TCCS - Đổi mới và chỉnh đốn Đảng cũng như đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một trong những yêu cầu rất quan trọng nằm trong tổng thể đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay. Để đổi mới hệ thống chính trị phải mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với nhau và đều là những thành tố trong hệ thống chính trị, do Đảng lãnh đạo.

Mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận không chỉ là mật thiết mà còn là mối quan hệ đặc biệt, do Đảng vừa lãnh đạo Mặt trận, lại vừa là thành viên của Mặt trận. Về thực chất, đây chính là mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức liên minh chính trị tiêu biểu, đại diện cho đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, nhận thức lý luận và thực tiễn về đổi mới hệ thống chính trị, về dân chủ xã hội chủ nghĩa, về Đảng và Mặt trận của Đảng ta đã có một bước tiến đáng kể, bằng việc đưa ra luận điểm mới nhằm giải quyết mối quan hệ giữa tập trung dân chủ với hiệp thương dân chủ trong tổ chức Mặt trận. Song, về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, đây lại là một vấn đề rất phức tạp và có nhiều điều mới mẻ.

Có vấn đề đặt ra, kết hợp tập trung dân chủ với hiệp thương dân chủ trong tổ chức, hoạt động Mặt trận ở cấp cơ sở như thế nào cho có hiệu quả?

Tập trung dân chủ là nguyên tắc chính trị trong hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm bảo đảm cho Đảng có sức mạnh của một Đảng cách mạng, hành động; đội tiên phong của giai cấp công nhân. Nhờ đó mà Đảng giữ được là một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Còn hiệp thương dân chủ là nguyên tắc chính trị áp dụng cho tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với tư cách là một liên minh chính trị xã hội rộng rãi nhất. Nói cách khác, do liên minh chính trị xã hội rộng rãi mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thực hiện hiệp thương dân chủ và chỉ có hiệp thương dân chủ thì mới giữ được sự tồn tại của liên minh, nhằm thực hiện cho được mục tiêu đề ra. Hiệp thương tự nó đã nói nên tính chất dân chủ, bình đẳng cùng tôn trọng lẫn nhau của các bên, các thành viên tham gia hiệp thương. Về thực chất, đây là sự thảo luận chính trị dựa trên nguyên tắc dân chủ, thuyết phục lẫn nhau để đi đến điểm tương đồng, thống nhất chung. Nói Đảng lãnh đạo Mặt trận, hay Mặt trận chịu sự lãnh đạo của Đảng thì dù ở cấp trung ương hay cơ sở, trong bản chất đã bao hàm sự kết hợp tập trung dân chủ với hiệp thương dân chủ.

Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.

Ở nước ta, xã, phường, thị trấn và các khu dân cư có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây là nơi sinh sống của đại bộ phận dân cư trong xã hội, nơi mọi đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện. Theo cơ cấu tổ chức và bố trí hệ thống của mình, Đảng cũng như Mặt trận đều có “chân rết” là tổ chức cơ sở đảng và Ban Công tác Mặt trận đến tận các khu dân cư, cộng đồng dân cư. Do sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối, toàn diện nên không chỉ tổ chức chính quyền, đoàn thể mà cả Mặt trận từ xã, phường, thị trấn đến các khu dân cư, cộng đồng dân cư đều cần đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Ở đây việc lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận cũng như thực hiện phương thức hoạt động, công tác của Mặt trận trong mối quan hệ với Đảng đều không tách rời với những nguyên tắc, quy tắc mà tập trung dân chủ và hiệp thương dân chủ là những nguyên tắc cơ bản, chủ yếu nhất.

Trên cơ sở chủ trương, đường lối chung cũng như chủ trương, chính sách về đại đoàn kết dân tộc và phát triển Mặt trận của Đảng, cấp ủy cơ sở khi lãnh đạo Mặt trận chính là quán triệt và cụ thể hóa chủ trương, chính sách đó bằng các công việc cụ thể phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương, cơ sở mình. Ngoài ra, Đảng lãnh đạo Mặt trận còn bằng chính tổ chức đảng và bằng chính đội ngũ đảng viên gương mẫu hoạt động, công tác trực tiếp ngay trong hệ thống tổ chức Mặt trận. Khi thực hiện lãnh đạo Mặt trận ở đây, nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng vẫn được duy trì thực hiện và không có bất kỳ sự cản trở nào. Tập trung dân chủ là đề cao tính đảng, tính kỷ luật chặt chẽ, là thực hiện chế độ lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách, cũng tức là chế độ trách nhiệm cá nhân rõ ràng, là cấp dưới phải phục tùng cấp trên, là thiểu số phải phục tùng đa số, nhưng đó thuộc về phương diện lãnh đạo nội bộ Đảng, trong khi đó Đảng lãnh đạo Mặt trận vẫn bằng tuyên truyền, vận động và thuyết phục Mặt trận chứ không áp đặt đường lối, chủ trương cũng như nguyên tắc tập trung dân chủ nói trên vào Mặt trận một cách cứng nhắc rồi bắt Mặt trận phải tuân theo.

Khi ở tư cách là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì Đảng lại bình đẳng như mọi thành viên khác của Mặt trận, cùng tham gia sinh hoạt Mặt trận, phối hợp và thống nhất hành động thực hiện chương trình và nhiệm vụ của Mặt trận. Nói cách khác, khi Đảng là thành viên Mặt trận, điều đó không làm mất đi hoặc Đảng từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình, từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ. Trái lại, Đảng vẫn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng là thành viên Mặt trận chỉ trên phương diện bình đẳng, chân thật lắng nghe ý kiến của Mặt trận, cùng trao đổi, dân chủ bàn bạc và cùng các thành viên khác thực hiện chương trình hành động của Mặt trận. Việc có tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ngay trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận là một lợi thế lớn, do Đảng có thể lãnh đạo trực tiếp trên cơ sở thấu hiểu về Mặt trận. Vấn đề đặt ra chỉ là, phải nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, vai trò tiên phong gương mẫu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên để đủ sức lãnh đạo trực tiếp mọi lĩnh vực hoạt động của Mặt trận, trong đó có hiệp thương dân chủ.

Để việc kết hợp tập trung dân chủ với hiệp thương dân chủ trong tổ chức Mặt trận cấp cơ sở, bảo đảm thực chất và có hiệu quả, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nói chung về vị trí, vai trò của Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận trong hệ thống chính trị. Hơn thế, còn phải gây dựng thành dư luận xã hội lành mạnh, tích cực về quan hệ giữa Đảng với Mặt trận thực chất là quan hệ giữa Đảng với dân. Chỉ có trên cơ sở hiểu đúng và đầy đủ về Đảng và Mặt trận mới nói đến việc kết hợp tập trung dân chủ với hiệp thương dân chủ trong tổ chức Mặt trận một cách có hiệu quả, phát huy được vị trí, vai trò của Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thứ hai, tập trung dân chủ với hiệp thương dân chủ trong tổ chức Mặt trận tuy có khác nhau nhưng lại có quan hệ chặt chẽ với nhau và thống nhất về mục đích, đó là cùng hướng tới đổi mới hệ thống chính trị, mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt thúc đẩy việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Vì vậy, mỗi cấp ủy ở cơ sở bên cạnh giữ vững và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong nội bộ mình phải quan tâm thực hiện nguyên tắc này khi phối hợp với Mặt trận, lãnh đạo, hướng dẫn Mặt trận thực hiện tốt nguyên tắc hiệp thương dân chủ. Mỗi địa phương, cơ sở cần thiết phải có quy định thành chế độ thường xuyên làm việc để Đảng lắng nghe và trao đổi ý kiến với Mặt trận về những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Đảng và Mặt trận. Ngược lại, cũng cần phát huy vai trò tích cực, chủ động của tổ chức Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, Mặt trận chịu sự lãnh đạo của Đảng nhưng phải trên cơ sở có nguyên tắc, tổ chức đảng không được dùng quyền uy, lợi thế Đảng cầm quyền đem nguyên tắc tập trung dân chủ áp đặt một cách máy móc trong quan hệ với Mặt trận.

Thứ ba, quan tâm củng cố hệ thống chính trị nói chung, củng cố tổ chức đảng và Mặt trận ở cấp cơ sở nói riêng thật sự trong sạch, vững mạnh đủ sức đảm đương nhiệm vụ, chủ động đổi mới. Cụ thể là, mỗi tổ chức đảng và Mặt trận từ cấp cơ sở phải rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm, điều kiện địa phương cơ sở. Đặc biệt, chính xác hóa chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận cấp cơ sở dựa trên cơ sở khoa học và yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi, từng bước khắc phục tình trạng Mặt trận ôm đồm nhiều việc, nhưng không việc nào làm đến nơi đến chốn.

Thứ tư, bên cạnh việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đảng, phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt để có kiến thức rộng và sâu cho đội ngũ cán bộ mặt trận cấp cơ sở. Cụ thể, bên cạnh việc bồi dưỡng những quan điểm cơ bản về đổi mới, về hệ thống chính trị và Đảng Cộng sản, về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân... phải quan tâm nâng cao trình độ nghiệp vụ, phương pháp công tác mặt trận ở cấp cơ sở, trong đó có nội dung kết hợp tập trung dân chủ với hiệp thương dân chủ cho đội ngũ cán bộ mặt trận cấp cơ sở. Đặc biệt chú ý gắn học với hành, lý luận liên hệ với thực tiễn, phải làm cho việc kết hợp tập trung dân chủ với hiệp thương dân chủ đi vào thực chất, thiết thực, gắn với thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở và chủ trương mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; lấy việc thực hành dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh làm mẫu mực để cán bộ, đảng viên học tập và noi theo.

Thứ năm, cần có đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn hoạt động, công tác đảng cũng như hoạt động, công tác mặt trận, đặc biệt vấn đề kết hợp tập trung dân chủ với hiệp thương dân chủ trong tổ chức Mặt trận. Việc nghiên cứu lý luận cũng như tổng kết thực tiễn cần hướng vào những vấn đề mang tính lý luận cơ bản chung và cả những vấn đề cụ thể thuộc về nghiệp vụ công tác đảng và công tác mặt trận mà địa phương, cơ sở đang đặt ra có nhiều vướng mắc hoặc có nhu cầu./.