Việt Nam thúc đẩy các vấn đề toàn cầu trên cơ sở luật pháp quốc tế
- Xin Phó Thủ tướng cho biết ý nghĩa kết quả của cuộc bầu cử? Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc Việt Nam tham gia ứng cử vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Tối 07-6 (theo giờ Hà Nội), tại New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Việc trúng cử với số phiếu rất cao là tin mừng đối với chúng ta; thể hiện các nước hết sức coi trọng vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam và đặc biệt là khả năng đóng góp vào công việc chung của thế giới khi Việt Nam tham gia vào Hội đồng Bảo an.
Như chúng ta đã biết, tại Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an là cơ quan có vai trò hàng đầu trong việc đóng góp vào hòa bình, an ninh của thế giới. Với việc tham gia vào Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ tham gia vào một tổ chức toàn cầu trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, hòa bình và giải quyết những vấn đề xung đột trên thế giới.
Việc Việt Nam quyết định tham gia ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Đó là chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Việt Nam tích cực, chủ động tham gia hội nhập quốc tế.
Việc tham gia Hội đồng Bảo an cũng thể hiện tinh thần của Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Việt Nam tham gia vào những vấn đề có thể giải quyết cũng như sẵn sàng dẫn dắt, làm trung gian hòa giải những vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng.
- Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về những nỗ lực để đạt được kết quả đáng mừng này?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Tham gia Hội đồng Bảo an là quyết định quan trọng; thể hiện vai trò, vị thế, trách nhiệm của Việt Nam là thành viên trong Liên hợp quốc, trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta tham gia vào Hội đồng Bảo an để đóng góp vào vấn đề quan trọng nhất hiện nay của thế giới, đó là duy trì hòa bình, an ninh và ổn định.
Đây cũng là lần thứ hai Việt Nam tham gia vào Hội đồng Bảo an. Sự tham gia, đóng góp của Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009 đã được các thành viên Liên hợp quốc công nhận. Do vậy, khi Việt Nam ứng cử Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần này cũng có được sự tín nhiệm của các nước thành viên Liên hợp quốc.
Nhưng điều đó không có nghĩa Việt Nam trúng cử một cách nghiễm nhiên. Trong vòng 10 năm qua chúng ta đã hết sức quyết liệt vận động để trúng cử với số phiếu cao nhất, với tư cách là một ứng cử viên duy nhất của nhóm châu Á-Thái Bình Dương tham gia vào Hội đồng Bảo an.
Hội đồng Bảo an là tổ chức có vai trò hết sức quan trọng. Các thành viên Liên hợp quốc đều mong muốn có thể ứng cử để trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an nhưng không phải nước nào cũng có thể ứng cử và trúng cử.
Việc cạnh tranh vào Hội đồng Bảo an hết sức quyết liệt giữa các nước trong cùng một nhóm. Trong lịch sử, đã có những cuộc bầu cử với hơn 140 vòng mà không bầu được thành viên của nhóm nước đó để trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an.
Điều đó nói lên rằng việc Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của nhóm châu Á-Thái Bình Dương và được bầu với số phiếu rất cao vào Hội đồng Bảo an là nỗ lực, quyết tâm rất lớn của chúng ta.
Trong 10 năm qua, chúng ta cũng gặp những tình huống nhiều nước trong khu vực muốn ra tranh cử. Tuy nhiên, bằng nhiều hình thức, cách tiếp cận để vận động, cuối cùng chúng ta là ứng cử viên duy nhất trong nhóm châu Á-Thái Bình Dương. Điều đó cho thấy uy tín, vị thế, vai trò của Việt Nam và khả năng đóng góp của Việt Nam cho Hội đồng Bảo an đã tạo ra được sự thống nhất trong nhóm châu Á-Thái Bình Dương trong việc đề cử cho Việt Nam.
- Xin Phó Thủ tướng cho biết những ưu tiên của Việt Nam trong việc đóng góp vào nghị trình của Hội đồng Bảo an sau khi trúng cử?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có vai trò hết sức quan trọng trong những vấn đề toàn cầu, đặc biệt là vấn đề hòa bình, an ninh. Do đó, những đóng góp của Việt Nam sẽ dựa trên cơ sở những chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an.
Ưu tiên của Việt Nam là tăng cường hơn nữa vai trò của chủ nghĩa đa phương, mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết những vấn đề toàn cầu, vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh. Đó là mục đích cao nhất mà Việt Nam mong muốn đóng góp vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Đương nhiên, Hội đồng Bảo an sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề. Với vai trò, kinh nghiệm của mình, Việt Nam mong muốn đóng góp vào những vấn đề như giải quyết sau xung đột; vấn đề phụ nữ, trẻ em trong xung đột; xử lý bom mìn sau xung đột.
Qua quá trình tham gia, Việt Nam thấy đây là những vấn đề quan trọng và là những ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an.
Khi tham gia Hội đồng Bảo an, mục đích của Việt Nam còn là xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới, qua đó đảm bảo cho Việt Nam một môi trường hòa bình để phát triển hơn nữa.
- Thưa Phó Thủ tướng, sau khi trúng cử, đâu là những lợi ích thiết thực cho Việt Nam và đâu là những thách thức Việt Nam phải đối mặt khi đảm nhiệm vị trí này?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực. Điều quan trọng nhất tại đây là sự phối hợp, hợp tác của các nước thành viên không thường trực và thường trực để giải quyết những vấn đề, đảm bảo các vấn đề đưa ra giải quyết đạt được đồng thuận tốt nhất.
Trong thời gian vừa qua, một kinh nghiệm trong Hội đồng Bảo an là trên 90% các vấn đề được giải quyết, thông qua bằng đồng thuận. Điều đó đảm bảo cho việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an có hiệu quả cao hơn. Khi những nghị quyết của Hội đồng Bảo an không đạt được thống nhất hoặc có sự phủ quyết của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có nghĩa là trong Hội đồng Bảo an tồn tại sự khác biệt, thậm chí là chia rẽ. Đây là điều Việt Nam cần tránh.
Đặc biệt, Việt Nam phải có sự phối hợp tốt với các nước thành viên thường trực cũng như thành viên không thường trực khác để tạo được sự đồng thuận tốt nhất ở các vấn đề. Bất cứ một nước thành viên nào của Hội đồng Bảo an đều phải thể hiện quan điểm trên tất cả các vấn đề được đưa ra, do vậy, chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như ra quyết định chính xác.
- Năm 2020, Việt Nam cũng sẽ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Chúng ta sẽ tận dụng cơ hội khi đảm nhận vai trò kép như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đúng là năm 2020, theo cơ chế luân phiên, Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN, đồng thời cũng bắt đầu một nhiệm kỳ của Hội đồng Bảo an. Điều thuận lợi là Việt Nam có thể đóng góp vào kết nối quan hệ giữa tổ chức Liên hợp quốc hay Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực. Đây là một quan tâm trong Liên hợp quốc để tăng cường sự phối hợp giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực. Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam có vị trí để đề xuất, thúc đẩy vấn đề này.
Đương nhiên, 2020 sẽ là năm hết sức bận rộn, khó khăn; nhiều công việc phải làm khi chúng ta cùng lúc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và nếu như theo luân phiên, đến tháng 01-2020 Việt Nam sẽ làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Điều đó có nghĩa Việt Nam sẽ phải làm gấp đôi khối lượng công việc.
- Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng./.
Tuần làm việc thứ 4 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV  (09/06/2019)
Một số chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  (09/06/2019)
Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc  (09/06/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên