TCCSĐT - Ngày 06-6, Tổng thống Pháp E. Macron và Tổng thống Mỹ D. Trump đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại thành phố Caen, miền Tây nước Pháp. Tiếp nối chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước đầu tiên hồi tháng 4-2018 của Tổng thống Pháp E. Macron, cuộc gặp thượng đỉnh lần này tiếp tục là cơ hội để Mỹ - Pháp củng cố quan hệ đồng minh.

Mỹ - Pháp củng cố quan hệ đồng minh chiến lược

 
 Tổng thống Mỹ D. Trump và Tổng thống Pháp E. Macron. Ảnh: TTXVN

Nhân dịp lễ kỷ niệm 75 năm Ngày quân Đồng minh bắt đầu chiến dịch đổ bộ lên bãi biển Normandie (Pháp), mở đường cho việc giải phóng toàn châu Âu khỏi phát xít Đức, Tổng thống Pháp E. Macron và Tổng thống Mỹ D. Trump đã tiến hành hội đàm nhằm thảo luận về các vấn đề hợp tác song phương, căng thẳng thương mại, vấn đề hạt nhân Iran, tình hình Syria, vấn đề Triều Tiên, cuộc chiến chống khủng bố và vấn đề biến đổi khí hậu.

Tổng thống E. Macron hối thúc nước đồng minh ủng hộ cái mà ông gọi là “liên minh của thế giới tự do”. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định Pháp “sẵn sàng hợp tác vì tình hữu nghị giữa các nước đồng minh và đóng góp nhiều cho lịch sử nhân loại”. Về phần mình, Tổng thống D. Trump nhận định mối quan hệ Mỹ - Pháp có lúc thăng trầm, song hiện tại mối quan hệ này rất tốt đẹp.

Đối với vấn đề hạt nhân Iran, Tổng thống D. Trump cho biết, ông sẵn sàng tiến hành đối thoại với Iran nhưng với điều kiện Iran không được sở hữu vũ khí hạt nhân. Còn theo Tổng thống E. Macron, Pháp và Mỹ có cùng mục tiêu đối với Iran, đó là ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, giảm các hoạt động thử tên lửa đạn đạo, kiềm chế hoạt động của Iran tại khu vực và thúc đẩy hòa bình tại Trung Đông và để đạt được những mục tiêu trên, các bên cần khởi động tiến trình đối thoại. Tổng thống E. Macron cũng bày tỏ sự hoan nghênh đối với tuyên bố của Tổng thống D. Trump sẵn sàng tiến hành đối thoại với Iran.

Tổng thống D. Trump và Tổng thống E. Macron cũng đã thảo luận về sự hợp tác kinh tế mạnh mẽ giữa hai nước. Tổng thống D. Trump khẳng định Mỹ quan tâm đến việc tìm các phương thức mới để phát triển trao đổi thương mại. Trong khi Tổng thống E. Macron nhấn mạnh sự cần thiết phải “tôn trọng luật thương mại quốc tế”.

Đề cập những bất đồng Pháp - Mỹ về vấn đề chống biến đổi khí hậu, Tổng thống E. Macron cho rằng hai bên không thể luôn đồng thuận về mọi vấn đề, “nhưng trên tất cả, đó là việc diễn ra trong tất cả các mối quan hệ bạn bè”.

Cuộc hội đàm cho thấy Pháp và Mỹ đang thể hiện rằng hai bên có thể thỏa hiệp về những bất đồng còn tồn tại. Quan trọng hơn, Pháp đã phần nào chứng tỏ là đối tác mà Mỹ tin cậy ở châu Âu trong khi Mỹ tiếp tục thể hiện vẫn là đồng minh chiến lược quan trọng hàng đầu của Pháp. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Pháp một lần nữa mở ra hy vọng cho mối quan hệ song phương. Trong bối cảnh nhà lãnh đạo Pháp đang muốn khẳng định vai trò dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU), cuộc gặp cũng có thể là cơ sở để tái cài đặt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU, vốn bị lạnh nhạt kể từ khi Tổng thống D. Trump nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ.

Kịch bản nào với nước Anh sau khi Thủ tướng T. May từ chức

 
 Thủ tướng Anh T. May. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Anh T. May chính thức từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ ngày 07-6-2019, mở đường cho một cuộc chạy đua vào ngôi vị lãnh đạo đảng này, đồng thời đặt ra những câu hỏi còn bỏ ngỏ về Brexit.

Bà T. May sẽ vẫn là Thủ tướng tạm quyền cho đến khi Đảng Bảo thủ tìm được người kế nhiệm. Người kế nhiệm Thủ tướng T. May sẽ được lựa chọn theo tiến trình gồm hai giai đoạn, theo đó hai ứng cử viên cuối cùng sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu kín của 125.000 thành viên Đảng Bảo thủ. Cuộc đua này sẽ cho kết quả sớm nhất là vào tháng 7 tới, chỉ khoảng 3 tháng trước hạn chót Brexit vào ngày 31-10.

Báo Daily Telegraph ngày 31-5 đưa tin Nghị sĩ M. Harper trở thành nghị sĩ thứ 12 của Đảng Bảo thủ bước vào cuộc đua thay thế Thủ tướng T. May. Ông M. Harper thừa nhận là “yếu thế” so với các ứng cử viên khác, nhưng ông cho rằng sự ít nổi tiếng của ông có thể sẽ là lợi thế cho cuộc chạy đua lần này. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng B. Johnson là nhân vật nhiều khả năng nhất giành ghế Thủ tướng và được các thành viên cấp thấp trong Đảng Bảo thủ ưa thích. Tuy nhiên, Đảng Bảo thủ đang phải cân nhắc một số câu hỏi lớn về ông B. Johnson, đó là liệu ông có thực sự đàm phán được một thỏa thuận Brexit tốt hơn so với thỏa thuận của bà T. May hay không. Và ông B. Johnson có khả năng kết nối các vùng của Anh khi mối liên kết với Scotland đang bị lỏng dần.

Liên quan tới vấn đề Brexit, người kế nhiệm của bà T. May sẽ phải tìm cách vượt qua sự chia rẽ và bế tắc hiện nay tại quốc hội về các điều khoản nhằm đưa nước Anh rời khỏi EU. Theo các chuyên gia, Thủ tướng Anh tương lai sẽ đứng trước ba kịch bản. Kịch bản thứ nhất là đưa nước Anh ra khỏi EU có thỏa thuận đúng như tiến trình mà bà T. May từng theo đuổi. Kịch bản này khó xảy ra, bởi không nhà lãnh đạo nào muốn “đi theo vết xe đổ” của người tiền nhiệm.

Kịch bản thứ hai là Anh sẽ tiếp tục đàm phán với EU để đạt được Brexit có thỏa thuận. Tuy nhiên, EU sẽ phản đối nếu như Anh muốn mở lại thỏa thuận rút khỏi EU, trong đó có cả việc đàm phán lại giải pháp “chốt chặn” nhằm ngăn chặn không để xảy ra một đường biên giới cứng trên đảo Ireland.

Kịch bản thứ ba là, liệu Thủ tướng mới của Anh có tiếp tục đề xuất lùi lại thời điểm rời EU sau ngày 31-10 hay không. Tuy nhiên, khả năng này là không cao vì phía EU, đặc biệt Tổng thống Pháp E. Macron đã công khai tuyên bố không ủng hộ việc tiếp tục gia hạn thêm cho Anh vì điều này sẽ có tác động xấu đến lợi ích của cả EU và Anh đứng trên góc độ kinh doanh thương mại. Thực tế này làm gia tăng nguy cơ Brexit không thỏa thuận. Nếu Anh và EU không thể đạt được đồng thuận về một lần gia hạn khác, Anh buộc phải chấp nhận Brexit không thỏa thuận vào ngày 31-10 tới, bỏ lại sau lưng toàn bộ nỗ lực mà bà T. May và chính phủ dành bao công sức để đàm phán với EU. Brexit không thỏa thuận đồng nghĩa với việc biên giới “cứng” sẽ được thiết lập tại Ireland.

Dù kịch bản nào xảy ra, điều mà cả Anh và EU đều không mong muốn là tiến trình Brexit rơi vào bế tắc. Chính vì vậy, Thủ tướng mới của Anh cần có bản lĩnh, đủ khả năng đưa con thuyền Brexit vượt qua sóng gió.

Xung lực đưa hợp tác chiến lược Trung Quốc - Nga lên tầm cao mới

 
 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga V. Putin. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga V. Putin đã có cuộc gặp thượng đỉnh nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga từ ngày 05 đến 07-6 của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong bối cảnh cả Nga và Trung Quốc đang chịu sức ép từ phía Mỹ, việc hai bên nhất trí phát triển quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện, cùng việc củng cố sự ổn định chiến lược trong thời kỳ hiện đại, đã trở thành động lực đưa quan hệ giữa hai cường quốc lên tầm cao mới.

Trong cuộc hội đàm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống V. Putin đã xem xét, đánh giá các thành tựu đạt được cũng như thực tế phát triển mối quan hệ song phương trong 7 thập niên qua và đề ra định hướng phát triển trong tương lai.

Lãnh đạo hai nước đánh giá cao mối quan hệ Trung Quốc - Nga, trong bối cảnh Moscow và Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường hợp tác giữa lúc căng thẳng với Mỹ gia tăng. Tổng thống V. Putin nhấn mạnh, trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã đạt tới “mức cao chưa từng có”. Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, mối quan hệ song phương Trung Quốc - Nga đã trụ vững trước những thách thức của thế giới đang biến đổi, ở cả cấp quốc gia lẫn quốc tế. Trong cuộc hội đàm, Nga và Trung Quốc nhất trí nâng quan hệ song phương lên mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của sự hợp tác cho thời đại mới.

Ngoài vấn đề hợp tác song phương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống V. Putin cũng đã thảo luận về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm như vấn đề Syria, Triều Tiên, cuộc khủng hoảng Venezuela… Theo tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh, hai nước dự định tăng cường hợp tác chiến lược nhằm bảo vệ sự ổn định khu vực và toàn cầu.

Cũng theo tuyên bố chung, hai nước ủng hộ việc duy trì đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ, đồng thời ủng hộ các bước đi hướng về nhau của Bình Nhưỡng và Washington. Về vấn đề Syria, lãnh đạo hai nước Nga, Trung Quốc nhấn mạnh sự cấp thiết cần hỗ trợ quá trình khôi phục quốc gia Trung Đông này.

Trong tuyên bố chung, Nga và Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại về hành động của các nước phá hoại những nguyên tắc về kiểm soát vũ khí vì lợi ích của riêng mình, loại bỏ các cơ chế duy trì ổn định. Ngoài ra, Moscow và Bắc Kinh cũng nhấn mạnh cần bảo vệ hợp tác kinh tế cùng có lợi với Iran, chống lại các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Có thể khẳng định, hợp tác Trung Quốc - Nga trong tình hình hiện nay đem đến lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Với ý nghĩa đó, chuyến thăm Nga lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp tục thúc đẩy hai nước hợp tác toàn diện cùng có lợi, dựa trên những kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được trong 70 năm qua.

Những thách thức đối với nhiệm kỳ Thủ tướng Thái Lan

 
 Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha. Ảnh: TTXVN

Sau cuộc bầu cử Hạ viện Thái Lan với chiến thắng thuộc về Đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Palang Pracharath) ủng hộ đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha, Quốc hội Thái Lan đã bầu ông Prayut Chan-o-cha làm Thủ tướng mới của nước này ngày 05-6. Việc được Quốc hội bầu lại làm Thủ tướng cũng sẽ đặt ông Prayut Chan-o-cha đối mặt với nhiều thách thức trong nhiệm kỳ mới.

Với việc lưỡng viện Quốc hội bầu ông Prayut Chan-o-cha làm thủ tướng kế tiếp 5 năm sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, Thái Lan giờ đây chính thức khôi phục chính quyền dân sự với một Chính phủ mới hình thành thông qua bầu cử. Kết quả bầu Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan sẽ được Chủ tịch Hạ viện trình lên Nhà vua để phê chuẩn và nội các mới dự kiến sẽ được công bố trong tháng 6. Mặc dù vậy, giới phân tích dự báo, nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ đối mặt với không ít khó khăn cần giải quyết.

Về đối nội, trước mắt, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thành lập, điều hành và duy trì sự ổn định của chính phủ. Bởi Chính phủ của ông được thành lập từ một liên minh khá lỏng lẻo gồm 7 chính đảng, do đó sẽ không thuận lợi trong việc thông qua các chương trình, kế hoạch chung của đất nước.

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha còn đứng trước thách thức đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng tăng trưởng thấp hiện nay, cũng như giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, vốn là hai đối tác quan trọng hàng đầu của Thái Lan. Theo phân tích, cuộc đảo chính quân sự năm 2014 đã ít nhiều làm suy yếu nền kinh tế Thái Lan, đặc biệt là niềm tin của nhà đầu tư, kéo tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2014 xuống mức thấp 0,8%. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền quân sự ở Thái Lan đã thực hiện những chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Đầu tư mạnh mẽ của chính quyền quân sự Thái Lan đã thu được các kết quả ban đầu khá tích cực, theo đó tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2018 đạt 4%, mức cao nhất trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, năm 2019, xu hướng suy giảm kinh tế đã quay lại. Ngày 21-5 vừa qua, Ủy ban Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 xuống 3,6% so với mức dự báo trước đó là 4%. Đặc biệt, là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nền kinh tế Thái Lan chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa gạo. Tuy vậy, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã dự báo sản lượng xuất khẩu gạo năm 2019 của Thái Lan sẽ giảm 14% so với năm 2018.

Cùng với đó, việc duy trì ổn định xã hội đưa Thái Lan trở lại quỹ đạo phát triển bình thường, giải quyết tình trạng thất nghiệp, khoảng cách thu nhập và phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc, tăng cường vị thế quốc gia sẽ là nhiệm vụ được kỳ vọng dành cho Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trong nhiệm kỳ tới.

Những tác động từ việc Mỹ chấm dứt cơ chế ưu đãi thuế quan với Ấn Độ

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Kể từ ngày 05-6, Mỹ sẽ chính thức chấm dứt ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP). Động thái này của Mỹ sẽ khiến kinh tế Ấn Độ chịu “tổn thương”, đồng thời tạo thêm nguy cơ cho các cuộc chiến thương mại toàn cầu của Washington.

GSP được Mỹ đưa ra từ năm 1976. Chương trình GSP cho phép một số sản phẩm của các nước có thể được miễn thuế tại Mỹ, nếu những nước này đáp ứng được các tiêu chuẩn phù hợp, trong đó có việc tạo điều kiện cho Mỹ cách tiếp cận thị trường hợp lý và công bằng. Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình GPS của Mỹ trong suốt nhiều thập niên.

Việc Mỹ chấm dứt cơ chế ưu đãi thuế quan đối với Ấn Độ sẽ là biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất đối với nước này kể từ khi Tổng thống D. Trump nhậm chức hồi năm 2017. Biện pháp này của Mỹ được dự báo là một khó khăn kinh tế mới nhất đối với Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi sau khi ông và Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử mới đây. Đặc biệt trong bối cảnh Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng giảm tốc và tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, việc Mỹ chấm dứt cơ chế ưu đãi thuế quan đối với Ấn Độ được đánh giá là sẽ tăng thêm khó khăn cho nền kinh tế nước này. Chính phủ Ấn Độ ngày 31-5 công bố số liệu thống kê cho thấy, kinh tế nước này trong quý I-2019 tăng trưởng 5,8%, thấp hơn mức tăng 6,6% của quý IV-2018 và là mức tăng trưởng thấp nhất trong 17 quý qua. Tiếp đó, Bộ Thống kê Ấn Độ đã điều chỉnh hạ mức tăng trưởng của nước này trong năm tài khóa 2018 - 2019 (tính đến hết tháng 3-2019) từ 7% xuống 6,8%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ trong năm 2018 đã tăng lên mức cao nhất trong 45 năm qua. Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 7-2017 đến tháng 6-2018 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ đứng ở mức 6,1%, cao nhất kể từ giai đoạn 1972 - 1973. Theo kết quả thăm dò của NSSO, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 7,8%, so với 5,3% của khu vực nông thôn.

Theo các chuyên gia, việc Mỹ dỡ bỏ cơ chế miễn thuế quan đối với khoảng 2.000 dòng sản phẩm của Ấn Độ, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng bất lợi. Thêm vào đó, hàng tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng một khi quyết định của Mỹ chính thức có hiệu lực. Ngoài ra, bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm hạn chế hàng hóa Ấn Độ tiếp cận thị trường Mỹ có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài e dè đầu tư vào Ấn Độ. Việc Mỹ loại bỏ chương trình GSP dành cho Ấn Độ, sức hấp dẫn của Ấn Độ như là một trung tâm sản xuất của thế giới sẽ suy giảm.

Có thể thấy, một trong những mục tiêu của Tổng thống D. Trump là cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, làm cho nước Mỹ mạnh trở lại, phát triển nước Mỹ mạnh mẽ trên nguyên tắc của cơ chế thị trường. Hồi tháng 5 vừa qua, chính quyền Mỹ cũng đã ngừng cơ chế ưu đãi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ cũng tuyên bố áp thuế 5% lên toàn bộ hàng hóa Mexico nhập khẩu từ ngày 10-6, tăng thêm 5% mỗi tháng cho đến khi đạt 25% vào tháng 10 nếu Mexico không hành động để đáp ứng các yêu cầu từ Washington về ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp ở biên giới hai nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều Mỹ phải ứng phó là sự “ăn miếng trả miếng” của các quốc gia và những người chịu ảnh hưởng trước tiên chính là người tiêu dùng Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài đang sử dụng nguyên vật liệu từ các quốc gia chịu tác động thuế quan của Mỹ./.