TCCSĐT - Ngân hàng Chính sách xã hội là công cụ đặc thù của Đảng, Nhà nước để thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến đúng các đối tượng cần hỗ trợ phải có sự chung tay vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở, từ việc bình xét, xác định đối tượng đến tuyên truyền, vận động sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả vốn đúng hạn cũng như giám sát việc thực hiện chính sách xã hội của bản thân các tổ chức, cá nhân của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Phối hợp thực hiện tín dụng chính sách xã hội

Thực hiện chính sách an sinh xã hội, ngày 04-10-2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vốn điều lệ ban đầu của Ngân hàng là 5 nghìn tỷ đồng và được cấp bổ sung phù hợp với yêu cầu hoạt động từng thời kỳ. Thời hạn hoạt động là 99 năm. Ngày 11-3-2003, Ngân hàng chính thức hoạt động. Nhiệm vụ chủ yếu của Ngân hàng là cung cấp vốn cho sản xuất và đời sống của các đối tượng người nghèo, chính sách xã hội. Như vậy, mục tiêu chính của tổ chức tín dụng đặc biệt này không phải là lợi nhuận mà là bảo toàn vốn, bù đắp chí phí quản lý, phát triển bền vững. Đây là một công cụ quan trọng để bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Là công cụ đặc thù để thực hiện chính sách an sinh xã hội, trong hoạt động của mình Ngân hàng Chính sách xã hội cần sự hỗ trợ, tham gia của các cấp chính quyền và đặc biệt là của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng, công khai, minh bạch. Thủ tục phải ngày càng đơn giản, thuận lợi, bên cạnh đó, cần chống thất thoát.

Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Cơ quan nhà nước các cấp cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực hiện tín dụng chính sách xã hội, cụ thể: Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Thực hiện giám sát cộng đồng đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cũng như đối với hoạt động tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện; Thực hiện các công việc được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác; lồng ghép các nội dung được ủy thác với các chương trình, dự án và hoạt động thường xuyên của tổ chức chính trị-xã hội; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Về phần mình, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực hiện tốt các chính sách tín dụng hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội ; làm tốt việc bình xét đối tượng vay vốn, quản lý và hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, trả nợ, trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng hạn; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm dịch vụ ủy thác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua hình thức tự đào tạo hoặc thực hiện chương trình hợp tác đào tạo với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ủy thác một số việc trong quy trình cho vay

Với mạng lưới hoạt động trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động được trên 194.000 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn ủy thác các địa phương chuyển sang để thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 11.809 tỷ đồng) để cho vay với tổng dư nợ đến hết năm 2018 đạt trên 187.000 tỷ đồng. Gần 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

Sau 16 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên 34,1 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, góp phần giúp trên 5,1 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động. Hơn 3,6 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Trên 118.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài…

Đạt được những kết quả quan trọng đó, bên cạnh nỗ lực của Ngân hàng là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là các tổ chức như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, qua đó, xác lập các mô hình cho vay, quản lý vốn vay hiệu quả.

Ngân hàng Chính sách xã hội có hai phương thức cho vay: cho vay trực tiếp và cho vay ủy thác. Trong hai phương thức này, cho vay ủy thác chiếm hơn 98% tổng dư nợ (năm 2017). Cho vay ủy thác là hình thức mà Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác một số công đoạn trong quy trình cho vay cho 4 tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là hội, đoàn thể) gồm Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Nội dung ủy thác bao gồm: Thông báo và phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng; tập huấn công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư,... để giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả; họp đánh giá định kỳ hoặc đột xuất; bình xét công khai hộ vay vốn của tổ tiết kiệm và vay vốn; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp với các bên có liên quan kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, đôn đốc hộ vay trả nợ.

Hình thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở là nhằm công khai hóa, xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của tổ chức hội, đoàn thể, đồng thời, củng cố hoạt động của tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở. Việc bình xét hộ vay vốn công khai, dân chủ, đảm bảo đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Mặt khác, việc ủy thác giúp đối tượng thụ hưởng tiếp cận dễ dàng, hiệu quả với dịch vụ tài chính, tiết kiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Quan hệ giữa Ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội được xác lập bằng các văn bản liên tịch, văn bản thỏa thuận (cấp trung ương); văn bản liên tịch (cấp tỉnh, huyện) và hợp đồng ủy thác (cấp xã).

Một mô hình thực hiện tín dụng chính sách khác rất hiệu quả là mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đây là một tập hợp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cùng địa bàn có nhu cầu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Các thành viên (tổ viên) tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh và đời sống, đồng thời cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ Ngân hàng.

Điều kiện là mỗi tổ phải có tối thiểu 5 tổ viên và tối đa là 60 tổ viên; các tổ viên phải cư trú hợp pháp theo địa bàn dân cư thuộc đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, trong đó các tổ viên được sắp xếp theo hướng liền canh, liền cư. Tổ hoạt động theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số dưới sự điều hành của ban quản lý tổ (một tổ trưởng và một tổ phó). Trong quy trình cho vay, họp bình xét cho vay là điều kiện tiên quyết để xét cho vay. Sau khi tiếp nhận đề nghị vay vốn từ phía hộ vay là thành viên của tổ (nếu chưa thì cần được xét kết nạp vào tổ), tổ trưởng chủ trì buổi họp bình xét cho vay, trong đó hộ vay có nhu cầu vay vốn nhất thiết phải được sự chấp thuận bằng biểu quyết của ít nhất 2/3 tổ viên hiện diện tại buổi họp bình xét công khai về vay vốn, với điều kiện phải có ít nhất 2/3 tổ viên đến dự buổi họp. Toàn bộ nội dung cuộc họp đều được ghi thành biên bản, gọi là biên bản họp tổ, do tổ phó là thư ký ghi chép lại. Buổi họp có sự chứng kiến của đại diện tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác quản lý tổ đó và trưởng thôn/ấp/khu phố nơi tổ hoạt động.

Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động trong sự phối hợp chặt chẽ với ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Ngân hàng. Trong mối quan hệ với ủy ban nhân dân cấp xã: tổ chịu sự chỉ đạo, quản lý, kiểm tra trực tiếp của ủy ban nhân dân cấp xã. Việc thành lập, thay đổi ban quản lý tổ hoặc giải thể tổ đều phải có sự chấp thuận của ủy ban nhân dân cấp xã. Với hội, đoàn thể nhận ủy thác: tổ phải phối hợp với hội, đoàn thể và chịu sự giám sát, theo dõi của hội, đoàn thể. Ngân hàng và đại diện ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn ký kết hợp đồng ủy nhiệm, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Ngân hàng có trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của tổ, đồng thời phối hợp với UBND cấp xã và hội, đoàn thể nhận ủy thác tổ chức thực hiện việc đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, quản lý cho ban quản lý tổ. Ban quản lý các Tổ tiết kiệm và vay vốn được Ngân hàng ủy nhiệm thu lãi, thu tiết kiệm thì hàng tháng, sau đó nộp cho Ngân hàng vào ngày giao dịch cố định tại điểm giao dịch xã.

Những kết quả thiết thực

Với các mô hình phù hợp, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên ở cơ sở đã tích cực vào cuộc, cùng với Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động, cho vay, giám sát thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có trên 200.000 tổ tiết kiệm và vay vốn, tập hợp hàng triệu tổ viên. Đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đã đến tận tay người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ngân hàng Chính sách Xã hội trở thành cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trong việc quan tâm đến người nghèo, đối tượng chính sách. Mô hình hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội được thực tế chứng minh là phù hợp với điều kiện, cấu trúc hệ thống chính trị của nước ta, không những về hiệu quả kinh tế, khả năng tiếp cận tín dụng, sử dụng vốn mà còn có ý nghĩa chính trị xã hội rất lớn.

Tín dụng chính sách thời gian qua giúp gần 600 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 332 nghìn lao động; giúp 75 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập và xây dựng trên 2 triệu công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn... Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn qua các năm ổn định, đến tháng 7 năm 2018 chiếm tỷ lệ 0,42%. Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,51%/năm (vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1-1,5%/năm); đã có 8/64 huyện thoát nghèo theo Nghị quyết 30a; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; có 19/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo ra khỏi chương trình; 21/2.139 xã thuộc Chương trình 135 hoàn thành 19 tiêu chí Nông thôn mới.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả cung cấp tín dụng cho sản xuất và đời sống, đồng thời ngăn chặn hiệu quả tình trạng tín dụng đen đang “nở rộ” ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân có thể tiếp cận các chương trình tín dụng của ngành ngân hàng; nghiên cứu, triển khai ủy thác cho vay thông qua các mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội quản lý, tạo điều kiện cho người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức, góp phần hạn chế tín dụng đen. Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại văn bản số 71/TB-NHNN ngày 13-3-2019 thông báo Kết luận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen.

Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường phối hợp ủy thác cho vay thông qua các Tổ vay vốn, Tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội quản lý. Quy chế hóa sự phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay bằng các văn bản thỏa thuận, xác định rõ quyền, trách nhiệm của mỗi bên ở mỗi cấp từ trung ương đến cơ sở.

Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về nguy cơ, tác hại của tín dụng đen, giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Tăng cường các nguồn vốn và các sản phẩm cho vay thông qua các Quỹ tài chính của tổ chức để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn của người dân, đặc biệt là công nhân, người lao động, phụ nữ nghèo…

Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm, phối hợp với ngành ngân hàng triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, cụ thể là: Tiếp tục phối hợp với ngành ngân hàng thực hiện hiệu quả các hình thức cho vay ủy thác, cho vay thông qua các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm và vay vốn, thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ vay vốn tại địa phương. Trong đó, đặc biệt quan tâm quy trình bình xét cho vay vốn, đôn đốc người vay sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định. Các tổ chức chính trị - xã hội địa phương mở rộng phối hợp, nhận ủy thác, cho vay qua các tổ với Ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức tín dụng khác./.