TCCS ĐT - Trong thời gian qua, một loạt các hoạt động xúc tiến đầu tư đã được triển khai nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các nhà đầu tư, địa phương thu hút đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước. Qua các hội nghị “Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp/ khu kinh tế/ khu chế xuất phía Bắc năm 2009” tổ chức tại Bắc Ninh trong các ngày 26 và 27-3-2009; "Diễn đàn Ðầu tư Khu công nghiệp công nghệ cao Ðà Nẵng 2009" tổ chức tại Đà Nẵng ngày 27-3..., nhiều kinh nghiệm đã được đúc kết, nhiều mong muốn, hy vọng được bày tỏ, nhiều gợi ý, hướng đi và cả cơ hội đầu tư được hé mở trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy giảm.

1. Các nhà đầu tư nhìn nhận về môi trường đầu tư ở Việt Nam

Phát biểu tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, nhiều nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, thủ tục đầu tư của Việt Nam đã được đơn giản hoá hơn, nhanh, và hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao sự cải thiện này và dẫn chứng có những trường hợp kể từ khi quyết định đầu tư cho tới khi bắt đầu xây dựng nhà máy chỉ diễn ra trong vòng 2 đến 3 tháng.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng nêu những hạn chế, bất lợi về chi phí và hiệu quả sản xuất của Việt Nam so với một số nước khác trong khu vực như thiếu ngành công nghiệp phụ trợ, nhiều nguyên vật liệu sản xuất phải dựa vào nguồn nhập khẩu, ít lao động giàu kinh nghiệm, hạ tầng giao thông đến vùng sâu, vùng xa hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện...; phát sinh một số ít trường hợp nhà đầu tư gặp phiền toái do cán bộ quản lý ở địa phương thiếu hiểu biết về pháp luật, quy chế hoặc có sự hiểu khác nhau các quy định pháp luật. Các quy định về thuế, xuất nhập khẩu, lao động có nhiều mục liên quan sâu tới hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp cần có hướng dẫn chi tiết, bao quát và dễ hiểu.

Tuy nhiên, điều được khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ là dù còn có những hạn chế cần khắc phục, hoàn chỉnh... nhưng Việt Nam vẫn được coi là điểm đến, là địa chỉ mà các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm.

Trong Hội nghị “Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp/ khu kinh tế/ khu chế xuất phía Bắc năm 2009”, ông Na-ka-ga-oa, đại diện của BTD Nhật Bản cho biết: ngay trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế thế giới đã bắt đầu phủ bóng đen lên hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp phải hạn chế tối đa mọi chi phí, mọi chuyến đi công tác nước ngoài với mục đích thăm dò, tìm hiểu, khảo sát về môi trường và điều kiện đầu tư, đều bị cắt giảm, nhưng một số doanh nghiệp năng động vẫn có những động thái tích cực như điều tra để tìm kiếm khả năng thành lập cơ sở sản xuất mới, mở văn phòng đại diện hoặc công ty thương mại để khai phá thị trường tại Việt Nam.

2. Tiềm năng thu hút đầu tư của Việt Nam

Có rất nhiều lý do để nguồn đầu tư tìm đến Việt Nam. Chẳng hạn, để tránh tình trạng tăng chi phí sản xuất do đồng Yên Nhật đột ngột tăng giá, và khả năng thị trường thế giới sẽ bị thu hẹp ngay cả sau khi nền kinh tế phục hồi, cạnh tranh trên thị trường thế giới sẽ ngày càng khốc liệt, nên nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn tập trung đầu tư vào các khu vực có lợi thế vượt trội. Và, Việt Nam là một trong những địa chỉ đến do có điều kiện địa lý thuận lợi, “có nhiều lợi thế hơn các quốc gia lân cận để trở thành một điểm tập trung đầu tư trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu”. Dự báo sẽ có có một làn sóng các dự án sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất hàng xuất khẩu, logistic hỗ trợ cho các dự án xuất khẩu đổ vào để tận dụng lợi thế tự nhiên này, xác lập vị trí trung chuyển hàng hóa của châu Á.

Một yếu tố nữa là những “khoảng trống” đầu tư trong một số lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh. Thí dụ, trong xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, gạo; thuỷ sản, phần lớn được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu, chưa được chế biến. Vì thế thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến hàng nông sản xuất khẩu đang nhận được sự quan tâm của một số nhà xúc tiến đầu tư. Ông Na-ka-ga-oa cho biết, hiện nay đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực chế biến này tại Việt Nam mới chỉ chiếm từ 1% đến 2% tổng vốn đầu tư, vì thế, trong tương lai, BTD Nhật Bản dự định đặt trọng tâm vào hoạt động thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản thuộc lĩnh vực nông thuỷ sản và chế biến thực phẩm. Nếu thu hút được nguồn đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực này thì có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm này trên thị trường quốc tế

3. Tranh thủ tận dụng cơ hội từ suy thoái kinh tế và sẵn sàng cho thời kỳ “hậu suy thoái”

Nỗ lực duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn, đồng thời khai thác cơ hội trong tình trạng kinh tế suy thoái, chuẩn bị cho giai đoạn “hậu suy thoái” đang là những vấn đề rất cần được quan tâm để thu hút đầu tư. Các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh đã chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời đưa ra những đề xuất cụ thể:

Thứ nhất, giảm hàng tồn kho đến mức tối đa. Tại Hội nghị “Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp/ khu kinh tế/ khu chế xuất phía Bắc năm 2009”, ông Ka-ghe-y-a-ma Tổng Giám đốc Canon Việt Nam đã phát biểu nêu rõ, nhiệm vụ của Canon hiện nay là "Cung cấp các sản phẩm với chất lượng ngày càng cao, giá thành ngày càng rẻ và cung cấp ra “thị trường đúng thời hạn, tránh việc đình trệ tiền đầu tư, giảm tồn kho tới giới hạn cực điểm và cung cấp sản phẩm ra thị trường đúng kế hoạch hơn trước đây.

Thứ hai, chuẩn bị sẵn sàng cho “cú nhảy” của nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ kết thúc và nền kinh tế sẽ phục hồi, vì thế, chuẩn bị cho bước nhảy tiếp theo là việc cần thiết nhất vào thời điểm này. Nhiều công ty, doanh nghiệp, trong đó có Canon Việt Nam coi thời điểm này là cơ hội ngàn năm có một để tăng cường sức mạnh cho những bước tiếp theo. Những công việc được triển khai trong giai đoạn này là đào tạo nguồn nhân lực từ công nhân đến các vị trí quản lý ở mọi tầng cấp; đào tạo tay nghề, kỹ năng quản lý, điều hành; đào tạo, trang bị kiến về các lĩnh vực khác liên quan đến đời sống sinh hoạt xã hội như luật giao thông, an toàn giao thông, Luật thuế thu nhập cá nhân, vấn đề giới v.v. .

Trong tổng số 219 KCN đã được thành lập đến nay, mới chỉ có khoảng trên 20% các KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung, đa số đang xây dựng hoặc triển khai thực hiện thủ tục đầu tư để xây dựng, tổng công suất của các trạm xử lý này mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% lượng nước thải thải ra từ các KCN trên phạm vi cả nước.

Các KCN đa phần là KCN đa ngành do vậy đòi hỏi chất lượng công trình xử lý nước thải, công nghệ xử lý nước thải ở một chuẩn mực nhất định. Tuy nhiên, tại một số KCN, chất lượng công trình xử lý nước thải vẫn chưa đáp ứng được.

Thứ ba, coi trọng “Chiến lược phát triển nhà đầu tư”, xem đây là nhiệm vụ mà các trung tâm xúc tiến đầu tư, các cơ quan phát triển đầu tư... cần xem xét, ưu tiên đặt lên hàng đầu. Chiến lược chăm sóc nhà đầu tư sau cấp phép này khi được triển khai một cách có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng tạo ra dòng FDI cho nhiều quốc gia, lãnh thổ. Một trong những điều kiện tiên quyết để chiến lược chăm sóc khách hàng thành công là có một cơ sở dữ liệu tốt về các nhà đầu tư đang hiện hữu ở địa phương, đồng thời phải cập nhật thông tin để có những hiểu biết sâu sắc về sự năng động của nền kinh tế thế giới cũng như sự di chuyển hết sức linh hoạt của FDI toàn cầu. Các nền kinh tế có khả năng cung cấp những phương án mới mẻ cho nhà đầu tư tiềm năng đồng nghĩa với việc có một “Bàn tay chiến thắng” trong thời kỳ “hậu suy thoái”.

Thứ tư, tổ chức các hoạt động trả lại sự trong lành cho môi trường, các hoạt động xanh, sạch hoá các khu vực lân cận các khu công nghiệp. Nhiều nhà doanh nghiệp đề xuất, trong thời gian này, Chính phủ cần thúc đẩy đầu tư công, thông qua các dự án công cộng như nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng bao gồm hệ thống hải cảng, đường xá... để duy trì và tạo thêm việc làm mới.

Thứ năm, hoàn thiện hạ tầng hỗ trợ cho hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp. Hiện tại, trên 30% vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam chảy vào các khu công nghiệp. Trên thực tế, có rất nhiều khu công nghiệp đã được cấp phép hoặc đã được phê duyệt kế hoạch, nhưng chưa đi vào hoạt động hoặc chưa hoàn thiện toàn bộ kết cấu hạ tầng. Việc hỗ trợ hoặc ưu đãi các công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp để đẩy nhanh việc xây dựng khu công nghiệp với hệ thống hạ tầng hoàn thiện làm nơi đón đầu các dự án đầu tư nước ngoài là rất quan trọng./.