Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 11 khai mạc tối 28-3 tại thị xã Lai Châu (tỉnh Lai Châu). Ngày hội diễn ra với qui mô lớn, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc và là dịp để các đồng bào các dân tộc giao lưu, giới thiệu nét văn hoá và quảng bá du lịch cho vùng đất Tây Bắc giàu đẹp và hào hùng của Tổ quốc.
 
Khai mạc "Ngày hội Văn hoá - Thể thao và Du lịch Tây Bắc"
Phát biểu chào mừng ngày hội, đồng chí Lò Văn Giàng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nêu rõ: "Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 11 là một sự kiện văn hoá lớn của vùng Tây Bắc, là dịp để giới thiệu, giao lưu, học hỏi, quảng bá với đồng bào trong vùng và cả nước, với bạn bè quốc tế, những giá trị văn hoá, thể thao, du lịch vô cùng phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc của các tỉnh trong vùng. Ngày hội cũng là một hoạt động văn hoá lớn của cả vùng Tây Bắc hoà trong nhiều hoạt động của cả nước kỷ niệm 55 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh Lai Châu, tỉnh Điện Biên và kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đảng bộ hai tỉnh".
Diễn văn khai mạc của Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: "Hoạt động của ngày hội là dịp gắn kết, phát huy, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống, đồng thời là dịp quảng bá tiềm năng du lịch, quảng bá hình ảnh con người Tây Bắc giàu lòng yêu nước, cần cù, thông minh, nhân nghĩa, thuỷ chung, đề cao tinh thần thượng võ. Ngày hội sẽ giúp gìn giữ những nét văn hoá độc đáo của các dân tộc vùng Tây Bắc qua các điệu múa, tiếng đàn, thể thao dân tộc của người Mường, người Mông , người Thái và các dân tộc anh em khác”.
Lễ hội lần thứ 11 có sự tham gia của 6 tỉnh trong khu vực.
Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 11 năm nay, có sự tham gia của đại diện 6 tỉnh trong khu vực là Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La và Hòa Bình, được diễn ra tại Lai Châu trong 4 ngày từ ngày 28 đến ngày 31-3-2009. Trong những ngày diễn ra lễ hội, các nghệ nhân và vận động viên đại diện cho cộng đồng các dân tộc sinh sống trong khu vực Tây Bắc sẽ tham gia nhiều hoạt động giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc Tây Bắc, triển lãm ảnh “Du lịch qua các vùng miền đất nước”, lễ hội truyền thống, trình diễn trang phục dân tộc..., cùng các hoạt động thể thao sôi nổi như cầu lông, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, tù lu, chạy việt dã... Hoạt động Du lịch sẽ có: Thi thuyết minh viên du lịch “Vẻ đẹp vùng Tây Bắc”, hội thảo “Phát triển Du lịch vùng Tây Bắc”, hội chợ văn hoá du lịch- thương mại Tây Bắc có gần 200 gian hàng, giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trang phục, các sản phẩm nghề truyền thống, nhạc cụ, văn hóa ẩm thực... của các dân tộc Mông,  Dao, Thái, La Hủ, Giáy, Hà Nhì, Cống, Lự...
Tây Bắc - vùng đất của những nền văn hoá đa dạng, xứ sở của hoa ban, quê hương của điệu xoè. Chính vì thế nói đến Tây Bắc không thể không nói tới múa xoè, nét đẹp văn hoá của đồng bào Thái dân tộc chiếm số đông ở khu vực này. Nhưng điểm đáng chú ý của ngày hội lần này là việc xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam về một màn đại múa xoè với sự tham gia của 1332  người mang tên " Đại đoàn kết các dân tộc", gồm 27 dân tộc anh em trong đó có 500 diễn viên từ các đoàn nghệ thuật trong tỉnh và trường Cao đẳng múa, 500 diễn viên không chuyên là các học sinh và con em người dân tộc thiểu số trong địa bàn tỉnh tham gia vòng xoè. Kỷ lục này được xác lập tối 27/3, các diễn viên đã xiết chặt tay nhau tạo nên 5 vòng tròn lớn, kết thành một bông hoa ban 5 cánh. Tâm của bông hoa chính là ngọn lửa của tinh thần đại đoàn kết của ngày hội.
Màn đại múa xòe kết thành 1 bông hoa ban 5 cánh
Ngày hội năm nay cũng có thêm một nét mới nữa, đó là màn thi trình diễn trang phục các dân tộc, từ đó sẽ bỏ phiếu chọn ra Người đẹp ngày hội. Bên cạnh đó, Ban tổ chức sẽ tiến hành thi Thuyết minh viên du lịch, chọn ra những người am hiểu và có khả năng thuyết minh hấp dẫn du khách về vùng du lịch Tây Bắc.
Kể từ lần đầu tiên tổ chức tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La năm 1992, đến nay đã trải qua 17 năm với 10 kỳ tổ chức ngày hội. Từ 3 tỉnh thành viên ban đầu nay đã có 6 thành viên. Các hoạt động của ngày hội luôn luôn được đổi mới, ngày càng phong phú, đa dạng, số lượng các diễn viên tham gia ngày càng đông hơn./.