TCCSĐT - Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 phân chia theo nam giới và nữ giới cho chúng ta một bức tranh cụ thể về sự khác biệt về giới, sự tiến bộ và thay đổi quan niệm về giới trong những thập kỷ qua, nhất là trên hai lĩnh vực giáo dục và lao động, việc làm.

Những khác biệt về giới trong giáo dục

Số liệu của Tổng điều tra cho thấy gần một phần tư dân số đang theo học một trường nào đó (24,7%). Trong vòng 20 năm qua, tỷ trọng phần trăm dân số từ 5 tuổi trở lên chưa bao giờ đến trường đã giảm đi đáng kể, năm 2009 chỉ có 5,1% dân số chưa bao giờ đi học, thấp hơn 4,7 điểm phần trăm so với năm 1999. Tỷ trọng chưa đi học của nữ cao hơn của nam (6,7% so với 3,5%).
 
Phụ nữ bị thiệt thòi hơn nam giới về hưởng thụ giáo dục (xem Hình 1.1). Tuy nhiên, hai đường đồ thị gần nhau ở nhóm tuổi trẻ và càng cách xa nhau ở những độ tuổi già hơn, phản ánh sự khác biệt của tỷ trọng chưa đi học theo giới đã được thu hẹp đáng kể trong những năm gần đây.

Kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy tỷ lệ biết chữ của dân số 10 tuổi trở lên là 94%. Trong 10 năm qua, tỷ lệ biết chữ của nữ tăng 3,8 điểm phần trăm trong khi tỷ lệ này của nam chỉ tăng 1,7 điểm phần trăm làm cho chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa nam và nữ được thu hẹp (tương ứng là 96,0% và 92,0%). Nhìn chung, bất bình đẳng giới trong giáo dục cơ sở ở Việt Nam gần như đã được xóa bỏ.

Tuy nhiên kết quả của cuộc TĐT này cho thấy, tỷ trọng lao động đã qua đào tạo ở nước ta vẫn còn thấp. Trong tổng số 49,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động của cả nước, chỉ có 7,3 triệu người đã được đào tạo, chiếm 14,9% tổng lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của nam cao hơn nữ. Như vậy, nguồn nhân lực của nước ta trẻ và dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật thấp. Hiện cả nước có hơn 41,8 triệu lao động (chiếm 85,1% lực lượng lao động) chưa được đào tạo để đạt một trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) nào đó. Con số này đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những cố gắng nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực lao động phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

Giới là các thuộc tính văn hóa và xã hội gắn với việc là nam hay nữ, bao gồm các mối quan hệ giữa nam giới và nữ giới và cách mà xã hội xác định các mối quan hệ này. Các chuẩn mực văn hóa và xã hội sẽ tạo ra các vai trò khác nhau cho nam giới và nữ giới trong đời sống xã hội và cá nhân (gọi là vai trò giới) như: làm việc hay ở nhà, tham gia công tác xã hội hay không.

Vai trò giới được xác định và hình thành thông qua quá trình học hỏi và bắt đầu từ rất sớm trong suốt quá trình lớn lên và trưởng thành của mỗi cá thể, vai trò này được giáo dục và củng cố bởi nhiều thể chế xã hội như: gia đình, nhà trường, tổ chức tôn giáo, nơi làm việc, các phương tiện đại chúng, bạn bè, hàng xóm... Các vai trò giới thay đổi khi có những thay đổi về văn hóa, kinh tế, di cư, giáo dục... Các vai trò giới và xã hội khác nhau sẽ tạo nên sự bất bình đẳng về giới.

Tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên của nam giới cao hơn nữ giới ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên của khu vực thành thị năm 2009 cao gấp gần 8 lần so với khu vực nông thôn, trong đó chênh lệch của nữ giới gấp gần 9 lần.

Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Việc tận dụng “cơ cấu dân số vàng” để tạo cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách. Chính vì vậy, để tạo ra một lực lượng lao động vàng trong thời kỳ này, chúng ta cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội vàng của dân số cho phát triển, tập trung vào cải cách và điều chỉnh hệ thống đào tạo đại học, đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật hướng đến thị trường nhằm tạo ra một lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề, có trình độ chuyên môn thỏa mãn “cơn khát” lao động có kỹ năng của các doanh nghiệp.

Khác biệt về giới trong lao động và việc làm

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2009 của dân số khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị tới 14 điểm phần trăm (80,6% so với 67,1%). Cả nam giới và nữ giới đều có sự chênh lệch này, song mức độ chênh lệch của nữ giới lớn hơn của nam giới.

Một nét đáng chú ý là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ thấp nhất đều ở hai vùng thuộc miền Nam (Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long). Số liệu cho thấy, ở cả 6 vùng kinh tế xã hội, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới đều thấp hơn nam giới. Mức chênh lệch tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giữa nam giới và nữ giới tăng dần từ Bắc vào Nam, Trung du và miền núi phía Bắc có mức chênh lệch thấp nhất là 3% và Đồng bằng sông Cửu Long có mức chênh lệch lớn nhất là 19,3%. Đặc điểm này một lần nữa khẳng định thêm xu hướng ở miền Nam có nhiều phụ nữ tham gia công việc nội trợ gia đình, không tham gia hoạt động kinh tế.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đặc trưng theo tuổi và giới tính là một trong những số đo tin cậy về xu hướng thay đổi hoạt động kinh tế, vì nó độc lập với cơ cấu tuổi và giới tính của dân số. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ thấp hơn nam ở tất cả các nhóm tuổi. Mức chênh lệch tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giữa nam giới và nữ giới tăng dần từ nhóm tuổi 15-19 và đạt cực đại ở nhóm tuổi 55-59, nhóm tuổi 15-19 có mức chênh lệch thấp nhất là 5% và nhóm tuổi 55-59 có mức chênh lệch lớn nhất là 16,2%. Nguyên nhân là do tuổi về hưu của phụ nữ là 55 tuổi và sau khi về hưu phụ nữ thường không tiếp tục tham gia vào hoạt động kinh tế nữa.

Đến năm 2009, phần lớn lao động làm việc trong nền kinh tế nước ta vẫn là nghề lao động giản đơn (chiếm 40,3%) và nghề trong nông, lâm, ngư nghiệp (18,5%). Điều này cho ta thấy thị trường lao động nước ta đang ở mức rất thấp, vấn đề đào tạo nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật được đặt ra là hết sức cấp bách.

Trong số chín nhóm nghề nghiên cứu (gồm: "nhà lãnh đạo", "chuyên môn kỹ thuật bậc cao", "chuyên môn kỹ thuật bậc trung", "nhân viên", "dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng", "nghề trong nông, lâm, ngư nghiệp", "thợ thủ công", "thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị" và "nghề giản đơn"), chỉ có ba nhóm nghề sử dụng nhiều lao động nữ hơn là “Dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng” (nữ chiếm 63,6%), “Chuyên môn kỹ thuật bậc trung” (nữ chiếm 55,8%) và “Lao động giản đơn” (nữ chiếm 52,6%). Rõ ràng đây là những nhóm nghề chủ yếu đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Điều này cho thấy sự bất bình đẳng giới trong nghề nghiệp.

Trong toàn bộ nền kinh tế, lao động nữ gần như cân bằng với nam (lao động nữ chiếm 48,1% tổng số lao động đang làm việc). Việc lựa chọn giới tính trong một số ngành kinh tế khá rõ nét, có những ngành tỷ trọng lao động nữ trong tổng số lao động của ngành khá thấp, như “F. Xây dựng” chỉ có 7,9%, “H. Vận tải kho bãi” (8,4%), “D. Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí” (17,2%). Ngược lại, có những ngành chủ yếu là lao động nữ, như: “T. Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình” lao động nữ chiếm tới 90,3%, “P. Giáo dục và đào tạo” và “I. Dịch vụ lưu trú và ăn uống” lao động nữ chiếm gần 70% trong tổng số lao động của ngành.

Trừ loại hình kinh tế “Vốn đầu tư nước ngoài”, tất cả các loại hình kinh tế còn lại đều sử dụng nhiều lao động nam hơn nữ. Loại hình kinh tế “Vốn đầu tư nước ngoài” có tỷ trọng lao động nữ cao nhất (63,7%), đây là loại hình kinh tế thường có thu nhập và điều kiện làm việc tốt. Trong số 1.046.455 lao động nữ làm việc cho loại hình kinh tế "Vốn đầu tư nước ngoài" có 963.718 lao động (chiếm 92,1%) làm việc trong ngành công nghiệp chế biến (chủ yếu là ngành dệt may) và 696.702 lao động (chiếm 66,6%) làm nghề vận hành máy móc thiết bị (chủ yếu là vận hành máy may công nghiệp).

Tỷ lệ thất nghiệp

Đối với nước ta, tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 của khu vực thành thị là 4,6%, trong đó của nam là 4,9%, cao hơn của nữ 0,7 điểm phần trăm (4,2%). Với những người chưa đi học hoặc chưa tốt nghiệp tiểu học, thì nữ giới thất nghiệp nhiều hơn nam giới. Ngược lại, ở các trình độ cao hơn, số nữ thất nghiệp lại thấp hơn đáng kể so với nam giới thất nghiệp. Điều này cho thấy cơ hội có việc làm của những phụ nữ có trình độ học vấn thấp ít hơn nam giới. Vì vậy, một trong những biện pháp giúp làm tăng cơ hội việc làm cho phụ nữ là nâng cao trình độ học vấn cho họ.

Đáng chú ý là tỷ lệ thất nghiệp của nhóm nữ thanh niên trong độ tuổi sinh đẻ (20-34 tuổi) cao hơn của nhóm nam thanh niên cùng độ tuổi đó. Đây là vấn đề đáng quan tâm của xã hội, vì trong giai đoạn chính họ thực hiện thiên chức làm mẹ thì họ lại bị tổn thương và yếu thế hơn nam thanh niên cùng nhóm tuổi trong việc tìm kiếm việc làm./.