Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Với 15 thành viên trong đó có 10 thành viên không thường trực, Hội đồng Bảo an là một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc, được trao trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Với mong muốn thực sự trở thành “Đối tác vì hòa bình bền vững”, trong nhiệm kỳ hai năm sắp tới, Việt Nam sẽ có cơ hội chủ động đề xuất, thúc đẩy những sáng kiến của mình nhằm đóng góp trực tiếp và xây dựng vào những nỗ lực chung của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh và phát triển.
Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế
Ngày 07-6-2019 đã đánh dấu một bước ngoặt nữa trong lịch sử chính trị ngoại giao của đất nước ta, khi Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối: 192/193.
Cùng với Estonia - đại diện Đông Âu, Saint Vincent và Grenadines - đại diện Nam Mỹ, Tunisia và Niger - đại diện châu Phi, Việt Nam - với tư cách đại diện cho khối nước châu Á - Thái Bình Dương, sẽ chính thức đảm nhiệm công việc tại Hội đồng Bảo an từ ngày từ 01-01-2020.
Với tỷ lệ phiếu ủng hộ lên tới 99,48%, Việt Nam chính thức bước vào Hội đồng Bảo an trong tiếng vỗ tay vang dội khắp phòng họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, giữa những nụ cười và lời chúc mừng của đại diện 193 nước trên khắp các châu lục. Sự ủng hộ gần như tuyệt đối của cộng đồng quốc tế đã vượt quá cả kỳ vọng ban đầu của Việt Nam là trúng cử với số phiếu cao và điều này là minh chứng rõ ràng nhất cho những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng. Việc trúng cử với số phiếu bầu cao như vậy cũng cho thấy Việt Nam nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm, đánh giá cao trên trường quốc tế và đây sẽ là bước đầu tiên thuận lợi giúp Việt Nam có thể vượt qua những thử thách cam go sắp tới để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Hội đồng Bảo an một lần nữa, như chúng ta đã từng làm được khi lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009.
Trong Thông điệp "Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã ủng hộ, tín nhiệm bầu Việt Nam lần thứ hai giữ trọng trách này. Đây là sự ghi nhận quan trọng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào công việc quốc tế và khu vực; thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời cam kết: Việt Nam đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, góp phần tích cực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Còn trong bài viết: “Đối tác vì Hòa bình bền vững: Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của quốc tế vì hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng với kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng và sẽ nỗ lực hết sức mình để đảm nhiệm thành công trọng trách Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, thực sự trở thành “Đối tác vì Hòa bình bền vững”, và mong nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác của các nước thành viên Hội đồng Bảo an, các thành viên Liên hợp quốc để cùng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì một hành tinh xanh, và màu cờ xanh của Liên hợp quốc sẽ mãi là màu xanh của hòa bình, của phát triển bền vững và là màu xanh của niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng.
Vinh dự lớn, nhiệm vụ sắp tới trên cương vị mới của Việt Nam càng lớn. Việt Nam đã đề ra trong chương trình hành động khi vận động trước bầu cử với những mục tiêu được cộng đồng quốc tế đánh giá là đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của người dân thế giới, đó cũng là một trong những lý do khiến Việt Nam được quốc tế ủng hộ và bầu chọn vào Hội đồng Bảo an, và giờ là lúc Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết của mình với cộng đồng quốc tế.
Những vấn đề trọng yếu Việt Nam đặt ưu tiên giải quyết trong nhiệm kỳ của mình là ngăn chặn xung đột, tăng cường ngoại giao phòng ngừa, giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình, đồng thời tăng cường chủ nghĩa đa phương, củng cố phát triển bền vững, đấu tranh chống biến đổi khí hậu và cải thiện quyền con người. Với trách nhiệm kép Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, Việt Nam cũng kỳ vọng sẽ gắn kết được những vấn đề của khu vực vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an nhằm thúc đẩy sự ổn định, hòa bình và phát triển bền vững cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời giúp Liên hợp quốc hiểu rõ hơn khu vực này. Việt Nam cũng cam kết sẽ chú trọng việc đảm bảo an ninh và hòa bình cho phụ nữ, trẻ em, nhất là ở những khu vực có chiến tranh, xung đột, đồng thời nỗ lực giải quyết nguy cơ bom mìn đe dọa cuộc sống của người dân.
Cơ hội và thách thức
Tuy nhiên, để thực thi được kế hoạch hành động đã đề ra không hề đơn giản bởi Hội đồng Bảo an chỉ có thể có giải pháp hữu hiệu các vấn đề đưa ra thảo luận nếu có sự đồng thuận nhất trí cao của các thành viên. Trong khi đó, nội bộ Hội đồng Bảo an từ nhiều năm nay đã có sự chia rẽ gay gắt, nhất là trong nhóm các nước ủy viên thường trực. Sự chia rẽ này thể hiện rõ trong năm 2018 vừa qua khi Hội đồng Bảo an luôn phải vất vả tìm kiếm sự đồng thuận mỗi khi định thông qua các nghị quyết, mà phần lớn các nghị quyết đều về những vấn đề quan trọng, cấp thiết, đòi hỏi phải có giải pháp nhanh chóng. Nếu nhìn lại 8 năm trở lại đây, có thể thấy số nghị quyết của Hội đồng Bảo an bị phủ quyết hoặc không đạt được sự đồng thuận ngày càng gia tăng. Trong năm ngoái, có 3 nghị quyết bị phủ quyết và 4 dự thảo nghị quyết không thông qua được bởi không có được số phiếu ủng hộ cần thiết. Ngay trong những tháng đầu năm 2019, Hội đồng Bảo an không thể thông qua dự thảo nghị quyết về Venezuela do các ủy viên thường trực phủ quyết và có 3 nghị quyết về các vấn đề Nam Sudan, Haiti và bạo lực tình dục trong xung đột không đạt được đồng thuận.
Chính trong lúc sự chia rẽ của các ủy viên thường trực ngày càng gay gắt thì nhóm 10 ủy viên không thường trực lại nổi lên ngày càng mạnh mẽ và chủ động, tích cực đóng góp hơn vào nỗ lực giải quyết những vấn đề cấp thiết của Hội đồng Bảo an, mà nhìn rộng ra là những vấn đề cấp thiết của thế giới, cho dù không phải những nước này không có những quan điểm chính trị khác biệt. Đây cũng chính là lý do mà gần 200 nước thành viên Liên hợp quốc khi bỏ lá phiếu bầu ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an đã phải cân nhắc rất cẩn thận xem nước nào có thể đại diện cho họ, tiếp tục tạo ra những thay đổi đáng kể về chất trong tổ chức này và mang lại những đổi thay cho thế giới.
Nhờ sự thúc đẩy chủ động, tích cực của các ủy viên không thường trực mà năm vừa qua, Hội đồng Bảo an đã phải đưa vấn đề khủng hoảng nhân đạo ở Syria và Yemen ra bàn nghị sự để giải quyết cũng như thảo luận các chủ đề về bảo vệ trẻ em tại những nơi xảy ra xung đột vũ trang, giải quyết nạn đói ở những nơi có chiến sự, triển khai các hoạt động hòa bình và xây dựng hòa bình. Trong thời gian tới, những vấn đề này, đặc biệt là vấn đề duy trì hòa bình, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Hội đồng Bảo an, bởi đây cũng là mục tiêu mà hầu hết ủy viên Hội đồng Bảo an nhắm tới và điều này cũng phù hợp với kế hoạch tổng thể do Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề ra. Sự đồng lòng hợp tác của các ủy viên không thường trực đã khiến nhiều cuộc đàm phán thu được kết quả thành công ngoài mong đợi và đây chính là động lực, là thuận lợi để Việt Nam có thể đóng góp cho Hội đồng Bảo an một cách hiệu quả trong thời gian tới, bất kể tình hình thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường.
Cơ hội thuận lợi để Việt Nam chứng tỏ được vai trò của mình tại Hội đồng Bảo an sẽ không chỉ dừng ở lĩnh vực kiến tạo hòa bình hay phòng ngừa xung đột mà còn ở hành động chống biến đổi khí hậu. Từ trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, chống biến đổi khí hậu đã là mối quan tâm không chỉ của Việt Nam, mà Romania, Niger và Tunisia cũng tỏ rõ quyết tâm trong việc đối phó với vấn đề này. Một tín hiệu khả quan nữa là hai ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, Anh và Pháp, cũng ủng hộ mạnh mẽ việc thể chế này cần có tiếng nói thực chất, hành động thực chất trong vấn đề chống biến đổi khí hậu. Cuối tháng 01-2019, Hội đồng Bảo an đã có riêng một phiên thảo luận mở về chủ đề giải quyết ảnh hưởng của thiên tai do biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh quốc tế, được hơn 70 nước cả trong và ngoài Hội đồng Bảo an tham gia ủng hộ, một con số cho thấy rõ ràng đây là một trong các vấn đề trọng yếu chắc chắn sẽ còn trở lại bàn nghị sự của Hội đồng Bảo an trong hai năm tới.
Việc Việt Nam ưu tiên củng cố quan hệ với các tổ chức khu vực trong nhiệm kỳ của mình cũng sẽ không gặp nhiều cản trở bởi đây cũng là xu hướng giúp cho tiến trình giải quyết những vấn đề khu vực ở Liên hợp quốc được nhanh chóng và hiệu quả hơn. Việt Nam đương nhiên sẽ muốn thúc đẩy quan hệ của Hội đồng Bảo an với nhóm nước ASEAN, trong khi Tunisia sẽ nhắm tới mối quan hệ bền chặt hơn với Liên minh châu Phi và Liên đoàn các nước Arab.
Nhiều vấn đề Việt Nam đã tham gia giải quyết khi là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an lần đầu tiên nhiệm kỳ 2008-2009, như tái thiết sau chiến tranh, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình và tăng cường tính minh bạch trong các công việc của Hội đồng Bảo an vẫn còn nguyên giá trị thời sự cho đến ngày nay, bởi sau 10 năm, những vấn đề này vẫn đang là mối nguy cơ ở nhiều nơi trên thế giới. Chính vì vậy, rất có thể Việt Nam sẽ tiếp tục có những sáng kiến, những đóng góp về các chủ đề này trong nhiệm kỳ thứ hai, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hiện đã trực tiếp cử quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan với số lượng ngày càng nhiều hơn, cho thấy Việt Nam đang tiến thêm một bước nữa vào công cuộc duy trì ổn định và hòa bình thế giới.
Cơ hội đưa Việt Nam lên một vị thế mới, tầm cao mới đang trải rộng phía trước, dù thách thức còn nhiều. Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia, đóng góp ý kiến, sáng kiến vào cơ chế quyền lực nhất về an ninh, hòa bình, hiện thực hóa hơn nữa chính sách mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và hội nhập chủ động mà Đảng và Nhà nước ta đã luôn cam kết theo đuổi. Việt Nam cũng sẽ có cơ hội đưa các vấn đề của đất nước mình, của ASEAN lên bàn nghị sự để tăng cường đối thoại với các bên liên quan và tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an cũng sẽ tôi luyện các nhà ngoại giao của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, nhất là khả năng vận động, đàm phán và điều hành ở môi trường chính trị quốc tế chuyên nghiệp và đa dạng về nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng.
Với những kinh nghiệm đã có từ nhiệm kỳ 2008-2009, cộng với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và quyết tâm của mình, Việt Nam, ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, hoàn toàn có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế mới, đáp ứng kỳ vọng của tất cả các nước đã ủng hộ và bỏ phiếu cho mình./.
Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững"  (09/06/2019)
Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của quốc tế vì hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ  (08/06/2019)
Tự hào và kiêu hãnh khi Việt Nam lần thứ hai trúng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc  (08/06/2019)
Kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Hành chính Quốc gia  (08/06/2019)
Thủ tướng: Đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, sai trái  (07/06/2019)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay