TCCSĐT – Sáng ngày 21-9, tại Hà Nội, Ðại hội đồng lần thứ 31 Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (AIPA-31) đã họp phiên khai mạc. Ðây là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và trong năm Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA-31. Hơn nữa, năm nay Việt Nam cũng đồng thời giữ chức Chủ tịch ASEAN, vì vậy, Ðại hội đồng này có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác khu vực.

1. Chúc Tết Trung thu các cháu thiếu niên, nhi đồng

Từ ngày 20 đến ngày 21-9, nhân dịp Tết Trung thu, hàng loạt các chương trình văn nghệ thiếu nhi đã diễn ra khắp nơi trên cả nước. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi thư đến các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trung thu năm nay diễn ra trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chào mừng Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng, cũng là dịp các cháu vừa mới hân hoan bước vào năm học mới. Tối 21-9, tại Cung thiếu nhi Hà Nội, gần 2.000 cháu thiếu nhi của Thủ đô, trong đó có nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phấn khởi, quây quần quanh Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đón Tết Trung thu. Đến dự Ðêm hội trăng rằm "Nghìn năm nâng cánh ước mơ"còn có đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

2. Ðại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á thành công tốt đẹp

Từ ngày 21 đến ngày 24-9, Ðại hội đồng lần thứ 31 Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (AIPA-31) khai mạc tại Khách sạn Mê-li-a, Hà Nội. Ðại hội đồng đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ hai, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch AIPA-31. Tại phiên họp này, Ðại hội đồng đã nghe và thông qua các báo cáo của các Ủy ban của Ðại hội đồng; công bố việc Ấn Ðộ trở thành quan sát viên của AIPA; công bố về thời gian và địa điểm Ðại hội đồng AIPA-32. Trưởng đoàn các Nghị viện thành viên AIPA đã ký Thông cáo chung. Thông cáo chung của Ðại hội đồng nêu rõ diễn biến và kết quả của Ðại hội đồng AIPA-31. Tất cả các nội dung do các Ủy ban đệ trình đều nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu tham dự và đã được Ðại hội đồng nhất trí thông qua. Sau những ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, trong bầu không khí đoàn kết, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, Ðại hội đồng đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra. Hướng tới xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Ðại hội đồng nhất trí rằng, AIPA cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của mình để đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN. Bên cạnh đó, Ðại hội đồng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa quan hệ giữa AIPA và ASEAN và đề nghị thể chế hóa cuộc gặp chính thức giữa Lãnh đạo AIPA và Lãnh đạo ASEAN thành hoạt động thường niên.

3. Tiến hành tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc

Ngày 21-9, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 1752/CT-TTg, yêu cầu tiến hành tổng điều tra hộ nghèo trên phạm vi toàn quốc. Cuộc tổng điều tra được thực hiện từ ngày21-9 đến 30- 11-2010. Chỉ thị nêu rõ, các hộ nghèo được xác định dựa trên tiêu chí mức chuẩn nghèo và cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Cụ thể, hộ nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống đối với khu vực nông thôn, từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6 triệu đồng/người/năm) trở xuống đối với khu vực thành thị. Hộ cận nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000-520.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và từ 501.000-650.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Việc xác định chính xác, đầy đủ hộ nghèo, tỷ lệ nghèo ở từng địa phương và trên cả nước là căn cứ quan trọng cho việc xây dựng, thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội của đất nước.

Thủ tướng yêu cầu việc điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo phải được thực hiện từ thôn, bản, trực tiếp đối với từng hộ, đảm bảo công khai, dân chủ, có sự tham gia của các cấp, các ngành và của người dân, theo đúng hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhằm xác định đúng đối tượng, không bị trùng lặp, sót, phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân địa phương.

4. Hội thảo khoa học với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng: Kinh tế Việt Nam năm 2010, triển vọng năm 2011"

Trong hai ngày 21 và 22-9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng: Kinh tế Việt Nam năm 2010, triển vọng năm 2011". Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, doanh nhân trong và ngoài nước nhằm phân tích, đánh giá tình hình kinh tế nước ta năm 2010, triển vọng năm 2011, chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới. Hội thảo không chỉ tập trung đánh giá tình hình kinh tế năm 2010 và dự báo tình hình, đề xuất chính sách cho năm 2011 mà còn nhận diện và phân tích các vấn đề đang đặt ra mang tính trung và dài hạn của thời điểm quan trọng khi chúng ta chuẩn bị bước vào giai đoạn mới: thực hiện kế hoạch 5 năm, 2011-2015 và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, 2011 - 2020. Ðây cũng là điểm mới của cuộc hội thảo lần này, khác với các cuộc hội thảo về đánh giá tình hình kinh tế năm của các năm trước.

5. Kết luận của Ban Bí thư về Năm Thanh niên 2011

Ngày 23-9, Ban Bí thư ban hành Thông báo số 380-TB/TƯ, thông báo Kết luận của Ban Bí thư về Năm Thanh niên 2011. Ban Bí thư kết luận: Ðồng ý chủ trương lấy năm 2011 là "Năm Thanh niên" và cơ bản nhất trí Ðề án Năm Thanh niên 2011 của Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, với mục tiêu phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, sáng tạo, tinh thần tự nguyện của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với công tác thanh niên; đầu tư tập trung hơn cho công tác bồi dưỡng, giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng tổ chức Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh, phát triển các tổ chức thanh niên do Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh làm nòng cốt để tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên...Kết luận của Ban Bí thư cũng nêu rõ nhiệm vụ của Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các cấp ủy, các Ban Ðảng ở Trung ươngthực hiện Ðề án Năm Thanh niên 2011.

6. Ðại hội lần thứ VIII Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam

Ngày 23-9, tại Hà Nội, diễn ra Ðại hội Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2010-2015. Đại hội khẳng định, 5 năm qua, nền văn học – nghệ thuật nước nhà đã đạt được những thành tựu nổi bật về sự gia tăng số lượng tác phẩm; phát triển đội ngũ hội viên; tăng cường hoạt động lý luận phê bình; tích cực đẩy mạnh giao lưu quốc tế; góp phần quan trọng đưa văn hóa dân tộc phát triển lên một bước mới, xây dựng nền tảng tinh thần xã hội làm động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Trong nhiệm kỳ mới, giới Văn học – Nghệ thuật cần tập trung trí tuệ và sức lực thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu, mà trọng tâm là phải phấn đấu để có nhiều tác phẩm hay làm rung động lòng người; đẩy mạnh học tập, quán triệt Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng, vận dụng vào hoạt động của các tổ chức hội, tạo chuyển biến mới về nhận thức, tư tưởng, đi vào thực tiễn; coi trọng chăm sóc tài năng trẻ; tăng cường đi thực tế; kiện toàn, đổi mới mạnh mẽ các hội; nâng cao chất lượng các cơ quan báo chí, xuất bản Hội; đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình; đầu tư có trọng điểm; tích cực giao lưu, hội nhập quốc tế; các hội chuyên ngành có trách nhiệm hợp tác giúp đỡ các hội địa phương; mạnh dạn đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Liên hiệp theo đúng chức năng là tổ chức đầu mối và cơ quan phối hợp hoạt động VH-NT cả nước.

7. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết thúc tốt đẹp chuyến đi tham dự Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc

Sáng 26-9, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến đi tham dự Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) kiểm điểm việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và đồng chủ trì Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ hai, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, tại thành phố Niu Oóc, Hoa Kỳ. Tại diễn đàn LHQ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có các bài tham luận trong phiên họp toàn thể, phiên thảo luận bàn tròn về chủ đề "Thúc đẩy phát triển bền vững". Chủ tịch nước chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam, là quốc gia được cộng đồng quốc tế nhìn nhận trong số những nước đi đầu về thực hiện các MDGs; bày tỏ ý kiến về những ưu tiên của cộng đồng quốc tế. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Nhà nước Việt Nam đã thực hiện cam kết qua việc thể chế hóa các MDGs để thực hiện có hiệu quả, lồng ghép các MDGs vào chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển ở các cấp, phát huy sự tham gia của người dân. Chiều 24-9, theo giờ địa phương, tại thành phố Niu Oóc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã cùng Tổng thống Hoa Kỳ Ba-rắc Ô-ba-ma đồng chủ trì Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ hai. Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ lần thứ hai đã ra Tuyên bố chung, trong đó đề ra các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác nhiều mặt ASEAN - Hoa Kỳ và nhất trí phấn đấu đưa quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ phát triển lên tầm cao mới. Các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ đã nhất trí tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ ba vào năm 2011. Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới dự và phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Niu Oóc, do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức.

8. Khai mạc Diễn đàn Nhân dân ASEAN lần thứ 6 ( APF-6 )

Ngày 24 đến ngày 26-9, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Nhân dân ASEAN lần thứ sáu (APF-6). Dự Diễn đàn có 700 đại biểu đại diện cho các tổ chức nhân dân các nước ASEAN... Tại diễn đàn các đại biểu dự 6 phiên họp toàn thể và 16 hội thảo về các vấn đề: hội nhập và hợp tác kinh tế, thương mại; trẻ em; nông dân, nông nghiệp và phát triển nông thôn; biến đổi khí hậu; tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, nước; người khuyết tật; tăng cường quyền năng cho phụ nữ và bình đẳng giới... Qua ba ngày thảo luận sôi nổi, với sáu phiên toàn thể và 16 hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những khuyến nghị về các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội... đối với các nhà lãnh đạo ASEAN, góp phần tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết và sự hợp tác giữa các tổ chức nhân dân trong khu vực, từ đó góp phần tích cực tham gia xây dựng một Cộng đồng chung ASEAN hướng về nhân dân. Ðây cũng là dịp để các bạn bè quốc tế tìm hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam.

9. CPI tháng 9 tăng kỷ lục trong 10 năm gần đây

Ngày 24-9, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2010 của cả nước đã “bất ngờ” tăng 1,31% so với tháng 8-2010 và đạt mức tăng kỷ lục so với các tháng 9 kể từ năm 2000 đến nay. Với đà tăng này, CPI tháng 9 năm nay đã tăng 8,92% so với tháng 9-2009; đưa CPI 9 tháng qua tăng 6,46% so với tháng 12-2009 và tăng 8,64% so với cùng kỳ năm 2009. Với diễn biến CPI của hai “đầu tàu” kinh tế là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng gần 1% trong tháng 9 (bất chấp các biện pháp bình ổn 8 mặt hàng thiết yếu) đã tác động mạnh mẽ lên CPI chung cả nước. Điều này làm các chuyên gia cảnh báo mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 8% sẽ không dễ, bởi Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với các tác động phức tạp đan xen từ sự bất ổn của kinh tế thế giới, dịch bệnh, thiên tai trong nước…Trong khi đó, theo quy luật tăng giá tiêu dùng nhiều năm, quý IV thường có CPI tăng cao.

10. ILO chung tay xây dựng Con đường gốm sứ

Sáng 24-9, đoạn tranh trên Con đường gốm sứ với bức phù điêu “Việc làm bền vững và hợp tác ba bên” do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tài trợ đã được khánh thành. Đoạn tranh nằm ở vị trí ngã ba đường Nghi Tàm - Yên Phụ - Âu Cơ, với chiều dài 76m, cao1m70. Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn, tác giả của bức tranh kỷ lục “Hà Nội - chiến lũy và hoa”, là người thiết kế đoạn tranh này. Đến ngày 25-9, toàn bộ dự án Con đường gốm sứ với chiều dài 3.950m đã hoàn thành về cơ bản. Các nghệ nhân, họa sĩ tham gia thực hiện dự án đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng, sửa chữa một số chỗ nứt nhỏ do tác động của lực rung (do mật độ giao thông qua lại dày đặc)... Con đường gốm sứ sẽ được chính thức khánh thành và gắn biển Công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vào ngày 5-10 tới. Công trình cũng đã được Tổ chức Guiness thế giới công nhận là Bức tranh gốm dài nhất thế giới./.