Xung đột và thỏa hiệp trong quan hệ quốc tế
TCCS - Sự vận động và phát triển không ngừng của thế giới luôn tồn tại hai chiều hướng quan hệ phổ biến là xung đột và thỏa hiệp. Đây là những vấn đề nổi cộm, nan giải trong vô vàn những vấn đề của đời sống quốc tế từ trước đến nay, bởi đó vừa là hậu quả, vừa là nguyên nhân gây ra máu và nước mắt, tạo nên nụ cười và niềm vui cho nhân loại. Trên thực tế, xung đột và thỏa hiệp đan xen nhau, chuyển hóa lẫn nhau. Cùng với đó, thế giới bao giờ cũng chứng kiến những cuộc thay đổi, hôm nay là “kẻ thù”, ngày mai là “bạn bè” và ngược lại. Phải chăng vì lẽ đó mà cựu Thủ tướng Anh Uyn-xtơn Chớc-chin (Winston Churchill, 30-11-1874 - 24-1-1965), đã từng nói: “Thế giới này không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.
Xung đột và cơ chế xung đột
Có thể nói, đề cập đến xung đột là đề cập tới mâu thuẫn dẫn tới tranh giành, cạnh tranh và cao hơn nữa là chiến tranh giữa các bên. Xung đột ở cấp độ thấp, nhỏ lẻ thường là xung đột về nguồn nước, tài nguyên, biên giới, kinh tế - thương mại. Xung đột ở mức độ cao hơn là cạnh tranh quyết liệt dẫn tới chiến tranh. Chiến tranh do xung đột gây ra cũng có những dạng thức (chiến tranh lạnh hoặc chiến tranh nóng) và cấp độ khác nhau. Thế kỷ XX đã chứng kiến cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài bảy thập niên giữa một bên là Liên Xô và bên kia là Mỹ đứng đầu, mà phái sinh của nó là cuộc chạy đua vũ trang vô cùng gay gắt, quyết liệt, tốn kém, làm hao tổn sức lực, trí tuệ và tổn thương nghiêm trọng cho cả hai bên. Chiến tranh lạnh chỉ kết thúc khi Liên Xô tan rã và Mỹ bị tổn thất nặng nề cả về nhân lực lẫn kinh tế. Nhiều nhà phân tích cho rằng, dường như thế giới hiện đang thấp thoáng xuất hiện một cuộc “Chiến tranh lạnh mới” giữa các nước lớn. Cuộc Chiến tranh lạnh kiểu mới này không căng thẳng, khốc liệt như trước, không phân tuyến, chia phe, nhưng việc chạy đua sản xuất các loại vũ khí, bao gồm tên lửa, máy bay, tàu chiến thế hệ mới... liên tục gia tăng, kèm theo đó là cuộc chiến thương mại đang diễn ra ở mức độ hết sức quyết liệt, mang lại nhiều hệ lụy đối với an ninh - chính trị và kinh tế thế giới.
Bàn về chiến tranh nóng do xung đột gây nên, trước hết phải kể đến hai cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai trong thế kỷ XX. Những tổn thất về người, vật chất và sức tàn phá về tinh thần do hai cuộc chiến tranh này gây ra đã vượt xa tất cả những gì mà loài người phải gánh chịu trong toàn bộ chiều dài lịch sử.
Xem xét dưới một góc độ khác có thể thấy, xung đột xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến thế giới phải hứng chịu biết bao cuộc chiến tranh thảm khốc. Ở châu Phi, chiến tranh nổ ra khắp mọi nơi, từ An-giê-ri, Tuy-ni-di, Công-gô, Nam-mi-bi-a, Ê-ti-ô-pi-a, Ăng-gô-la, Xô-ma-li, Ru-an-đa, Y-ê-men cho đến Xu-đăng và nhiều nơi khác. Tại Trung Cận Đông, bên cạnh những cuộc nội chiến ở Li-băng, Xy-ri, cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở I-rắc đã để lại nhiều hậu quả nặng nề và tàn khốc đối với đất nước Trung Đông này. Đây cũng là một minh chứng rõ nét về sự “đổi trắng, thay đen” của các thế lực hiếu chiến. Ở châu Á, cuộc giao tranh quân sự giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan nhằm giành quyền kiểm soát vùng Ca-sơ-mia ở khu vực biên giới giữa hai nước cũng đang trở thành “điểm nóng”. Trước đó, các cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan, Triều Tiên, Việt Nam, Lào hay Cam-pu-chia do chủ nghĩa đế quốc gây ra cũng đã khiến khu vực này phải trải qua nhiều thập niên đau thương, mất mát. Khu vực châu Mỹ cũng không ngoại lệ với một loạt cuộc chiến tranh đẫm máu diễn ra ở Ha-i-ti, Ni-ca-ra-goa hay Chi-lê...
Liệt kê các cuộc chiến tranh đã và đang xảy ra và dù có dài thêm nữa cũng không thể diễn tả được hết những hậu quả mà các cuộc chiến tranh này gây ra. Vậy, đâu là nguyên nhân làm nảy sinh các cuộc xung đột trên thế giới? Theo các nhà nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến các cuộc xung đột, song tựu trung vẫn xuất phát từ một số nhân tố chính sau:
Thứ nhất, và quan trọng hàng đầu, chi phối nhiều nhân tố khác, đó chính là vấn đề lợi ích. Xem xét nguyên nhân nổ ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất có thể thấy rõ điều này. Thời điểm đó, khoảng giữa thế kỷ XVI, ở các nước châu Âu bắt đầu hình thành chủ nghĩa tư bản. Để tìm kiếm tài nguyên và lợi nhuận, các nước thực dân châu Âu bắt đầu bành trướng lãnh thổ, đem quân xâm chiếm các nước châu Á, châu Phi để biến các nước này thành thuộc địa. Nhưng sự phân chia thuộc địa giữa các nước châu Âu không đồng đều, bởi Anh và Pháp là hai nước đã xâm chiếm thuộc địa từ khá sớm nên chiếm được nhiều thuộc địa, trong khi các nước châu Âu khác giành được ít hơn. Đến cuối thế kỷ XIX, sự lớn mạnh của đế quốc Đức sau cuộc chiến tranh Pháp - Phổ đã đẩy mạnh những tham vọng chiếm lĩnh thuộc địa và chia lại thị trường thế giới của nước này. Nhưng tham vọng của Đức gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ của các nước “đế quốc già” là Anh, Pháp và Nga. Do có cùng mục tiêu tranh giành thuộc địa với Anh và Pháp, năm 1882, Đức đã cùng Áo - Hung, Ý thành lập “phe Liên minh” để chuẩn bị tiến hành chiến tranh nhằm phân chia lại thế giới. Để đối phó, đầu thế kỷ XX, Anh đã ký với Nga và Pháp những hiệp ước song phương hình thành nên “phe Hiệp ước”. Từ đó, ở châu Âu đã hình thành hai khối quân sự đối đầu nhau. Hai bên ra sức chạy đua vũ trang để chuẩn bị cho chiến tranh. Ngày 28-4-1914, chiến tranh giữa hai bên chính thức nổ ra, kéo theo nhiều nước tham chiến, từ đó dẫn tới quy mô chiến tranh thế giới.
Một minh chứng nữa không thể không đề cập đến, đó là cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, khi cách đây 80 năm (tháng 9-1939), tại châu Âu, với tham vọng trở thành “bá chủ thế giới”, nước Đức Quốc xã dưới sự thống trị của A. Hít-le đã tiến hành xâm lược Ba Lan nhằm đòi trả lại Đan-dích (Danzig) - vùng lãnh thổ được sáp nhập vào Ba Lan theo Hiệp ước Véc-xai. Để làm tròn “bổn phận” theo Hiệp ước với Ba Lan, Chính phủ Pháp và Anh ngay sau đó cũng tuyên chiến với Đức, và chiến tranh cứ thế ngày càng lan rộng, lôi kéo nhiều nước tham chiến, dẫn tới hình thành hai chiến tuyến: Một bên là “phe đồng minh” (Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ) và bên kia là “trục phát-xít” (Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản(1)). Cuộc chiến tranh đã khiến hầu hết mọi lục địa trên thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề. Thực tế cho thấy, chủ nghĩa phát-xít vì tranh giành lợi ích kinh tế và chính trị đã gây ra cuộc chiến tranh thế giới vô cùng thảm khốc. Chiến công đánh bại chủ nghĩa phát-xít, giải phóng châu Âu, đã trở thành “bản anh hùng ca bất tử” trong lịch sử nhân loại được tạo dựng bởi phe đồng minh mà nòng cốt là Liên Xô vĩ đại.
Thứ hai, vấn đề giai cấp, dân tộc và tôn giáo. Theo nhận định của các nhà kinh điển, lịch sử phát triển của xã hội loài người kể từ khi xuất hiện giai cấp luôn gắn liền với sự tồn tại của các cuộc đấu tranh giai cấp. Và, đây là điều tất yếu trong xã hội có giai cấp. Chính các cuộc đấu tranh giai cấp đã góp phần mạnh mẽ vào việc sắp đặt lại trật tự thế giới. Lịch sử đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột giai cấp dẫn tới chiến tranh giữa những người nô lệ với chủ nô, giữa nông nô với chúa đất phong kiến, giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản... Tại châu Âu, nhiều cuộc cách mạng tư sản đã diễn ra nhằm lật đổ chế độ phong kiến và cuộc cách mạng chỉ chấm dứt khi chế độ tư sản toàn thắng và nắm quyền thống trị. Cạnh tranh và đấu tranh giai cấp còn thể hiện ở cuộc đối đầu về ý thức hệ trong nhiều thập niên của thế kỷ XX. Và, Chiến tranh lạnh - cuộc đối đầu về ý thức hệ, kinh tế và địa - chính trị giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa sau Chiến tranh thế giới thứ hai, là một minh chứng rõ nét.
Các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo bùng nổ căng thẳng, phức tạp cũng bắt nguồn từ những mâu thuẫn lịch sử và hiện tại nảy sinh trong đời sống xã hội. Đó là kết quả tích tụ từ lâu của những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo trong lịch sử bởi sự bành trướng, chinh phục của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, vấn đề di cư,... và sau này các mâu thuẫn có điều kiện nảy sinh, phát triển. Trong kế hoạch xâm chiếm thuộc địa, phân chia lợi ích của các nước phương Tây từ những thế kỷ trước, các nước này chỉ chú ý đến phân chia phạm vi thế lực trên cơ sở đấu tranh, thỏa hiệp giữa các nước này với nhau, làm cho tình hình sắc tộc, tôn giáo trở nên phức tạp. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là mâu thuẫn, xung đột do quá trình phân chia lợi ích và tranh giành quyền lực trong lịch sử phát triển chung ở các quốc gia, dân tộc theo các tôn giáo khác nhau hoặc các dân tộc theo cùng một tôn giáo nhưng thuộc các phái khác nhau. Đơn cử như, người Do Thái và người A-rập ở khu vực Trung Đông đều liên quan đến Thánh địa Giê-ru-xa-lem và chính điều đó đã trở thành nguyên nhân lịch sử của sự xung đột và chiến tranh giữa hai dân tộc trong suốt nhiều thập niên qua. Xung đột và chiến tranh giữa I-ran và I-rắc cũng không nằm ngoài mâu thuẫn dân tộc và tranh giành quyền lực tôn giáo, khi hai dân tộc cùng có tín ngưỡng chung là Hồi giáo nhưng thuộc hai dòng khác nhau là Xun-ni và Si-ai... Các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo diễn ra triền miên, lúc âm ỉ, lúc bùng phát, gây nên tâm lý bất an cho nhiều vùng đất. Những cuộc thánh chiến của lực lượng Hồi giáo cực đoan đã và đang mang đến không chỉ là những nỗi lo mà còn là những thảm họa đối với nhân loại.
Thứ ba, vấn đề quyền lực. Quy luật vận động của thế giới là phát triển không đồng đều. Thời kỳ nào cũng vậy, do có sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia trên thế giới mà một số nước đã phát triển vượt trội trở thành cường quốc hùng mạnh, và càng hùng mạnh, càng dễ nảy sinh “tham vọng” quyền lực. Để hùng mạnh hơn, các thế lực cầm quyền đã đế quốc hóa, dùng quân sự xâm chiếm, áp đặt các nước khác, đặc biệt là nô dịch các nước yếu hơn, biến các nước này trở thành chư hầu, thuộc địa. Vậy nên mới có thời kỳ đế quốc Nguyên Mông “tung vó ngựa” khắp các lục địa Á - Âu, có câu chuyện “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh”...
Chính sự áp đặt cường quyền đó làm nảy sinh xung đột và dẫn tới các cuộc chiến tranh chống đế quốc, chống xâm lược. Và, có bạo lực chắc chắn có phản bạo lực song hành. Lịch sử loài người đã chứng kiến những chiến thắng oanh liệt của biết bao dân tộc kiên cường đánh tan đế quốc La Mã, đế quốc Áo - Hung, đế quốc Nguyên Mông, phát-xít Đức - I-ta-li-a - Nhật Bản, đế quốc Mỹ. Trong cuộc đấu tranh chống cường quyền và bạo lực, dân tộc Việt Nam là tấm gương tiêu biểu góp phần đánh bại nhiều đế quốc lớn trên thế giới.
Thỏa hiệp và cơ chế thỏa hiệp
Thỏa hiệp là một giải pháp được áp dụng để nhượng bộ, làm giảm bớt căng thẳng, xung đột, tránh nguy cơ chiến tranh hoặc được thực hiện sau các cuộc xung đột và chiến tranh. Thỏa hiệp cũng có cơ chế từ những tiến bộ của đời sống xã hội. Thỏa hiệp ở mức độ thấp là sự bàn bạc, thống nhất thỏa thuận với nhau về những vấn đề nảy sinh giữa hai nước hoặc các nhóm nước. Thỏa hiệp còn là cách ứng xử “gặp thời thế, thế thời phải thế”, đành chấp thuận, hy sinh hoặc mất mát ít nhiều để bảo vệ và phục vụ cho vấn đề lớn hơn. Thỏa hiệp thành văn bản là các thỏa ước, thỏa thuận, hiệp ước, hiệp định. Các điều khoản trong các văn bản này thường được bàn bạc, trao đổi, thậm chí đấu tranh hằng tháng, hằng năm và có khi là nhiều năm. Cơ chế để dẫn tới thỏa hiệp bao gồm một số yếu tố sau:
Một là, thỏa hiệp để hóa giải bức xúc, mâu thuẫn, tránh nguy cơ xung đột. Giữa các nước, các khu vực hiện nay nảy sinh rất nhiều vấn đề trong quá trình phát triển. Từ những mâu thuẫn về nguồn nước, môi trường đến các vấn đề về biên giới, đất đai, chủ quyền, biển, đảo... Có những vấn đề do lịch sử để lại, đến bây giờ vẫn vướng mắc; có những vấn đề trước đây chưa cần quan tâm nhưng nay lại là thiết yếu và nhất định phải bảo vệ hoặc tranh giành. Trong những trường hợp như vậy, nếu hai bên nhìn thẳng vào sự thật, có cách tiếp xúc, trao đổi, bàn bạc và tìm được các điều kiện chung thỏa đáng thì sẽ là sự thỏa hiệp đạt kết quả tốt.
Hai là, thỏa hiệp để giải quyết những hậu quả sau khi đã xảy ra xung đột, hoặc mức độ cao hơn là khi chiến tranh kết thúc. Đây là những thỏa hiệp giữa hai nước hoặc các nhóm nước tham chiến phải giải quyết. Đôi khi sự thỏa hiệp này được áp dụng trong từng thời điểm; thỏa hiệp xong, xung đột tạm ngưng, khi tiếp tục có mâu thuẫn mới, lại xảy ra xung đột và thỏa hiệp. Chẳng hạn như, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã qua rất nhiều lần thỏa hiệp, song đến nay vẫn còn nhiều khúc mắc cần giải quyết. Có thể nói, thỏa hiệp như là giải pháp đương nhiên sau các cuộc chiến tranh. Ngay cả các siêu cường cũng buộc phải thực hiện cơ chế thỏa hiệp. Trong cuốn sách “Ngoài vòng kiểm soát, sự rối loạn toàn cầu bên thềm thế kỷ XXI” của D. Brê-din-xki (Zbigniew Brzezinski), nguyên Cố vấn An ninh của Tổng thống Mỹ Gim-my Ca-tơ (Jemmy Carter), có đoạn viết: “Lịch sử dạy rằng, một siêu cường không thể duy trì vai trò thống soái được lâu trừ khi đưa ra được một thông điệp thích hợp cho toàn thế giới”. Nhận định này có phần đúng, bởi trong lịch sử nhân loại, không một thế lực nào lại có thể thống trị mãi trên toàn thế giới, khi mà những thông điệp họ đưa ra khó được thế giới chấp nhận.
Ba là, thỏa hiệp càng trở nên cần thiết và đương nhiên khi sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước đang là một thực tế khách quan trong thế giới đương đại. Khi quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng được đẩy mạnh, cả thế giới là một thị trường, thế giới như “phẳng” ra cùng với sự phát triển vượt bậc của các cuộc cách mạng công nghệ dẫn đến việc các nước ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Mỹ và phương Tây đã từng khiến Nga “điêu đứng” khi hạ giá dầu mỏ và cấm vận chuyển dầu mỏ, khí đốt từ Nga sang châu Âu. Nhưng chính việc Mỹ muốn “trừng phạt” I-ran, áp đặt các biện pháp bao vây, cấm vận đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này, cũng như làm “rối loạn” Trung Đông, đã đẩy giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tăng mạnh khiến Nga nhanh chóng hưởng lợi lớn từ những quyết định của Mỹ. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng là một minh chứng tương tự, khi chính những hành động của Mỹ đối với Trung Quốc dường như lại là tác nhân thúc đẩy Nga và Trung Quốc xích gần lại nhau hơn.
Bốn là, thỏa hiệp có cơ sở thuận lợi do sự tiến bộ trong đời sống thế giới. Dù còn nhiều trắc trở nhưng hiện nay xu thế dân chủ, tiến bộ xã hội, công bằng xã hội không chỉ là khát vọng của nhân loại mà còn được ghi đậm trong các văn kiện, luật pháp quốc tế. Tất cả những điều đó trong một chừng mực nhất định, không chỉ ngăn chặn những hành vi bạo ngược của các thế lực hiếu chiến, xâm lược, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thỏa hiệp giữa các nước.
Trên đây là những nét và cơ chế chính yếu đối với vấn đề xung đột và thỏa hiệp. Nguyên nhân dẫn tới xung đột “muôn hình, vạn trạng” nên việc thỏa hiệp cũng vì thế mà có những nội dung, cơ chế hết sức đa dạng.
Lịch sử quốc gia - dân tộc Việt Nam từ khi ra đời đến nay là lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để đất nước Việt Nam có hòa bình, độc lập, thống nhất như ngày nay, dân tộc chúng ta đã phải trải qua biết bao cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ chống quân xâm lược; phải chịu đựng biết bao hy sinh, mất mát to lớn; phải giải quyết biết bao cuộc xung đột do bên ngoài gây ra, đồng thời phải vừa đấu tranh, vừa kiên trì thỏa hiệp để đạt được những kết quả cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Chúng ta đã làm nên biết bao kỳ tích, chiến thắng các thế lực bành trướng phong kiến phương Bắc, cũng như những đế quốc hùng mạnh. Hiện nay, tình hình thế giới luôn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột; các nước lớn có sự điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới và các khu vực... Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, vận dụng những bài học về phương pháp thỏa hiệp, cũng như bài học về nghệ thuật ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến” theo phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần giảm tối thiểu rủi ro, củng cố và tăng cường tốt nhất các lợi ích cho mình ở khu vực và thế giới./.
-----------------------------
(1) Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ý định trở thành cường quốc số 1 của đế quốc Nhật Bản và sự thắng thế của một số tướng lãnh quân phiệt đã khiến nước này có ý đồ sáp nhập Trung Quốc và các thuộc địa lân cận (của Anh, Pháp) vào Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á để thỏa mãn nhu cầu tài nguyên mà đảo quốc nhỏ bé này không thể tự đáp ứng được. Tham vọng chiếm thuộc địa cuối cùng đã lôi cuốn Nhật Bản vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai
Sức mạnh mềm trong một thế giới đang thay đổi  (09/01/2020)
Nhìn lại kinh tế thế giới năm 2019  (01/01/2020)
Về cơ chế “chấp bút” tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 - 2021  (29/12/2019)
Giảm thiểu tình trạng lương thực bị thất thoát và lãng phí để góp phần xây dựng một thế giới không đói  (30/11/2019)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển