Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp và hội kiến với Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres
TCCS - Ngày 22-10-2022, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đã tiếp và hội kiến Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Thư ký tới Việt Nam từ ngày 21 đến 22-10-2022.
* Tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao chuyến thăm của Tổng Thư ký António Guterres; cảm ơn Liên hợp quốc đã luôn đồng hành cùng Việt Nam trên mọi chặng đường phát triển. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, sự hỗ trợ của Liên hợp quốc đã giúp Việt Nam sớm đẩy lùi dịch bệnh. Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã kịp thời chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt để mở cửa nền kinh tế, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt những kết quả khởi sắc về ổn định kinh tế.
Thủ tướng chia sẻ một số khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, hướng tới triển khai ba đột phá chiến lược là hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội nhằm hiện thực hoá mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp, có thu nhập cao vào năm 2045.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao vai trò và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định hoàn toàn ủng hộ những trụ cột chính trong đường lối phát triển đất nước của Việt Nam. Ông bày tỏ ấn tượng và khâm phục về sự vững vàng của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và thành tựu phát triển kinh tế, phục hồi sau đại dịch, đặc biệt là các chính sách, nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Tổng Thư ký António Guterres khẳng định Liên hợp quốc và cá nhân ông sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách phục hồi sau đại dịch theo hướng xanh, bền vững và tự cường, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc phát triển toàn diện, hiệu quả. Tổng Thư ký Liên hợp quốc mong muốn hai bên hợp tác chặt chẽ trong các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy bảo đảm quyền con người, phát triển công nghệ số, phục vụ người dân...
Nhân dịp này, hai bên chia sẻ quan ngại về tác động tiêu cực của đại dịch, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, tình hình lạm phát và nhấn mạnh để giải quyết các thách thức này, trong đó có kiểm soát lạm phát, cần có sự chung tay của các nước trên thế giới... Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí việc gia tăng hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc, coi trọng vai trò của ASEAN, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
** Tại Nhà Quốc hội, thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Liên hợp quốc thông qua cơ chế COVAX đã cung cấp cho Việt Nam 61,7 triệu liều vaccine và nhiều vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19. Đây là nhân tố để Việt Nam nhanh chóng phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres bày tỏ vui mừng đến thăm Việt Nam và Nhà Quốc hội Việt Nam; bày tỏ khâm phục đất nước và con người Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh cũng như xây dựng, phát triển đất nước; cho rằng Việt Nam là tấm gương để nhiều nước noi theo…
Bày tỏ tự hào là đối tác của Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam là một trong những thành viên năng động, tích cực của Liên hợp quốc. Những cống hiến của Việt Nam tại Liên hợp quốc đã góp phần khỏa lấp khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo. “Việt Nam và nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì tiếng nói của các bạn được tất cả các quốc gia tôn trọng”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nói.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc chia sẻ với những khó khăn mà Việt Nam đã và đang phải đối mặt, trong đó có tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nguồn lực để khôi phục đất nước. Đây cũng là khó khăn, là vấn đề chung của các nước đang phát triển. Bởi vậy, Tổng Thư ký Liên hợp quốc mong Việt Nam và Liên hợp quốc tiếp tục sát cánh bên nhau để tạo ra sự bình đẳng trong phát triển kinh tế, tránh nới rộng thêm khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những đóng góp tích cực, hiệu quả của các tổ chức Liên hợp quốc đối với Quốc hội Việt Nam. Việt Nam là một trong những điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, Quốc hội Việt Nam có những đóng góp rất xứng đáng trong lĩnh vực này. Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngay sau khi Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được thông qua, Quốc hội Việt Nam là một trong những cơ quan lập pháp sớm nhất trên thế giới đã cụ thể hóa và thể chế hóa toàn bộ các khung chính sách của phát triển bền vững vào hệ thống luật pháp, các chiến lược phát triển 5 năm, 10 năm. Việt Nam đang triển khai rất nhất quán theo chủ trương phát triển bền vững, phát triển bao trùm, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục quan tâm, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa Quốc hội Việt Nam với các hoạt động của Liên hợp quốc, giữa các cơ quan của Liên hợp quốc với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), cũng như các cơ chế đa phương liên quan khác...
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres khẳng định, Liên hợp quốc luôn dành sự hỗ trợ đối với Việt Nam, trong đó có những nội dung như thực hiện cam kết tại COP-26 đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050; chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và an ninh mạng. Nhấn mạnh rằng những vấn đề mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ra cũng là những vấn đề được Liên hợp quốc rất quan tâm, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết, Liên hợp quốc cũng vừa đưa vấn đề về chuyển đổi số, an ninh mạng vào chương trình nghị sự về công nghệ.
Tại hội kiến, hai bên đã trao đổi về những vấn đề quốc tế cùng quan tâm, cùng nhất trí cho rằng duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS-1982)./.
Trung Duy (tổng hợp)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đến thăm chính thức Việt Nam  (22/10/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc  (21/10/2022)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các nữ đại biểu Quốc hội  (21/10/2022)
Khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV  (20/10/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển