Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 03 đến ngày 09-6-2019

Hồng Ngọc tổng hợp
21:51, ngày 10-06-2019
TCCSĐT - Hà Nội quán triệt kỷ cương hành chính và phát động phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở, nơi công cộng; Hưng Yên, An Giang quyết liệt cải cách hành chính, nâng cao chỉ số quản trị và hành chính công; Quảng Ninh: Mức độ chính quyền điện tử cấp sở, ngành, địa phương chưa cao; Yên Bái: Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Khánh Hòa: Đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính; là những tin nổi bật tuần qua.

Hà Nội quán triệt kỷ cương hành chính và phát động phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở, nơi công cộng

Ngày 08-6, tại hội nghị quán triệt kỷ cương hành chính và phát động phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, qua hơn 2 năm thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố), đã xuất hiện nhiều mô hình hay, tấm gương điển hình tiên tiến, tạo nên hình ảnh một chính quyền thành phố thân thiện, gần dân.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn nêu rõ những hạn chế như: Trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương có nơi, có chỗ, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở cơ sở chưa được tập trung giải quyết, tình trạng tập trung đông người, vượt cấp có dấu hiệu gia tăng.

Việc tổ chức bầu cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có nơi, có chỗ còn thiếu dân chủ, áp đặt, thiếu thông tin rõ ràng. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính bộ phận “Một cửa” cấp xã ở một số nơi còn chưa tốt. Người dân vẫn phản ánh về biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn xảy ra gây bức xúc đối với người dân; còn rất nhiều hình ảnh không đẹp diễn ra tại nơi công cộng.

Để hưởng ứng và tổ chức triển khai phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, thành phố phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”, gắn với việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện với những việc làm thiết thực, cụ thể, tạo sự chuyển biến, đổi mới toàn diện trong thực hiện văn hóa công sở và thực thi nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong toàn thành phố; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm những quy định của quy tắc ứng xử, văn hóa công sở; tổ chức các hội thi cán bộ, công chức, viên chức thanh lịch, văn minh, qua đó lan tỏa nhiều gương điển hình tiến tiến, người tốt, việc tốt; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục bổ sung vào quy chế làm việc; đưa quy tắc ứng xử vào nội dung các buổi sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chi bộ.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức lấy ý kiến khảo sát đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân đến làm việc, giao dịch với cơ quan công sở; tổ chức đánh giá hàng tháng, xếp loại thi đua hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan; xây dựng chế tài xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm Quy tắc ứng xử đồng thời xây dựng tiêu chí khen thưởng, biểu dương kịp thời tập thể, cá nhân thực hiện tốt.

Cũng tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính của các sở, UBND quận, huyện, thị xã năm 2018. Theo đó, chỉ số cải cách hành chính của Sở Tài chính tiếp tục đứng cao nhất trong khối các sở, cơ quan ngang sở. Các đơn vị thấp nhất gồm có: Sở Tài nguyên và Môi Trường, Sở Du lịch và xếp cuối là Sở Quy hoạch Kiến trúc. Trong 30 đơn vị quận, huyện, quận Nam Từ Liêm đứng đầu chỉ số cải cách hành chính, huyện Ba Vì xếp cuối bảng xếp hạng về chỉ số này.

Hưng Yên quyết liệt cải cách hành chính, nâng cao chỉ số quản trị và hành chính công

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết, tỉnh đang quyết liệt thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính để đạt được hiệu quả thiết thực, nhằm nâng cao chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI).

Năm 2018 Hưng Yên xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố cả nước về chỉ số PAPI, tăng 6 bậc so với năm 2017. Trong đó, có một số tiêu chí có bước tiến bộ, được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất trên cả nước như: tham gia người dân ở cấp cơ sở, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; cung ứng dịch vụ công.

Để nâng cao chỉ số PAPI năm 2019 đạt hiệu quả thiết thực, tỉnh Hưng Yên yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải phối hợp và có biện pháp nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền các cấp. Trong đó, coi trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã, công khai minh bạch trong quá trình điều hành, rà soát, bình xét công nhận đối tượng được hưởng chính sách; công khai thu chi ngân sách, sử dụng ngân sách tài chính công, quy hoạch, khung bảng giá đất; tập trung giải quyết các khiếu nại tố cáo, nâng cao sự giám sát của người dân với chính quyền.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, đơn vị và các địa phương phải tập trung thực hiện nâng cao chất lượng, cải thiện hơn nữa đối với nội dung “quản trị môi trường” và nội dung “ quản trị điện tử”; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị trong công tác cải cách thủ tục hành chính, công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo.

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên, tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo chính quyền các địa phương phải có lịch tiếp công dân cụ thể ngày, giờ. Đối với vụ việc phức tạp, kéo dài phải trực tiếp về cơ sở. Đồng thời có giải pháp chỉ đạo cụ thể để chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ phục vụ và trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý. Cán bộ phải tự học để nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương quyết liệt phòng, chống tham nhũng tiêu cực; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, quản trị môi trường, đẩy mạnh quản trị điện tử. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, đơn giản hóa và cắt giảm tối đa các thủ tục rườm rà, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

An Giang nỗ lực cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

Nỗ lực tập trung cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ông Trương Long Hồ - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang đưa ra tại hội nghị “Sơ kết 8 năm thực hiện Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh” tổ chức ngày 07-6.

Để nâng cao Chỉ số PAPI, ông Trương Long Hồ cho biết: Thời gian tới An Giang sẽ tổ chức quán triệt, tuyên truyền cho cán bộ, công viên chức các nội dung của Chỉ số PAPI để cán bộ, công chức biết đầy đủ các nội dung, tiêu chí thành phần của Chỉ số PAPI và nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chỉ số này đối với sự phát triển bền vững của tỉnh.

Đối với các chỉ số thành phần đạt điểm thấp, trung bình thấp trong giai đoạn 2011-2018, An Giang sẽ nỗ lực tập trung cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI, như tạo cơ hội cho người dân giám sát việc xây dựng mới hoặc tu sửa các công trình công cộng; chính quyền các cấp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cập nhật khung giá bồi thường theo thị trường. Tỉnh cũng sẽ nỗ lực cải thiện hiệu quả thủ tục hành chính công, nhất là các thành phần nội dung đạt điểm thấp nhất như dịch vụ chứng thực, xác thực; dịch vụ hành chính cấp xã, phường, thị trấn; tập trung đổi mới và giám sát bộ phận cung ứng dịch vụ ở các lĩnh vực đất đai, xây dựng và các cơ quan ngành dọc ở cấp huyện.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư yêu cầu các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện các Chỉ số PAPI gắn với đề án An Giang điện tử như: Đưa quy hoạch sử dụng đất lên các trang thông tin điện tử của tỉnh, triển khai chứng thực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất qua mạng, đưa internet về nông thôn, thí điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất qua hệ thống thông tin điện tử...

Quảng Ninh: Mức độ chính quyền điện tử cấp sở ngành, địa phương chưa cao

Ngày 05-6, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị công bố kết quả đánh giá mức độ, xếp hạng chính quyền điện tử cấp sở ngành, huyện và xã tỉnh Quảng Ninh năm 2018. Đây là năm đầu tiên Quảng Ninh thực hiện đánh giá mức độ chính quyền điện tử tại 131 đơn vị, trong đó có 28 sở, ban, ngành; 14 huyện, thị xã, thành phố và 89 xã, phường, thị trấn theo bộ tiêu chí của Bộ Thông tin và Truyền thông. Kết quả, điểm trung bình của các đơn vị, địa phương chưa cao, mới ở mức khá. Thang điểm giữa các đơn vị đứng đầu và các đơn vị phía cuối ở từng cấp vẫn còn sự chênh lệch lớn.

Cụ thể, đối với cấp sở, ban, ngành, kết quả đánh giá mức độ chính quyền điện tử của các sở, ban, ngành mới đạt ở mức khá là 62,5 điểm. Trong đó, có 7 đơn vị đạt mức tốt, trên 70 điểm; 12 đơn vị đạt mức khá; 6 đơn vị đạt mức trung bình và dưới trung bình là 3 đơn vị. Độ lệch điểm giữa đơn vị cao nhất (78 điểm) và đơn vị thấp nhất (27 điểm) là 51 điểm, khoảng cách chênh lệch tương đối lớn.

Đối với cấp huyện, thị xã, thành phố, có 2 đơn vị ở nhóm tốt; 10 đơn vị trong nhóm khá; 2 đơn vị trong nhóm trung bình. Điểm trung bình của 14 huyện, thị xã, thành phố là 121/170 điểm, đạt 67,45%. Độ chênh lệch giữa đơn vị cao nhất và thấp nhất tương đối lớn là 52 điểm.

Đối với cấp xã, phường, thị trấn, mức độ chính quyền điện tử các đơn vị cấp xã đạt mức dưới trung bình (41%). Mức điểm đạt được của các xã, phường, thị trấn tương đối thấp. Trong đó, thị trấn Trới (huyện Hoành Bồ) là đơn vị đạt điểm cao nhất (57,72/100 điểm). Còn lại, 8 đơn vị đạt trên 50/100 điểm, 81 đơn vị đạt dưới 50/100 điểm.

Nguyên nhân các sở ngành, địa phương đạt mức độ chính quyền điện tử chưa cao là do các đơn vị chưa chú trọng cập nhật thông tin lên Cổng Thông tin điện tử thành phần; tỉ lệ các xã có cổng, trang thông tin điện tử hoặc chuyên trang riêng trên Cổng Thông tin điện tử thành phần của huyện không nhiều; tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (mức độ cho phép việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ hoặc được thực hiện trực tuyến gửi trực tiếp hay qua đường bưu điện đến người sử dụng) còn thấp. Ngoài ra, do hầu hết người đứng đầu các đơn vị chưa tích cực sử dụng đồng bộ hệ thống chính quyền điện tử; tỉ lệ lãnh đạo sử dụng chữ ký số thấp; trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức, viên chức cấp xã còn hạn chế…

Để nâng cao chất lượng chính quyền điện tử, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát lại toàn bộ các thủ tục hành chính với phương châm giảm thời gian, đơn giản hóa; cập nhật thủ tục hành chính còn hiệu lực và hết hiệu lực; nâng cấp, nâng cao khả năng kết nối phần cứng và phần mềm tại cơ sở; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng, kết quả thực hiện công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử ngày càng tốt hơn.

Yên Bái: Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Ngày 08-6, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2019.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai kịp thời, đảm bảo tiến độ việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó, đã giảm 71 cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc; giảm 130 lãnh đạo do sắp xếp lại bộ máy; giảm 277 biên chế và 180 chỉ tiêu hợp đồng nhân viên thú y cấp xã. Kinh phí tiết kiệm do thực hiện tinh giản biên chế từ năm 2015 - 2018 khoảng 925 tỷ đồng.

Tháng 6-2018, tỉnh Yên Bái đã đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào sử dụng với 20 đầu mối là các sở, ban, ngành của tỉnh. Đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công đã đưa vào giải quyết trên 1.600 thủ tục hành chính; tiếp nhận trên 20.100 hồ sơ, giải quyết hơn 19,360 hồ sơ. Bộ phận Hành chính công cấp huyện, xã đã tiếp nhận hơn 50.900 hồ sơ, với tỷ lệ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99,98%. Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cũng quyết liệt triển khai việc sắp xếp lại thôn, bản, tổ dân phố theo Thông tư của Bộ Nội vụ. Sau khi tiến hành sắp xếp, đến nay, tỉnh Yên Bái còn 1.364 thôn, bản, tổ dân phố, giảm 985 đơn vị. Hàng năm, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước trên 70 tỷ đồng.

Theo kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, tỉnh Yên Bái xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 4 bậc so với năm 2017 và 9 bậc so với năm 2015 và nằm ở tốp đầu của nhóm có chất lượng điều hành trung bình.

Năm 2019, tỉnh Yên Bái phấn đấu chỉ số cải cách hành chính tăng từ 8-10 bậc so với năm 2018, phấn đấu nằm trong tốp 30 của cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh PCI tăng từ 4-6 bậc, đứng vị trí từ 36-38 của cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh được cải thiện tốt và đồng bộ cả 8 nội dung đánh giá.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần cụ thể hóa việc cải cách hành chính bằng kế hoạch, trong đó nêu rõ giải pháp đối với các chỉ số giảm điểm; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cải các hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích, nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt, các sáng kiến trong cải cách hành chính; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính; bố trí cán bộ có năng lực vào việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức; cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan đầu mối, thường xuyên kiểm tra việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả của bộ phận phục vụ hành chính công các cấp nhằm giảm tỷ lệ không trễ hạn của các thủ tục hành chính...

Khánh Hòa: Đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính

Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa phát động đồng thời hai cuộc thi tuyên truyền về cải cách hành chính trên địa bàn, bao gồm Cuộc thi ảnh có chủ đề “Chính quyền Khánh Hòa thân thiện, phục vụ nhân dân” và Cuộc thi “Mô hình, sáng kiến cải cách hành chính của công chức, viên chức trẻ” lần thứ 4 năm 2019.

Cả hai cuộc thi nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác và sự tích cực tham gia cải cách hành chính của đội ngũ công chức, viên chức, qua đó tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, cải cách hành chính của chính quyền địa phương; phổ biến các phương thức giao dịch đối với chính quyền điện tử cho người dân, doanh nghiệp. Cuộc thi “Mô hình, sáng kiến cải cách hành chính của công chức, viên chức trẻ” lần thứ 4 năm 2019, nhằm tìm kiếm những giải pháp mới về cải cách hành chính mang tính hữu ích, thiết thực, có thể nhân rộng, áp dụng trong thực tiễn quản lý, giải quyết công việc, thủ tục hành chính, tạo bước đột phá cho công tác cải cách hành chính của tỉnh nói chung và tại các cơ quan, địa phương thuộc tỉnh.

Khánh Hòa đã sử dụng có hiệu quả Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến sau gần một năm đưa vào vận hành. Trong đó bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trực tuyến là tập trung, duy nhất cho tất cả các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên mạng internet. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ cần vào một đầu mối là có thể nộp hồ sơ trực tuyến đối với tất cả các thủ tục trực tuyến mức độ 3 - 4, do các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết. Theo đó, 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh Khánh Hòa đã được triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Số hồ sơ trực tuyến được giải quyết đúng và trước hạn đạt tỷ lệ trên 97%. Mới đây, tỉnh Khánh Hòa cũng đã công bố danh mục 140 thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3 - 4 để các đối tượng có nhu cầu cần liên hệ, giải quyết./.