Giai cấp công nhân và các điều kiện cần có của một giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại
TCCSĐT - Dòng chảy của lịch sử chính là sự phát triển không ngừng của xã hội loài người. Theo đó, các hình thái kinh tế - xã hội lần lượt ra đời, thay thế nhau, từ chiếm hữu nô lệ, phong kiến, đến tư bản chủ nghĩa và cuối cùng hiện nay là xu hướng ra đời hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Trong mỗi bước phát triển đó, lịch sử đều lựa chọn một giai cấp để đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại.
Sự lựa chọn tất yếu
Một là, sứ mệnh lịch sử
Sứ mệnh lịch sử là nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng buộc phải thực hiện trong một điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Cũng như vậy, sứ mệnh lịch sử của một giai cấp là nhiệm vụ thiêng liêng, quan trọng buộc một giai cấp phải thực hiện trong cuộc đấu tranh giai cấp để làm cho xã hội phát triển từ thấp đến cao. Trong xã hội có giai cấp (xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, xã hội tư bản chủ nghĩa) tất yếu có sự phân biệt, mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp, mà nguồn gốc và nguyên nhân của nó là do sự tư hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu trong xã hội. Trong cuộc đấu tranh giai cấp giữa các giai cấp có lợi ích đối kháng (giai cấp thống trị - giai cấp bị trị), khi giai cấp thống trị trở lên thối nát và trở thành nhân tố cản trở bước tiến của xã hội, người lao động trong xã hội ấy bị áp bức, bóc lột nặng nề, khi đó tất yếu phải có một giai cấp đứng lên đảm nhận sứ mệnh lịch sử để làm cuộc cách mạng xã hội thay đổi hình thái kinh tế - xã hội cũ, xóa bỏ chế độ thống trị của giai cấp cũ đã lỗi thời, lạc hậu bằng một hình thái kinh tế - xã hội mới tiến bộ hơn, phù hợp hơn, làm cho xã hội không ngừng phát triển. Như vậy, sứ mệnh lịch sử của thời đại là do một giai cấp đảm nhận và tất yếu không thể tránh khỏi, đó là đòi hỏi, yêu cầu khách quan của lịch sử.
Hai là, lựa chọn các giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại
Trong xã hội có giai cấp, đầu tiên là xã hội chiếm hữu nô lệ, mà ở đó, mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa chủ nô và nô lệ - hai giai cấp chính trong xã hội, đồng thời là hai giai cấp đối kháng trực tiếp với nhau. Bên cạnh đó, còn có những mâu thuẫn khác giữa giai cấp thống trị và tầng lớp nhân dân lao động khác trong xã hội. Do vậy, có mâu thuẫn tất yếu sẽ có đấu tranh. Tuy nhiên, người đứng lên làm cuộc cách mạng, lãnh đạo những người bị áp bức, bóc lột để lật đổ ách thống trị lại không phải là những người nô lệ - người bị áp bức bóc lột nặng nề nhất, người có mâu thuẫn đối kháng gay gắt nhất với giai cấp thống trị đương thời. Lịch sử đã lựa chọn một giai cấp khác, đó là giai cấp địa chủ (lãnh chúa) đó là tầng lớp địa chủ (lãnh chúa) tiến bộ.
Cũng tương tự như vậy, trong xã hội phong kiến, mâu thuẫn chủ yếu là giữa phong kiến với nông dân bên cạnh những mâu thuẫn khác giữa phong kiến với các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội. Tuy nhiên, lịch sử cũng không lựa chọn nông dân làm người đứng lên làm cách mạng, mặc dù họ cũng là người bị áp bức bóc lột nặng nề nhất. Lịch sử đã lựa chọn giai cấp tư sản mà tiền thân là tầng lớp tư sản tiến bộ đương thời.
Trong thời đại tư bản chủ nghĩa, mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên vẫn còn tồn tại mâu thuẫn. Hai giai cấp chính, chủ yếu, đối lập với nhau và mâu thuẫn trực tiếp, gay gắt nhất là giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân là những người bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất, và tất yếu sẽ còn nổ ra cách mạng xã hội. Vậy lịch sử sẽ lựa chọn ai đảm nhận sứ mệnh lịch sử này? Phải chăng là một giai cấp thứ ba theo lô-gích của lịch sử chứ không phải giai cấp công nhân? Có quan điểm cho rằng, trí thức là người lãnh đạo cách mạng xã hội mới phù hợp với lô-gích lịch sử. Lập luận về một giai cấp thứ ba đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại để phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện nay là một quan điểm hết sức sai lầm. Cách lập luận đó chưa đi vào bản chất của vấn đề, góc tiếp cận hết sức giản đơn, máy móc.
Trong xã hội có giai cấp, có mâu thuẫn giai cấp tất yếu dẫn tới đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội, cách mạng xã hội sẽ làm thay đổi hình thái kinh tế - xã hội. Điều đó là đúng nhưng chưa đủ. Mâu thuẫn giai cấp đó phải là những biểu hiện của mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất. Lịch sử không lựa chọn giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử chỉ dựa trên mâu thuẫn trực tiếp gay gắt nhất với giai cấp thống trị, mà giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử phải có đủ điều kiện và khả năng thực hiện nhiệm vụ đó. Cách mạng xã hội làm thay đổi hình thái kinh tế - xã hội, nhưng nguyên nhân sâu xa xét đến cùng của mọi cuộc cách mạng xã hội là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, việc giải quyết mâu thuẫn này tất yếu bằng cách mạng xã hội và hình thái kinh tế mới ra đời. Vậy việc lựa chọn ai làm người đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại cũng phải được xuất phát từ trong mối quan hệ này.
Giai cấp thống trị đến một lúc nào đó thường là người đại diện cho quan hệ sản xuất cũ đã lỗi thời, lạc hậu. Vì vậy, ai đại diện cho phương thức sản xuất mới tiến bộ sẽ được lựa chọn đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại chứ không phải chỉ dựa trên tiêu chí ai bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất, ai có mâu thuẫn gay gắt nhất. Với cách tiếp cận như trên, ta hoàn toàn thấy phù hợp khi lịch sử lựa chọn giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản và giai cấp công nhân là những người đảm nhận sứ mệnh lịch sử của mỗi thời đại tương ứng.
Chúng ta thấy, lịch sử lựa chọn giai cấp địa chủ đảm nhận sứ mệnh lịch sử trong thời đại chiếm hữu nô lệ, bởi vì: Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, chủ nô duy trì quan hệ sản xuất dựa trên sự chiếm hữu về nô lệ, chiếm hữu về con người, chiếm hữu cả về tư liệu lao động và người lao động. Khi xã hội chiếm hữu nô lệ phân hóa, một bộ phận tầng lớp những người tự do, họ tích cực khai hoang, mở rộng diện tích đất đai canh tác, họ dần dần nâng cao trình độ canh tác trên những mảnh đất mầu mỡ và ngày càng rộng lớn của mình. Họ tổ chức và tạo ra một phương thức sản xuất tiến bộ hơn, năng suất lao động ngày càng cao hơn, họ trở thành những ông chúa đất, địa chủ và một yêu cầu đặt ra là cần có sức lao động. Trong khi đó, sức lao động chính là nô lệ thì đang ở trong tay các ông chủ nô lệ. Mâu thuẫn đó cần phải giải quyết và lịch sử đã lựa chọn giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất mới đó là giai cấp địa chủ (tiền thân là chúa đất và địa chủ tiến bộ) đảm nhận nhiệm vụ sứ mệnh đó chứ không phải những người nô lệ.
Cũng như vậy, trong xã hội phong kiến, giai cấp địa chủ duy trì kiểu quan hệ sản xuất cũ bằng việc “phát canh, thu tô” kinh tế tự túc, tự cấp và phục vụ cho điều đó là chính sách “ngăn sông, cấm chợ” để thu tô thuế. Trong khi đó, một bộ phận tiểu thương, tiểu chủ (tiền thân của giai cấp tư sản) đã bước đầu manh nha hình thành một kiểu tổ chức sản xuất mới, đó là chuyên môn hóa, chuyên canh trong sản xuất, tạo ra hiệu quả và năng suất lao động cao hơn gấp nhiều lần trước đây. Và để thực hiện được hình thức này cần phải xóa bỏ chính sách “ngăn sông, cấm chợ” để thuận tiện cho việc trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, nó lại vấp phải mâu thuẫn với quan hệ sản xuất cũ của giai cấp thống trị phong kiến. Mâu thuẫn này cần được giải quyết và lịch sử đã lựa chọn giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất mới đó là giai cấp tư sản đảm nhận nhiệm vụ sứ mệnh đó chứ không phải những người nông dân.
Trong thời đại hiện nay, khi xã hội tư bản đang tồn tại mâu thuẫn giai cấp giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Thực chất của mâu thuẫn này xuất phát từ tính đối kháng giữa hai phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Giai cấp tư sản, đại diện cho phương thức sản xuất cũ đang thống trị xã hội với tham vọng bóc lột ngày càng nhiều giá trị thặng dư nên chúng cố gắng tìm mọi cách duy trì kiểu quan hệ sản xuất của mình với hình thức tách người lao động ra khỏi tư liệu lao động bằng việc chiếm đoạt toàn bộ tư liệu sản xuất chủ yếu trong xã hội và thực hiện bóc lột giá trị thặng dư. Tuy nhiên, khi sản xuất phát triển thì tính chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất ngày càng cao, đặt ra yêu cầu và đòi hỏi tư liệu sản xuất phải thuộc về người lao động trong xã hội. Đòi hỏi này vấp phải cản trở lớn từ phương thức sản xuất cũ của giai cấp tư sản, trong khi đó, giai cấp công nhân là người đại diện cho một phương thức sản xuất mới, đồng thời lại là người có mâu thuẫn trực tiếp gay gắt nhất với giai cấp thống trị. Do đó, người đại diện cho phương thức sản xuất mới tiến bộ, có mâu thuẫn trực tiếp đối kháng với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đại diện cho lực lượng sản xuất mới tiến bộ, lực lượng sản xuất chính chủ yếu của xã hội là giai cấp công nhân sẽ được lịch sử lựa chọn là giai cấp đứng lên đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại là một tất yếu khách quan. Cũng chính từ đặc điểm giai cấp công nhân vừa là giai cấp có mâu thuẫn trực tiếp gay gắt nhất, bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất bởi giai cấp thống trị, vừa là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất mới tiến bộ ra đời từ chính phương thức sản xuất cũ của giai cấp tư sản, do đó, cuộc cách mạng do giai cấp công nhân đảm nhận lãnh đạo có mục tiêu và tính chất khác hẳn về bản chất so với các cuộc cách mạng trước đây. Cách mạng xã hội chủ nghĩa do giai cấp công nhân lãnh đạo hướng tới mục tiêu xóa bỏ tư hữu, xóa bỏ giai cấp, thực hiện giải phóng con người, giải phóng toàn nhân loại, tính chất triệt để và toàn diện được thể hiện rõ chứ không chỉ dừng lại ở việc thay đổi giai cấp thống trị này bằng giai cấp thống trị khác, thay đổi kiểu hình thức bóc lột này bằng kiểu hình thức bóc lột khác tinh vi hơn, hiện đại hơn. Cuộc cách mạng ấy đòi hỏi phải được thực hiện triệt để trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội chứ không đơn thuần diễn ra chủ yếu trên lĩnh vực chính trị như các cuộc cách mạng xã hội của các giai cấp trước đây.
Những điều kiện của một giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại
Khi được lịch sử lựa chọn là giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại thì giai cấp ấy cần phải có các điều kiện của một giai cấp lãnh đạo cách mạng nhất định. Nhìn lại tổng quan các giai cấp đã đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại (giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản, giai cấp công nhân), chúng ta thấy các giai cấp này đều hội đủ những điều kiện cơ bản sau đây:
Thứ nhất, các giai cấp này đều phải là giai cấp có lợi ích mâu thuẫn với giai cấp thống trị đương thời, bởi lẽ có mâu thuẫn thì mới có đấu tranh và tính chất của mâu thuẫn ấy phải là mâu thuẫn đối kháng thì giai cấp đó mới lãnh đạo được phong trào cách mạng và cách mạng mới có thể diễn ra và thành công.
Thứ hai, giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại phải là một giai cấp có hệ tư tưởng riêng, độc lập và tiến bộ. Để sáng tạo ra một hệ tư tưởng riêng, độc lập thì không phải giai cấp nào cũng làm được điều đó, hơn nữa hệ tư tưởng của giai cấp thì luôn xuất phát từ lợi ích của giai cấp ấy, nó có tiến bộ và phù hợp hay không là do hệ thống lợi ích của giai cấp ấy chi phối. Trong lịch sử xã hội, trí thức là người có khả năng sáng tạo ra các hệ tư tưởng và giai cấp nào lôi kéo, vận động được trí thức đi theo phong trào cách mạng của mình thì trí thức sẽ sáng tạo ra hệ tư tưởng riêng, độc lập, tiến bộ trên lập trường, tư tưởng của giai cấp đó. Trí thức chưa bao giờ sáng tạo ra hệ tư tưởng cho riêng mình, bởi lẽ trí thức không phải là một giai cấp thuần nhất và lợi ích của họ luôn bám theo lợi ích của một giai cấp khác (hoặc là giai cấp thống trị hoặc là giai cấp tiến bộ đang hình thành). Và trong lịch sử, giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản cũng như giai cấp công nhân đều vận động được trí thức làm được điều đó và họ trở thành giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại.
Thứ ba, giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại phải là giai cấp có lợi ích cơ bản thống nhất với lợi ích của các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội đương thời. Điều này là cơ sở để giai cấp lãnh đạo cách mạng vận động thu hút và tập hợp lực lượng cho phong trào cách mạng. Giai cấp phong kiến mà tiền thân là bộ phận chúa đất, địa chủ tiến bộ thời kỳ xã hội chiếm hữu nô lệ là bộ phận tiến bộ có lợi ích cơ bản thống nhất với lợi ích của đông đảo những người lao động trong xã hội đương thời. Bởi lẽ, họ mong muốn đánh đổ chủ nô để giải phóng nô lệ và những người lao động khác nhằm giải phóng sức lao động phục vụ cho phương thức sản xuất mới của mình - điều phù hợp với đông đảo các giai tầng trong xã hội thời kỳ đó. Tương tự như vậy, trong xã hội phong kiến, tư sản mà tiền thân là các nhà tiểu thương, tiểu chủ tiến bộ cũng có lợi ích cơ bản thống nhất với lợi ích của các giai tầng trong xã hội. Họ đều muốn đánh đổ phong kiến để thoát khỏi cảnh sưu cao, thuế nặng đang đè nặng lên cuộc sống người lao động. Đến giai cấp công nhân thì điều này thể hiện càng rõ nét, họ là đại diện cho lực lượng sản xuất chính, chủ yếu của xã hội, đồng thời họ là người bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất và không còn con đường nào khác để giải phóng họ, đó là giải phóng toàn nhân loại. Tuy nhiên, địa chủ và tư sản chỉ có lợi ích ban đầu thống nhất được với những người lao động, đó là mục tiêu lật đổ giai cấp thống trị, nhưng khi giành được chính quyền thì những lợi ích của họ hoàn toàn thay đổi và đi ngược lại lợi ích của người lao động.
Thứ tư, giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại phải là giai cấp có chính đảng riêng, độc lập lãnh đạo phong trào cách mạng. Đảng là tổ chức chính trị tiên phong của cách mạng, là tổ chức lãnh đạo mọi hoạt động của phong trào cách mạng. Đảng vừa là nhân tố đề ra các chủ trương, đường lối cho phong trào cách mạng, đồng thời còn là hạt nhân đoàn kết, tập hợp lực lượng cho phong trào cách mạng. Chính vì vậy, để lãnh đạo được phong trào cách mạng thì giai cấp lãnh đạo đó phải có chính đảng riêng, độc lập, và chính đảng đó phải có một lý luận cách mạng tiến bộ dẫn lối, làm cơ sở để tìm ra con đường cách mạng đúng đắn, dẫn dắt phong trào cách mạng đi tới thắng lợi.
Nhìn lại lịch sử chúng ta đều thấy, giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản đều tổ chức ra chính đảng của mình và chính đảng ấy luôn đại diện cho lợi ích của giai cấp thành lập ra nó, tổ chức đảng của địa chủ và tư sản đã tìm mọi cách để vận động tập hợp lực lượng cho phong trào cách mạng của họ. Đơn cử như giai cấp tư sản khi muốn tập hợp lực lượng để đánh đổ phong kiến thì chính đảng của họ đã đưa ra khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” để vận động lực lượng cho cách mạng. Nhưng khi giành được chính quyền thì giai cấp tư sản đã phản bội, điều đó cho thấy, đó chỉ là khẩu hiệu để giai cấp tư sản tập hợp lực lượng chứ không phải mục tiêu của cách mạng tư sản.
Thứ năm, giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại phải là giai cấp đại diện cho một phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn. Điều này đã được chứng minh khi lịch sử lựa chọn giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản, giai cấp công nhân đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại chứ không phải giai cấp có mâu thuẫn gay gắt nhất, bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất. Giai cấp ấy có thể ra đời từ quan hệ sản xuất mới hoặc từ lực lượng sản xuất mới. Như giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản, họ đại diện cho một phương thức sản xuất mới nhưng họ đều ra đời từ quan hệ sản xuất, họ đại diện cho một hình thức quan hệ sản xuất mới tiến bộ hơn và họ làm cách mạng để đánh đổ kiểu quan hệ sản xuất cũ đã lạc hậu. Chính vì lẽ đó mà cuộc cách mạng do địa chủ và tư sản lãnh đạo chỉ là sự thay đổi giai cấp thống trị này bằng giai cấp thống trị khác. Đến giai cấp công nhân, họ là người đại diện cho một phương thức sản xuất mới nhưng họ lại ra đời và là đại diện cho một lực lượng sản xuất mới tiến bộ. Lực lượng sản xuất mới này đặt ra yêu cầu phải thay đổi kiểu quan hệ sản xuất trong phương thức sản xuất cũ thì phương thức sản xuất mới của giai cấp công nhân mới được thực hiện. Để lực lượng sản xuất mới mà giai cấp công nhân là đại diện phát triển thì một yêu cầu đặt ra đó là phải xóa bỏ tư hữu - nguồn gốc của áp bức, bóc lột bất công, nguồn gốc của giai cấp phải bị xóa bỏ. Chính vì lý do đó mà cuộc cách mạng của giai cấp công nhân không phải là sự thay đổi giai cấp thống trị này bằng giai cấp thống trị khác.
Chính từ nguồn gốc ra đời của giai cấp công nhân có sự khác biệt so với hai giai cấp đã đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại trước đó, do vậy, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân vừa mang tính phổ biến, vừa mang tính đặc thù riêng. Phổ biến ở tính quy luật lựa chọn giai cấp lãnh đạo và các tiêu chí cần có của một giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại, nhưng đặc thù về nội dung, mục tiêu và tính chất của cuộc cách mạng này.
Như vậy, qua sự khái quát lịch sử xã hội lựa chọn giai cấp đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại và các tiêu chí của một giai cấp lãnh đạo cách mạng, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng: Trong thời đại hiện nay, giai cấp công nhân đảm nhận sứ mệnh lịch sử là người lãnh đạo cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa để xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa là phù hợp với quy luật khách quan. Đây cũng là cơ sở để chúng ta đấu tranh chống lại các quan điểm, tư tưởng sai trái muốn xuyên tạc và phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay./.
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường  (03/05/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25-4 đến ngày 01-5-2016  (03/05/2016)
Huyện đảo Trường Sa chuẩn bị chu đáo đón ngày hội bầu cử  (02/05/2016)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay