Đồng bào dân tộc, tôn giáo làm theo lời Bác

Vương Thục Anh
14:36, ngày 11-03-2010

TCCSĐT - Tháng 1 vừa qua, 144 tấm gương bình dị mà cao quý đã được vinh danh tại Hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến toàn quốc của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong hơn 100 tấm gương đó có những người là đồng bào dân tộc thiểu số, là những nhà sư đang sinh sống ở những làng bản vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, nơi mà cuộc sống còn nhiều khó khăn. Họ nổi bật tại Hội nghị không phải bởi những bộ trang phục truyền thống độc đáo mang trên mình mà bởi những việc làm đầy ý nghĩa, gây xúc động lòng người.

Hiến đất, xây trường, đón “con chữ” về bản

Ông Giàng A Lự

Dáng người to đậm, nhanh nhẹn với nụ cười luôn nở trên môi là những ấn tượng ban đầu của tôi về ông Giàng A Lự, một đảng viên người Mông ở bản Lóng Luông, xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu. Dù đã ở tuổi 60, nhưng ông vẫn xốc vác với việc của dân, của bản. Với ông, việc gì làm được cho dân bản bớt khổ ông đều tham gia hết. Ở bản Lóng Luông đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, phù hợp nhiều loại cây trồng nhưng cuộc sống nhân dân ở đây chưa phát triển được. Đảng ủy, chính quyền xã Lóng Luông đã động viên nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng do trình độ bà con còn quá thấp, nhiều người còn chưa biết đọc, biết viết nên việc áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.
 
Hiểu được việc không có chữ thì không biết áp dụng khoa học kỹ thuật, không được học thì sẽ mãi mãi đói nghèo nên ông Giàng A Lự đã đề nghị chính quyền đầu tư mở mang trường lớp để đón chữ về bản. Ông đã đến từng nhà vận động cho các cháu đến lớp nhưng khi số trẻ đến trường ngày một nhiều hơn lại nảy sinh việc thiếu phòng học. Ông cùng lãnh đạo xã đi xin vốn xây trường mầm non, nhưng khi đã có tiền trong tay lại không có đất để xây dựng. Giữa lúc khó khăn, ông quyết định hiến mảnh đất 3000m2 vừa được cấp "sổ đỏ" để xây trường, mang cái chữ về cho các em.

Ông nói, hồi đầu khi quyết định hiến mảnh đất này, cũng có người nói ra, nói vào lắm. “Mảnh đất này trước kia vốn là đồi hoang. Tôi và con cháu đã phải nhiều năm vất vả san lấp, cải tạo mới trở nên vuông vắn, bằng phẳng. Mỗi năm trồng ngô thu lợi từ 15 đến 20 triệu đồng. Do nằm ở sát mặt đường liên xã nên nhiều người muốn mua để mở quán. Có người trả cả 100 triệu đồng nhưng tôi nghĩ nếu cứ suy tính thiệt hơn như vậy thì các cháu nhỏ trong bản không biết đến bao giờ mới có trường học”. Nghĩ thế nào làm thế ấy. Ông đã họp gia đình phân tích cái hơn, cái thiệt. Từ đó, cả gia đình ông đã thuận tình hiến mảnh đất cho dân bản mà không nhận tiền đền bù. Có tiền, có đất, ông tiếp tục vận động dân trong bản đóng góp xây dựng trường; tham gia ngày công để san nền, đào cát, đóng gạch xây bếp, làm sân chơi và nhà vệ sinh cho các cháu. Có bếp, giáo viên tổ chức cho trẻ ăn bữa trưa tại trường. Sức khỏe của các cháu vì vậy rất tốt. Mỗi lần đưa đón cháu đi học, ông vui lắm. Bởi từ khi có trường mẫu giáo, các gia đình trong bản yên tâm đưa con cháu đến trường, chuyên tâm vào lao động sản xuất, đời sống của bà con ngày một cải thiện hơn.

Lấy niềm vui của mọi người làm hạnh phúc

 Chị Hảng Thị Dông

Nhắc đến Hảng Thị Dông, cả xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái ai cũng ngưỡng mộ. Người con gái với nước da trắng trẻo, cái dáng mảnh mai và xinh xắn ấy đã giúp phụ nữ trong xã xóa mù chữ, giúp đàn ông cai nghiện, xóa bỏ cây thuốc phiện, giúp bà con xóa bỏ những thủ tục lạc hậu về ma chay, cưới xin. Là 1 trong 4 người học hết lớp 12 của xã Bản Công, chị được bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Công,một xã vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái với dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Hiểu được tầm quan trọng của cái chữ, chị đã đến từng gia đình vận động cho con đến tuổi đi học ra lớp. Tuy nhiên, điều chị băn khoăn nhất hiện nay ở xã của chị con gái đến tuổi 14 - 15 là lấy chồng và chỉ có nam giới được học lên cao. Vì thế mà trong xã còn đến 80% phụ nữ không biết chữ.
 
Chị Hảng Thị Dông tâm sự: khi vận động chị em đến lớp, mình phải lấy chính bản thân ra làm gương. Mình bảo rằng, lấy chồng xong thì phải đi học tiếp vì không học thì sẽ không biết phát triển kinh tế, đời sống sẽ rất khó khăn. Như mình hiện nay vừa chăm sóc, dạy dỗ các con và cho đi học đầy đủ, vừa quan tâm, động viên chồng hoàn thành chương trình đại học Nông Lâm tại trường đại học Tây Bắc - Sơn La. Bản thân mình hiện cũng đang theo học một lớp chuyên môn nhưng mỗi năm mình vẫn làm được 0,6 ha ruộng lúa nước, 1 ha lúa nương và 0,5 ha cây hoa màu đấy.
 
Chị kể, phải thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em trong xã để tổ chức sinh hoạt, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhất là các chính sách đối với vùng cao của tỉnh, của huyện cho chị em được biết. Mình đã đến từng nhà, vận động chị em lao động, sản xuất phát triển kinh tế, thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Lúc đầu công tác vận động gặp nhiều khó khăn lắm. Nhiều người do chưa hiểu, chưa nghe mình đâu. Xong thấy mình làm trước, làm đúng nên chị em trong xã đã tích cực làm theo. Xã Bản Công là một trong hai huyện nghèo nhất của tỉnh. Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Công chị đã cùng với các Đảng viên trong chi bộ hội phụ nữ xã còn đẩy mạnh công tác xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, phòng chống buôn bán thuốc phiện, ăn ở vệ sinh xây dựng gia đình văn hóa mới.
 
Nhớ lại những năm 2006 về trước, chị bảo cả xã có khoảng 30 người nghiện ma túy và họ tự trồng cây thuốc phiện để hút. Chị đã đến tận nhà họ vận động không hút thuốc phiện nữa. Đến một lần không được, chị kiên trì đến nhiều lần vì chỉ vận động những người nghiện đi cai thì sẽ bỏ được vườn thuốc phiện họ đang trồng. Đặc biệt, những thủ tục lạc hậu như thách cưới, ma chay kéo dài của xã cũng đã được chị thuyết phục bà con xóa bỏ. Khi hỏi về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ có khó lắm không? Chị cười trả lời: “không khó đâu. Mình học tập và làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất. Mình cứ gương mẫu trong cuộc sống, trong công việc của mình thì vận động người khác làm theo cũng dễ dàng thôi mà”.

Ngôi nhà chung của học sinh nghèo

Sư thầy Thích Quảng Tâm 

Tại thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa (Long An), có một ngôi chùa nhỏ nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Trung Trực mang tên Long Thạnh. Nhà chùa chỉ có hai nhà sư, thế nhưng tại đây nhiều thế hệ học sinh nghèo hiếu học ở vùng sâu, vùng xa đã trưởng thành. Không chỉ vậy, ngôi chùa nhỏ ấy có lẽ là nơi đầu tiên nghĩ ra mô hình phổ cập tin học cho học sinh nghèo, cho giáo viên vùng sâu vùng xa, cho cả một số cán bộ nhà nước và người dân trong vùng nữa...
 
Với khuôn mặt nhân hậu và giọng nói nhẹ nhàng, sư thầy Thích Quảng Tâm - chụ trì chùa Long Thạnh, tỉnh Long An kể cho chúng tôi nghe về ngôi chùa. Chùa hiện có 45 học sinh nam học từ lớp 6 đến lớp 12. Tất cả đều xuất thân trong gia đình nghèo khó ở vùng sâu. Một phần ba trong số này mồ côi cha lẫn mẹ, một phần ba khác mồ côi cha hoặc mẹ. Tuy là chốn cửa thiền nhưng các em ở đây được tổ chức như trong... quân đội. Cứ ba em xếp vào một tổ, em lớn làm tổ trưởng. Tổ trưởng phải là đầu tàu gương mẫu, giúp đỡ tổ viên trong việc học tập, thực hiện các chế độ trong ngày. Giờ nào ôn tập, giờ nào giải lao, giờ nào đọc sách, giờ nào học vi tính đều được giám sát chặt chẽ...
 
Sư thày Thích Quảng Tâm cho biết, dù sống trong thời đại bùng nổ thông tin nhưng giới trẻ trong huyện không hiểu biết nhiều về tin học. Đối với các em học sinh con nhà nghèo thì càng không thể có cơ hội tiếp cận. Xuất phát từ thực tế đó, thày Thích Quảng Tâm và thày Thích Quảng Minh thay nhau lên tỉnh học vi tính. Sau khi vốn vi tính học được căn bản, các thày tiến hành vận động phật tử gần xa ủng hộ tiền bạc mở một lớp vi tính dạy miễn phí cho học sinh nghèo. Chưa kể ở các xã vùng sâu huyện Thủ Thừa hiện chưa có trường trung học, vì vậy sau khi học hết tiểu học các em phải ra huyện học tiếp. Chuyện tưởng đơn giản nhưng có nhiều gia đình không thể đưa con em mình ra huyện học vì không có tiền thuê nhà trọ, đóng học phí, mua sách vở, phương tiện đi lại. Cũng xuất thân từ một gia đình nghèo nên rất hiểu nỗi khó khăn đó, kể từ năm 1985, sư thày Thích Quảng Tâm âm thầm thực hiện chương trình giúp đỡ các em. Thày tìm đến những gia đình neo đơn có con em vừa học xong tiểu học đưa về Chùa lo cho ăn học. Lúc đầu, Chùa chỉ thu nhận không quá 5 học sinh, sau đó nâng dần lên 10, 20, 30 rồi 45 như hiện nay.
 
Con số học sinh nghèo vùng sâu do chùa Long Thạnh giúp đỡ không chỉ đóng khung ở sĩ số hiện có, mà còn có hàng chục em khác được gửi tá túc ở các chùa khác. Những em đỗ vào đại học, thày Thích Quảng Tâm đi vận động các chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh giúp đỡ nơi ăn, chốn ở. Mới đây, chùa Long Thạnh nhận thêm em Trương Hoàng Minh (sinh 1991) quê ở Biên Hòa, Đồng Nai do một phật tử gửi đến. Minh mồ côi cha, nhà xa trường công lập nên phải theo học trường dân lập, rồi phải nghỉ học vì mẹ em không có tiền đóng học phí. Khi nhận em vào chùa, sư thày Thích Quảng Tâm phải chạy ngược chạy xuôi lo cho em đi học trở lại. Vì trường ở xa chùa, thầy trụ trì đã vận động phật tử đóng góp mua cho Minh một chiếc xe đạp làm phương tiện đi học hằng ngày. Bây giờ, ở Thủ Thừa, người ta không còn lạ việc có một sư thày mặc áo nâu sồng, cổ đeo tràng hạt, vai mang túi vải đi họp phụ huynh, đóng học phí, đi xin chuyển trường chuyển lớp cho học sinh hết lượt này đến lượt khác./.