TCCS - Ngày 25-9-2022, tại Yên Bái, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.

Sau khi nghe báo cáo tại buổi làm việc của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy và một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương phát biểu đánh giá những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua; chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đề xuất các giải pháp mà Yên Bái cần thực hiện để thúc đẩy phát triển; cho ý kiến đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các đại biểu tham dự buổi làm việc_Ảnh: TTXVN

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Yên Bái là tỉnh nằm ở trung tâm khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, có các con sông chảy qua, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; có hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy, trong đó có 2 tuyến đường bộ cao tốc đã đi vào hoạt động và đang hình thành, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai-Côn Minh (Trung Quốc)…

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Yên Bái đã đạt được trong thời gian qua. Theo đó, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó khăn, thách thức, tỉnh Yên Bái đã chủ động, linh hoạt, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, có mặt nổi trội.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế mà Yên Bái cần nỗ lực khắc phục, như quy mô kinh tế còn nhỏ, tốc độ chuyển dịch còn chậm; tổng thu ngân sách nhà nước còn thấp, thu chưa đủ chi; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng chậm; du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn, nhất là vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc.

Về phát triển Yên Bái trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị thấm nhuần quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân". 

Người đứng đầu Chính phủ đồng tình, đánh giá cao với mục tiêu phát triển Yên Bái nhanh và bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà tỉnh Yên Bái cần tổ chức thực hiện ngay. Theo đó, tỉnh phải tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tập trung thực hiện tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả.

Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.

Yên Bái cần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm, xây dựng nông thôn mới bền vững; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Thủ tướng cho rằng, nguồn nhân lực là chìa khóa để Yên Bái phát triển nhanh và bền vững. Do đó, tỉnh phải nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, phải nâng cao một bước về xây dựng trường lớp học, bố trí đầy đủ giáo viên cho hệ thống các cấp học; mở rộng mô hình trường nội trú cho con em đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; mở rộng hệ thống đào tạo nghề, dạy kỹ năng nghề; nhanh chóng thành lập trường đại học trên cơ sở trường cao đẳng của tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Thủ tướng đề nghị tỉnh huy động các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh mô hình đối tác công - tư và sử dụng có hiệu quả đầu tư nhà nước để phát triển hạ tầng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa; trọng tâm là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị kết nối với nông thôn, hạ tầng thông tin, viễn thông, thủy lợi.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc_Ảnh: TTXVN

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Yên Bái tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; triển khai hiệu quả các chương trình mục quốc gia; tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với nước bạn bảo đảm an ninh, trật tự biên giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Yên Bái phải coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nắm chắc, thức hiện tốt các nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Đảng.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến cụ thể đối với từng đề xuất. Theo Thủ tướng, đây đều là những đề xuất chính đáng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của tỉnh. Tuy nhiên, việc giải quyết các kiến nghị phải dựa trên cơ sở pháp lý, đặt trong tổng thể của toàn vùng và cả nước. Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan phối hợp với tỉnh Yên Bái giải quyết theo thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét./.

Trung Duy (tổng hợp)