Cấp cứu thành công bé 10 tháng tuổi bị sốc phản vệ nguy kịch

Tin: Đạt Ngyễn Ảnh: Thu Hồng
23:20, ngày 27-10-2018

TCCSĐT - Ngày 26-10, bác sỹ Đặng Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết bệnh viện đã cấp cứu thành công bệnh nhi 10 tháng tuổi bị sốc phản vệ nguy kịch.


Trước đó, ngày 21-10, bệnh nhi N. N. A, 10 tháng tuổi, ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, nhập viện điều trị bệnh viêm tiểu phế quản bội nhiễm. Trong quá trình điều trị, bệnh nhi đã được dùng thuốc cefotaxim 2g đường tiêm tĩnh mạch trong 5 ngày.

Đến sáng 25-10, 5 phút sau khi được tiêm cefotaxim 2g thì trẻ quấy khóc, đỏ vùng cổ, mặt, ngực, tím môi, gốc mũi, mạch 150 lần/phút.

Ngay lập tức, điều dưỡng tại buồng đã phát hiện và ấn chuông báo động. Các bác sỹ kiểm tra và xác định bệnh nhi bị sốc phản vệ và ngay lập tức ra y lệnh tiêm Adrenalin đợt một.

Sau 5 phút, trẻ nổi vân tím toàn thân, da tím tái, mạch 140 lần/phút, nồng độ oxy trong máu là 96%. Các bác sỹ tiếp tục tiêm Adrenalin đợt 2. Tuy nhiên, tình trạng của trẻ diễn biến xấu, mạch 230 lần/phút, tím tái toàn thân.

Các bác sỹ lại tiếp tục tiêm Adrenalin đợt 3, bóp bóng ôxy, chuyển bệnh nhi về khoa Hồi sức cấp cứu và đặt nội khí quản thở máy, dùng Adrenalin truyền liên tục.

Sau 3 giờ được cấp cứu tích cực, bệnh nhi đã tiến triển rất tốt và đã được bỏ thở máy, chuyển thở ôxy kính. Sau 12 tiếng tiếp theo, trẻ không phải thở ôxy và đã ăn tốt, tình trạng sức khỏe ổn định.

Trực tiếp cùng các bác sỹ khoa Nội nhi-Đông y cấp cứu bệnh nhi, bác sỹ Lương Minh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cho biết khi nhận được tín hiệu báo động có bệnh nhân sốc phản vệ, các bác sỹ khoa Hồi sức cấp cứu đã nhanh chóng hỗ trợ cấp cứu bệnh nhi.

Bệnh nhi quá nhỏ (10 tháng tuổi) và đã sử dụng liên tiếp 3 đợt Adrenalin, nhưng tình trạng sốc phản vệ không có chiều hướng thuyên giảm, các bác sỹ đã quyết định truyền Adrenalin qua đường tĩnh mạch liên tục.

Sau khi được cấp cứu kịp thời, hiện tại bệnh nhi đã ổn định và tiếp tục được theo dõi sát tại khoa và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sỹ Đặng Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hùng Vương khuyến cáo nguy cơ sốc phản vệ có thể xảy ra ở mọi người và cực kỳ nguy hiểm. Chính vì vậy, người dân không nên tự ý sử dụng các kỹ thuật tiêm, truyền tại nhà.

Sốc phản vệ luôn là tai biến gây hoang mang cho không chỉ người nhà bệnh nhân mà còn cho cả các y bác sĩ điều trị. Bệnh xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc sau 30 phút dùng thuốc.

Trong thời gian chờ bác sĩ cấp cứu, người nhà bệnh nhân cần thực hiện tốt các chú ý sau: Đặt người bệnh nằm ở tư thế chân cao hơn đầu; Nới lỏng quần áo và đắp chăn cho người bệnh; Nếu người bệnh bị nôn hay chảy máu từ miệng, hãy lật người bệnh nằm nghiêng để phòng sặc; Nói chuyện liên tục với bệnh nhân để bệnh nhân giữ được nhịp thở, tránh rơi vào trạng thái hôn mê; Nếu bệnh nhân ngưng thở hãy bắt đầu hồi sức tim phổi bằng ép hơi lồng ngực và hà hơi thổi ngạt cho bệnh nhân; Kiểm tra xem nguyên nhân gây nên sốc phản vệ là do đâu./.