TCCSĐT - Với chủ đề “Công nghệ thông tin vì sự phát triển bền vững”, Diễn đàn WITFOR 2009 bao gồm 7 phiên họp toàn thể và 32 phiên họp song song, tập trung vào các vấn đề hướng tới Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện Kế hoạch hành động của Hội nghị thượng đỉnh về Xã hội thông tin (WSIS). Tới dự phiên khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành trong nước cùng nhiều quan chức cấp cao quốc tế. Gần 1.500 đại biểu đến từ 70 quốc gia trên thế giới tham dự Diễn đàn.

Sáng nay, 26-8, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) đã khai mạc trọng thể Diễn đàn Công nghệ thông tin Thế giới (WITFOR) 2009. WITFOR 2009 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 26 đến ngày 28 - 8-2009.
 

Mục tiêu của WITFOR:

- Khuyến khích việc thực hiện các sáng kiến phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT & TT) của các tổ chức, các bộ, ngành và các cơ quan trong lĩnh vực CNTT & TT.

- Tạo cơ hội giao lưu, trao đổi giữa các nhóm đối tượng khác nhau nhằm đảm bảo sự cần thiết của việc ứng dụng CNTT vào mọi mặt của đời sống xã hội hiệu quả và bền vững.

- Hỗ trợ về mặt tài chính cho các tổ chức quốc tế và các tổ chức từ thiện mở rộng ứng dụng CNTT & TT và các phương pháp tiếp cận thông tin.

- Chủ động ứng dụng các CNTT mới nhằm giảm thiểu mâu thuẫn và áp lực tồn tại trong xã hội.

- Khuyến khích giới học thuật, các nhà phân tích, nhà nghiên cứu ứng dụng CNTT nhiều hơn trong lĩnh vực nghiên cứu.

- Từ những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Diễn đàn giúp cho các quốc gia đang phát triển tiếp cận, học hỏi, lắng nghe các công CNTT mới, áp dụng phù hợp đối với quốc gia của mình.

- Hỗ trợ hướng dẫn và tư vấn cho cơ quan chính phủ, các bộ, ngành phát triển các chiến lược ứng dụng CNTT hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu bình đẳng CNTT & TT toàn cầu.

Diễn đàn WITFOR
được tổ chức theo sáng kiến của Liên hiệp quốc về khoa học công nghệ thông tin - truyền thông (IFIP) với mục tiêu tăng cường hợp tác, hỗ trợ các nước đang phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần thực hiện thành công “Mục tiêu Thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc và triển khai “Kế hoạch hành động” của Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Xã hội thông tin (WSIS).

Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, WITFOR 2009 tổ chức tại Hà Nội là cơ hội để các nước thảo luận một cách toàn diện và sâu sắc về vai trò của công nghệ thông tin trong việc giải quyết các thách thức đối với sự phát triển bền vững như: việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đói nghèo và khủng hoảng toàn cầu.

Theo dự kiến trong 3 ngày diễn ra WITFOR 2009, sẽ có hơn 100 diễn giả quốc tế và 30 diễn giả trong nước trình bày các tham luận và trao đổi cùng 1500 đại biểu tại 7 phiên họp toàn thể và 32 phiên họp song song của 8 ủy ban chuyên môn.

Các phiên họp toàn thể gồm các chủ đề chính: phát biểu của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và quan chức cấp cao quốc tế; các báo cáo của các diễn giả nổi tiếng thảo luận các vấn đề chiến lược, chính sách vĩ mô liên quan đến vai trò của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội trong thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; hợp tác nhà nước với tư nhân; công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ phát triển bền vững; xu hướng công nghệ tương lai và vấn đề bình đẳng giới.

Bên cạnh các phiên họp toàn thể, các ủy ban chuyên môn sẽ đi sâu thảo luận các chuyên đề về chính phủ điện tử, hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực, phần mềm mã nguồn mở cùng các giải pháp và bài học ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội như: nông nghiệp, y tế, môi trường, giáo dục và thúc đẩy thương mại, kinh doanh.

Ở Việt Nam hiện có khoảng 4,000 công ty hoạt động trong lĩnh vực CNTT và viễn thông với gần 300.000 nhân viên. Số lượng các công ty phần mềm ước tính khoảng 800, với số nhân công trên 45.000 người. Hầu hết các doanh nghiệp phần mềm đều ở quy mô nhỏ, chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp có từ 100 đến 500 nhân viên. Về các chứng nhận chất lượng, có khoảng 20 doanh nghiệp nhận được các chứng nhận quản lý chất lượng quốc tế như CMMI-5, CMM-4, CMM-3, và khoảng 40 doanh nghiệp đã được chứng nhận ISO 9001 và ISO 27001.

Ngoài chương trình làm việc chính thức, WITFOR 2009 còn có các sự kiện bên lề như: hoạt động đối ngoại, giao lưu, xúc tiến thương mại; hoạt động cộng đồng nhằm đưa công nghệ thông tin đến gần hơn với người dân thông qua các chương trình:

- Chương trình Đối thoại “Công nghệ thông tin - Đánh giá đa chiều” (Hing Level ICT public-private dialogue) với sự tham gia chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn công nghệ thông tin trong nước và quốc tế (sẽ được phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) từ 16 giờ 30 đến 18 giờ ngày 26-8-2009.

- “Chương trình máy tính cho cuộc sống” (PCs for Life) nhằm xây dựng quỹ máy tính cho người dân nghèo thông qua vận động quyên góp từ các tổ chức, doanh nghiệp hảo tâm trong và ngoài nước. Từ tháng 1-2009 đến nay, chương trình đã trao tặng đồng bào ở các tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Kon Tum, Gia Lai hơn 300 máy tính, trị giá 1,5 tỉ đồng.

Triển lãm quốc tế về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Ecxhibition).

Chương trình Kết nối doanh nghiệp ICT (ICT Networking) diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 26 đến ngày 28-8-2009.

Với quy mô mang tầm quốc tế, WITFOR 2009 tại Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội do Liên hợp quốc đề xướng, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm thu hút của khu vực về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông./.