TCCS - Liên kết vùng, liên kết kinh tế nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở vùng đồng bằng sông Hồng có ý nghĩa quan trọng, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Với vị trí địa lý, hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi, tỉnh Quảng Ninh có nhiều lợi thế trong thúc đẩy liên kết vùng tạo điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Mối quan hệ giữa liên kết vùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Sự phân công lao động theo ngành, phân công lao động theo lãnh thổ chính là tiền đề, cơ sở hình thành và phát triển vùng. Theo đó, vùng kinh tế có thể được xem là các không gian địa lý kinh tế có những nét tương đồng nhau, liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình tái sản xuất, dựa trên phân công lao động với các nguồn lực phát triển có lợi thế cạnh tranh riêng.

Liên kết phát triển nội vùng và liên vùng dựa trên cơ sở phân công lao động với các lợi thế so sánh khác nhau là cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển vùng nói chung và phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng. Liên kết vùng sẽ kéo theo liên kết phát triển kinh tế, đây là yêu cầu tất yếu của nền kinh tế thị trường với các chuỗi ngành hàng được bố trí trên một không gian lãnh thổ nhất định, tạo nên các cực tăng trưởng. Khi các địa phương được thực thi các quyền trong khung khổ thể chế phân quyền, phi tập trung hóa với các lợi ích cụ thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn các liên kết đầu tư phát triển trên không gian cả vùng và từng tỉnh, thành phố. Tập trung phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo nền tảng quan trọng đưa nền nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng tận dụng được tối đa lợi thế nguồn lực lao động chất lượng cao, thúc đẩy cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp hiệu quả, gắn với việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực chọn và tạo giống mới, kỹ thuật canh tác hiện đại, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng của vùng và của cả nền kinh tế quốc dân. Sự xuất hiện của các khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo môi trường cho những nghiên cứu khoa học - công nghệ được ứng dụng trong thực tiễn, giúp chuyển hóa tri thức thành sức sản xuất. Thông qua đó, đào tạo nhân lực cho ngành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo cơ hội việc làm và đem lại lợi ích cho vùng.

Trong bối cảnh thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc tìm kiếm không gian phát triển ở cấp vùng sẽ giúp tạo thêm động lực cho phát triển vùng cũng như kinh tế ở từng địa phương. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc tạo thành chuỗi giá trị là yêu cầu đặt ra trong xây dựng nông thôn mới bền vững. Trên cơ sở đó, muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao tất yếu cần thực hiện liên kết vùng, đây là điều kiện đủ, vì:

Thứ nhất, thực hiện tốt liên kết vùng thì sự phát triển của một địa phương sẽ kéo theo sự phát triển của địa phương khác. Khi liên kết vùng phát huy hiệu quả sẽ tạo ra chuỗi giá trị các mặt hàng nông nghiệp, xây dựng thương hiệu các sản phẩm, định vị vùng sản phẩm trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Thứ hai, liên kết vùng thúc đẩy hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; thương mại hóa sản phẩm khoa học - công nghệ trong nông nghiệp; thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong việc thực hiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ ba, để thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần thực hiện tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng mẫu lớn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Vì để tham gia vào các thị trường lớn và có đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường cần huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các địa phương, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu đủ lớn.

Thứ tư, liên kết vùng là căn cứ để cùng xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc liên kết và đưa khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn, nhất là đối với khâu thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch… Tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học - công nghệ nông nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả; tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoa học - công nghệ nông nghiệp được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ khi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tham gia liên kết sản xuất quy mô lớn, hình thành vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm đầu ra, ứng dụng công nghệ.

Thứ năm, các lợi thế so sánh vùng có vai trò quan trọng trong việc hình thành hệ thống phân công lao động và chuyên môn hóa, do đó hình thành mối liên kết nội vùng và liên vùng. Quy mô thị trường tăng và chi phí giao thông vận tải giảm sẽ giúp hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp gắn liền với nó là công nghiệp chế biến, cơ khí và dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp của vùng.

Vai trò, vị trí của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện liên kết vùng

Phát triển vùng, liên kết vùng đã được đề cập nhiều trong nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng. Đặc biệt, tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian phát triển của quốc gia, của các vùng một cách hợp lý để phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, mỗi địa phương, tạo điều kiện tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Từ quan điểm này và dựa trên thực tế địa phương, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường thúc đẩy, khai thác hiệu quả hợp tác liên kết vùng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các vùng lân cận.

Tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc khi có sân bay, đường cao tốc và hệ thống cảng biển hiện đại tạo tiền đề cho việc tạo liên kết vùng. Các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào khai thác nhanh chóng phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hạ tầng giao thông hiện đại, thuận lợi và an toàn, bảo đảm kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế. Tỉnh là nơi kết nối và giúp các tỉnh, thành phố trong vùng tiếp cận với các thị trường, như Quảng Tây (Trung Quốc) qua cửa khẩu Móng Cái. Tỉnh Quảng Ninh cũng có thể tích hợp vào hệ sinh thái hiện có của các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng để tạo ra chuỗi cung ứng toàn diện có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới.

Theo các tuyến hành lang kinh tế mà Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị, “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu, tỉnh Quảng Ninh là một trong số ít địa phương có mặt ở 3/4 tuyến này. Đồng thời, tỉnh cũng có sự kết nối với tuyến hành lang kinh tế còn lại là tuyến Bắc - Nam (Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau) thông qua trục cao tốc chạy dọc tỉnh, kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, tỉnh Quảng Ninh kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “1 tâm, 2 tuyến đa chiều và 2 mũi đột phá”, nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng. Với vai trò “đi trước, mở đường” của giao thông, để khai thác lợi thế về vị trí chiến lược của tỉnh, rút ngắn thời gian đi lại giữa các khu vực, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền, kết nối đồng bộ với các địa phương trong và ngoài tỉnh… Điều này sẽ hình thành chuỗi giá trị liên kết, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.

Trong vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Quảng Ninh đóng vai trò quan trọng trong các mục tiêu phát triển kinh tế vì tỉnh là một phần không thể tách rời trong “tam giác phát triển” Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đây được coi là động lực kinh tế chính của vùng. Đồng thời, tỉnh cũng nằm trong khu vực hợp tác phát triển “hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc”, là cửa ngõ kết nối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với quốc tế.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiều chương trình phối hợp tiêu thụ nông sản tới các địa phương, như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh; liên kết, kết nối với một số địa phương, như Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Hải Phòng... để thu hút, tuyển dụng lao động tỉnh ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh… Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển khoa học, công nghệ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 được triển khai từ tháng 3-2017, trong đó mục tiêu ưu tiên là thành lập các khu nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh Quảng Ninh dành 6% - 7% chi ngân sách thường xuyên mỗi năm (tương đương 600 - 800 tỷ đồng) cho khoa học, công nghệ, trong đó có nông nghiệp. Cụ thể là tiếp tục triển khai cơ chế đầu tư liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với cơ chế hỗ trợ đến 70% lãi suất đầu tư sản xuất trong 5 - 8 năm; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ về mặt bằng, lãi suất, thủ tục hành chính… Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với triển khai có hiệu quả Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) cũng là một trong những đòn bẩy quan trọng tạo chuyển biến tích cực cho ngành nông nghiệp. 

Tỉnh thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh với nhiệm vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho tỉnh, vùng và cả nước; liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; tham gia đào tạo nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp cho tỉnh, vùng và cả nước…

Một số khuyến nghị

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, trong đó nhấn mạnh tới vai trò của cơ quan chủ trì điều phối cho toàn vùng vừa bảo đảm tập trung thống nhất, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương. Khi ban hành chính sách phát triển cho vùng, Chính phủ cần tham vấn từ tất cả các địa phương trong vùng, tránh trường hợp các chính sách tạo ra lợi thế cho địa phương này nhưng gây bất lợi cho địa phương khác; tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, từng tỉnh, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Trên cơ sở các quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt, tập trung nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Hai là, tỉnh Quảng Ninh cần tạo cơ chế để doanh nghiệp nông nghiệp được sử dụng quỹ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp vào việc ứng dụng kết quả đổi mới công nghệ. Có cơ chế khuyến khích hình thành mối liên kết trong nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao, tiếp nhận các kết quả khoa học - công nghệ giữa các trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp và nông dân. Khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu và phát triển các sản phẩm nông sản có ứng dụng khoa học - công nghệ.

Ba là, với vai trò hạt nhân liên kết vùng, tỉnh Quảng Ninh cần chủ động xây dựng các đề án quy hoạch các tiểu vùng liên kết vùng sản xuất nông nghiệp trong vùng như: vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, vùng chế biến hải sản,… để hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn. Từ đó, tạo thuận lợi kêu gọi đầu tư, hình thành, phát triển các chuỗi giá trị nông sản quy mô lớn, tăng khả năng cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bốn là, cơ sở để tạo lập liên kết vùng cần: 1- Lợi thế so sánh từ đó hình thành hệ thống phân công lao động và chuyên môn hóa; 2- Lợi thế quy mô nhờ chuyên môn hóa; 3- Sự đồng thuận về thể chế và các chủ thể tham gia chia sẻ lợi ích chung; 4- Sự đồng bộ về cơ chế, chính sách quản trị vùng; 5- Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu liên tỉnh, liên vùng. Dựa trên các yếu tố trên thì tỉnh Quảng Ninh có thuận lợi về các lợi thế so sánh, kết cấu hạ tầng. Điều cần hoàn thiện hiện nay chính là sự đồng thuận về thể chế, chính sách giữa các chủ thể tham gia liên kết vùng, trong đó vai trò của chính quyền các địa phương là đặc biệt quan trọng. Cùng với Hà Nội, Hải Phòng thì tỉnh Quảng Ninh cần chủ động thúc đẩy liên kết nhằm tạo đồng thuận giữa quản lý vĩ mô và các chủ thể kinh tế vi mô khác, như doanh nghiệp, hộ gia đình, đồng thuận giữa nội vùng và liên vùng. Để có sự thống nhất, cần xây dựng cơ chế điều phối trên cơ sở những cơ chế liên kết hữu hiệu và khung pháp lý đặc thù. Theo đó, việc quy hoạch phải theo sản phẩm thế mạnh của vùng, của từng tỉnh với mối quan hệ gắn bó chặt chẽ ngành hàng. Điều này đòi hỏi cần tổ chức lại quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của vùng.

Năm là, thống nhất về mặt chủ trương, kinh phí và có đầu mối cụ thể để đưa ra giải pháp phối hợp hằng năm; đưa ra định hướng, cách thức xử lý tốt nhất cho mỗi vấn đề phát sinh, từ đó tạo ra không gian kinh tế thống nhất, hạn chế các vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong vùng. Trong đó, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương trong vùng cần chủ động trong thực hiện trao đổi các bản tin, chương trình hoạt động, đặc biệt là báo cáo về các chủ đề doanh nghiệp quan tâm nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác công - tư, cùng nhau giải quyết các vấn đề chưa có sự nhất quán. Thúc đẩy đầu tư và liên kết các tỉnh, thành phố trong xây dựng mô hình quản trị liên kết vùng dựa trên sự tham gia của cả Nhà nước và thị trường; ban hành các chính sách có định hướng và điều tiết vĩ mô, ưu tiên, tạo môi trường hấp dẫn nhằm thu hút các yếu tố nguồn lực bên ngoài; xây dựng kế hoạch cụ thể trong cả trung hạn và ngắn hạn trong quy hoạch phát triển cụm, ngành nông nghiệp./.