Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
TCCS - Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là một trong ba khâu đột phá quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược(1) và được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả.
Thực hiện chủ trương “... xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”
Tỉnh ủy Quảng Ngãi xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn 2020 - 2025, cụ thể:
Một là, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận; chủ động tích cực phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài, có khát khao cống hiến. Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp cách mạng và lợi ích quốc gia, dân tộc.
Hai là, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác cán bộ; rà soát, hoàn thiện quy định hiện hành và xây dựng quy định mới liên quan đến tất cả các khâu trong công tác cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, tập trung vào tiêu chuẩn cán bộ và quy trình công tác cán bộ ở tất cả các cấp trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; coi trọng tiêu chuẩn năng lực thực tiễn đã được khẳng định; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ.
Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và người đứng đầu các cơ quan của tỉnh có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng khảo sát, đánh giá thực trạng và dự báo nhu cầu nhân lực trong hệ thống chính trị của các cơ quan, địa phương, đơn vị; rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của cơ quan, địa phương, đơn vị và của tỉnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Bốn là, các cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác liên quan đến nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh từ tỉnh đến cơ sở phải “trung thành, trung thực, gương mẫu, trong sáng, tinh thông và chuyên nghiệp” ngang tầm nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là yêu cầu cấp ủy, tập thể, cá nhân có thẩm quyền về công tác cán bộ phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ.
Năm là, triển khai hiệu quả chủ trương thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo tinh thần Kết luận số 86-KL/TW, ngày 24-1-2014, của Bộ Chính trị “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”, Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, ngày 5-12-2017, của Chính phủ “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”... Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút được 9 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về tỉnh công tác (khối Đảng và đoàn thể: 2 công chức; khối chính quyền: 2 công chức, 5 viên chức).
Sáu là, tiếp tục đổi mới, kiện toàn và từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế. Hoàn thiện hệ thống danh mục, bản mô tả vị trí việc làm để làm cơ sở tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Bảy là, chuẩn bị nguồn lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó ưu tiên phát triển nhân lực về chuyển đổi số phục vụ cho công tác trong lãnh đạo, quản lý,... theo kịp yêu cầu của thời đại; phấn đấu nâng chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh (ITC index) đạt mức trung bình khá của cả nước trước năm 2025. Thực hiện theo lộ trình phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn an ninh mạng đạt trình độ cơ bản cho người dân. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tám là, ban hành các đề án, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực theo thẩm quyền; bảo đảm khắc phục hạn chế, bất cập trong phát triển nguồn nhân lực của tỉnh thời gian qua (nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường...).
Chín là, tạo nguồn và đào tạo cán bộ. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các đề án quan trọng về công tác cán bộ(2); Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, sàng lọc, phát hiện, chọn cử cán bộ trẻ có phẩm chất tốt, có tiềm năng để cử đi đào tạo nâng cao trình độ tại các cơ sở đào tạo uy tín ở trong và ngoài nước nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận về khoa học, công nghệ và lãnh đạo, quản lý cho tỉnh trong thời gian tới. Xây dựng và hoàn thành quy hoạch cán bộ ở các cấp làm cơ sở cho quy hoạch các chức danh lãnh đạo của tỉnh. Hiện nay, đã thực hiện xong quy trình quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh lãnh đạo cấp tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031.
Tỉnh Quảng Ngãi đã cụ thể hóa, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng quy định, quy chế và tổ chức thực hiện đối với công tác cán bộ trong toàn tỉnh(3); thực hiện kiểm tra, giám sát và chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, quy định, quy chế của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ. Cụ thể:
Thứ nhất, về công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, cấp ủy các cấp, lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đã có nhiều chuyển biến cả về nhận thức và cách làm. Nội dung, quy trình, phương pháp đánh giá cán bộ ngày càng được đổi mới, đi vào thực chất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Quy định số 1263-QĐ/TU, ngày 9-11-2023 về cụ thể hóa một số nội dung về đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý kèm theo 189 khung tiêu chí đánh giá cơ quan, cá nhân và tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp nhận xét, đánh giá, kết luận và yêu cầu cấp dưới cụ thể hóa tiêu chí đánh giá cán bộ đã phân cấp; Hướng dẫn số 13-HD/TU, ngày 10-11-2023, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “về cụ thể hóa một số nội dung về đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý” để triển khai thực hiện, đưa công tác nhận xét, đánh giá cán bộ dần đi vào nền nếp, tạo tiền đề để thực hiện tốt các khâu khác trong công tác cán bộ.
Thứ hai, công tác quy hoạch cán bộ, các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo đúng quy trình, quy định; quan tâm đổi mới nội dung, cách làm, dân chủ, công khai. Chất lượng cán bộ được quy hoạch ngày càng bảo đảm theo tiêu chuẩn, điều kiện; trước khi đưa vào quy hoạch các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã thực hiện công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, đồng thời kết hợp thẩm định tiêu chuẩn chính trị trước khi trình cấp trên phê duyệt quy hoạch. Thực hiện Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27-12-2021, của Bộ Chính trị “Về công tác quy hoạch cán bộ”, Hướng dẫn số 16-HD/TW, ngày 15-2-2022, của Ban Tổ chức Trung ương “Một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Hướng dẫn số 05-HD/TU, ngày 18-2-2022 “Về công tác quy hoạch cán bộ và yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa và triển khai thực hiện”. Tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành việc giới thiệu quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chính thức nhiệm kỳ 2026 - 2031; quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030 và nhiệm kỳ 2026 - 2031 đúng thời hạn và thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch thường xuyên theo quy định(4).
Thứ ba, về bố trí sử dụng, bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 991-QĐ/TU, ngày 20-2-2023 cụ thể hóa Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18-8-2022, của Bộ Chính trị “Về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”; Quy định số 1037-QĐ/TU, ngày 18-4-2023, “về quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và ủy viên ban chấp hành đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy” để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp cụ thể hóa, xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện đồng bộ các quy định, quy chế về công tác cán bộ; trong đó, tập trung vào việc khắc phục hạn chế để công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ của tỉnh ngày càng nền nếp, hiệu quả hơn; phân định rõ trách nhiệm trong việc đề xuất, tham mưu, thẩm định và quyết định trong công tác cán bộ; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan hơn; góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hành vi chạy chức, chạy quyền và các hành vi tiêu cực khác. Công tác nhân sự thường xuyên được triển khai thực hiện bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy trình, quy định. Thực hiện tốt chủ trương bí thư cấp ủy không phải là người địa phương; cán bộ không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ và việc luân chuyển cán bộ trẻ có triển vọng đang công tác ở cấp tỉnh về làm bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã để rèn luyện, đào tạo cán bộ của tỉnh trong tương lai.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thực hiện quy trình kiện toàn, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử 167 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Thực hiện tốt công tác nhân sự thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp quản lý.
Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 1754-CV/TU, ngày 22-8-2023 chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11-7-2023, của Bộ Chính trị “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”. Chỉ đạo rà soát việc bố trí, sắp xếp người có quan hệ gia đình trong bộ máy lãnh đạo; kịp thời rà soát 5 trường hợp (1 trường hợp ở cấp huyện và 4 trường hợp ở cấp xã) có quan hệ gia đình đang đảm nhiệm chức vụ liên quan; bố trí, sắp xếp lại đối với 1 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; ban thường vụ cấp ủy cấp huyện đã ban hành kế hoạch bố trí, sắp xếp lại đối với 4 trường hợp ở cấp xã theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng khẩn trương rà soát, ban hành mới quy chế làm việc của cấp mình(5). Việc ban hành quy chế làm việc đồng bộ đã phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Về phát hiện, lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung: Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, ngày 5-12-2017, của Chính phủ “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”; ban hành Quy định số 887-QĐ/TU, ngày 12-12-2022, cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021, của Bộ Chính trị, về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung triển khai thực hiện trong toàn tỉnh, Quy định số 1167-QĐ/TU, ngày 11-8-2023, “về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”...
Về miễn nhiệm, thay thế cán bộ bị kỷ luật, phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút: Thực hiện Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Bộ Chính trị “Về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”; Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8-9-2022, của Bộ Chính trị “Về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 09-HD/TU, ngày 14-11-2022, “về chủ trương bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật”; đã cho 6 cán bộ từ chức, miễn nhiệm (cấp tỉnh 2 cán bộ từ chức; cấp huyện và tương đương 4 cán bộ từ chức, miễn nhiệm).
Về công tác cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 12-11-2021, “về tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Đây là chủ trương lớn, mang tính đột phá của tỉnh. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án 08-ĐA/TU, chất lượng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ nữ, trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số được các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chú trọng và có chuyển biến tích cực.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành và triển khai thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 27-1-2022, “về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Quy chế số 19-QC/TU, ngày 16-8-2022, “về quản lý đào tạo lý luận chính trị trong hệ thống chính trị của tỉnh”; Quy chế số 31-QC/TU, ngày 7-8-2023, “về phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc thẩm quyền xem xét, cho chủ trương, quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy”; ký kết hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng để thực hiện đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh... Việc đào tạo cao cấp lý luận chính trị bảo đảm đúng tỷ lệ 1/1,2 (1 hệ tập trung/1,2 hệ không tập trung). Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 655 lớp đào tạo, bồi dưỡng với khoảng 45.692 lượt cán bộ tham gia; cử gần 1.000 lượt cán bộ tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước (trong đó, 438 lượt đồng chí được đào tạo cao cấp lý luận chính trị; 2.792 đồng chí được đào tạo trung cấp lý luận chính trị).
Bài học kinh nghiệm rút ra và một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt
Từ việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, tỉnh Quảng Ngãi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, qua đó thấy rõ trách nhiệm của mình đối với việc đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả; nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là bí thư cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.
Hai là, trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ phải luôn bảo đảm sự hài hòa, hợp lý; mọi chủ trương thiên lệch đều không đem lại kết quả như mong muốn. Đó là việc hài hòa giữa kế thừa và phát triển; giữa “xây” và “chống”; giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa “đức” và “tài”; giữa bằng cấp và năng lực thực tiễn; giữa tính phổ biến và đặc thù; giữa thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể và cá nhân; giữa phân cấp, phân quyền phải đi đôi với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra giám sát và ràng buộc trách nhiệm; giữa siết chặt kỷ luật, kỷ cương với tạo môi trường để cán bộ phát huy tính chủ động, sáng tạo và có cơ chế bảo vệ cán bộ...
Ba là, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải đặc biệt quan tâm và phải có trách nhiệm đánh giá, bố trí cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp. Đây là những người có vai trò quan trọng, quyết định tới kết quả hoạt động của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
Để thực hiện hiệu quả công tác phát triển nguồn nhân lực cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ hai, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc rà soát và xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp nhằm bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định; chỉ đạo tập trung khắc phục các trường hợp chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Trong quá trình xét duyệt nhân sự để bổ nhiệm, chỉ định, giới thiệu cán bộ ứng cử, các cơ quan, đơn vị, địa phương không được xét duyệt cho thực hiện quy trình đối với nhân sự chưa bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Thứ ba, tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm theo tiêu chuẩn chức danh. Quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ kế cận, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; có cơ chế phát hiện, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có năng lực nổi trội và triển vọng vào vị trí lãnh đạo, quản lý.
Thứ tư, thực hiện nhất quán chủ trương ưu tiên xét tuyển, thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào các vị trí việc làm trong hệ thống chính trị cấp tỉnh, cấp huyện. Chỉ thực hiện thi tuyển, xét tuyển đối với các vị trí việc làm không có hồ sơ đăng ký xét tuyển hoặc xét tuyển sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ không đạt yêu cầu. Xét tuyển sinh viên tốt nghiệp loại giỏi vào làm công chức cấp xã thông qua việc đăng tuyển thu hút, khi không có người tham gia mới thực hiện tuyển theo hình thức khác.
Thứ năm, thực hiện luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh; nhất là luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện có trong quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn về làm bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã. Thực hiện luân chuyển, điều động và bố trí ngang cấp đối với cán bộ cấp phòng giữa tỉnh và huyện; giữa khối Nhà nước và khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh...
Thứ sáu, đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện chủ trương, quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác cán bộ đối với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc; tập trung kiểm tra, giám sát các khâu trong quy trình công tác cán bộ, nhất là về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, quy định trong bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo phân cấp.
Thứ tám, đột phá trong bổ nhiệm cán bộ có năng lực nổi trội trong hoạt động công vụ. Trên cơ sở quy định và hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp thành lập hội đồng thẩm định, đánh giá kết luận và triển khai việc sử dụng, đãi ngộ và bổ nhiệm vượt cấp./.
-------------------
(1) Các đột phá: 1- Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp; 2- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; 3- Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển.
(2) Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 28-10-2021 thực hiện thí điểm mô hình “Dân tin - Đảng cử” tại các huyện Ba Tơ, Tư Nghĩa và Bình Sơn; Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 23-11-2021 về tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 27-1-2022 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030
(3) Trong giai đoạn 2021 - 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về công tác cán bộ theo quy định mới của Trung ương, cụ thể như: Hướng dẫn số 04-HD/TU, ngày 25-10-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp năm 2021 và Hướng dẫn số 13-HD/TU, ngày 10-11-2023, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số nội dung về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể và cá nhân trong hệ thống chính trị tỉnh. Quy định số 991-QĐ/TU, ngày 20-2-2023, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quy định số 809-QĐ/TU, ngày 8-11-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cụ thể hóa Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 28-4-2022, của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Hướng dẫn số 09-HD/TU, ngày 14-11-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện chủ trương bố trí cán bộ sau kỷ luật theo Thông báo kết luận số 20-TB/TW, ngày 8-9-2022, của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW, ngày 20-9-2022, của Ban Tổ chức Trung ương về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Hướng dẫn số 05-HD/TU, ngày 18-2-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quy hoạch cán bộ cụ thể hóa Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27-12-2021, của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ...
(4) Kết quả: Phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 đối với 61 đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030 đối với 15 đồng chí; phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2026 - 2031 đối với 4 đồng chí, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2026 - 2031 đối với 5 đồng chí; ban thường vụ cấp ủy cấp huyện 167 đồng chí; bí thư cấp ủy cấp huyện 26 đồng chí; phó bí thư cấp ủy cấp huyện 63 đồng chí; chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện 24 đồng chí; chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện 27 đồng chí; phó chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện 25 đồng chí; phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện 55 đồng chí. Bổ sung quy hoạch đối với 47 cấp trưởng, 77 cấp phó; quy hoạch 93 cấp trưởng, 222 cấp phó là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý các nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và các nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031.
(5) Đối với cấp tỉnh: Quy chế làm việc số 01-QC/TU, ngày 9-1-2020 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy khóa XX và Quy chế số 17-QC/TU, ngày 18-2-2022 về sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc số 01-QC/TU, ngày 9-12-2020; Quy chế làm việc số 22-QC/TU, ngày 23-3-2023 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Quyết định số 1310-QĐ/TU, ngày 6-12-2023, của Tỉnh ủy, về bãi bỏ một phần của Quy chế làm việc số 22-QC/TU, ngày 23-3-2023 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Giải pháp góp phần tăng cường năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ Thủ đô  (01/10/2024)
Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nhằm củng cố niềm tin của nhân dân, giữ gìn uy tín, thanh danh của Đảng (Kỳ 1)  (17/07/2024)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên