Sáng 14-4, lãnh đạo năm nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Nam Phi (BRICS) bắt đầu họp tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc, để thảo luận và củng cố quan điểm về các vấn đề kinh tế cũng như quốc tế quan trọng.

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước chủ nhà Hồ Cẩm Đào, hội nghị thượng đỉnh Nhóm BRICS với chủ đề "Nhìn về tương lai, cùng hưởng phồn vinh" chủ yếu tập trung vào việc tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các nước thành viên về cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế, kiềm chế sự biến động về giá hàng hóa, tình trạng biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Sau hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS, gồm Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Bra-xin Đin-ma Rút-xép (Dilma Rousseff), Tổng thống Nga Đmi-tơ-ri Mép-vê-đép (Dmitry Medvedev), Thủ tướng Ấn Độ Man-mô-han Xinh (Manmohan Singh) và Tổng thống Nam Phi Gia-cốp Du-ma (Jacob Zuma), sẽ họp báo chung và ra tuyên bố về các vấn đề chủ chốt.

Đây là hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ ba, song là hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc và sau khi nhóm này có thêm thành viên thứ năm là Nam Phi. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm tổ chức tại Nga năm 2009 và hội nghị lần thứ hai diễn ra tại Braxin năm 2010.

Nhóm BRICS có số dân chiếm 42% dân số thế giới, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm 18% GDP thế giới và kim ngạch thương mại chiếm 15% trong năm 2010. Nhóm BRICS ngày càng phát huy vai trò tích cực, trở thành đầu tàu thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển.

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), phần đóng góp của nhóm này cho tăng trưởng kinh tế thế giới tăng từ 13,1% năm 2000 lên hơn 60% năm 2010./.