TCCSĐT - Đó là chủ đề của "Tuần lễ quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 12" diễn ra từ ngày 14-3-2010 đến 21-3-2010. Trong thời gian này, sẽ diễn ra các cuộc hội thảo về công tác ATVSLĐ và PCCN của một số tập đoàn, doanh nghiệp; mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia của Bộ Quốc phòng, Hội Nông dân Việt Nam, Tập đoàn Điện lực... Hoạt động kiểm tra công tác ATVSLĐ và PCCN tại một số doanh nghiệp; thăm và tặng quà cho nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động.

Trong những năm qua, việc thông tin, giáo dục, tuyên truyền về công tác an toàn - vệ sinh lao động (ATVSLĐ ) và phòng chống cháy nổ (PCCN) đã được triển khai dưới nhiều hình thức, tạo nên dư luận xã hội tích cực, góp phần thúc đẩy công tác này. Việc thực hiện Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động và an toàn - vệ sinh lao động đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) của các địa phương. Người sử dụng lao động và người lao động đã tích cực tham gia các hoạt động cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc... Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ tác động của công tác ATVSLĐ đến chất lượng sản phẩm, đến uy tín và kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bắt đầu quan tâm tới việc xây dựng hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ... Công tác ATVSLĐ cũng được quan tâm triển khai trong khu vực nông thôn, tác động đến hàng triệu người lao động trong nông nghiệp.

Công tác ATVSLĐ của Việt Nam được các tổ chức quốc tế (ILO, ASEAN,...) quan tâm và đánh giá khá cao. Việt Nam đã được Liên hợp quốc và các nước ASEAN chọn làm nước điều phối về Hồ sơ quốc gia và Chương trình quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác ATVSLĐ và PCCN, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) có năm đã giảm xuống, nhưng có năm lại tăng. Theo con số báo cáo chưa đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2009 toàn quốc đã xảy ra 6,250 vụ tai nạn lao động, tổng số có 6.421 người bị nạn, trong đó 550 chết, tăng 7,09% về số vụ, 6,18% về số người bị nạn và giảm 4,01% về số người chết so với năm 2008. Thiệt hại về vật chất là 42.088 tỉ đồng. Tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 457.817 ngày. Cũng trong năm 2009 đã xảy ra 1.948 vụ cháy và 18 vụ nổ, làm chết 78 người, 187 người bị thương, làm thiệt hại về tài sản ước khoảng 500 tỉ đồng (giảm 17,7% so với năm 2008) và 1.373 ha rừng.

Theo Báo cáo của Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, qua phân tích những vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng cho thấy: nhiều vụ TNLĐ vẫn tái diễn; yếu tố gây TNLĐ chết người cao là do điện giật và ngã cao. TNLĐ trong loại hình công ty cổ phần và Công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm tỷ lệ cao (61% trong tổng số vụ TNLĐ). Lĩnh vực sản xuất xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người nhất là: xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông (chiếm 51,11% trên tổng số vụ TNLĐ chết người).

Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động là do người sử dụng lao động vi phạm các quy định về an toàn - vệ sinh lao động (chiếm tới 75,02% trong tổng số vụ TNLĐ chết người).

Thực trạng đáng lo ngại đó xuất phát từ những lý do: lực lượng lao động tăng nhanh qua mỗi năm (tăng hơn 1 triệu người); số doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng gấp đôi so với năm 2005; nhận thức về ATVSLĐ và PCCN của người sử dụng lao động, người lao động còn hạn chế; trang thiết bị, cơ sở vật chất và kinh phí thực hiện còn khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân chưa được thường xuyên, liên tục và sâu rộng...

Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong bảo đảm ATVSLĐ và PCCN, các biện pháp sẽ được triển khai trong thời gian tới là: tiếp tục các hoạt động nâng cao năng lực cán bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn về công tác ATVSLĐ thông qua việc huấn luyện, trang cấp thiết bị, xây dựng cơ sở dữ liệu về ATVSLĐ, áp dụng mô hình quản lý tiên tiến; triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật và tổ chức ngăn chặn TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; tăng cường các hoạt động truyền thông, các phong trào quần chúng tham gia công tác BHLĐ; hoàn chỉnh các văn bản pháp quy; triển khai các hoạt động hợp tác kỹ thuật với các tổ chức quốc tế và các quốc gia trong khu vực về công tác ATVSLĐ.../.