Kịch bản nào cho Ai Cập?
TCCSĐT - Trong những tuần qua, làn sóng biểu tình của người dân Ai Cập phản đối chính phủ và cá nhân Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc đã đẩy đất nước này đến sự lựa chọn định hướng chính trị cho tương lai.
Nguyên cớ của sự việc chủ yếu nội sinh trong lòng xã hội Ai Cập, nhưng cũng có phần tác động không nhỏ của những gì đã và đang còn diễn ra ở một số nơi khác trong khu vực miền bắc Châu Phi. Đúng là Bắc Phi đang có những biến động chính trị sâu sắc, nhưng không phải ở nơi nào cũng hoàn toàn giống nhau. Ai Cập rồi cũng sẽ như vậy.
Diễn biến tình hình cũng như tương lai của Ai Cập được cả trong lẫn ngoài khu vực quan tâm vì Ai Cập chiếm vị trí rất then chốt trong chiến lược của các đối tác bên ngoài đối với khu vực và có ảnh hưởng rất quyết định tới triển vọng tình hình ổn định và an ninh ở cả khu vực.
Ai Cập đang là chuyện khó xử lớn của Mỹ và EU bởi suốt hơn ba thập kỷ qua – đúng hơn là kể từ Hiệp ước Camp David năm 1979 giữa Ai Cập và Ít-xra-en, Ai Cập là chỗ dựa của Mỹ và Phương Tây ở khu vực. Mỹ và phương Tây tăng cường các mối quan hệ với Ai Cập, duy trì viện trợ quân sự cho Ai Cập và hậu thuẫn chính trị cho ông H. Mu-ba-rắc vì ông H. Mu-ba-rắc kể từ khi lên cầm quyền năm 1981 đến nay vẫn chủ trương hoà bình với Ít-xra-en như người tiền nhiệm, bất kể ông H. Mu-ba-rắc thực thi chính sách đối nội như thế nào và với nội dung gì. Bây giờ, Mỹ và phương Tây không thể không hậu thuẫn làn sóng biểu tình của người dân phản đối ông H. Mu-ba-rắc và đòi vị Tổng thống này phải ra đi, nhưng lại lo ngại về khoảng trống quyền lực ở Ai Cập, về mất một con chủ bài chính trị và chỗ dựa ở khu vực cũng như lo ngại khả năng những tổ chức và lực lượng Hồi giáo lên nắm quyền ở Ai Cập. Chính vì thế mà Mỹ và phương Tây vừa muốn ông H. Mu-ba-rắc ra đi lại vừa muốn có sự chuyển giao quyền lực “có trật tự” ở Ai Cập. Lợi ích của họ là thay đổi chính phủ để trấn an người dân, chính phủ mới có đường lối đối nội mới nhưng không thay đổi chính sách đối ngoại và an ninh của ông H. Mu-ba-rắc.
Về lý thuyết, hiện có thể thấy 4 kịch bản cho Ai Cập trong thời gian tới. Khả năng thứ nhất là leo thang đối đầu và đụng độ bạo lực giữa chính phủ và lực lượng biểu tình với chiều hướng chính phủ áp dụng những biện pháp mạnh tay đối phó với lực lượng biểu tình. Kịch bản thứ hai là thay đổi chính thể như kết quả của một cuộc cách mạng thực thụ. Kịch bản thứ ba là ông H. Mu-ba-rắc thoái vị nhưng vấn đề quyền lực chưa được giải quyết thoả đáng nên đất nước lâm vào tình trạng hỗn loạn. Cả ba kịch bản này đều ít khả năng trở thành thực tế vì làn sóng biểu tình phản đối không đủ mạnh đến mức có thể làm nên cuộc cách mạng và phía chính phủ cũng chưa yếu hoặc rệu rã đến mức dễ bị tan vỡ cũng như giới quân sự vẫn đóng vai trò rất quyết định.
Cho nên nhiều khả năng có thể xảy ra hơn là kịch bản thứ tư: ông H. Mu-ba-rắc tiếp tục là Tổng thống Ai Cập cho tới hết nhiệm kỳ vào tháng 9 tới, nhưng không còn thực quyền, các cộng sự của ông H. Mu-ba-rắc thành lập chính phủ mới với sự tham gia của phe đối lập, sửa đổi hiến pháp và tiến hành tổng tuyển cử mới. Giải pháp này chỉ đáp ứng một phần yêu sách của lực lượng biểu tình và sẽ làm phân hoá nội bộ phe chống đối, giữ thể diện cho ông H. Mu-ba-rắc và đáp ứng yêu cầu của Mỹ và Phương Tây. Câu hỏi lớn vì thế được đặt ra bây giờ ở Ai Cập là liệu lực lượng biểu tình chống đối chính phủ có chấp nhận cái bình mới nhưng lại đựng chủ yếu là rượu cũ hay không thôi./.
Năm 2011, mục tiêu thu hút vốn FDI khoảng 20 tỉ USD (08/02/2011)
- Phát triển vùng Đông Nam Bộ bền vững: Cần khơi thông “điểm nghẽn” về phát triển hạ tầng kỹ thuật
- Xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới
- Bất ngờ chiến lược trong quan hệ quốc tế và một số hàm ý chính sách
- Một số suy nghĩ về công tác cán bộ của Đảng trong tình hình mới
- Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay
-
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay