1. Căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Cộng hòa Séc

Ngày 17-8-2009, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp ra tuyên bố lên án quyết định của Cộng hòa Séc trục xuất hai nhà ngoại giao Nga với tội danh “làm gián điệp”. Ông Xéc-gây La-vrốp coi đây là một hành động khiêu khích, được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trong mối quan hệ giữa Nga với một số nước láng giềng thân phương Tây gồm U-crai-na và Gru-di-a. Ngày 18-8-2009, hãng tin Nga Interfax đưa tin, Mát-xcơ-va đã ra lệnh trục xuất hai nhà ngoại giao Cộng hoà Séc nhằm đáp trả hành động tương tự mà Pra-ha đã áp đặt với hai nhà ngoại giao Nga một ngày trước đó. Quan hệ Nga - Séc trở nên lạnh nhạt sau khi Pra-ha cho phép Mỹ triển khai một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia trên lãnh thổ mình và ủng hộ Gru-di-a trong cuộc xung đột quân sự giữa nước này với Nga hồi tháng 8 năm 2008.

2. Vê-nê-du-ê-la thực hiện kế hoạch thiết lập 70 “căn cứ hòa bình”

Ngày 17-8-2009, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la bắt đầu thực hiện kế hoạch thiết lập 70 “căn cứ hòa bình” và coi đây là đối trọng với các căn cứ quân sự của Mỹ tại Cô-lôm-bi-a. Theo đó, việc triển khai các “căn cứ hòa bình” này sẽ được hoàn tất trong vòng 15 ngày. Tất cả các căn cứ này đều được đặt tại các khu vực tự trị tiếp giáp với biên giới Cô-lôm-bi-a. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Vê-nê-xu-ê-la phụ trách các vấn đề Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê kêu gọi, mỗi công dân Vê-nê-xu-ê-la cần trở thành một người lính để bảo vệ chính tổ quốc của mình. Trước đó, ngày 14-8-2009, Cô-lôm-bi-a đã hoàn tất quá trình đàm phán về bản Hiệp ước hợp tác quân sự với Mỹ, theo đó, cho phép quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự tại Cô-lôm-bi-a trong “cuộc chiến chống khủng bố và buôn bán thuốc phiện” trong khu vực.

3. NATO triển khai chiến dịch “Lá chắn đại dương” trên vùng biển Sừng châu Phi

Ngày 17-8-2009, NATO bắt đầu triển khai chiến dịch “Lá chắn đại dương” trên vùng biển Sừng châu Phi để tìm diệt hải tặc. Chiến dịch “Lá chắn đại dương” là phần tiếp theo của chiến dịch NATO đang tiến hành mang tên “Lá chắn đồng minh”. Trong khuôn khổ chiến dịch mới lần này, ngoài mục tiêu tìm diệt hải tặc, NATO còn tạo điều kiện giúp các nước trong khu vực Sừng châu Phi khả năng tự đối phó với bọn hải tặc lâu nay vẫn hoành hành ở vùng biển có nhiều tàu hàng qua lại này. NATO đã thành lập Bộ chỉ huy đóng tại Lít-sbon (Bồ Đào Nha) để trực tiếp theo dõi và chỉ huy các các đơn vị quốc tế phối hợp tham gia chiến dịch. Nhiều quốc gia thành viên NATO cử tàu chiến và binh sĩ tham gia chiến dịch “Lá chắn đại dương”.

4. Gru-di-a sẽ chính thức ra khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG)

Ngày 18-8-2009, Thứ trưởng Ngoại giao Gru-di-a, ông Đa-vít Đi-a-la-ga-ni-a, tuyên bố, Gru-di-a chính thức ra khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Bộ Ngoại giao Gru-di-a đã có công hàm chính thức thông báo với thường trực Tổ chức SNG về quyết định này. Như vậy, kể từ ngày 18-8-2009, Gru-di-a sẽ không còn là thành viên SNG nữa. Tuy vậy, chính quyền Gru-di-a vẫn sẵn sàng ký kết các Hiệp ước hữu nghị song phương với các quốc gia thành viên của SNG với điều kiện tôn trong sự nguyên vẹn lãnh thổ của các bên. Nhân sự kiện này, Tổng thống Bê-la-rút, ông Lu-ca-sen-cô, tuyên bố, quyết định của Gru-di-a rút khỏi SNG là một sai lầm nghiêm trọng.

5. Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế thường niên MAKS-2009

Ngày 18-8-2009, Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế thường niên MAKS-2009, một trong những triển lãm kỹ thuật hàng không dân dụng và quân sự lớn nhất thế giới, khai mạc tại thành phố Giu-cốp-xcơ (Zhukovsk), ngoại ô Mát-xcơ-va với sự tham gia của 711 công ty từ 34 nước trên thế giới. Một trong những mục đích chính của triển lãm lần này là hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm của các công ty Nga trong lĩnh vực chế tạo máy bay và tên lửa - vũ trụ ra thị trường thế giới. Đây còn là sự chuẩn bị cho giai đoạn sau khủng hoảng, trong đó Nga đặt mục tiêu chiếm lĩnh 5% thị phần máy bay dân dụng thế giới vào năm 2015 và 10% vào năm 2025. Tại triển lãm, các tập đoàn hàng đầu của ngành công nghiệp hàng không Nga SUKHOI và MIG trình làng những thiết kế mới nhất, như máy bay chiến đấu đa năng SU-35 và MIG-35, máy bay ném bom chiến trường SU-32, máy bay chở khách tầm trung SuperJet-100, máy bay chở khách đường dài mới MS-21. Đặc biệt, Nga giới thiệu công nghệ chế tạo máy bay siêu cao tốc, có khả năng bay với tốc độ 5-7 lần tốc độ âm thanh. Đây là loại máy bay độc nhất vô nhị trên thế giới.

6. Hội đàm cấp cao Nga - I-xra-en

Ngày 18-8-2009, Tổng thống Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép hội đàm với người đồng cấp I-xra-en Si-môn Pê-rết về tình hình Trung Đông và vấn đề hạt nhân của I-ran. Nga mong muốn tổ chức một hội nghị quốc tế để thảo luận về tiến trình hòa bình Trung Đông. Tại cuộc gặp, Tổng thống Mét-vê-đép đánh giá ông Pê-rết là "một trong những chính trị gia có kinh nghiệm nhất thế giới" và bày tỏ sẵn sàng thảo luận về quan hệ song phương và những thách thức khu vực cùng "những vấn đề gai góc khác liên quan đến tình hình Trung Đông". Đáp lại, ông Pê-rết "đặt nhiều hy vọng" vào cuộc thảo luận này. Ông cho biết, I-xra-en cũng muốn Nga, nước có quan hệ gần gũi với I-ran, tăng cường áp lực đối với Tê-hê-ran về vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

7. Hai miền Nam và Bắc ở Xu-đăng đạt được thỏa thuận về Hiệp định hòa bình

Ngày 19-8-2009, đại diện hai miền Nam và Bắc ở Xu-đăng đã đạt được thỏa thuận về việc thực hiện những vấn đề còn bất đồng trong Hiệp định hòa bình, được ký kết năm 2005, nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 22 năm qua tại quốc gia châu Phi này. Thỏa thuận trên đạt được sau nhiều tháng đàm phán giữa hai bên. Những vấn đề được nêu trong thỏa thuận gồm việc phân chia ranh giới giữa hai miền Nam - Bắc, giải pháp cho khu vực tranh chấp có trữ lượng dầu mỏ lớn ở A-bi-ây (Abyei), các nỗ lực chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm 2010 và nỗ lực thúc đẩy hòa bình ở khu vực Đa-phơ (Darfur) bị chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa nhất trí về một số vấn đề như chia sẻ quyền lực, nguồn lợi dầu mỏ và một số tài nguyên thiên nhiên khác. Những vấn đề này sẽ được tiếp tục thảo luận tại cuộc đàm phán giữa hai bên dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 9-2009.

8. Bầu cử tổng thống ở Áp-ga-ni-xtan

Ngày 20-8-2009, khoảng 17 triệu cử tri Áp-ga-ni-xtan đã đi bỏ phiếu để bầu ra một vị tổng thống mới và 420 đại biểu trong hội đồng của 34 tỉnh. Đây là cuộc bầu cử tổng thống và hội đồng địa phương thứ hai ở quốc gia Nam Á này kể từ khi lực lượng Ta-li-ban bị lật đổ năm 2001. Nếu như với người dân Áp-ga-ni-xtan, cuộc bầu cử mang kỳ vọng có tính bước ngoặt về hòa bình, an ninh cho đất nước thì với Mỹ và các đồng minh phương Tây, đây lại là "phép thử" cho những nỗ lực của họ. Tình hình bất ổn và căng thẳng tại Áp-ga-ni-xtan khiến không ít người lo ngại về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống tại nước này. Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp siết chặt an ninh, trong ngày bầu cử vẫn xảy ra các vụ tấn công của Ta-li-ban, khiến một số điểm bỏ phiếu không thể mở cửa. Ủy ban bầu cử cho biết, có 32 ứng cử viên, trong đó có 2 nữ, tham gia tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 5 năm tới. Các ứng cử viên tổng thống sáng giá nhất hiện nay gồm Tổng thống đương nhiệm Ha-mít Ca-dai (Hamid Karzai) và 3 cựu bộ trưởng là Áp-đu-la Áp-đu-la (Abdullah Abdullah), A-sơ-ráp Ga-ni A-mát-dai (Ashraf Ghani Ahmadzai) và Ra-ma-dan Ba-xa-đốt (Ramazan Bashardost). Trong trường hợp không ứng cử viên nào giành được số phiếu quá bán ngay tại vòng một, vòng hai của cuộc bầu cử sẽ được tiến hành trong vòng hai tuần sau đó. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 17-9-2009./.