đưa kinh tế Thủ đô phát triển bền vững  (11/09/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển