Giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế có mối liên hệ nhân quả: nếu học trung bình của người lớn (trên 15 tuổi) tăng thêm một năm thì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn sẽ tăng thêm 3,7%. Đối với cá nhân, giáo dục cũng đem lại lợi ích thiết thực trong việc tìm công ăn việc làm và tăng thu nhập. Một cách tổng quát, cứ thêm một năm học, thu nhập cá nhân sẽ tăng thêm 10%, thậm chí là 20% ở các nước nghèo.

1 - Chuyển động trong nhận thức về vai trò của giáo dục

Sự thần kỳ của Nhật Bản trong những năm 60 của thế kỷ trước làm thế giới kinh ngạc. Tiếp đó là sự xuất hiện của các con rồng Đông Á trong những năm 70 và sự ra đời của những nước mới công nghiệp hóa Đông - Nam Á trong những năm 80. Tất cả đều gửi đi một thông điệp chung về vai trò tiên quyết của giáo dục trong việc tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế và rút ngắn thời gian công nghiệp hóa, đặc biệt ở những nước hạn hẹp về nguồn tài chính và tài nguyên thiên nhiên nhưng có nguồn nhân lực dồi dào.

Trong nỗ lực tìm ra cơ chế giải thích tác động của giáo dục lên tăng trưởng kinh tế, các nhà khoa học đã đưa ra khái niệm “vốn con người”. Đó là một loại vốn, như vốn tài nguyên và vốn tài chính, do tri thức và kỹ năng của người lao động đem lại để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Vốn con người do giáo dục tạo ra. Khi đó, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, cả quy mô và chất lượng giáo dục đều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nhưng chất lượng giáo dục có đóng góp quan trọng hơn.

Đó là cách tiếp cận mà trong đó con người được nhìn nhận chủ yếu như là phương tiện để tăng trưởng kinh tế. Cách tiếp cận này chi phối tư duy phát triển của đông đảo các quốc gia trong vài thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Nó góp phần đem lại bước nhảy vọt cho kinh tế thế giới, nhưng kèm theo đó là sự gia tăng khoảng cách bất bình đẳng giữa các quốc gia, giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội, giữa nam và nữ.

Vì thế, những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX đã đánh dấu bước chuyển trong tư duy phát triển của các quốc gia. Mô hình phát triển thuần túy kinh tế được thay thế và mở rộng thành mô hình phát triển con người. Đó là sự phát triển trong đó con người không chỉ là phương tiện mà chủ yếu và trước hết là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế. Nó là một quá trình mở rộng các cơ hội lựa chọn cho mọi người, trong đó các cơ hội cơ bản là được sống lâu và khỏe mạnh, được học hành và được tiếp cận các nguồn lực cần thiết để có cuộc sống ấm no.

Giáo dục có thêm vai trò mới: là thành phần của sự phát triển con người và là chìa khóa để giải quyết các vấn đề xã hội. Giáo dục phải đem đến cho con người không chỉ các kỹ năng nghề nghiệp mà chính là các phương tiện để mỗi người làm chủ cuộc sống của chính mình, đóng góp thành công cho cộng đồng và xã hội. Giáo dục không chỉ tạo ra vốn con người mà còn tạo ra vốn xã hội. Đó là vốn được tạo bởi sự gắn kết giữa các thành viên trong một tổ chức hoặc một cộng đồng trên cơ sở chia sẻ giá trị, lòng tin, chuẩn mực đạo đức và thái độ công dân mà kết quả là đem lại lợi ích cho tổ chức, cộng đồng, xã hội. Vốn xã hội bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đồng thời góp phần để nhân loại đương đầu thành công với những bài toán toàn cầu như xóa đói, giảm nghèo, sinh đẻ có kế hoạch, gìn giữ hòa bình, bảo vệ môi trường, ngăn chặn HIV/AIDS...

Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, tư duy phát triển của các quốc gia lại có bước tiến quan trọng. Đó là sự vận động của các nền kinh tế hướng tới một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn kinh tế tri thức. Với tư cách là công cụ truyền bá, sản sinh và áp dụng tri thức, giáo dục có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong tư duy phát triển của các quốc gia. Nó vừa là động lực cho việc thực hiện kinh tế tri thức, vừa là hạ tầng xã hội cho việc hình thành xã hội tri thức.

Vì những lý do trên mà vai trò của giáo dục trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội không ngừng được củng cố, tăng cường. Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mới chỉ có một số ít quốc gia quy định giáo dục là lĩnh vực ưu tiên quốc gia, phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhưng bước sang thế kỷ XXI, ở hầu hết mọi quốc gia, giáo dục đều được đặt ở vị trí trung tâm trong các chiến lược phát triển đất nước. Thậm chí ở một số nước, người ta quan niệm vấn đề quan trọng nhất trong phát triển ngày nay là phát triển giáo dục.

2 - Giáo dục trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp

Việc biến khoa học thành lực lượng sản xuất trực tiếp là một quy luật khách quan của quá trình phát triển xã hội, như tiên đoán thiên tài của C. Mác từ những năm đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 vào giữa thế kỷ XIX.

Tuy nhiên, nếu khoa học được coi là cỗ máy vận hành kinh tế tri thức thì giáo dục chính là nguồn cung cấp nhiên liệu cho cỗ máy đó. Xét như vậy, không chỉ khoa học mà cả giáo dục cũng đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Trên thực tế, giáo dục ngày nay không còn dừng ở việc truyền bá tri thức. Nhà trường, đặc biệt là trường đại học, còn là nơi sản sinh tri thức và áp dụng tri thức để góp phần đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Khoảng cách giữa nhà trường và nhà máy (hiểu theo nghĩa chung là đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) cũng đang được rút ngắn lại, thâm chí ở nhiều nơi - đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ – nhà trường và nhà máy đã được nhập làm một. Vì vậy, giáo dục cũng như khoa học, đang trở thành một nhân tố thiết yếu và trực tiếp của nền sản xuất công nghiệp dựa trên tri thức.

Dĩ nhiên, cũng như khoa học, không phải là toàn bộ giáo dục, mà chỉ những lĩnh vực giáo dục gắn bó mật thiết với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới chuyển thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Có thể nói, cho đến những thập niên đầu của nửa sau thế kỷ XX, giáo dục vẫn chỉ là bộ phận của thượng tầng kiến trúc, chịu sự quyết định của hạ tầng kinh tế. Vì vậy, tương ứng với mỗi mô hình kinh tế trong các nền văn minh trước đây là một mô hình giáo dục. Trong nền văn minh nông nghiệp, khi sức mạnh kinh tế dựa vào đất đai và kinh nghiệm canh tác của nông dân, thì việc học chỉ có mục đích duy nhất là làm quan. Trong nền văn minh công nghiệp, khi máy móc, công nghệ và kỹ năng lao động của công nhân tạo nên sự đột phá trong phát triển kinh tế, thì bên cạnh giáo dục tinh hoa đã hình thành giáo dục phổ cập dành cho đại chúng những người lao động.

Bước sang nền văn minh trí tuệ, chỗ đứng của giáo dục đã có sự chuyển dịch căn bản. Giáo dục không chỉ còn đứng yên trong thượng tầng kiến trúc mà đã đặt chân vào hạ tầng kinh tế với tư cách là lực lượng sản xuất trực tiếp. Như vậy, bộ phận giáo dục thuộc thượng tầng kiến trúc, như giáo dục phổ thông và giáo dục đại học đối với các bộ môn khoa học cơ bản, tiếp tục chịu sự chi phối của hạ tầng kinh tế. Trái lại, bộ phận giáo dục thuộc hạ tầng kinh tế, như giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đối với các bộ môn khoa học ứng dụng, sẽ có thế chủ động trong mô hình và định hướng phát triển vì chính nó cùng với khoa học sẽ quyết định tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong kinh tế tri thức.

3 - Những tương lai của giáo dục

Thế giới, như chúng ta thấy ngày nay, đang quá độ sang một thời đại mới trong đó tri thức có thuộc tính thật sự cách mạng. Đó là một thứ của cải mà bất kể nước nào, dù là yếu và nghèo nhất, cũng đều có thể có và chiếm đoạt được. Bởi vậy, các nước đang phát triển đều đứng trước thời cơ nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, rút ngắn thời gian công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, con đường phía trước là con đường chưa khai phá. Làm thế nào để di chuyển thành công trên con đường đó là câu hỏi lớn chưa có câu trả lời. Có điều, những cách nghĩ và cách thức đã định hình, thậm chí đã tỏa sáng, trên chặng đường qua chắc chắn không còn thích hợp nữa. Như người ta nói, con đường cũ của kỷ nguyên công nghiệp đã chấm dứt cùng với thế kỷ XX. Bước vào thế kỷ XXI, để có thể thành công trong nền văn minh trí tuệ, cần những quan niệm mới, tiếp cận mới, định chế mới trong hầu hết mọi lĩnh vực. Giáo dục, với tư cách là một hòn đá tảng của nền văn minh trí tuệ, sẽ có những biến đổi sâu sắc.

Một trong những biến đổi sâu sắc nhất là người lao động, với tư cách là sản phẩm của giáo dục - đào tạo, sẽ thực sự trở thành tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Điều này đã bước đầu được hiện thực hóa phần nào ở một số nước phát triển. Tính chung trong các doanh nghiệp Mỹ hiện nay, tài sản hữu hình chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng giá trị tài sản doanh nghiệp(1), còn lại là tài sản vô hình, bao gồm thương hiệu, thông tin, bí quyết công nghệ, trong đó quan trọng nhất là vốn con người và vốn xã hội do người lao động đóng góp vào thông qua tri thức, kỹ năng, thái độ của họ. Vì vậy, rồi đây, trong tương lai không xa, chủ doanh nghiệp không những chỉ là nhà đầu tư tài chính mà còn cả tập thể những người lao động, họ góp phần lớn cổ phần vào doanh nghiệp bằng vốn con người và vốn xã hội được tích lũy thông qua giáo dục - đào tạo.

Một mô hình giáo dục mới cũng đang có chiều hướng hình thành nhằm thoát khỏi mô hình giáo dục theo kiểu hàng loạt đã hình thành và định hình tương thích với nền sản xuất hàng loạt của văn minh công nghiệp. Cùng với mô hình giáo dục mở, người ta đang tính tới mô hình giáo dục “cá biệt hóa” để người học có được vốn con người và vốn xã hội phù hợp với nhu cầu, sở thích và năng lực bản thân. Trên một phương diện khác, ở một số nước như Mỹ, Anh, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a..., khái niệm công nghiệp giáo dục đã trở thành hiện thực trong đời sống giáo dục. Ngày nay, ở Bắc Mỹ và Tây Âu, đã có những tập đoàn giáo dục dày dạn kinh nghiệm và nổi tiếng như “Appolo”, “IBM”, “McGraw-Hill”, “Sylvan”, “Thomson”, “Pearson”, “Prisa”, “Reed Elsevier”, “Vivendi”... ở các châu lục khác cũng đang hình thành và phát triển các tập đoàn giáo dục mới như “Edunexo” (Mỹ La-tinh), “Educor” (châu Phi), “South Ocean Development Group” (châu Á). Cũng như các doanh nghiệp xuyên quốc gia khác, các doanh nghiệp giáo dục quốc tế này đều có mong muốn mở rộng thị trường giáo dục trên phạm vi toàn cầu.

Sự thay đổi mạnh mẽ của giáo dục trong một bối cảnh chuyển động nhanh chóng và phức tạp của chính trị, kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hóa và xã hội, dân số và môi trường, làm cho tương lai của giáo dục trở nên bất định. Cách đây không lâu, khi xây dựng chiến lược giáo dục, để trả lời câu hỏi “chúng ta muốn đi đến đâu?”, các nhà hoạch định chính sách thường giả định rằng có một tương lai xác định của giáo dục và tương lai này chỉ đơn giản là sự ngoại suy từ quá khứ và hiện tại. Các giả định này là chấp nhận được trong điều kiện giáo dục phát triển ở một môi trường ổn định, ít biến động hoặc các biến động có thể dự báo trước.

Tuy nhiên, với bước chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ, khi giáo dục đang bước ra khỏi vị trí truyền thống để trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và khó lường, các nhà nghiên cứu giáo dục đã đi đến nhận định thống nhất rằng, tương lai giáo dục không còn đơn thuần là sự tiếp tục của quá khứ. Nó sẽ là một chuỗi các phân nhánh, các bước nhảy, các gián đoạn. Và vì thế, nên từ bỏ cách tư duy về một tương lai của giáo dục để thay thế bằng tư duy về những tương lai của giáo dục.

Phương pháp kịch bản là phương pháp được đưa ra trong những năm gần đây để phục vụ cho tư duy về những tương lai của giáo dục. Kịch bản được hiểu là “câu chuyện” về những tương lai khả dĩ của giáo dục. Nó sử dụng cả lô-gic và trí tưởng tượng để cung cấp cho nhà hoạch định chính sách về những bức tranh tương lai mà cách tiếp cận lô-gic truyền thống thường dễ bỏ qua. Vì vậy, kịch bản khác với chiến lược, nó không phải là định hướng cho sự phát triển. Nó là công cụ góp phần khắc phục khiếm khuyết cơ bản trước đây trong phương pháp xây dựng chiến lược là phương pháp ngoại suy. Nó kích thích tranh luận, khơi gợi tư duy và cách nhìn mới, và nhờ vậy, mở rộng phạm vi lựa chọn trước khi đi đến quyết định chiến lược.

4 - Kết luận

Quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu của Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992. Đó là điểm mốc quan trọng trong đổi mới tư duy giáo dục ở nước ta, nhằm xác lập vai trò của giáo dục với tư cách là “một động lực thúc đẩy và là một điều kiện cơ bản bảo đảm việc thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Tuy quan điểm này vẫn chưa thực sự được quán triệt và tổ chức thực hiện như mong muốn, nhưng đó vẫn là một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt tiến trình đổi mới vừa qua, góp phần làm cho giáo dục nước nhà có bước phát triển mới và có những đóng góp đáng kể trong việc làm thay đổi diện mạo chung của đất nước. Tuy nhiên, cũng như kinh tế, các thành tựu cơ bản của giáo dục trong thời gian qua chủ yếu là sự phát triển theo chiều rộng. Những yếu kém về chất lượng và hiệu quả, về cơ cấu phát triển, về công bằng xã hội đã tích tụ lại trong một quá trình phát triển thiên về số lượng như vậy và đang đặt giáo dục trước những thách thức gay gắt nhằm đáp ứng có hiệu quả hơn nhu cầu học tập của nhân dân, yêu cầu nhân lực của doanh nghiệp và đòi hỏi của đất nước trong phát triển nhanh và bền vững.

Đại hội Đảng X đã nhấn mạnh phải “đổi mới tư duy giáo dục một cách nhất quán...; khắc phục cách đổi mới chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu kế hoạch đồng bộ”. Trong xu thế vận động hiện nay từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ, không chỉ khoa học và công nghệ, mà cả giáo dục và đào tạo cũng đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp như một tất yếu của quá trình phát triển xã hội. Việc đổi mới tư duy giáo dục trong giai đoạn phát triển mới của đất nước cần lấy đó làm điểm xuất phát để lường trước các tương lai khả dĩ của giáo dục, xây dựng tầm nhìn và chiến lược phát triển sao cho giáo dục và đào tạo thực sự là một khâu đột phá trong việc làm cho đất nước có bước phát triển nhảy vọt, rút ngắn thời gian trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức./.
 

(1) Xem Brian Keeley, Human Capital: How what you know shapes your life, OECD 2007