Sáng 23-9, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII thông qua ngày 27-8-2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009.

Pháp lệnh, có 6 chương với 72 điều, quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành án dân sự, thực hiện tương trợ tư pháp và thẩm quyền.

Pháp lệnh cũng quy định rõ trình tự, thủ tục thả tàu biển đang bị bắt giữ, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Từ Văn Nhũ cho biết: chỉ có Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, nơi có cảng biển và cảng thủy nội địa mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải, mới có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển đó để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, thi hành án dân sự, thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài.

Nơi ra quyết định bắt giữ tàu biển phải có sự bảo đảm về tài chính để khi xảy ra trường hợp, người bị bắt giữ tàu biển đòi bồi thường thiệt hại do việc bắt giữ tàu biển sai gây ra thì có điều kiện để giải quyết bồi thường./.