Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tóm tắt Báo cáo Quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người tại Việt Nam Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 8-5-2009, Việt Nam sẽ công bố Báo cáo Quốc gia về việc thực hiện quyền con người tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) theo chế độ kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR), một cơ chế do LHQ xây dựng nhằm bảo vệ và phát huy quyền con người tại tất cả 192 thành viên.

Báo cáo gồm 22 trang, nêu tổng quan bức tranh nhân quyền của Việt Nam thời gian qua, trong đó có những thành tựu thực hiện quyền con người, những khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm và cam kết cụ thể của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền con người.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Báo cáo sẽ chuyển tải đến các thành viên LHQ những thông điệp lớn. Mặc dù đa dạng văn hóa và tôn giáo nhưng Việt Nam chưa từng xảy ra xung đột sắc tộc; do trải qua quá trình đấu tranh giải phóng lâu dài nên người dân khao khát vươn tới cuộc sống ấm no hạnh phúc; có truyền thống đoàn kết, đùm bọc và quan tâm đến nhóm dễ bị tổn thương trong đó có trẻ em và phụ nữ. Đặc biệt là chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước được cụ thể hóa trong hệ thống chính sách đối với quyền con người.

Để chuẩn bị Báo cáo trên, Việt Nam đã thành lập Ban soạn thảo theo cơ chế liên ngành với sự tham gia trực tiếp như: Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Tư pháp, Công an, Lao động-Thương Binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư; Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ủy ban Dân tộc, Tòa án nhân dân tối cao. Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối soạn thảo Báo cáo này.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Báo cáo được xây dựng một cách toàn diện nhờ những ý kiến đóng góp tích cực của các tổ chức xã hội và nghề nghiệp như Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nhà báo, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội Nông dân....

Quá trình chuẩn bị Báo cáo cũng là dịp để các Bộ, ngành của Việt Nam rà soát lại tồn tại trong quá trình thực hiện các chính sách về quyền con người, từ đó có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với đặc điểm và tình hình kinh tế xã hội của đất nước.

Thực tế, trong sự nghiệp đổi mới, những điều chỉnh vĩ mô và các chương trình kinh tế-xã hội được chú trọng nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đây là những tiền đề cần thiết cho việc thực hiện các quyền của người dân trên mọi lĩnh vực.

Chính phủ Việt Nam coi xóa đói giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên hoàn thành Mục tiêu Thiên niên kỷ trong lĩnh vực này, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước Nhân quyền của LHQ, trong đó có Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị; Công ước về Quyền Kinh tế, Văn hóa; Công ước về Quyền Trẻ em...
 

Cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền LHQ được xây dựng ngày 15/3/2006 theo Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng LHQ.

UPR là cơ chế mới và duy nhất của LHQ về nhân quyền với mục đích lưu ý các nước thành viên phải có trách nhiệm tôn trọng và thực thi các quyền cơ bản của con người.

Cứ 4 năm/lần, 192 thành viên của LHQ sẽ trình bày trình bày về tình hình nhân quyền của nước mình trong một báo cáo dài 22 trang.

Đến nay, đã có 64 quốc gia thành viên trình bày báo cáo tình hình thực hiện nhân quyền của mình theo cơ chế UPR.

Từ ngày 4-15/4, Việt Nam cùng 15 thành viên LHQ khác là New Zealand, Uruguay, Chile, Yemen... sẽ lần lượt trình bày báo cáo quốc gia về nhân quyền.