TCCSĐT - Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 5 tới, ngày 20-4-2010, Ủy ban Dân tộc, Ban Tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức Hội thảo "Cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam và chính sách đại đoàn kết dân tộc".

Hội thảo là diễn đàn thảo luận, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các chuyên gia về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng,... về việc thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, những vấn đề lý luận và thực tiễn, những bài học kinh nghiệm và định hướng công tác dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.

Qua các tham luận tại Hội thảo có thể khái quát một số vấn đề chính yếu sau:

Thứ nhất, phân tích đặc điểm vùng dân tộc và miền núi nước ta tác động đến việc thực hiện chính sách dân tộc.

Vùng dân tộc và miền núi nước ta chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên, bao gồm 21 tỉnh miền núi vùng cao, 23 tỉnh có miền núi và 10 tỉnh đồng bằng có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Các dân tộc cư trú phân tán và đan xen nhau trên mọi vùng, miền với quy mô dân số và trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều nhau.

Theo số liệu điều tra dân số năm 2009, nước ta có 54 thành phần dân tộc, trong đó dân số của 53 dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14% của cả nước. Trong các dân tộc thiểu số, quy mô dân số có sự chênh lệch đáng kể, một số dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, B Râu, Ơ Đâu. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, được hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử dân tộc. Bản sắc văn hóa từng dân tộc tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Sự thống nhất trong đa dạng là đặc điểm của nền văn hóa cộng đồng các dân tộc.
 
Các dân tộc ở nước ta có truyền thống đoàn kết, xây dựng một cộng đồng dân tộc thống nhất. Trong mối quan hệ giữa các dân tộc ở nước ta, đoàn kết là đặc điểm thống nhất, xuyên suốt trong mọi thời kỳ lịch sử của dân tộc. Các dân tộc sinh sống trên các địa bàn khác nhau nhưng đều có chung một vận mệnh lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 

Thứ hai, một số thành tựu quan trọng đạt được trong công tác dân tộc trong thời gian qua 

Các doanh nghiệp đã hỗ trợ các địa phương xóa trên 54.000 nhà dột nát) chiếm 70% nhu cầu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn 62 huyện nghèo) với tổng số tiền là 419 tỉ đồng, giúp các địa phương phấn đấu hoàn thành việc xóa nhà dột nát cho hộ nghèo xong trong năm 2009; hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên với số tiền 167 tỉ đồng; đầu tư cơ sở y tế: 56,2 tỉ đồng...

Từ góc độ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, có thể thấy, trong nhiều năm qua, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành các chính sách, các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, đào tạo cán bộ dân tộc, tăng cường hệ thống chính trị cơ sở, phát triển nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số.

Để hoạch định chính sách dân tộc phù hợp với đặc thù của mỗi vùng, miền, của từng đối tượng cụ thể và để chính sách ban hành sớm đi vào cuộc sống, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được phân định theo điều kiện địa lý tự nhiên (miền núi, vùng cao, vùng có miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống); theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội với 5 tiêu chí: đời sống, kết cấu hạ tầng, các yếu tố xã hội; điều kiện sản xuất và điều kiện tự nhiên của địa bàn cư trú. Từ việc phân định này đã hình thành và triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa. Việc lựa chọn các địa bàn đặc biệt khó khăn để tập trung đầu tư thể hiện sự đổi mới về nhận thức và phương pháp xây dựng chính sách dân tộc và tổ chức thực hiện công tác dân tộc. Cách làm như vậy đã góp phần rất lớn trong việc hạn chế sự “doãng ra” khoảng cách chênh lệch về đời sống kinh tế - xã hội giữa các vùng miền và các dân tộc.

Cho đến nay đã có gần 40 chương trình cấp quốc gia, trong đó có tới 30-35 chương trình đầu tư trực tiếp cho miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Việc thực hiện chính sách xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện, diện mạo nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới có nhiều thay đổi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%-4%/năm; kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, thủy lợi, điện. Trường học, trạm xá được xây dựng khá, đất sản xuất, đát ở, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng được quan tâm giải quyết; số nhà tạm bợ, dột nát giảm nhanh.

Chủ trương “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” đã được đưa vào cuộc sống thông qua các phong trào thiết thực, cụ thể, sinh động được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực. Chẳng hạn, “Quỹ vì người nghèo” đến nay đã vận động được 3.627 tỉ đồng, giúp đỡ xây mới và sửa chữa được trên 963.000 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo. Kết hợp với các chương trình khác, hàng triệu người nghèo trong vùng đồng bào dân tộc đã có nhà ở mới; hàng vạn đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí; hàng chục nghìn học sinh nghèo được đỡ đầu hoặc cấp học bổng để tiếp tục được học tập và phát triển; hàng nghìn người mù được mổ sáng mắt...

Từ khía cạnh bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cũng có nhiều chuyển biến. Đã tiến hành khảo sát, điều tra xây dựng các dự án và đưa vào kế hoạch hàng năm bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể tiêu biểu, các giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống của các dân tộc thiểu số. Nhiều giá trị văn học nghệ thuật dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số như dân ca, dân vũ, dân nhạc, văn học dân gian, đặc biệt là kho tàng sử thi và không gian văn haoc cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên; các làn điệu Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái, kho sách cổ của dân tộc Dao... đã được sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu. Mức độ hưởng thụ văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên; đã xóa được điểm trắng về hoạt động văn hóa - thông tin ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ ba, những khó khăn, tồn tại thể hiện trên một số nét lớn sau:

- Công tác giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi kết quả giảm nghèo chưa có tính bền vững. So với cả nước, tỷ lệ hộ đói nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vẫn còn cao, đời sống của đồng bào nhiều nơi vẫn còn khó khăn, nguy cơ tái nghèo còn tiềm ẩn, nhất là mỗi khi có thiên tai, tỷ lệ hộ cận nghèo, số hộ tái nghèo hàng năm còn cao.
 
- Một số công trình đầu tư ở miền núi hiệu quả thấp sau khi đưa vào khai thác, sử dụng; cơ cấu đầu tư thiếu đồng bộ. Giáo dục và y tế miền núi chưa đáp ứng yêu cầu nhất là xây dựng, nâng cao năng lực con người ngay tại chỗ.
 
- Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ còn thấp ở nhiều vùng miền; vẫn còn hiện tượng tái mù chữ ở nhiều nơi vùng sâu, vùng xa. Ở một số nơi, đồng bào dân tộc hiểu số vẫn còn khó tiếp cận với dịch vụ y tế do chi phí cho khám, chữa bệnh còn cao, đi lại khó khăn, chất lượng khám, chữa bệnh còn thấp...

- Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất đa dạng, phong phú nhưng chưa được quan tâm và đầu tư, bảo tồn, phát huy một cách thỏa đáng; việc đầu tư, hỗ trợ còn manh mún, nhỏ giọt, tản mạn; cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa còn nghèo nàn, lạc hậu; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa còn yếu, thiếu ở nhiều khâu...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất phát từ một số nhóm lý do chính sau
 
- Điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, diện tích đất trồng ít và khó canh tác, kinh tế chưa phát triển.
 
- Nhiều chương trình mục tiêu chưa tương xứng với nguồn lực và năng lực quản lý, sự gắn kết, lồng ghép giữa các chương trình đầu tư cho miền núi chưa chặt chẽ, thậm chí một số chương trình còn chồng chéo... làm giảm hiệu quả chung.
 
- Trình độ dân trí của bà con còn thấp nên không nắm được kỹ thuật sản xuất; chỉ tiêu, phân bổ đồng vốn chưa hợp lý, sử dụng đồng vốn kém hiệu quả

- Văn hóa các dân tộc tồn tại chủ yếu ở dạng phi vật thể, dễ bị mai một theo thời gian. Những nghệ nhân - người giữ vốn văn hóa truyền thống các dân tộc ngày càng thiếu vắng, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp đang đứng trước nguy cơ thất truyền...Bên cạnh đó, do tác động của các yếu tố bên ngoài, nhiều nơi đồng bào tiếp thu thiếu chọn lọc các yếu tố văn hóa của các dân tộc khác, không còn bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình...

Từ thực trạng trên, một số nhóm giải pháp lớn đã được nêu tại Hội thảo:

- Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ở xã, phường biên giới vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tuyên truyền sâu rộng trong quân chúng nhân dân nâng cao nhận thức về nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 
 
- Tập trung giải quyết tốt đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân vùng dân tộc thiểu số trên cơ sở giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu nhưng tinh hoa văn hóa của nhân loại.
 
- Tiếp tục tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí của văn hóa các dân tộc thiểu số trong nền văn hóa Việt Nam, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp quản lý nhà nước về văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số; tổ chức có hiệu quả các hình thức giao lưu văn hóa giữa các vùng, các dân tộc ở nhiều cấp độ khác nhau; tôn vinh các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, đặc biệt là những di sản văn hóa có giá trị.
 
- Có nội dung, biện pháp vận động, tổ chức quần chúng phù hợp với đặc điểm và trình độ của từng vùng, từng dân tộc.

- Đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống, năng lực sản xuất của người dân ở miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng cách tiền hành các biện pháp, giải pháp một cách đồng bộ và cụ thể mà mục tiêu quan trọng nhất nhằm vào con người, ưu tiên thực hiện chính sách phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng, giáo dục, đào tạo nghề cho người dân, bố trí sắp xếp cư dân trên địa bàn.../.