TCCS - Ngày 16-10-2022, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương và 18 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại.

Cùng dự có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và 70 đại biểu là chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo các ngân hàng thương mại tại buổi gặp mặt_Ảnh: TTXVN

Báo cáo tại buổi gặp mặt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, 9 tháng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô…

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu báo cáo tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại; thảo luận sôi nổi, phân tích, nhận diện các vấn đề nổi lên, xác định rõ thời cơ, rủi ro, thách thức; đề xuất các định hướng, giải pháp phù hợp, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đặc biệt là giữ ổn định, an toàn, hiệu quả, bền vững hệ thống ngân hàng trước những biến động từ quốc tế, trong nước.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành ngân hàng. “Những kết quả đạt được của ngành ngân hàng là rất tích cực, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh rất khó khăn đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng năm 2022 phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong kết quả đó, có đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng. Theo đó, ngành ngân hàng đã thực hiện rất tốt, đồng thời 2 nhiệm vụ: Vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; vừa cung cấp vốn tín dụng hỗ trợ nền kinh tế. Ngành ngân hàng đã luôn ứng phó kịp thời những khó khăn, thách thức từ bên ngoài và bên trong trong suốt thời gian qua.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt_Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, những kết quả đạt được 9 tháng năm 2022 và thời gian qua khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia. Hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế; là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao đời sống nhân dân.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Mặt bằng lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định.

Hệ thống ngân hàng bảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến cuối tháng 9, tổng vốn tín dụng đạt 11,55 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2021.

Thủ tướng cũng biểu dương các ngân hàng thương mại đã chủ động, tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bằng nhiều biện pháp. Theo đó, đến cuối tháng 7-2022, các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ 722 nghìn tỷ đồng với 1,1 triệu khách hàng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ 92,4 nghìn tỷ đồng với 565 nghìn khách hàng...

Đặc biệt, các ngân hàng thương mại đã luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế và đóng góp lớn vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. như tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp; lạm phát, lãi suất tăng cao; nhiều đồng tiền mất giá mạnh. Trong khi đó quy mô kinh tế nước ta còn nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế; người dân và người dân bị ảnh hưởng nặng nề sau 2 năm dịch COVID-19; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng đến nhiều tổ chức tín dụng; hệ thống các ngân hàng thương mại có tiềm lực tài chính nhỏ, chất lượng chưa cao, trình độ quản lý, công nghệ có ngân hàng còn lạc hậu; còn hiện tượng sở hữu chéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh, tính công khai, minh bạch chưa cao…

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm và thời gian tới. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả với các chính sách tài khóa và các chính sách khác để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, điều hành tỷ giá, lãi suất, tăng tín dụng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu phát triển; triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; đẩy mạnh xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém; rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam; tăng cường thanh tra, giám sát; nâng cao năng lực, trình độ cán bộ; cảnh báo rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống; đẩy mạnh chuyển đổi số ngân hàng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Quang cảnh buổi gặp mặt_Ảnh: TTXVN

Đối với các ngân hàng thương mại, Thủ tướng đề nghị tuân thủ pháp luật, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, bảo đảm an toàn hoạt động. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ, chất lượng tín dụng, bảo đảm công khai, minh bạch. Hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát triển ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt. Phát triển mạng lưới, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng, phát triển hoạt động dịch vụ phi tín dụng; thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh. Tiếp tục đề cao trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, vì cộng đồng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để giải quyết các vấn đề liên quan, nhất là những đề xuất, kiến nghị của các ngân hàng thương mại để ngành ngân hàng phát triển lớn mạnh, bền vững, góp phần đắc lực hơn nữa vào xây dựng, phát triển đất nước./.

Trung Duy (tổng hợp)