Khủng hoảng tài chính và những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản
TCCS - Ngày 1-12-2008, Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) chính thức công bố: Mỹ đã lâm vào suy thoái. Bốn ngày sau, Tổng thống G. Bu-sơ thừa nhận: Nền kinh tế Mỹ đang trong suy thoái. Còn Tổng thống mới đắc cử B.Ô-ba-ma thì đưa ra đánh giá sâu xa hơn: Cuộc khủng hoảng này không đến bằng vài sự ngẫu nhiên của lịch sử mà đã trải qua nhiều năm xem sự điều tiết và thanh sát thông thường nhất là không khôn ngoan và không cần thiết.
Theo Cục Thống kê lao động Mỹ (BLS), tháng 11-2008, nước Mỹ có thêm 533.000 người thất nghiệp, tính chung cả năm 2008, nước Mỹ mất 1,9 triệu việc làm. Điều đáng nói là có tới 70% số người thất nghiệp thuộc ngành dịch vụ, ngành tạo nên 80% GDP, trước đó không chịu tác động nhiều của suy thoái. Hiện nay, suy thoái đang lan nhanh từ Mỹ sang EU, Nhật Bản và hầu khắp thế giới.
Đôi điều về suy thoái
Chủ nghĩa tư bản nói chung rất chuyên nghiệp với các chu trình kinh doanh. Định nghĩa suy thoái (recession) thông dụng nhất là khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm sút trong hai quý liên tiếp. Ủy ban theo dõi chu trình kinh doanh thuộc Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ định nghĩa: “Suy thoái là sự suy giảm đáng kể hoạt động kinh tế từ ba tháng trở lên, biểu hiện rõ trong sản xuất, việc làm, thu nhập thực tế và một số chỉ báo khác. Suy thoái xảy ra khi nền kinh tế đã lên đến đỉnh hoạt động và chấm dứt khi nền kinh tế xuống tận đáy của nó. Giữa đáy và đỉnh là thời kỳ bành trướng hay hưng thịnh”.
Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ đưa ra ba chiều cạnh làm căn cứ đánh giá suy thoái, đó là chiều sâu, thời lượng và tác động của suy thoái lên các ngành công nghiệp. Tính từ tháng 1-1920 đến tháng 6-1991, có ba cuộc đại suy thoái (depression), sáu cuộc suy thoái trầm trọng (sharp recession), năm cuộc suy thoái nhẹ (mild recession). Hai cuộc suy thoái 1973 - 1975 và 1981 - 1982 không những kéo dài nhất mà cũng là những cuộc suy thoái trầm trọng nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. A. Grin-xpan, cựu Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thừa nhận: Triết học kinh tế thị trường vạn năng đã dẫn đến suy thoái trầm trọng.
Gần 500 năm tồn tại với cơ man là phao cứu sinh, với chủ nghĩa tự do cũ rồi chủ nghĩa tự do mới, với toàn cầu hóa và tài chính hóa, chủ nghĩa tư bản vẫn bất lực với khủng hoảng chu kỳ. Chủ nghĩa tư bản qua thời gian tưởng như là giai đoạn phát triển cao nhất hóa ra vẫn chỉ là đỉnh cao, đỉnh thấp của những chu kỳ khủng hoảng do chính nó gây nên. Câu nói của Tổng thống Pháp N. Xác-cô-dy “cái thời mạnh ai nấy làm (laissez-faire) đã chấm dứt”, được rất nhiều người nhắc lại.
Mâu thuẫn trong lòng chủ nghĩa tư bản
1 - Trước hết là mâu thuẫn giữa chủ tư bản với những người lao động. Các phương tiện truyền thông Mỹ ít đề cập đến các cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ chống các biện pháp “giải cứu” mà Quốc hội nước này thông qua. Cuộc đấu tranh đầu tiên diễn ra vào ngày 25-9-2008. Hàng ngàn công nhân, giáo viên, công chức, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng lao động trung ương Niu Oóc, đã lên tiếng phản đối quyết liệt kế hoạch giải cứu 700 tỉ USD của Tổng thống G. Bu-sơ. Chủ tịch Tổng công đoàn AFL-CIO nói: “Chúng tôi muốn số đô-la đóng thuế giúp cho hàng triệu người lao động chứ không phải cho một nhóm đặc quyền được hưởng lương cao bổng hậu”.
2 - Mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền; mâu thuẫn giữa Đảng Cộng hòa với Đảng Dân chủ; mâu thuẫn trong bản thân Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ; mâu thuẫn giữa các tập đoàn xuyên quốc gia. Biểu hiện rõ nhất là mâu thuẫn giữa đường lối cứu vãn nước Mỹ của B. Ô-ba-ma với đường lối của G. Bu-sơ. Đảng Dân chủ cho rằng, sau 8 năm cầm quyền của G. Bu-sơ, Đảng Cộng hòa đã để lại một di sản nặng nề. Khi G. Bu-sơ lên nắm quyền, kinh tế Mỹ đang thặng dư, trên thực tế trang trải được chút ít số nợ 5.700 tỉ USD. Nhưng hiện nay số nợ lên tới trên 10.000 tỉ USD và có thể tăng gấp đôi khi kết toán chiến phí ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan và khi G. Bu-sơ rời Nhà trắng.
3 - Mâu thuẫn giữa Mỹ và EU về học thuyết và đường lối. Tổng thống Pháp N. Xác-cô-dy cho rằng, chính sách “laissez-faire” chấm hết cũng có nghĩa là chủ nghĩa tự do mới đã cáo chung. Theo Bộ trưởng Kinh tế Pháp C. La-gác-đê: “IMF hành động kiểu đế quốc. Trường phái cũ IMF đã lỗi thời và để lại nhiều thương tích. B. Ô-ba-ma phải phi thực dân hóa IMF để biến nó thành một lực lượng tích cực”. Bên cạnh đó, nhiều học giả cho rằng, lý thuyết tách rời (decoupling) không che đậy được sự thật phương Tây tiếp tục khai thác các nước đang phát triển.
4 - Mâu thuẫn giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi (Bra-xin, Nga, ấn Độ, Trung Quốc...) tăng lên. Mâu thuẫn giữa các nước với Mỹ về Nghị định thư Ky-ô-tô, về biến đổi khí hậu vẫn chưa được giải quyết; nước nghèo và người nghèo vẫn phải trả giá cho sự hoang phí tài nguyên thiên nhiên của các nước giàu, nhất là Mỹ. Theo tạp chí Tuần kinh doanh (Business Week), hai năm qua, nợ nước ngoài của các nước đang phát triển tăng 38%, lên tới 4.700 tỉ USD. Các nước vay IMF, chẳng hạn như Hung-ga-ri, phải đồng ý cắt phúc lợi xã hội, không được tăng tiền lương, tiền thưởng. Ai-xơ-len phải tăng lãi suất cơ bản lên 18% trong lúc kinh tế dự kiến giảm sút 10% và lạm phát 20%.
Khủng hoảng cũng lan rộng đến Mỹ La-tinh và châu Phi. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo, đến cuối năm 2009 sẽ có thêm 20 triệu người thất nghiệp và 40 triệu người nghèo. Vì vậy, các mục tiêu thiên niên kỷ không thể đạt được. Vòng đàm phán thương mại WTO và nghị trình phát triển Đô-ha, khởi đầu cuối năm 2001, dự kiến hoàn thành năm 2005, cho đến nay vẫn hoàn toàn bế tắc, chủ yếu do Mỹ và các nước giàu không chịu từ bỏ các chính sách bất công đối với các nước phương Nam.
Thất bại của chủ nghĩa tự do mới
Sau 30 năm ở thế thượng phong, chủ nghĩa tự do mới đang gặp nhiều thất bại. Cuộc suy thoái lần này phơi bày rõ nhất những mâu thuẫn và hạn chế của một triết luận kinh tế chính trị phản ánh bản chất của chủ nghĩa tư bản, một triết luận vì lợi ích của số ít chống lại số đông.
Khủng hoảng tài chính thuộc về bản chất của chủ nghĩa tư bản. Trong một nền kinh tế “tự do cạnh tranh”, đồng tiền được coi là thống soái. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khoảng thời gian 1948 - 1973 có thể được coi là thời hoàng kim của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, một sự phân phối tương đối công bằng không làm tăng tích lũy tư bản như chủ nghĩa tư bản mong muốn. Bởi vì, lợi nhuận cá nhân là động lực của chủ nghĩa tư bản. G. Xti-glít, nhà kinh tế học được giải thưởng Nô-ben nói rằng, sai lầm ở đây là niềm tin vào sự tự điều chỉnh của thị trường và vai trò tối thiểu của chính phủ. Trong phiên điều trần tại Nhà trắng, Cựu Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ A. Grin-xpan nói: “Tôi đã tìm thấy một khiếm khuyết, đó là nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã gắn bó với triết học kinh tế sai lầm ấy”.
Gần một trăm năm trước, V.I. Lê-nin đã nói về sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản. Ngày nay, thế giới đang trở thành đa cực với máy bay chiến lược Nga lại tuần tra khắp thế giới; Trung Quốc thặng dư thương mại hàng trăm tỉ USD so với Mỹ và có trong tay gần 2.000 tỉ USD dự trữ ngoại tệ; Nhật Bản cũng sở hữu ngót nghét 1.000 tỉ USD. Cơn đại hồng thủy tài chính đang làm sụp đổ những ngân hàng mạnh nhất của phố Uôn, và “quốc hữu hóa” đang trở lại với ngôn từ kinh tế của Mỹ. Tư nhân hóa, một pháp bảo của chủ nghĩa tự do mới, đang bị đẩy lùi về phía sau, dù có thể chỉ là sách lược. Kinh tế thị trường nói chung không còn ma lực như trước và chính phủ đang được đặt lên trên thị trường.
Không thể lừa mị
Các cuộc khủng hoảng chu kỳ trong 50 năm qua, như cuộc khủng hoảng tài chính 1997 và cuộc suy thoái 2008 cho thấy, chủ nghĩa tư bản luôn có xu hướng trút hậu quả khủng hoảng lên các nước đang phát triển. Trước năm 1970, sản xuất tư bản nói chung được tổ chức chủ yếu trên phạm vi quốc gia, bởi sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với thắng lợi của phong trào đấu tranh phi thực dân hóa, được Hội nghị Băng-đung và phong trào Không liên kết cổ vũ, nhiều nước phương Nam đã chọn con đường phi chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, Mỹ và các nước thực dân cũ, có sự hậu thuẫn của NATO và bộ máy chiến tranh của Mỹ, đã vận dụng kế sách “đi mà vẫn ở” bằng viện trợ và cho vay nợ, bằng chính sách mại bản hóa, bằng thiết lập các độc quyền thu mua nguyên liệu và nhiên liệu ở thị trường các nước thế giới thứ ba, từng bước “toàn cầu hóa” về tài chính, kinh tế và chính trị thông qua các thiết chế IMF, WB và WTO.
Ngày nay, thị trường toàn cầu đang bị chi phối bởi những tập đoàn đa quốc gia, siêu quốc gia. Các nước giàu đang cố toàn cầu hóa suy thoái. Nếu như trong nước họ muốn “xã hội hóa tổn thất, tư nhân hóa lợi nhuận” thì trên phạm vi toàn cầu, họ cũng muốn áp dụng công thức ấy bằng “toàn cầu hóa suy thoái, cục bộ hóa lợi nhuận”, buộc các nước đang phát triển phải “chia sẻ gánh nặng”. Tổng thống I-ran, M. A-ma-đi-nê-giát, tại một hội nghị tài trợ của Liên hợp quốc ở Đô-ha (29-11-2008) nói: “Lãnh đạo các nước phương Tây đang cố gắng gieo rắc cuộc khủng hoảng của chính họ tới phần còn lại của thế giới và khắc họa nó như một cuộc khủng hoảng toàn cầu”.
Chủ nghĩa tư bản không giải quyết được các mâu thuẫn nội tại, cơ bản, nhất là mâu thuẫn giữa sản xuất xã hội hóa với chiếm hữu tư bản tư nhân đối với tư liệu sản xuất. Do chỉ vì lợi nhuận nên chủ nghĩa tư bản có xu hướng chỉ dựa vào quy luật cung cầu, rất khó dự báo; sản xuất thừa dẫn đến khủng hoảng, thành chu kỳ tuần hoàn. Sau 500 năm tồn tại, chủ nghĩa tư bản đã bước vào thời kỳ lão suy, nhưng vẫn tồn tại được là nhờ kinh nghiệm thống trị, nhờ những van an toàn và phao cứu sinh, nhờ sự liên minh quốc tế để chống lại lực lượng tiến bộ.
Chủ nghĩa tư bản không giải quyết được đói nghèo, không bảo vệ được môi trường, không đối phó được sự biến đổi của khí hậu, không khắc phục được bất công xã hội, do vậy không thể tồn tại mãi mãi. Thực tế cho thấy, kinh tế thị trường vẫn do con người định đoạt chứ không phải do “bàn tay vô hình”, suy thoái hay khủng hoảng cũng là do con người gây nên, bởi con người là tác nhân chủ đạo của thị trường, của xã hội.
Chủ nghĩa tư bản sẽ cáo chung do quy luật của tiến hóa, do những mâu thuẫn kinh tế và chính trị mà nó tạo nên. Kinh tế thị trường có cả mặt tích cực và tiêu cực. Nhà nước phải can thiệp, phải lãnh đạo chứ không thể “mạnh ai nấy làm”, nếu không sẽ khó tránh khỏi khủng hoảng. Những gì chúng ta đang chứng kiến chỉ mới là khúc dạo đầu. Đúng như Sa-mia A-min, Chủ tịch Diễn đàn thay thế nói: Cuộc khủng hoảng tài chính là cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản./.
Hà Nội một giờ tắt đèn  (28/03/2009)
Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung chính thức hoạt động  (28/03/2009)
Mục lục Chuyên đề cơ sở số 26 (2-2009)  (28/03/2009)
Dịch vụ cấp nước sạch năm 2009 sẽ tốt hơn năm 2008  (28/03/2009)
“Âm vang sông Hàn”  (28/03/2009)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay