Các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc sau 5 năm thực hiện kế hoạch “Made in China 2025”
TCCS - Cùng với sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) và chính sách ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc trong thế kỷ XXI, kế hoạch “Made in China 2025” là một trong ba trụ cột quan trọng giúp Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng “phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc”, tiến tới “Giấc mộng Trung Hoa” vào năm 2049. Sau 5 năm triển khai, kế hoạch “Made in China 2025” đã đem lại cho nền kinh tế và các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc một bộ mặt mới, có sức mạnh, vị thế và tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với năm 2015.
Vài nét về kế hoạch “Made in China 2025”
Kế hoạch “Made in China 2025” được Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch nước Tập Cận Bình đề ra vào tháng 5-2015 với mục tiêu chính là đưa Trung Quốc nhanh chóng đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong 10 lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm: Một là, xe hơi chạy bằng điện; hai là, công nghệ thông tin - viễn thông thế hệ mới; ba là, trí tuệ nhân tạo (AI); bốn là, công nghệ nano; năm là, robot tiên tiến; sáu là, nông nghiệp sạch; bảy là, kỹ thuật hàng không vũ trụ; tám là, vật liệu mới tổng hợp; chín là, y-sinh học chất lượng cao và cuối cùng là kết cấu hạ tầng đường sắt cao tốc(1). Dự kiếnđến năm 2030, Trung Quốc có thể tự cung cấp và đáp ứng được 70% nhu cầu công nghệ cao trong nước và sau đó, đến năm 2049, Trung Quốc sẽ vươn lên trở thành nước đứng đầu thế giới về công nghệ, nhất là công nghệ viễn thông.
Trong kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc coi công nghệ thông tin - viễn thông thế hệ mới là ưu tiên hàng đầu để giúp nước này có thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành siêu cường công nghệ số 1 thế giới. Mục tiêu này được chia làm ba hướng: Một là, gắn công nghệ thông tin với chiến lược BRI với tên gọi là “Vành đai con đường kỹ thuật số” hay “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”; hai là, ưu tiên phát triển 7 doanh nghiệp viễn thông tư nhân và nhà nước khổng lồ, bao gồm: Alibaba (thương mại điện tử, tài chính, điện tử và thanh toán điện tử), Tencent (chuyên về trò chơi điện tử, thương mại điện tử, tài chính), Baidu (công cụ tìm kiếm trực tuyến về công nghệ viễn thông và các trò chơi trực tuyến), Huawei (chuyên về công nghệ thông tin, công nghệ cao, phần mềm, điện thoại di động và chíp điện tử), Xiaomi (chuyên về phần cứng công nghệ thông tin, điện thoại di động), Byte Dance (chuyên về mạng xã hội), ZTE (chuyên về chíp điện tử, bán dẫn điện tử, công nghệ số) và một số nhà mạng chuyên sản xuất mạng xã hội, giải trí, dịch vụ tin nhắn, thẻ tài chính như: Wechat, Weibo, Tiktok, Vivo, Oppo, Realme; ba là, sử dụng công nghệ thông tin để phát triển đồng Nhân dân tệ (NDT) số, đưa đồng tiền này trở thành đồng tiền mạnh và được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu vào năm 2049. Những mục tiêu này được Trung Quốc coi là tầm nhìn mới, hướng đi mới, phù hợp với vai trò và vị thế nước lớn của Trung Quốc trong thế kỷ XXI.
Những thành tựu Trung Quốc đạt được sau 5 năm thực hiện kế hoạch “Made in China 2025”
Trung Quốc đã đẩy mạnh triển khai kế hoạch “Made in China 2025” và đạt được một số kết quả như sau:
Thứ nhất, Trung Quốc đã thành công trong việc gắn công nghệ thông tin với chiến lược “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”. Sau 5 năm triển khai, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng khi đã ký kết được Biên bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” với 16 quốc gia ở khu vực Á-Phi; ký kết Biên bản hợp tác về xây dựng thương mại điện tử với 19 nước ở khu vực Á - Âu - Phi. Nhờ đó, các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc có thể xâm nhập và chiếm ưu thế hơn so với các đối thủ công nghệ đến từ Mỹ, phương Tây trong việc chiếm lĩnh thị trường ở các nước như: Etiopia, Nigeria, Rumani, Bungari, Cộng hòa Séc, Pakistan, Mông Cổ, Iran… là những thị trường vốn thuộc quyền kiểm soát của các doanh nghiệp công nghệ đến từ châu Âu như Nokia, Ericsson.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã tổ chức thành công một số hội chợ công nghệ, kinh tế số với nhiều quốc gia tham gia BRI như: tổ chức thành công Hội chợ công nghệ số với 17 nước Trung và Đông Âu thuộc Nhóm 17+1; tổ chức thành công Diễn đàn công nghệ số với 5 nước ở Trung Á gồm: Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Turkmenistan nhằm thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Trung Quốc với các nước Trung Á thuộc Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO); tổ chức thành công Hội chợ triển lãm thương mại điện tử Trung Quốc - ASEAN với chủ đề: “Cùng xây dựng vành đai và con đường, cùng phát triển kinh tế số”… Thông qua những hội chợ này, các doanh nghiệp Trung Quốc đã triển khai được 1.334 dự án công nghệ thông tin, công nghệ số dọc theo hành lang “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”(2) với ba châu lục Á - Âu - Phi, trong đó, trọng tâm là các khu vực: Đông Nam Á, Trung Á, Trung Âu, Đông Âu và Đông Phi; đồng thời, triển khai các loại hình công nghệ mới như: Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, hạ tầng kỹ thuật số và dự án “Châu Phi thông minh” với 26 nước ở châu Phi và Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) là chủ đầu tư chính.
Thứ hai, kế hoạch “Made in China 2025” đã góp phần nâng cao năng lực và sức mạnh của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc. Thành công lớn nhất của kế hoạch “Made in China 2025” là góp phần nâng cao sức mạnh, vị thế và tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc trên toàn cầu. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (tháng 8-2020), từ khi Trung Quốc triển khai kế hoạch “Made in China 2025”, các doanh nghiệp của nước này đã nâng cao được vai trò và vị thế quốc tế của mình. Tập đoàn Xiaomi thành lập năm 2010, nhưng đến năm 2019 đã trở thành tập đoàn sản xuất điện thoại di động thông minh lớn thứ tư thế giới, với 125 triệu chiếc (chỉ sau Samsung, Nokia và Huawei); Tập đoàn Alibaba thành lập năm 1999, đến năm 2019 đã trở thành “ông vua nội địa” về công nghệ thanh toán số và là một trong ba nhà sản xuất mạng ứng dụng thông minh hàng đầu thế giới (cùng với Google và Facebook của Mỹ); Tập đoàn Huawei thành lập năm 1987, đến năm 2020 đã trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông số một thế giới, chiếm 28% thị phần toàn cầu và vượt Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại giá rẻ, thông minh lớn nhất thế giới vào năm 2019, với tổng doanh thu đạt 855 tỷ NDT (tương đương với 124 tỷ USD năm 2019 và 85 tỷ USD trong tám tháng đầu năm 2020); Tập đoàn Bytedance với mũi nhọn là mạng xã hội Tiktok đã thu hút được 2,2 tỷ người trên thế giới theo dõi, trong đó có 165 triệu người Mỹ, với doanh thu đạt 45 tỷ USD (năm 2019)(3).
Ngoài quy mô và sức mạnh, các doanh nghiệp công nghệ còn giúp Trung Quốc đứng đầu thế giới về bằng phát minh sáng chế. Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, trong năm 2019, các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã phát minh 58.990 bằng sáng chế về công nghệ, vượt hơn 1.000 bằng sáng chế so với các doanh nghiệp Mỹ. Riêng Huawei, có 4.144 bằng sáng chế, vượt qua Qualcom của Mỹ là 2.127 bằng sáng chế(4). Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới về bằng phát minh ứng dụng công nghệ thông tin (265 ứng dụng)(5) chỉ sau Đại học California của Mỹ (470 ứng dụng). Nhưng xét trên phương diện nghiên cứu về vật lý, toán học, kỹ thuật, hóa học phục vụ cho công nghệ thông tin, Trung Quốc vượt bốn lần so với Mỹ. Các công ty khởi nghiệp về công nghệ của Trung Quốc nhiều hơn các công ty khởi nghiệp của Mỹ (206 so với 203) và trong số năm trường đại học công nghệ hàng đầu thế giới, thì có ba trường của Trung Quốc, đứng đầu là Đại học Thanh Hoa và Đại học Công nghệ Nam Kinh(6).
Trung Quốc cũng đã trở thành quốc gia sản xuất thiết bị vi mạch điện tử hàng đầu thế giới, như: Alibaba Clound, nhà cung cấp chính các thiết bị dịch vụ điện toán đám mây cho các nước Trung - Đông Âu, Đông Nam Á và Đông Phi; dự án xây dựng khu thương mại tự do kỹ thuật số của Malaysia (DFTL); Tập đoàn công nghệ Inspur - chủ đầu tư của các dự án trung tâm dữ liệu đám mây(7) ở 20 nước châu Phi: Kenia, Ai Cập, Nam Phi…; các doanh nghiệp công nghệ số như: China Union Pay, Ant Financial đã phát triển các dự án về thanh toán điện tử, dịch vụ công nghệ số, dịch vụ tài chính công nghệ… tới các nước Đông Nam Á, Nam Á.
Thứ ba, kế hoạch “Made in China 2025” đã giúp Trung Quốc từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc đồng tiền số. Tháng 4-2020, Ngân hàng Nhân dân Trung ương Trung Quốc đã đưa vào thử nghiệm dự án đồng tiền số quốc gia trong thế giới thực (gọi tắt là đồng NDT số). Thời gian thử nghiệm của dự án này kéo dài 5 năm tại bốnthành phố lớn là: Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hồng Kông. Với mục tiêu chính là giúp Trung Quốc trở thành quốc gia phát triển đầu tiên trên thế giới có thể xây dựng được đồng tiền số mạnh, qua đó, mở rộng tầm ảnh hưởng về kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Điểm đặc biệt của dự án này là nó được kết nối chặt chẽ với sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, thanh toán số hàng đầu của Trung Quốc là Alipay của Alibaba và Wechat của Tencent. Mạng ứng dụng công nghệ số này sẽ giúp đồng NDT trở thành một đồng tiền tập trung do Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quản lý. Đây là một điểm khác biệt so với đồng Libra, Bitcoin của Mỹ, vốn dựa vào sự hỗ trợ của các hãng tài chính, công nghệ Mỹ, phương Tây, thiếu tính tập trung và không có sự quản lý thống nhất qua thể chế nhà nước như đồng NDT số.
Bên cạnh đó, việc đưa vào thử nghiệm đồng NDT số còn giúp Trung Quốc hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược là đưa Trung Quốc trở thành nước đi tiên phong trên thế giới trong lĩnh vực thanh toán số, tài chính số, biến thị trường Trung Quốc trở thành một thị trường đồng tiền số lớn nhất thế giới; mở rộng ảnh hưởng của đồng NDT trong giỏ tài chính quốc tế và giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Trung Quốc vào đồng USD.
Một số đánh giá
Với sự ra đời của kế hoạch “Made in China 2025”, các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về công nghệ thông tin, công nghệ cao, thanh toán tài chính số… Tuy nhiên, sức mạnh thực tế của các doanh nghiệp công nghệ này vẫn là vấn đề cần xem xét, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh công nghệ khốc liệt từ Mỹ và các nước phương Tây. Cụ thể là:
Thứ nhất, sau 5 năm hiện thực hóa kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực: vi mạch, phần cứng điện tử, phần mềm công nghệ, chíp giá rẻ. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực quan trọng của công nghệ thông tin như: phần mềm, chip công nghệ cao, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp công nghệ của Mỹ. Hệ quả là khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đã lâm vào tình trạng phá sản như ZTE, một số doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ “chảy máu chất xám” sang các công ty công nghệ của Mỹ, châu Âu như Huawei. Thách thức này khiến mục tiêu trở thành cường quốc công nghệ số một của Trung Quốc vào năm 2049 trở nên khó khăn hơn.
Thứ hai, do tác động tiêu cực từ dịch bệnhCOVID-19, sự giảm tốc của nền kinh tế và ảnh hưởng từ chính sách dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc của Mỹ và phương Tây làm cho các nguồn đầu tư của Trung Quốc vào BRI, công nghệ số giảm mạnh. Theo báo cáo của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) dựa trên cơ sở dữ liệu của Quỹ Đầu tư toàn cầu Trung Quốc (CGIT) ngày 10-9-2020, trong 8 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc chỉ đầu tư cho các dự án trong khuôn khổ BRI là 23,45 tỷ USD, giảm tới 2/3 so với mức 106 tỷ USD (năm 2019). Còn theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (tháng 6-2020), 20% các dự án BRI của Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnhCOVID-19, 30% -40% các dự án chịu ảnh hưởng từ 10% -50% và chỉ có 40% các dự án không bị ảnh hưởng(8). Sự sụt giảm đầu tư vào BRI đã làm suy yếu chiến lược “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Trung Quốc.
Thứ ba, mặc dù Trung Quốc là nước đi tiên phong trong việc sử dụng đồng NDT số nhưng mục tiêu này đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đồng NDT số trên thực tế chỉ là đồng tiền của Trung Quốc, hoạt động trên phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc và do Chính phủ Trung Quốc quản lý. Điều này sẽ làm cho đồng NDT số khó có thể cạnh tranh được so với đồng USD, một đồng tiền được thế giới mặc định do có lịch sử sử dụng lâu đời và được ra đời dựa trên sự đồng thuận về nhiều tiêu chí: sức mạnh kinh tế của nước Mỹ; biến động phức tạp của địa - chính trị thế giới; không gian địa lý và được sự chấp nhận của nhiều quốc gia… Các yếu tố này khiến cho đồng USD vẫn trở thành đồng tiền xuyên biên giới và có giá trị nhất trong thanh toán quốc tế.
Với sự ra đời của kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc đã coi công nghệ thông tin, công nghệ cao là nền tảng quan trọng, không chỉ giúp Trung Quốc tự chủ về công nghiệp công nghệ cao mà còn có thể từng bước vượt Mỹ và phương Tây, đưa Trung Quốc trở thành siêu cường công nghệ hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ XXI. Đây được coi là mục tiêu lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới.
-------------------------------------
(1) Melissa Cyrill: “What is Made in China 2025 and Why Has it Made the World So Nervous?”, https://www.china-briefing.com/news/made-in-china-2025-explained, ngày 28-12-2018
(2) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặt biệt, ngày 8-9-2020, tr.20
(3), (4), (6) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 30-8-2020, tr.11,12
(5) “Top Universities in China for Computer Science in 2020”, https://www.topuniversities.com/university-rankings-articles/university-subject-rankings/top-universities-china-computer-science-2020, ngày 15-4-2020
(7) Sebastian Moss: “US Department of Defense names Huawei and Inspur in list of Chinese military - linked companies”, https://www.datacenterdynamics.com/en/news/us-department-defense-names-huawei-and-inspur-list-chinese-military-linked-companies, ngày 25-6-2020
(8) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 14-9-2020, tr.11
Mô hình phúc lợi xã hội của Trung Quốc  (30/01/2021)
An ninh lương thực của Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19  (23/08/2020)
Kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh bùng phát đại dịch COVID-19  (01/04/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển