Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương
TCCS - Hội thảo khoa học quốc gia “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương” do Hội đồng Lý luận Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Ninh và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã phối hợp tổ chức có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, cần có cách tiếp cận mới trong việc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đó là “xu hướng toàn cầu - tầm nhìn quốc gia - hành động địa phương”. Theo đó, trên thế giới, đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cú sốc lớn, làm đứt gãy, gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu; xung đột vũ trang và chiến tranh thương mại đã kích hoạt chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc kinh tế và phong trào phản kháng toàn cầu hóa trở nên mạnh mẽ hơn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là bước chuyển nhanh sang nền kinh tế số đưa đến những nhận thức phát triển mới: nguồn lực phát triển quan trọng nhất là tài nguyên số và trí tuệ con người; động lực tăng trưởng nhanh nhất là những ngành thích ứng với chuyển đổi số, đặc biệt là kinh tế số. Các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng cùng với sự cạn kiệt, thiếu hụt tài nguyên đang khiến các nền kinh tế đi sau gặp nhiều khó khăn để tiếp cận các nguồn lực, duy trì khả năng cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, các xu hướng nổi bật, như tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn… đang mang đến cho thế giới những động lực mới để phát triển nhanh và bền vững. Do đó, ở tầm nhìn quốc gia, tăng năng suất là phương thức quan trọng nhất để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển, bao gồm 3 cách: 1- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn để sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực; 2- Tạo hiệu ứng kinh tế quy mô (cả nội tại và ngoại vi), khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng ngành, từng doanh nghiệp; 3- Tạo thuận lợi cho quá trình “nhập cuộc - rút lui” của các doanh nghiệp để mở rộng sân chơi và nguồn lực cho những chủ thể kinh tế hiệu quả nhất trên thị trường. Ở hành động địa phương, tăng năng suất cần được thực hiện phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương, gắn với quá trình đổi mới sáng tạo cả trong cách nghĩ và cách làm, trong cả tư duy và hành động; chú trọng khai thác và phát huy nguồn lực con người; tìm kiếm, khơi thông, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực tại chỗ, nhất là các nguồn lực trong nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Hội thảo là diễn đàn để các địa phương cùng chia sẻ, thảo luận những mô hình hay, những cách làm sáng tạo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là từ thực tiễn huy động, phân bổ và quản lý các nguồn lực tại chỗ của địa phương kết hợp với nguồn lực bên ngoài và của cả nước. Nhận diện cơ hội, thách thức và đặc điểm nguồn lực và động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Nhìn nhận và xử lý đúng đắn vấn đề nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội từ phương diện quản trị địa phương gắn với thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng, tổ chức lãnh thổ. Nâng cao chất lượng thể chế địa phương trong kiến tạo, chuyển hóa, tái tạo, giải phóng tối đa các nguồn lực, biến tiềm năng thành hiện thực, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực; kết nối giữa nguồn lực của khu vực nhà nước với nguồn lực của khu vực ngoài nhà nước; giữa nguồn lực trung ương và nguồn lực tại chỗ, nhất là nguồn lực trong nhân dân; nắm bắt, chuyển hóa, tái tạo, tận dụng các loại nguồn lực mới. Kết hợp giữa phát huy động lực lợi ích kinh tế với động lực giá trị tinh thần, nhất là ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên và bản sắc riêng có của từng địa phương.
Hội thảo đã nhận được 76 báo cáo tham luận, trong đó có 21 ý kiến phát biểu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, tập trung vào các nội dung chính sau:
Thứ nhất, nhận thức chung về bối cảnh và nguồn lực, động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, tuy có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội đất nước, song đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội để chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đồng thời, đưa đến nguồn lực, động lực mới cho phát triển. Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, trong các nguồn lực, thì con người, thể chế và khoa học - công nghệ là những nguồn lực có vai trò quan trọng hàng đầu trong thời đại ngày nay. Bởi lẽ, các nguồn lực tự nhiên ngày càng cạn kiệt, khan hiếm và các nguồn lực này chỉ trở thành nguồn lực đóng góp cho sản xuất và đời sống khi có sự tham gia của nguồn lực con người, sự tham dự của khoa học - công nghệ. Vì vậy, đột phá vào thể chế phát triển, vào nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ phải luôn được xem là đột phá chiến lược cho phát triển. Đánh giá vai trò của động lực cho phát triển kinh tế - xã hội hậu COVID-19, đồng chí Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh, bên cạnh động lực kích thích lợi ích vật chất - kinh tế, như tăng lương, thưởng hiện vật, phân phối theo hiệu quả kinh tế… tạo động lực tức thì cho phát triển, cần có sự kết nối, liên thông, phối hợp đồng bộ với động lực tinh thần. Trong hệ động lực thời kỳ mới, cần chú ý đến nhu cầu khẳng định cá nhân; tuyên truyền, cổ vũ, tạo nên các phong trào thi đua yêu nước; xây dựng biểu tượng, nhân tố mới có sức lan tỏa trong từng ngành, nghề, từng giới và từng lứa tuổi.
Thông qua phân tích một số mô hình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19, PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát huy nguồn lực và động lực cho sự phát triển. Đó là, phổ cập vắc-xin là điều kiện quan trọng cho phục hồi kinh tế, giải pháp quan trọng là về y tế; cần có tư duy và tầm nhìn mới, thấy được cả cơ hội trong đại dịch chính là việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số quốc gia.
TS. Phùng Quốc Hiển, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, qua 4 đợt địch, Việt Nam có tỷ lệ tử vong thấp (0,48%) và đã xử lý được nhiều vấn đề, như kinh tế không suy thoái, quốc phòng, an ninh bảo đảm, song cũng đặt ra nhiều thách thức, như động lực mới cho phát triển chưa rõ nét, đặc biệt là những tồn tại cũ chưa giải quyết dứt điểm; dư địa tài chính cho phát triển đã đến giới hạn; thị trường chứng khoán, doanh nghiệp, bất động sản nóng bất thường; các đứt gãy trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu ảnh hưởng đến sự phục hồi của Việt Nam. TS. Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, trong thời gian tới, để tạo nguồn lực và động lực cho phát triển, cần quán triệt và thực hiện các quan điểm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết các vấn đề tài chính công, trách nhiệm giải trình; tập trung giải phóng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai; rà soát hệ thống thuế; chính sách chi; kiên trì thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, coi đây là nguồn lực để kích cầu, khai thác nguồn lực con người; cùng với đó phải có cơ chế đẩy nhanh giải ngân nguồn lực tài chính; rà soát các loại quỹ hỗ trợ, nhất là đối với các quỹ hoạt động chưa hiệu quả.
Về nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, PGS, TS. Nguyễn Văn Thạo, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, cần giải ngân nhanh gói hỗ trợ, chống thất thoát; đồng thời, sử dụng đúng các nguồn lực khác, chú ý đến nguồn lực trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước, nguồn lực đất đai. Về động lực, cần chú ý đến thể chế, đặc biệt thể chế phát triển khoa học - công nghệ, thể chế sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý. PGS, TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đồng ý với quan điểm cho rằng, thể chế là quan trọng nhất trong tạo động lực mới cho phát triển; đồng thời nhấn mạnh, trong động lực cho phục hồi, cần chú ý đến xuất khẩu và đầu tư công, kích cầu tiêu dùng; còn động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới cần tập trung vào kinh tế số và tăng trưởng xanh.
TS. Lê Xuân Định, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, từ công tác phòng, chống dịch COVID-19, có thể thấy, để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, cần đổi mới mạnh mẽ thể chế, đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường nghiên cứu ở trường đại học; tăng cường tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu; chấp nhận rủi ro trong đổi mới sáng tạo; rà soát đồng bộ quy định về thuế, tài chính, thể chế khoa học - công nghệ; rà soát chính sách về nhập khẩu công nghệ, chính sách tài chính công.
Thứ hai, khơi thông, giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, thế giới sau đại dịch (cuối năm 2021) chuyển từ khủng hoảng y tế, khủng hoảng địa chính trị sang khủng hoảng kinh tế. Từ đó có 3 vấn đề đặt ra: 1- Lo ngại dịch bệnh vẫn còn tiếp tục trong năm 2022; 2- Do khủng hoảng địa chính trị nên gây ra mất niềm tin về phục hồi kinh tế; 3- Nguồn lực tài chính, nguồn lực người lao động gặp khó khăn. Nhận diện được khủng hoảng sau đại dịch là quan trọng, từ đó có các chính sách đặc thù hiệu quả. Năm 2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tăng 3,2%, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là nhận khó khăn về phía Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, Chính phủ tập trung giải quyết các vấn đề về tăng nợ công; nguy cơ tăng lạm phát; sửa đổi một số quy định hiện hành về quản lý ngân sách nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới… Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, muốn xác định nguồn lực, động lực cho phục hồi và phát triển thì trước tiên cần ổn định vĩ mô, cần “cởi trói”, “thông đường”, tận dụng thời cơ, tạo động lực cho phát triển. Đó là thông hàng, thông tiền; không để nỗi sợ bệnh dịch làm cho tắc nghẽn. Đây cũng là cơ hội để giải phóng, phát triển doanh nghiệp nhà nước; đồng thời, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho sự phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, các cực tăng trưởng (như Khánh Hòa, Quảng Ninh). Tập trung nhiều nguồn lực hơn nữa cho đổi mới sáng tạo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, nhân lực là nguồn lực và động lực quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đại dịch ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống, tâm lý người lao động. Để phát huy nguồn lực con người cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội, đồng chí Nguyễn Đình Khang đề xuất: Giải quyết tốt các gói hỗ trợ cho người lao động; tăng giờ lao động; phát triển nhà ở cho công nhân (thuê), phát triển hệ thống nhà trẻ, y tế ở khu công nghiệp; xây dựng quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động. Để bảo vệ, phát huy nguồn nhân lực, đối phó với dịch COVID-19, dưới góc độ y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, Việt Nam đã tiêm chủng cho người lớn, chuẩn bị tiêm cho trẻ em. Thứ trưởng đánh giá cao nỗ lực của địa phương đã phối hợp với Bộ Y tế phòng, chống dịch hiệu quả, các văn bản đã ban hành kịp thời. Thứ trưởng đề xuất cần nâng cao khả năng giám sát; kiểm soát dịch bệnh, thực hiện linh hoạt nguyên tắc chống dịch; tăng cường xét nghiệm, tự xét nghiệm; nâng cao năng lực của ngành y tế; bảo đảm nguồn nhân lực cho phòng, chống dịch, phân bổ nhân lực và bảo đảm chế độ hợp lý ở khu vực có dịch; có mô hình y tế phù hợp cho các khu công nghiệp, khu sản xuất, dân cư.
TS. Đỗ Hải Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương đồng ý với các ý kiến cho rằng thể chế là quan trọng nhất, do đó cần có cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp hoạt động. Dưới góc độ thương mại, để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cần phát triển thị trường xuất khẩu cũ và mới; bảo đảm an ninh lương thực, điện, than và các nguồn năng lượng khác, đặc biệt chú ý đến cam kết của Việt Nam về giảm phát thải các-bon về 0 (Net zero) năm 2050.
Trong lĩnh vực du lịch, TS. Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, để khơi thông nguồn lực, cần triển khai, phục hồi, phát triển du lịch; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động; có chính sách mới ưu tiên phát triển ngành du lịch, như vấn đề miễn thị thực, đầu tư sản phẩm du lịch mới; ưu tiên đầu tư chuyển đổi số; tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch.
Thứ ba, hành động của địa phương và doanh nghiệp trong huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Đất đai, nhân lực, khoa học - công nghệ cao được coi là những nguồn lực quan trọng ở các địa phương cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Cụ thể hơn, theo đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nam Định đã ban hành nghị quyết phát triển kinh tế biển, xây dựng nông thôn mới…; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối với Trung ương và các tỉnh, thành lân cận; thu hút các dự án lớn, đặc biệt là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường; thu hút nguồn lực con người để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, để phục hồi, phát triển, khơi thông nguồn lực, cần quan tâm đến đầu tư công, để đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; phát huy nguồn nhân lực; phát triển các chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
Đồng chí Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An; đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đồng quan điểm cho rằng, trong thời gian tới, để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì nguồn lực đất đai là hết sức quan trọng, trong đó cần lưu ý một số vấn đề về giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thể chế, phân cấp, ủy quyền cho địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát…
Từ kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống dịch hiệu quả, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, sau khi dịch ổn định, tỉnh đã có sự đối thoại với doanh nghiệp, người lao động, người dân, tìm ra những biện pháp hữu hiệu để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cụ thể, tỉnh chú trọng cải cách hành chính; phát triển các ngành công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ; chuyển dịch nông nghiệp theo hướng phục vụ công nghiệp; triển khai gói hỗ trợ của Trung ương liên quan đến phục hồi kinh tế; chú ý liên kết, phát triển vùng; chú trọng phát triển giao thông, đặc biệt là sự liên kết giữa các khu công nghiệp... Về nguồn lực, tỉnh chú trọng nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người.
Từ những khó khăn của địa phương trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, như phát huy nguồn lực con người như thế nào, làm thế nào để người dân lập nghiệp tại chính quê hương, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, vấn đề chọn lọc trong thu hút đầu tư ra sao, đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho rằng, để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực mà địa phương cần chú trọng là nguồn lực đất đai, trong đó quan trọng là tính hiệu quả sử dụng, chứ không phải là giá đất cao hay thấp; đồng thời, chú trọng phát triển công nghệ cao. Đồng chí cũng nhấn mạnh, trung tâm là phát triển con người gắn với an sinh, môi trường, sau đó mới là phát triển các lĩnh vực khác.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương chỉ ra các nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, đó là nguồn lực đất đai ở các khu công nghiệp, song nguồn lực này hiện cũng đang khó khăn do liên quan đến chỉ tiêu đất cho phát triển công nghiệp; nguồn lực chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới, nâng cao năng suất lao động; nguồn nhân lực, trong đó cần chú ý đến việc đào tạo và chế độ đãi ngộ, an sinh; nguồn lực thời gian…
Dưới góc độ doanh nghiệp, đồng chí Lê Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu lớn. Việc đánh thức thị trường nội địa chỉ hiệu quả khi thu nhập của người dân trở lại bình thường. Do đó, cần tập trung các giải pháp mang tính đột phá để phục hồi nhanh khu vực sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt là tập trung cho khối các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp lớn.
Thứ tư, khơi thông, giải phóng nguồn lực và tạo động lực mới cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 - nhìn từ phương diện quản trị địa phương của Quảng Ninh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho rằng, nguồn lực và động lực cho phát triển là vấn đề rất rộng lớn, có quan hệ chặt chẽ, chuyển hóa cho nhau. Từ thực tiễn quản trị địa phương, Quảng Ninh nhận thấy nguồn lực chỉ được khơi thông, biến tiềm năng thành hiện thực khi nhận diện được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, mâu thuẫn, thách thức. Chính nhờ khai thác, phát huy và tối ưu hóa hiệu quả nguồn lực và động lực, như nguồn lực và động lực con người, văn hóa…, tỉnh Quảng Ninh đã nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, quản trị địa phương, quản trị rủi ro, ứng phó kịp thời và xử lý có hiệu quả với mọi tình huống nảy sinh, hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa giữ vững đà tăng trưởng. Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh xác định chủ đề công tác năm là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; giữ vững đà tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, với mục tiêu tăng trưởng hai con số trong 7 năm liên tiếp; giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI; hoàn thành và triển khai nhiều công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, mở ra các động lực, dư địa phát triển mới… Đồng thời, để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tỉnh cũng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ giữa đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nền quản trị địa phương hiện đại, hiệu quả.
Khi xem xét sự tăng trưởng của các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ninh, TS. Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, thể chế có ảnh hưởng đến phòng, chống dịch và quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ở góc độ địa phương, để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền cấp tỉnh cũng cần đặt ra yêu cầu về cải cách, đổi mới quản trị địa phương; cần có không gian cho đổi mới sáng tạo không chỉ ở lĩnh vực tư, mà cần chú ý cả đến khu vực công; xây dựng, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm không chỉ ở cấp Trung ương, mà ở cả cấp địa phương.
TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ khẳng định vai trò quan trọng của cải cách hành chính trong khơi thông các nguồn lực, tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19. Cải cách hành chính mang đến cho lãnh đạo các cấp một bộ công cụ để chỉ đạo hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng và có thể cá thể hóa trách nhiệm đến từng bộ, từng địa phương, từng tỉnh, huyện, xã, từng cá nhân; từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch. Với tỉnh Quảng Ninh, đồng chí cho rằng, trong thời gian tới, cần thực hiện số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ, nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến...
GS, TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh vai trò của kinh tế số trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Hiện nay, các tỉnh đều ban hành đề án kinh tế số, song cần có những kịch bản phát triển khác nhau vì mỗi địa phương có đặc điểm khác nhau; đồng thời, phát triển kinh tế số phải dựa trên liên kết vùng. Với tỉnh Quảng Ninh, cần chuyển nhanh từ chính quyền điện tử sang chính quyền số; kiên trì và quyết liệt triển khai thực hiện đề án thành phố thông minh, ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực trọng yếu và có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, như y tế, giáo dục, du lịch.
GS, TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, nguồn lực văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên hiện chưa được coi trọng đúng mức. Do đó trong thời gian tới, cần đánh giá tổng hợp tác động của dịch; biến ý tưởng khơi dậy phát triển thành động lực phát triển; khai thác mạnh tài nguyên văn hóa vì đây là tài nguyên vô tận và to lớn; có chính sách ưu tiên khuyến khích đầu tư vào văn hóa… Với Quảng Ninh, tỉnh cần tiếp tục là điểm sáng về quyết tâm của chính quyền trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”.
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội thảo. Đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung phòng, chống dịch; đồng thời, chú trọng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế của địa phương để định hướng phát triển, trong đó chú ý đến khơi dậy khát vọng phát triển, bản lĩnh của người Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, cởi mở, Hội thảo “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương” mang nhiều ý nghĩa quan trọng khi các địa phương cùng với cả nước đang triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, theo Kết luận số 24-KL/TW, ngày 30-12-2021, của Bộ Chính trị, về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11-1-2022, của Quốc hội, về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 của Chính phủ, về Ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo./.
Định hướng phục hồi, phát triển kinh tế khi đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới trong địa dịch COVID-19 (27/05/2022)
Ngành hàng không phục hồi sau đại dịch COVID-19 (27/05/2022)
Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 (27/05/2022)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay