Mỹ rút khỏi INF: Bước thụt lùi đối với hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu
Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 08-12-1987. Theo thỏa thuận, hai bên đồng ý cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km. Đây là hiệp ước đầu tiên giữa Washington và Moskva về giải trừ vũ khí hạt nhân và được xem là một bước tiến lớn hạn chế chạy đua vũ trang.
Mỹ khẳng định sẽ chính thức rút khỏi INF vào thời điểm thích hợp
Ngày 20-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này sẽ rút khỏi hiệp ước INF với Nga, đồng thời đổ lỗi cho Moskva vi phạm thỏa thuận này. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định Moskva tuân thủ nghiêm chỉnh INF, trong khi Mỹ luôn vi phạm thỏa thuận này.
Ngày 23-10, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton phát biểu trong chuyến thăm Nga xác nhận Mỹ sẽ chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm trung và tầm ngắn vào thời điểm thích hợp. Trong họp báo tại thủ đô Moskva sau cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Bolton đánh giá hiệp ước INF "đã lỗi thời, bị các nước khác vi phạm và phớt lờ". Theo ông Bolton, các quốc gia khác vẫn có thể sản xuất tên lửa đạn đạo tầm trung, cũng như tên lửa hành trình, trong khi Mỹ bị trói buộc bởi hiệp ước này. Ông nhấn mạnh các nỗ lực trước đó nhằm mở rộng hiệp ước với sự tham gia của các nước khác đã không thành công.
Đối với quan ngại việc Mỹ rút khỏi INF sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang, ông Bolton cho rằng vấn đề này đang bị trầm trọng hóa. Ông cũng nêu rõ hiện Mỹ chưa có quyết định cụ thể về việc có triển khai tên lửa ở châu Âu hay không. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ cho biết thêm Washington và Moskva đã thảo luận khả năng soạn thảo một hiệp ước sửa đổi về tên lửa từ năm 2004, nhưng đến nay ý tưởng này vẫn chưa được hiện thực hóa.
Ông Bolton mô tả đây là "một hiệp ước song phương thời Chiến tranh Lạnh trong một thế giới đa cực".
Mỹ cũng khẳng định đang tham vấn chặt chẽ với các đồng minh châu Âu về hiệp ước INF. Ngày 27-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố nước này đang duy trì liên lạc chặt chẽ với các đồng minh châu Âu về INF và ảnh hưởng của hiệp ước này đối với khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Đối thoại Manama thường niên được tổ chức ở thủ đô Manama, ông Mattis nêu rõ: “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh châu Âu... về hiệp ước INF và tác động của nó đối với an ninh châu Âu. Rốt cuộc chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, rằng chúng ta không từ bỏ việc kiểm soát vũ khí. Tuy nhiên, việc kiểm soát vũ khí cần phải được cụ thể hóa bằng hành động, chứ không phải chỉ trên giấy tờ”.
Quan ngại của cộng đồng quốc tế
Cựu lãnh đạo Liên Xô cũ M.Gorbachev, người tham gia ký INF, đã chỉ trích quyết định của Mỹ, cho rằng quyết định này sẽ khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới, làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân.
Ngày 25-10, các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hối thúc Mỹ nỗ lực giải quyết bất đồng với Nga liên quan Hiệp ước INF, thay vì từ bỏ thỏa thuận này.
Trong cuộc họp kín diễn ra tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, các quan chức cấp cao Mỹ đã thông báo với đại sứ các nước NATO về kế hoạch rút khỏi INF. Đức và một số đồng minh châu Âu kêu gọi Mỹ có nỗ lực phút chót nhằm thuyết phục Nga ngừng các hành động mà phương Tây cho là vi phạm INF, hoặc có thể cùng Moskva đàm phán lại INF với sự tham gia của Trung Quốc. Quan chức này nhấn mạnh các nước đồng minh châu Âu muốn chứng kiến nỗ lực cuối cùng nhằm tránh việc Mỹ rút khỏi INF, điều mà Moskva mô tả sẽ khiến thế giới mất an toàn.
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc INF sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới. Nhiều quan chức ngoại giao cho rằng Mỹ nhiều khả năng sẽ trì hoãn việc chính thức rút khỏi INF cho đến sau cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 11-11 tới tại Paris (Pháp).
Trong một diễn biến liên quan, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg nhấn mạnh ông không cho rằng việc các nước thành viên NATO triển khai thêm vũ khí hạt nhân tại châu Âu là phản ứng đáp trả "chương trình tên lửa mới của Nga".
Trả lời báo giới, Tổng Thư ký Stoltenberg tuyên bố NATO không muốn xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới cũng như phải chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ông khẳng định không tính tới khả năng các đồng minh của khối sẽ triển khai nhiều vũ khí hạt nhân hơn tại châu Âu. Tuy nhiên, NATO cần "đánh giá các tác động do chương trình tên lửa mới của Nga gây ra với an ninh" của liên minh quân sự này.
Nga đã đệ trình dự thảo nghị quyết tại Liên hợp quốc, yêu cầu Đại hội đồng Liên hợp quốc hối thúc Moskva và Washington nỗ lực củng cố INF và tăng cường hiệu lực của thỏa thuận, để INF trở thành "hòn đá tảng" trong việc duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu. Cũng theo dự thảo nghị quyết, Đại hội đồng hối thúc Nga và Mỹ tiếp tục đàm phán về thực hiện các nghĩa vụ của mình trong hiệp định, đồng thời đối thoại xây dựng về các vấn đề chiến lược trên cơ sở công khai, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác. Moskva coi việc bảo vệ INF là điều kiện tiên quyết để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu cắt giảm vũ khí hạt nhân. Nga cũng kêu gọi đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự khóa họp thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc sắp tới.
Nga tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết trong lĩnh vực an ninh
Tổng thống Vladimir Putin ngày 25-10 khẳng định Nga đang tuân thủ nghiêm nghiêm ngặt các cam kết của mình trong lĩnh vực an ninh quốc tế và cởi mở đối thoại với các đối tác, đồng thời nhấn mạnh Moskva làm tất cả mọi thứ cần thiết để bảo vệ đất nước hiệu quả. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: "Nga không đe dọa bất cứ nước nào. Chúng ta đang tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết trong lĩnh vực an ninh quốc tế và kiểm soát vũ khí. Chúng ta luôn cởi mở đối với hoạt động đối tác mang tính xây dựng vì lợi ích của sự ổn định. Hơn nữa, bổn phận của chúng ta làm tất cả mọi thứ cần thiết để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ khỏi bất cứ mối đe dọa tiềm tàng nào".
Liên quan INF, Thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố Moskva muốn nhận được giải thích chi tiết từ Mỹ, đồng thời nhấn mạnh việc phá bỏ các điều khoản trong INF sẽ buộc Nga phải áp dụng các biện pháp an ninh riêng.
Với việc tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, Mỹ đang bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang, đặt Nga vào thế phải tăng cường bảo đảm an ninh quốc gia. Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov đưa ra tuyên bố trên ngày 24-10, đồng thời nhấn mạnh: "Ý định của Mỹ là hết sức nguy hiểm. Trên thực tế, Mỹ tuyên bố ý định bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang và tăng cường tiềm lực quân sự". Theo quan chức Điện Kremlin, điều này khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn và Moskva phải nghĩ đến các lợi ích quốc gia cùng những vấn đề an ninh quốc gia của mình.
Còn Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 24-10 nhìn nhận kế hoạch của Washington rút khỏi Hiệp định INF ẩn chứa mối đe dọa đối với an ninh của Nga..
Ông Ryabkov nhấn mạnh Nga thấy ý định của một số giới ở Mỹ xây dựng một năng lực cho phép trong một thời hạn ngắn, trên cơ sở công nghệ mới, nhanh chóng chế tạo các loại vũ khí vượt trội so với tên lửa Pershing 2 và các tên lửa hành trình thời thập niên 1980, vốn bị cấm bởi INF. Và Moskva cho rằng đây là những nguy cơ nghiêm trọng cho an ninh của Nga. Moskva chưa biết về kế hoạch cụ thể các vũ khí mới này sẽ được triển khai ở đâu và khi nào, hay khi nào được thử nghiệm. Tuy nhiên không nghi ngờ rằng chúng sẽ được chế tạo và đòi hỏi Nga sẽ phải có câu trả lời về kĩ thuật quân sự. Điều này lại khơi mào cho một vòng xoáy chạy đua vũ trang nguy hiểm.
Theo ông Ryabkov, cuộc gặp giữa các giới chức Nga với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton vừa qua cho thấy chính quyền Mỹ sẽ thông qua quyết định chính thức rút khỏi INF. Moskva lo ngại trước việc gần đây Mỹ đã lần lượt rút khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế như thỏa thuận về khí hậu, thỏa thuận hạt nhân với Iran và một số thỏa thuận khác. Ông không loại trừ khả năng lập trường của Mỹ cũng sẽ khiến hiệp định về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược START 3 bị đổ vỡ.
Ông Ryabkov cũng cho biết Bộ Ngoại giao Nga đang chuẩn bị cho cuộc tiếp xúc sớm nhất giữa Tổng thống hai nước. Dự kiến, duy trì INF sẽ là một trong những chủ đề chính tại cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Paris (Pháp) ngày 11-11 tới.
Những thỏa thuận mà Mỹ đã rút khỏi trong gần hai năm qua
Trên thực tế, kể từ sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã có nhiều quyết sách đi ngược lại với chính quyền tiền nhiệm, trong đó có nhiều quyết định rút khỏi các hiệp ước quốc tế trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa hay an ninh, quân sự, gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong cộng đồng quốc tế.
Việc Mỹ rút khỏi INF với Nga sẽ lại kéo dài danh sách các thỏa thuận quốc tế quan trọng mà Mỹ đã rút khỏi trong 2 năm qua:
Rút khỏi các tổ chức của Liên hợp quốc
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào đầu năm 2017, Mỹ đã có nhiều quyết định từ bỏ sự hợp tác với các tổ chức của Liên hợp quốc, như rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), cắt giảm tài trợ cho nhiều cơ quan Liên hợp quốc, rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc...
Ngày 19-6-2018, Mỹ quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, và cho rằng Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có quan điểm thành kiến chống lại Israel.
Trước đó, vào ngày 12-10-2017, Mỹ cũng đã có một động thái bất ngờ khác khi đột ngột tuyên bố rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Đây là lần thứ hai Mỹ rút khỏi UNESCO. Mỹ từng rút khỏi tổ chức này vào những năm 80 của thế kỷ XX, và chỉ trở lại tổ chức này vào năm 2003. Lý giải nguyên nhân rút khỏi UNESCO, đại diện của Mỹ tại UNESCO, ông Chris Hegadorn, cho biết có hai nguyên nhân chính khiến Mỹ phải đưa ra quyết định rút lui: “Thứ nhất đó là các khoản nợ quá hạn của UNESCO kể từ năm 2011 khi tổ chức công nhận Palestine là một nước thành viên. Thứ hai là sự chính trị hóa đã làm tổn hại công việc của UNESCO”.
Tiếp sau quyết định rút khỏi UNESCO, ngày 02-12-2017, Mỹ còn đơn phương rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di trú (GCM) - một hiệp ước của Liên hợp quốc nhằm cải thiện tình hình người di cư và tị nạn - với lý do hiệp ước này "không phù hợp" với các chính sách của Mỹ. GCM là một hiệp ước không mang tính ràng buộc được 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc nhất trí thông qua hồi tháng 9-2016. Tổng thống Trump cho rằng những điều khoản của hiệp ước GCM không phù hợp với chính sách về nhập cư và tị nạn của Mỹ, do vậy Mỹ quyết định chấm dứt tham gia quá trình thúc đẩy GCM tại Liên hợp quốc...
Rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA)
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump cũng đã nhiều lần đe dọa xem xét lại thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, và Đức) ký hồi năm 2015. Và sau nhiều lần đe dọa, ngày 08-5-2018, Tổng thống Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Hành động này đã khiến quan hệ giữa Mỹ và Iran rơi vào căng thẳng trầm trọng. Không những rút khỏi JCPOA, Mỹ còn đồng thời triển khai ở "mức cao nhất" các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran, nhằm mục tiêu đưa doanh thu từ xuất khẩu dầu của Iran về 0%. Không chỉ trừng phạt Iran, Mỹ còn áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các thể chế tài chính của những nước thứ ba giao dịch với Iran.
Rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu
Ngày 01-6-2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, vì cho rằng đây là “một hiệp định tồi”, gây ra bất công đối với Mỹ, làm giảm việc làm của người lao động Mỹ và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký tham gia năm 2015, bao gồm 195 nước thành viên tham gia. Mỹ hiện là quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai sau Trung Quốc. Do đó, việc tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được xem là một quyết định gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất.
Rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Ngày 23-01-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Trump từng gọi TPP là “thảm họa tiềm tàng” có khả năng khiến nhiều người Mỹ mất việc. Quyết định trên của Tổng thống Trump không chỉ là cú sốc đối với các nước trong khu vực mà nó còn đồng thời hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ chính nội bộ chính quyền Mỹ. Nhiều nghị sĩ Mỹ cho rằng từ bỏ TPP là “một quyết định sai lầm” và “một sai lầm nghiêm trọng” có thể gây ra những hậu quả lâu dài đối với kinh tế Mỹ cũng như vị thế của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Với quyết tâm không từ bỏ mục tiêu trên, ngay cả khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 nước còn lại của TPP đã cùng họp lại để thảo luận về tương lai của TPP “không có Mỹ”. Tháng 01-2018, các nước còn lại của TPP - ngoại trừ Mỹ - đã đạt thỏa thuận ký kết một hiệp định mới mang tên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thay thế cho TPP. Lễ ký kết chính thức đã diễn ra vào ngày 08-3-2018 tại Santiago, Chile, thể hiện quyết tâm cao của tất cả 11 nước tham gia nhằm đi đến một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước...
Các nhà phân tích cho rằng, việc thỏa thuận INF bị phá vỡ sẽ có thể gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu, đồng thời có thể đẩy các bên quay trở lại một cuộc chạy đua vũ trang và thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh toàn thế giới đang nỗ lực hướng tới một môi trường ổn định, an ninh và an toàn trên cơ sở hợp tác và đối thoại, đây sẽ là bước thụt lùi đối với hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu./.
Việt Nam và Pháp tăng cường quan hệ hợp tác song phương  (27/10/2018)
Cấp cứu thành công bé 10 tháng tuổi bị sốc phản vệ nguy kịch  (27/10/2018)
Điện, thư chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng  (27/10/2018)
Đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia  (27/10/2018)
Y tế cơ sở: Đích cuối cùng là chỉ số hài lòng về dịch vụ  (27/10/2018)
Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Bắc Son  (27/10/2018)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên