Nâng cao hiệu quả liên kết vùng để thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển các tỉnh Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
TCCS - Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển các tỉnh Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 26-NQ/TW) xác định rõ vị trí, vai trò đặc biệt của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết vùng và các địa phương trong vùng, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Cơ sở khoa học về phân vùng và liên kết vùng
Cơ sở khoa học về phân vùng xuất phát từ các quan điểm phát triển:
Thứ nhất, ưu tiên về phát triển kinh tế để phân vùng, cần xét đến các lợi thế địa kinh tế và các nguồn lực khác; thứ hai, về mặt chính trị - xã hội, để phân vùng cần ưu tiên các ngành, nghề mang lại lợi ích cho xã hội; thứ ba, ưu tiên phát triển các cực tăng trưởng để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa;
Cơ sở khoa học về liên kết vùng dựa trên các lý thuyết phát triển:
Thứ nhất, lý thuyết cực tăng trưởng chỉ ra tăng trưởng khó xuất hiện đồng đều ở mọi nơi, khi nguồn lực giới hạn mà dễ tập trung ở một số cực tăng trưởng có lợi thế so sánh, từ đó lan tỏa hiệu ứng “vết dầu loang” đối với vùng. Lý thuyết này vận dụng chọn cực tăng trưởng, hình thành các không gian kinh tế. Đây cũng là tiền đề cho lý thuyết phát triển vùng dựa trên nhóm doanh nghiệp, quy mô các ngành kinh tế và không gian phát triển, theo đó lợi thế cạnh tranh nhờ quy mô, tiềm lực kinh tế lớn sẽ đem lại ưu thế tập trung về kinh tế, công nghiệp, hình thành các đô thị trung tâm (có sự tương tác giữa cực tăng trưởng là đô thị hạt nhân với các vùng lân cận giữ vai trò vệ tinh, hỗ trợ).
Thứ hai, lý thuyết không gian phát triển vùng với mô hình “trung tâm - ngoại vi”. Một số vùng có điều kiện phát triển kinh tế tốt sẽ trở thành cực tăng trưởng, thành vùng trung tâm và một số vùng còn lại do có điều kiện khó khăn nên sẽ trở thành vùng ngoại vi. Vùng trung tâm phát triển vì yêu cầu, đòi hỏi của trung tâm về nguồn lao động, tài nguyên, vốn... từ các vùng lân cận, là các khái niệm về dịch cư và khai thác tài nguyên, vùng ngoại vi cung cấp vật liệu nguyên liệu và con người cho vùng trung tâm và ngược lại trung tâm sẽ cung cấp sản phẩm đầu ra cho tiêu dùng và đầu vào cho vùng ngoại vi(1).
Thứ ba, lý thuyết liên kết ngược (backward linkage, upstream linkages) và liên kết xuôi (forward linkages, downstream linkages) chỉ ra các hiệu ứng liên kết ngược (phát sinh từ đòi hỏi cung ứng đầu vào của các ngành) và hiệu ứng liên kết xuôi (xuất phát từ nhu cầu sử dụng đầu ra của ngành này lại là đầu vào của ngành khác), từ đó đưa ra quan điểm phát triển bằng việc tập trung đầu tư cho một số ngành có hiệu ứng liên kết mạnh để lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng phi cân đối. Lý thuyết đầu ra - đầu vào cũng cho rằng, các quan hệ liên kết vùng phải tối ưu hóa được giá trị gia tăng cho vùng, từ đó phân bổ không gian vùng dựa trên chi phí giao thương, sản xuất hợp lý nhất.
Kinh nghiệm liên kết vùng của một số quốc gia trên thế giới
Đối với Trung Quốc, dựa trên các lý thuyết cực tăng trưởng, liên kết ngược - liên kết xuôi, vùng Chu Giang, tỉnh Quảng Đông đã tạo cơ chế gắn kết (các dự án “1+1”, “1+x” với các địa phương lân cận, như Quảng Tây, Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam và Hải Nam), từ đó tạo nên tăng trưởng đột phá(2). Bài học kinh nghiệm là: 1- Kiến tạo phát triển dựa trên hình thành các cực tăng trưởng (các đặc khu kinh tế ven biển, vùng duyên hải phía đông và theo các dòng sông lớn); 2- Lộ trình, cơ chế liên kết vùng bài bản, từ liên kết nội vùng, các trung tâm nội vùng cho đến liên kết trung tâm nội vùng này với các vùng lân cận khác thông qua các vành đai, hành lang kinh tế, mở rộng liên kết quốc gia với các vùng kinh tế quốc gia khác; 3- Vai trò Trung ương điều phối, giám sát, đầu tư nguồn lực và bảo đảm gắn kết; 4- Vai trò các địa phương được tôn trọng tính đặc thù để liên kết, hợp tác.
Đối với Hàn Quốc, dựa trên lý thuyết không gian phát triển vùng phân thành 7 vùng kinh tế, có sự thay đổi phương thức liên kết theo giai đoạn(3). Giai đoạn 1998 - 2003, ưu tiên cho các vùng kém phát triển. Giai đoạn 2003 - 2008, Chính phủ hỗ trợ phát triển vùng bằng “tài khoản đặc biệt” nhằm thu hẹp khoảng cách thông qua Đạo luật đặc biệt về phát triển cân bằng quốc gia vào năm 2003, thành lập các tổ chức tư vấn, thực thi chính sách phát triển vùng (Hội đồng Đổi mới vùng - RICs, Cơ quan Đổi mới vùng - RIAs). Từ năm 2008 đến nay, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của các vùng bằng thể chế, chính sách (Hội đồng Tổng thống phát triển vùng - PCRD thay thế Hội đồng Tổng thống phát triển cân bằng quốc gia - PCBND, Ủy ban phát triển vùng kinh tế - ERDC thay thế RIAs với chức năng tư vấn và điều hành hoạt động của bộ, ngành đối với các vấn đề về liên kết vùng); nâng cao năng lực cạnh tranh vùng Thủ đô Xơ-un và lân cận “với mục tiêu cùng thắng”; thúc đẩy các dự án bằng các phương thức liên kết, hợp tác tự nguyện (có ràng buộc các địa phương theo Đạo luật Tự chủ địa phương). Bài học kinh nghiệm là: 1- Mục tiêu liên kết vùng được điều chỉnh theo yêu cầu giai đoạn phát triển; 2- Có thể chế, cơ chế liên kết vùng mềm dẻo, linh hoạt, hiệu quả để phối hợp thực thi, giám sát, phát huy, chia sẻ nguồn lực; 3- Vai trò Trung ương thúc đẩy, dẫn dắt, định hướng chính sách, đầu tư (như “tài khoản đặc biệt”); 4- Vai trò địa phương chủ động, sáng tạo, nhưng tuân thủ thể chế, cơ chế liên kết vùng.
Tại Pháp, có tổ chức cấp vùng chặt chẽ với thể chế, vai trò Hội đồng vùng là 1 trong 4 cấp hành chính (Trung ương, vùng, tỉnh, xã) với 14 vùng(4). Trung ương xây dựng chiến lược phát triển quốc gia, đề ra các mục tiêu, kiểm soát các vùng. Bộ máy các vùng được phân quyền trong nhiều lĩnh vực, huy động đội ngũ chuyên gia xây dựng chiến lược phát triển, đánh giá các dự án vùng đề xuất để không lệch hướng với chiến lược quốc gia. Trong hệ thống, không có cấp hành chính nào là cấp trên. Vai trò cấp vùng mang tính chất điều phối liên kết vùng, nhưng vẫn tôn trọng, thuyết phục các địa phương chứ không áp đặt dựa trên sự đồng thuận để ưu tiên phát triển vùng.
Thực tiễn liên kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, trong đó có 3 tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (bao gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và vùng Nam Trung Bộ (bao gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Vùng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; là chủ thể đóng vai trò cốt lõi trong việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Những năm qua, sự phát triển nhận thức của Đảng và Nhà nước về liên kết vùng đối với Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung ngày càng sáng tỏ, hoàn thiện qua các kỳ Đại hội, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng(5). Những kết quả bước đầu có ý nghĩa tiền đề, khởi sắc trong nhận thức và hành động. Tuy nhiên, quá trình thực hiện liên kết vùng vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế.
Một là, tư duy liên kết vùng chưa đầy đủ, sâu sắc, chưa tuân theo quy luật của nền kinh tế thị trường vận hành theo các không gian kinh tế; lợi ích địa phương cục bộ vẫn chi phối trong các hợp tác; các ý tưởng liên kết vùng chưa đủ thể chế, cơ chế gắn kết, cụ thể hoá. Khi mỗi địa phương tự hình thành chuỗi giá trị riêng không gắn với liên kết vùng trong điều kiện tiềm lực hạn chế, khó tối ưu hoá các lợi thế dẫn đến lãng phí trong đầu tư công, phát triển khép kín, cạnh tranh không tích cực.
Hai là, quy hoạch vùng còn tư duy phân bố lãnh thổ, chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt, khai thác tài nguyên sẵn có, chưa phát huy hết tiềm năng (tài nguyên biển, ven bờ, đại dương, chất xám, thông tin...). Mối liên hệ giữa không gian kinh tế với các không gian khác, như địa lý - tự nhiên, môi trường - sinh thái, xã hội và pháp lý chưa được xem xét toàn diện. Chưa có quy hoạch tổng thể vùng gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng và quốc gia (các địa phương ban hành quy hoạch theo cách làm “từ dưới lên”, trình Trung ương phê duyệt mới như “phép cộng” mà chưa “hợp lực”), dẫn đến thiếu đồng bộ (quy hoạch vùng dễ bị xô lệch bởi các quy hoạch địa phương), hiệu lực thấp (chưa đủ các quy định ràng buộc địa phương trong liên kết vùng). Quy hoạch vùng chưa thể hiện đặc trưng, lợi thế trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Ba là, thể chế, phân cấp chưa hoàn thiện, đồng bộ; thiếu cơ chế điều phối, giải quyết mâu thuẫn, xung đột giữa địa phương và lợi ích vùng (Ban Chỉ đạo vùng chỉ tham mưu, chỉ đạo, theo dõi, giám sát; Hội đồng vùng chỉ mang tính hiệp thương, luân phiên với thẩm quyền hạn chế của chủ tịch các tỉnh, thành phố của vùng). Phân cấp đã có chuyển biến, nhưng nhiều địa phương còn phụ thuộc ngân sách Trung ương. Chính sách thu hút đầu tư của địa phương thiếu hấp dẫn, ảnh hưởng lợi ích vùng và quốc gia với cách làm cũ (giảm thuế, giá thuê đất, nới lỏng yêu cầu bảo vệ tài nguyên, môi trường). Chưa huy động hết tiềm năng kinh tế tư nhân.
Bốn là, phương thức liên kết vùng còn bất cập, chồng chéo. Liên kết dọc từ Trung ương đến các địa phương còn mang tính “chỉ đạo” một chiều, thiếu các quy định về phân cấp, tản quyền, phân quyền. Liên kết ngang nội vùng còn lỏng lẻo, thiếu thể chế, bộ máy, nguồn lực. Chưa phát huy hết lợi thế liên kết quốc tế (giao thương khu vực mới dừng lại tìm hiểu, quảng bá địa phương, chưa hình thành chuỗi giá trị). Chưa có liên kết vùng phát triển kinh tế - văn hóa để phát huy sức mạnh nội sinh. Chưa có kết nối hạ tầng “liên kết cứng” (giao thông, công nghệ thông tin...), “liên kết mềm” (thể chế, cơ chế) để đột phá, phát huy lợi thế, nhất là đối với các ngành kinh tế biển.
Năm là, là cực tăng trưởng trong một thời gian khá dài, thành phố Đà Nẵng chưa thể hiện rõ vai trò “động lực trung tâm” của vùng. Với không gian kinh tế trải dài theo địa lý - tự nhiên, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ không chỉ phụ thuộc một cực tăng trưởng (Nghị quyết số 138/NQ-CP, ngày 25-10-2022, của Chính phủ, đã điều chỉnh, phân lại các tiểu vùng). Quy mô không gian kinh tế của thành phố Đà Nẵng với diện tích, dân số nhỏ nhất trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa tạo được đột phá (Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-1-2019, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ rõ).
Giải pháp thúc đẩy, nâng cao hiệu quả liên kết vùng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Thứ nhất, nâng tầm nhận thức liên kết vùng gắn liền với phát triển bền vững kinh tế biển
Để phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cần nâng tầm nhận thức, tư duy mới: 1- Tư duy trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế vùng lấy kinh tế biển là đột phá dựa trên các khu kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển làm động lực theo xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn làm động lực mới; 2- Tư duy trong quy hoạch vừa phải bảo đảm không gian phát triển chung của đất nước, vừa phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng và các địa phương; 3- Tư duy trong lợi ích phải hài hòa, “cùng thắng” giữa địa phương với lợi ích vùng và quốc gia; 4- Tư duy kiên trì mục tiêu phát triển bền vững (không đánh đổi tăng trưởng nhanh bằng mọi giá mà bảo đảm quy hoạch, bảo tồn, tái tạo hợp lý; tăng trưởng dựa vào các cụm (cluster) có giá trị gia tăng cao;
5- Tư duy phát triển kinh tế song hành với văn hóa - xã hội, trong đó lấy lợi ích căn bản và nguyện vọng chính đáng, hợp pháp, hợp lý của người dân làm mục tiêu chính (kinh nghiệm thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn đầu mới trực thuộc Trung ương dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã sáng tạo, quyết tâm thực hiện “thành phố 5 không, 3 có” nhờ đó bồi đắp được lòng dân, tạo động lực phát triển bằng sức mạnh đồng thuận).
Thứ hai, xúc tiến ban hành quy hoạch vùng để phát triển vùng và định hướng, thúc đẩy liên kết vùng
Quy hoạch vùng cần sớm được ban hành, bám sát “Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng và phát triển vùng, điều hành kinh tế vĩ mô, từ đó các địa phương xây dựng, điều chỉnh quy hoạch riêng.
Các quy hoạch vùng và địa phương phải có dự báo, tầm nhìn dài hạn, khắc phục cục bộ địa phương, khép kín, bảo đảm không gian kinh tế và các “cực tăng trưởng”, chú trọng chuỗi đô thị ven biển, khu kinh tế, khu công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển để tác động, lan tỏa theo “điểm - tuyến - diện” (phù hợp với đặc thù vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trải dài theo diện hẹp). Các quy hoạch không gian biển, quy hoạch khai thác bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch hạ tầng, giao thông, xây dựng phải thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển, các cụm. Vấn đề mấu chốt là vùng và mỗi địa phương phải định vị các ngành mũi nhọn, ngành, nghề hỗ trợ, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ để thúc đẩy phân công, chia sẻ hợp tác (gắn vùng nguyên liệu, trung chuyển, logistics, xuất khẩu với các trung tâm, cực tăng trưởng; nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ trở thành các thương hiệu vùng và quốc gia).
Quá trình xây dựng, ban hành quy hoạch cần có đột phá, nhưng khả thi, tôn trọng khách quan, khoa học; vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn các lý thuyết về lợi thế so sánh, cực tăng trưởng, phát triển phi cân đối; lấy thị trường và mục tiêu phát triển bền vững làm căn bản; lấy nguyên tắc quy hoạch để phát triển chứ không phải để quản lý, từ đó huy động, phân bổ nguồn lực hiệu quả. Phân cấp, phân vai để Nhà nước tập trung định hướng, khơi thông “điểm nghẽn”, các địa phương, doanh nghiệp và xã hội đồng thuận. Chú trọng vai trò, trí tuệ của nhà khoa học, chuyên gia, hiệp hội tham vấn, “hiến kế”, phản biện chính sách.
Thứ ba, tăng cường thể chế, cơ chế liên kết vùng hiệu lực, hiệu quả
Cần tập trung hoàn thiện tổ chức, bộ máy, kiến tạo cơ chế điều phối vùng phù hợp với mô hình không có cấp hành chính vùng. Cần thể chế, phân định cụ thể trách nhiệm chính, chế định các mối quan hệ phối hợp thông suốt từ Trung ương đến địa phương trong triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chương trình hành động theo Nghị quyết số 168/NQ-CP, ngày 29-12-2022, “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; trong đó giải quyết phân cấp vừa bảo đảm tập trung, thống nhất, vừa phát huy chủ động, sáng tạo, đặc thù của địa phương; có cơ chế giám sát, điều phối liên kết vùng hài hòa, tôn trọng lợi ích địa phương, nhưng phải bảo đảm lợi ích chung của vùng, không cản trở lợi ích địa phương khác.
Cần đồng bộ giữa “liên kết mềm” và “liên kết cứng”, trong đó “liên kết mềm” cần một số chính sách vượt trội để thu hút làn sóng đầu tư chuyển dịch vào vùng; phân bổ nguồn lực, phân vai trách nhiệm cho các địa phương trong liên kết vùng để triển khai chiến lược, quy hoạch riêng phù hợp với chiến lược, quy hoạch vùng. “Liên kết cứng” là cần huy động đủ nguồn lực, nhất là kiến tạo chính sách đột phá để đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng, các dự án trọng điểm đấu nối giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin (rà soát, đánh giá vai trò mỗi dự án phải thực sự đem lại đột phá cho phát triển vùng mới đầu tư); chú trọng khai thác tối đa lợi thế liên kết dọc bắc - nam (kết nối vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ; vùng đồng bằng sông Hồng), liên kết ngang trên hành lang kinh tế đông - tây, tuyến đường xuyên Á (tiểu vùng sông Mê Công, nhất là Lào, đông bắc Cam-pu-chia); kết nối cảng biển, sân bay với trung tâm đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế mở ven biển, từ đó gia tăng giá trị khai thác quỹ đất.
Thứ tư, hợp lực để huy động nguồn lực thúc đẩy liên kết vùng và phát triển vùng
Một hạn chế, thách thức đó là xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và các địa phương còn nhỏ so với cả nước. Tuy nhiên, một khi đã xác định rõ vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của vùng thì huy động nguồn lực phát triển vùng là nhiệm vụ “không phải của riêng vùng và các địa phương”, mà là “trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị”. Bài toán nguồn lực cần “hợp lực” từ tiềm năng, lợi thế về biển; kết cấu hạ tầng hiện có; khơi dậy sức mạnh từ văn hóa, lịch sử và con người miền Trung; “tạo đột phá trong đột phá” như tinh thần của Chính phủ và huy động tiềm lực khu vực kinh tế tư nhân còn dư địa; chú trọng các hình thức xã hội hóa, hợp tác đối tác công - tư với cơ chế bảo đảm “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”; sử dụng hiệu quả mỗi đồng vốn của Nhà nước là những “hạt mồi” kích thích tăng trưởng, thu hút đầu tư, huy động thêm nhiều nguồn lực khác; thành lập quỹ phát triển vùng từ ngân sách Trung ương, các địa phương, doanh nghiệp, xã hội hóa, vốn ODA, tài trợ cho các dự án động lực liên tỉnh, liên vùng. Một khi lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là mục tiêu, động lực thì có thể thấy lời giải cho bài toán huy động nguồn lực cho liên kết vùng và phát triển vùng bền vững.
Thứ năm, phát huy “cực tăng trưởng” thành phố Đà Nẵng với đột phá trong giáo dục và đào tạo và khoa học - công nghệ
Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-1-2019, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định xây dựng thành phố Đà Nẵng thành một trong những “trung tâm kinh tế - xã hội lớn”, “cực tăng trưởng” và “đô thị hạt nhân” của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, theo đó phải phát triển được các ngành mũi nhọn đem lại giá trị gia tăng cao để thu hút nguồn lực, tác động lan toả đến các địa phương. Muốn vậy, không gian kinh tế của thành phố Đà Nẵng cần được nghiên cứu mở rộng, thu hẹp ranh giới hành chính với các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi bằng chính sách linh hoạt, như thống nhất giá quy định đền bù, giải toả sử dụng đất khắc phục hạn chế về quy mô, không gian kinh tế. Theo quy hoạch chung được phê duyệt, đến năm 2030, dân số thành phố Đà Nẵng vẫn chỉ ước tính gần 1,8 triệu người, diện tích sử dụng đất gần 130.000ha. Điều này khiến thành phố Đà Nẵng khó trở thành “cực tăng trưởng”, “đầu tàu kinh tế” của khu vực.
Đặc biệt, bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Đà Nẵng và các đô thị động lực khác tại các địa phương, như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa cần bảo đảm “sẵn sàng” cho các ngành mũi nhọn và các ngành kinh tế biển. Do đó, nguồn nhân lực của khu vực có những yêu cầu khác biệt so với hai miền khi “cực tăng trưởng” phát triển chủ yếu dựa vào đổi mới sáng tạo cần trình độ vượt trội (theo Khung trình độ nhân lực quốc gia có thể từ bậc 7 trở lên).
Sứ mệnh “giải cơn khát” nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển vùng không phải trường đại học nào cũng đủ tiềm lực, kinh nghiệm đảm nhận. Chủ trương phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia đã được đưa vào Nghị quyết số 26-NQ/TW là một nhiệm vụ, giải pháp. Đây là một đột phá về cơ chế, mô hình quản trị và tự chủ đại học để Đại học Đà Nẵng có cơ chế đầu tư nguồn lực trọng tâm, trọng điểm. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần xây dựng Đại học Quốc gia để tạo thế “kiềng ba chân” cùng đổi mới, tiên phong hội nhập, phát triển giáo dục đại học, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với khoa học - công nghệ, cần thay đổi mạnh mẽ hệ thống, chính sách phát triển để nâng cao tiềm lực, năng lực và hiệu quả; hình thành mạng lưới gắn kết các trường đại học mà hạt nhân là nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Hợp tác “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) cần vai trò “bà đỡ” của Nhà nước kiến tạo cơ chế, chính sách; các địa phương, doanh nghiệp “đặt hàng” nhà trường đào tạo, phát triển khoa học - công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu vùng (tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)) để khắc phục hạn chế, bất cập trong dự báo, quy hoạch và đánh giá./.
-----------------------
(1) Xem: Lưu Đức Cường - Lê Kiều Thanh: “Một số vấn đề lý luận liên kết phát triển vùng đô thị động lực”, Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, số 109 + 110, năm 2021, tr. 60
(2) Xem: Nguyễn Xuân Cường: “Liên kết phát triển vùng miền ở Trung Quốc - Nhìn từ hợp tác Vùng Chu Giang mở rộng”, Trang thông tin điện tử Viện Nghiên cứu Trung Quốc, ngày 8-7-2010, http://vnics.org.vn/Default.aspx?ctl=Article&aID=189
(3) Xem: Nguyễn Quốc Toàn - Cung Thị Tuyết Mai - Dương Thị Thanh Hậu: “Kinh nghiệm quốc tế về liên kết vùng giữa chính quyền các địa phương trong phát triển kinh tế - Giải pháp cho các tỉnh, thành phố vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam”, Tạp chí Quản lý Nhà nước điện tử, ngày 1-8-2022, https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/08/01/kinh-nghiem-quoc-te-ve-lien-ket-vung-giua-chinh-quyen-cac-dia-phuong-trong-phat-trien-kinh-te-giai-phap-cho-cac-tinh-thanh-pho-vung-duyen-hai-nam-trung-bo-cua-viet-nam/
(4) Xem: Roland Hureaux: “Sự phát triển theo vùng lãnh thổ: Kinh nghiệm của nước Pháp”, Tham luận tại Hội thảo Vì một sự tăng trưởng và xã hội công bằng, Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, 2003
(5) Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16-8-2004, của Bộ Chính trị khóa IX, “Về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010” và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 2-8-2012, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW”; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Đường lối, chủ trương phát triển vùng được thể chế hóa qua các văn bản của Thủ tướng Chính phủ: Thành lập Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg); thành lập Tổ chức Điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Quyết định số 20/2004/QĐ-TTg); thành lập Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Quyết định số 1022/QĐ-TTg); “Quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương đối với các Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” (Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg); phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” (Quyết định số 1874/QĐ-TTg) và nhiều quy hoạch ngành khác...
Khai thác, phát huy giá trị yếu tố rừng và biển trong đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ hiện nay  (18/01/2024)
Thúc đẩy liên kết kinh tế trong quy hoạch phát triển vùng  (15/11/2023)
Thể chế liên kết vùng: Những vấn đề đặt ra và giải pháp khắc phục  (04/11/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam