Về cơ chế “chấp bút” tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 - 2021
TCCS - Với kết quả phiếu bầu cao kỷ lục (192/193 phiếu), kể từ ngày 1-1-2020, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 (E10) và vị trí Chủ tịch tháng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tham gia đảm nhiệm vị trí E10, Việt Nam có thể sẽ “chấp bút”, chủ trì/đồng chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn kiện của Hội đồng Bảo an và chủ trì thương lượng các văn kiện này. Việc đảm nhiệm cơ chế “chấp bút” sẽ mang đến cho Việt Nam cả những cơ hội lẫn thách thức trong nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Về cơ chế “chấp bút” tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã gia tăng một cách nhanh chóng. Trong giai đoạn những năm 90 của thế kỷ XX, các nước P3 (Mỹ, Pháp, Anh)(1) đảm nhận vai trò chủ trì, soạn thảo hầu hết các dự thảo văn kiện của Hội đồng Bảo an và “tự phong” cho mình vị trí chủ trì xây dựng các dự thảo văn kiện của Hội đồng. Việc “tự phong” của các nước P3 là không chính thức và không có văn bản nào quy định về chức năng này(2). Thực tiễn này vẫn tiếp tục diễn ra, chưa thay đổi và không gặp phải bất kỳ trở ngại lớn nào trong Hội đồng Bảo an. Điều đó cũng phần nào phản ánh vị trí thường trực của P3 ở Hội đồng Bảo an trong giai đoạn này.
Trong nhiều năm, một số quốc gia trong số 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (P5)(3) đã có tiền lệ trao đổi và thảo luận trước với nhau về những vấn đề có liên quan đến một hoặc vài nước P5 trước khi chuyển dự thảo cho các nước E10 tham gia ý kiến. Nhưng phải đến năm 2006, tiền lệ này mới được các nước thành viên Hội đồng Bảo an quan tâm và nhất trí triển khai áp dụng đối với các vấn đề có tính định kỳ, thường xuyên trong các kỳ họp của Hội đồng. Đơn cử như năm 2006, các nước P3 xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên và I-ran, đồng thời thống nhất với nhau về nội dung trước khi gửi cho Trung Quốc và Nga để thương lượng. Khi nhóm P5 đạt đồng thuận, dự thảo Nghị quyết được chuyển cho các nước E10 để nghiên cứu và tham gia ý kiến. Cuối cùng, khi các nước E10 đạt được sự nhất trí, dự thảo Nghị quyết mới được định ngày họp và thông qua. Tuy nhiên, các nước E10 trong giai đoạn này thường không đưa ra bất kỳ điều chỉnh nào đối với dự thảo Nghị quyết do nhóm P5 soạn thảo, bởi đôi khi việc sửa đổi, bổ sung có thể gây khó khăn đối với sự đồng thuận trước đó của các nước P5. Như vậy có thể thấy, cơ chế xây dựng dự thảo văn kiện của Hội đồng Bảo an đã giúp nhóm P5 kiểm soát trước nội dung các dự thảo và hạn chế cơ hội cho các nước E10 có thể đưa ra sáng kiến và dẫn dắt các vấn đề.
Đến năm 2008, công tác dự thảo và thương lượng các văn kiện của Hội đồng Bảo an đã được mở rộng sang đối với những vấn đề cụ thể trong chương trình nghị sự của Hội đồng. Theo đó, các nước P3 đảm nhiệm “chấp bút” gần như tất cả các đề mục về tình hình quốc gia của các nước thành viên Liên hợp quốc và trên thế giới. Đây cũng là thời điểm đánh dấu cụm từ “chấp bút” (penholder) được xác định tên gọi và xuất hiện thường xuyên trong các cuộc họp của Hội đồng Bảo an. Sau nhiều năm thảo luận, trao đổi cũng như nỗ lực đàm phán, tháng 4-2014, thuật ngữ “chấp bút” chính thức được nêu và sử dụng trong Ghi chú của Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (S/2014/268), theo đó “bất kỳ thành viên nào của Hội đồng Bảo an cũng có thể “chấp bút”(4) và nhấn mạnh cam kết của các thành viên Hội đồng Bảo an nhằm tăng cường sự tham gia của tất cả nước thành viên vào quá trình xây dựng dự thảo văn kiện của Hội đồng, bao gồm việc trao đổi, tham vấn trong các nước thành viên Hội đồng Bảo an với khung thời gian sớm và phù hợp nhất. Đầu năm 2017, Nhóm chịu trách nhiệm về phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an (IWG) do Nhật Bản làm Chủ tịch đã trao đổi, thảo luận và đạt được một số đồng thuận về cập nhật nội dung Ghi chú của Chủ tịch Hội đồng Bảo an trên cơ sở Ghi chú năm 2014, tuy nhiên nội dung về cơ chế “chấp bút” chưa có gì thay đổi so với thực tiễn đã và đang triển khai. Mặc dù vậy, đến tháng 8-2017, sau nhiều tháng thương lượng, với sự nỗ lực của Nhật Bản, Chủ tịch IWG và trên cơ sở kết quả làm việc của IWG, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Ai Cập, Chủ tịch Hội đồng Bảo an Am Áp-đen-la-típ A-bâu-lát-ta (Amr Abdellatif Aboulatta) đã ban hành Ghi chú số 507 cập nhật, trong đó bổ sung một số hướng dẫn cụ thể liên quan đến “cơ chế chấp bút”, như “thủ tục im lặng” và quy định về “một hoặc hơn một nước thành viên Hội đồng Bảo an có thể cùng tham gia đảm nhiệm “chấp bút” một dự thảo văn kiện của Hội đồng Bảo an hay còn được gọi là “đồng chấp bút - co-penholder”(5).
Như vậy, có thể hiểu “chấp bút” là cơ chế mà theo đó một quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an xây dựng và soạn thảo các văn kiện của Hội đồng Bảo an, bao gồm các nghị quyết, tuyên bố của Chủ tịch và tuyên bố báo chí.
Vai trò của cơ chế “chấp bút” tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Cơ chế “chấp bút” có vai trò rộng và lớn hơn so với tên gọi của nó, bởi ngoài việc xây dựng dự thảo và chủ trì thương lượng, quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an khi “chấp bút” các văn kiện của Hội đồng Bảo an có thể sẽ đưa ra các sáng kiến, tổ chức những buổi thảo luận mở hay tổ chức các chuyến thăm thực địa đến các Phái bộ của Liên hợp quốc trên thế giới trên cương vị Chủ tịch tháng của Hội đồng Bảo an.
Thực tiễn cho thấy, các nước E10 ngày càng có vai trò quan trọng đối với việc chia sẻ trách nhiệm và đóng góp đối với sự hoạt động hiệu quả và minh bạch của Hội đồng Bảo an, đồng thời cũng có những đóng góp đáng kể đối với sự thành công của các kỳ họp Hội đồng Bảo an. Với vai trò là thành viên “chấp bút”, các nước E10 còn có ảnh hưởng đối với việc định hướng bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an. Phần Lan là nước đầu tiên có sáng kiến tổ chức hội thảo thường niên kể từ năm 2003 đến nay cho các nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an đương nhiệm và các nước vừa mới trúng cử vào Hội đồng này. Được tổ chức vào tháng 11-2003, Hội thảo thường niên đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra tại thành phố Niu Oóc (Mỹ), tập trung trao đổi và thảo luận về vai trò của các nước E10 khi tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Báo cáo do Phần Lan chuẩn bị tại Hội nghị đã nhấn mạnh: “Các nước E10 có khả năng ảnh hưởng đến việc xây dựng các dự thảo, dự quyết của Hội đồng Bảo an... Các nước P5 khó có thể đưa các dự thảo nghị quyết ra bỏ phiếu nếu không tham khảo lập trường của các nước E10. Trong trường hợp này, các nước E10 đóng một vai trò quan trọng trong việc không chỉ định hướng Hội đồng Bảo an bỏ phiếu mà còn định hướng những nội dung sẽ được bỏ phiếu”(6).
Trong hơn 5 năm qua, các nước E10 đã chủ trì xây dựng thành công nhiều nghị quyết quan trọng của Hội đồng Bảo an. Đối với từng trường hợp, nghị quyết được thông qua bằng việc tiếp nhận các sáng kiến mới thay vì tìm kiếm sự đồng thuận trước của các nước thành viên. Một trong những thành công nhờ vào cơ chế “chấp bút” được nhắc đến nhiều nhất là việc Thụy Điển và Cô-oét đã chủ trì xây dựng và thương lượng thành công Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề nhân đạo trong cuộc xung đột tại Xy-ri vào năm 2018. Tháng 10-2018, Bô-li-vi-a với vai trò Chủ tịch tháng của Hội đồng Bảo an đã đồng chủ trì tổ chức việc dẫn đoàn đi thăm Phái bộ Liên hợp quốc tại Công-gô, trong khi Pháp “chấp bút” cho dự thảo này. Trước đó, năm 2016, Ai Cập, Nhật Bản, Niu Di-lân, Tây Ban Nha cùng U-ru-goay đã đồng chấp bút xây dựng dự thảo Nghị quyết số 2286 của Hội đồng Bảo an về vấn đề bảo vệ sức khỏe trong xung đột vũ trang. Dự thảo này đã được hầu hết các thành viên Hội đồng Bảo an và các thành viên Liên hợp quốc tham gia đồng bảo trợ. Các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, như Trung Quốc và Nga trong những năm gần đây thỉnh thoảng cũng tham gia đảm nhiệm vai trò “đồng chấp bút” với Mỹ về những vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân. Các nước E10 mới được bầu đã từng đảm nhiệm chấp bút về các vấn đề, như Áp-ga-ni-xtan, Ghi-nê Bít-xao, và một số đề mục theo vấn đề chuyên đề (thematic).
Hạn chế của cơ chế “chấp bút”
Kể từ năm 2008 đến nay, thủ tục về việc “chấp bút” các dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an chưa có sự thay đổi, cập nhật hay bổ sung thực chất. Đặc biệt, thành phần tham gia “chấp bút” những vấn đề chuyên đề vẫn là các nước P3. Trước tình hình này, năm 2018, Nga đã gửi bản dự thảo Ghi chú lên Chủ tịch Hội đồng Bảo an đề nghị thay đổi cơ chế “chấp bút”, trong đó nhấn mạnh tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an nên “chấp bút” và “đồng chấp bút”, với mục đích làm tăng tính hiệu quả của Hội đồng, đồng thời đề nghị thủ tục chọn nước “chấp bút” nên giống với việc bổ nhiệm Chủ tịch các cơ quan trực thuộc Hội đồng Bảo an và việc này cần được hoàn thành trước ngày 1-10 hằng năm. Tiếp đó, tháng 1-2019, đại sứ của 15 nước gồm 10 nước E10 đương nhiệm và 5 nước E10 mới được bầu(7) cũng đã ký thư gửi Chủ tịch Hội đồng Bảo an, trong đó nêu rõ quan điểm về sự cần thiết của việc chia sẻ trách nhiệm một cách công bằng và phân bổ công việc giữa tất cả các thành viên trong Hội đồng Bảo an. Bức thư nhấn mạnh “việc phân bổ công bằng hơn giữa các thành viên Hội đồng Bảo an không chỉ là chia sẻ gánh nặng mà còn có tác động tích cực đến hiệu quả chung của Hội đồng”(8). Ngoài ra, nội dung bức thư cũng nêu “Hội đồng Bảo an nên sử dụng tốt hơn các kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu thông qua việc nghiên cứu, thảo luận của Chủ tịch Ủy ban trừng phạt trong Hội đồng Bảo an cũng nên cân nhắc việc thúc đẩy vai trò “chấp bút” và “đồng chấp bút” về các văn kiện liên quan”(9).
Mặc dù cơ chế “chấp bút” được đánh giá là hiệu quả song cũng có những hạn chế. Việc các nước P5 thống nhất nội dung dự thảo trước và chuyển cho các nước E10 vào phút cuối để nghiên cứu và tham gia ý kiến, khiến các nước E10 khó có thể có những đóng góp thực chất (nếu có) đối với các dự thảo.
Điều này dẫn đến việc Hội đồng Bảo an có thể sẽ mất đi cơ hội cho các ý tưởng và cách tiếp cận mới từ các nước E10 mới được bầu. Ngoài ra, việc các nước đảm nhiệm công việc này trong nhiều năm dễ có nguy cơ “mệt mỏi” khi phải thực hiện một công việc có tính lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Năm 2015, đại diện 6 nước E10 mới được bầu(10), Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Ăng-gô-la cho rằng, cơ chế “chấp bút” đã hạn chế cơ hội tham gia nhiều hơn của các thành viên Hội đồng Bảo an, nhất là các nước E10 và làm tăng nguy cơ việc các văn kiện của Hội đồng Bảo an khi được soạn thảo chỉ nhằm phục vụ lợi ích của các nước P5(11).
Trong hơn 10 năm trở lại đây, những nước đóng vai trò “chấp bút” thường chuyển/gửi các dự thảo văn kiện đến các thành viên Hội đồng Bảo an vào thời điểm sát cuộc họp/tham vấn. Việc này đặt Hội đồng Bảo an vào tình thế có rất ít thời gian để nghiên cứu và thương lượng dự thảo. Do vậy, với tư cách là các nước thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an (theo nhiệm kỳ do bầu cử), các nước E10 đã bày tỏ những thắc mắc đối với cơ chế “chấp bút”, cũng như băn khoăn về khoảng cách ngày càng gia tăng giữa các nước E10 và P5 trong triển khai thực hiện cơ chế này. Lần lượt trong ba năm liên tiếp (2015, 2016, 2017), cơ chế “chấp bút” luôn là một trong những chủ đề được đề cập nhiều nhất trong các cuộc thảo luận về phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an. Năm 2016, phát biểu tại một phiên thảo luận về phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Niu Di-lân Giơ-ra Van Bô-hê-mân (Gerard van Bohemen), cho rằng: “Các nước đảm nhiệm vai trò chấp bút thường mang các dự thảo văn kiện cuối cùng đến các cuộc họp ở cấp chuyên viên. Đây được cho là một nỗ lực rất nghiêm túc trong việc tạo đồng thuận trong trao đổi, thương lượng giữa các nước thành viên đối với các câu hỏi, băn khoăn về các chính sách quan trọng. Các nước không chấp bút sẽ phải lựa chọn giữa việc đồng ý với những dự thảo đó hoặc chấp nhận việc bị đổ lỗi là phá hỏng các dự thảo quan trọng khi các nước này đưa ra những ý kiến, nội dung chính sách mới, thực chất hơn”(12).
Thêm nữa, so với những năm 90 của thế kỷ XX, vai trò của nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an bị thách thức khi các nước xây dựng dự thảo thường trực tiếp gửi tài liệu đến các nước thành viên và đảm nhiệm dẫn dắt việc thương lượng về vấn đề mà họ đang theo đuổi. Năm 2004, tại Hội thảo thường niên của Hội đồng Bảo an diễn ra ở thành phố Niu Oóc (Mỹ), đã có ý kiến cho rằng “việc này đã làm hạn chế vai trò của nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Bên cạnh đó, các nước bảo trợ một nghị quyết thường tập trung ưu tiên trao đổi với các nước có khả năng phủ quyết dự thảo nghị quyết của họ mà không thông qua hay trao đổi trước với Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Do vậy, thực tiễn này khiến các nước E10 ít có tiếng nói hơn trong quá trình thương lượng”(13). Ngoài ra, cơ chế “chấp bút” cũng tạo ra các rào cản khiến Chủ tịch các ủy ban trực thuộc Hội đồng Bảo an ít có cơ hội thể hiện vai trò trong việc dự thảo và chủ trì thương lượng các văn kiện liên quan. Vấn đề đang tồn tại hiện nay là, thực tế quốc gia “chấp bút” các dự thảo văn kiện của Hội đồng Bảo an lại do các nước P5 đảm nhiệm, trong khi đó Chủ tịch các ủy ban trực thuộc Hội đồng Bảo an thường do các nước E10 đảm nhiệm. Và việc bổ nhiệm vị trí Chủ tịch các ủy ban trực thuộc của Hội đồng Bảo an là do các nước P5 kiểm soát, chi phối(14).
Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Chính thức đảm nhiệm vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 - 2021 và vị trí Chủ tịch tháng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kể từ ngày 1-1-2020, Việt Nam có thể sẽ tham gia đảm nhiệm “chấp bút” một số vấn đề trong hai năm 2020 và 2021, nhất là trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Điều này mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức khi tham gia cơ chế “chấp bút” trong nhiệm kỳ 2020 - 2021. Cụ thể là:
Về cơ hội
Thứ nhất, tham gia đảm nhiệm vị trí E10, Việt Nam có thể sẽ “chấp bút” hoặc có cơ hội tham gia “đồng chấp bút” với các nước để đóng góp ý tưởng, thúc đẩy các sáng kiến phù hợp vào dự thảo các văn kiện của Hội đồng Bảo an đối với những vấn đề mà Việt Nam quan tâm và ưu tiên trong nhiệm kỳ 2020 - 2021. Trong nhiệm kỳ 2008 - 2009, Việt Nam đã có sáng kiến chủ trì, thương lượng thành công Nghị quyết số 1889 (năm 2009) về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Do vậy, trong nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam có thể tiếp tục tập trung vào một số vấn đề đã ưu tiên triển khai trong nhiệm kỳ trước và một số ưu tiên thúc đẩy khác trong nhiệm kỳ này thông qua việc khéo léo sử dụng cơ chế “chấp bút” hoặc “đồng chấp bút”.
Thứ hai, Việt Nam có thể tận dụng vai trò “chấp bút” để chủ trì, dẫn dắt các cuộc thương lượng, thảo luận giữa các thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, giúp đóng góp vào sự đoàn kết, tính minh bạch và hiệu quả của Hội đồng Bảo an trong nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Thứ ba, đây là cơ hội để Việt Nam có thể nghiên cứu, tranh thủ tham gia, lựa chọn vấn đề có thể phấn đấu dẫn dắt, làm trung gian hòa giải (nếu khả thi và phù hợp với khả năng của mình) theo định hướng trong Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030” thông qua cơ chế “chấp bút” hoặc “đồng chấp bút” đối với những vấn đề thuộc quan tâm chung của tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an.
Về thách thức
Thực tế cơ chế “chấp bút” là cơ chế mới, hầu như chưa được triển khai trong nhiệm kỳ 2008 - 2009 khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí E10 tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2021 Việt Nam sẽ phải đối diện với một số khó khăn, thách thức mới:
Một là, Việt Nam sẽ phải làm quen với việc “chấp bút”/trực tiếp dự thảo các văn kiện của Hội đồng Bảo an về một số vấn đề cụ thể và chủ trì thương lượng các dự thảo (nếu có).
Hai là, đối với những vấn đề phức tạp, việc chưa có kinh nghiệm sẽ khiến Việt Nam gặp bỡ ngỡ và khó khăn trong lựa chọn thời điểm và làm thế nào để chuyển dự thảo các văn kiện đến các thành viên Hội đồng Bảo an một cách phù hợp nhất và tốt nhất để các nước tham gia ý kiến đóng góp.
Ba là, Việt Nam có thể sẽ gặp thách thức trong phối hợp, điều phối, xử lý quan hệ với các nước P5 và E10 khi làm Chủ tịch tháng Hội đồng Bảo an đối với nước thành viên Hội đồng Bảo an là quốc gia “chấp bút” dự thảo văn kiện Hội đồng Bảo an (thường là một nước P5).
Có thể nói, cơ chế “chấp bút” không phải là vấn đề mới đối với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, song lại là vấn đề tương đối mới đối với Việt Nam khi tham gia đảm nhiệm vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 - 2021. Chính vì vậy, để hoàn thành tốt việc đảm nhiệm vị trí E10 lần thứ hai, chúng ta cần: 1- Nắm vững đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; 2- Giữ vững lập trường nguyên tắc xuyên suốt của Đảng và Nhà nước; 3- Giữ vững bản lĩnh chính trị người chiến sĩ cộng sản thời bình; 4- Đề cao tính chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình trong xử lý các vấn đề phức tạp, có liên quan đến lợi ích của nhiều nước, nhất là các nước P5; 5- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu động thái tại các diễn đàn đa phương nói chung và Liên hợp quốc nói riêng, qua đó đưa ra những dự báo phù hợp phục vụ việc xây dựng, thể hiện lập trường quan điểm đối với những vấn đề phức tạp, phát sinh tại Hội đồng Bảo an; 6- Xây dựng hình ảnh thân thiện, thiện chí lắng nghe, chia sẻ, cầu thị và tiếp thu có chọn lọc những ý kiến từ các thành viên khác của Hội đồng Bảo an; 7- Vận dụng nhuần nhuyễn và linh hoạt nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến” - bài học về nghệ thuật ngoại giao Việt Nam theo phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị bền vững của đối ngoại Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Thực hiện tốt những nội dung trên sẽ góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN và Liên hợp quốc. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn, như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác”(15) theo tinh thần Đại hội XII của Đảng; thúc đẩy thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030” vàNghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25-10-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, đồng thời đóng góp vào quá trình xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng./.
------------------------
(1) Ba nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
(2) The penholder system. Xem: https://www.securitycouncilreport.org/atf/cf/%7B65BFCF9B-6D27-4E9C-8CD3-CF6E4FF96FF9%7D/Penholders.pdf
(3) Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga
(4) Ghi chú của Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngày 14-4-2014 (S/2014/268). Xem: https://undocs.org/S/
2014/268
(5) Ghi chú số 507 của Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (S/2017/507) ngày 30-8-2017. Xem: https://undocs.org/en/S/2017/507
(6) Thư của Đại sứ, Trưởng phái đoàn Phần Lan tại Liên hợp quốc gửi Chủ tịch Hội đồng Bảo an, ngày 19-2-2004. Xem: https://www.securitycouncilreport.org/atf/cf/%7B65BFCF9B-6D27-4E9C-8CD3-CF6E4FF96FF9%7D/s_2004_135.pdf
(7) Bỉ, Bô-li-vi-a, Cốt Đi-voa, Đô-mi-ni-ca, Ê-ti-ô-pi-a, Ghi-nê Xích đạo, Đức, In-đô-nê-xi-a, Ca-dắc-xtan, Cô-oét, Hà Lan, Pê-ru, Ba Lan, Thụy Điển và Nam Phi
(8) Thư của 15 nước gồm 10 nước E10 đương nhiệm và 5 nước E10 mới được bầu gửi Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngày 24-10-2018 (*S/2018/1024) Xem: https://www.securitycouncilreport.org/atf/cf/%7B65BFCF9B-6D27-4E9C-8CD3-CF6E4FF96FF9%7D/s_2018_1024.pdf
(9) Xem:https://www.securitycouncilreport.org/atf/cf/%7B65BFCF9B-6D27-4E9C-8CD3-CF6E4FF96FF9%7D/s_2018_1024.pdf
(10) Chi-lê, Gioóc-đa-ni, Ma-lai-xi-a, Niu Di-lân và Tây Ban Nha
(11) The penholders system. Xem: https://www.securitycouncilreport.org/atf/cf/%7B65BFCF9B-6D27-4E9C-8CD3-CF6E4FF96FF9%7D/Penholders.pdf
(12) Biên bản cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ 7740, ngày 19-7-2016 (S/PV.7740). Xem: https://www.undocs.org/S/PV.7740
(13) Thư của Đại sứ, Trưởng phái đoàn Phần Lan tại Liên hợp quốc gửi Chủ tịch Hội đồng Bảo anngày 31-5-2005. Xem: https://www.securitycouncilreport.org/atf/cf/%7B65BFCF9B-6D27-4E9C-8CD3-CF6E4FF96FF9%7D/s_2005_228.pdf
(14) Lead Roles within the Council in 2019: Penholders and Chairs of Subsidiary Bodies. Xem: https://www.securitycouncilreport.org/monthly-forecast/2019-02/lead-roles-within-the-council-in-2019-penholders-and-chairs-of-subsidiary-bodies.php
(15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 35
Giảm thiểu tình trạng lương thực bị thất thoát và lãng phí để góp phần xây dựng một thế giới không đói  (30/11/2019)
Việt Nam quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế mới  (05/11/2019)
Những diễn biến chính trị mới và triển vọng của phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh  (28/10/2019)
Việt Nam sát cánh cùng các nước thành viên Phong trào Không liên kết, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới  (26/10/2019)
Sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga qua hơn một thế kỷ  (21/10/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên