Tiếp tục các thông tin về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
TCCSĐT - Ngày 27-10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH 13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Giải trình trước Quốc hội một số nội dung liên quan đến đề án tái cơ cấu của ngành công nghiệp-thương mại, về 12 dự án kém hiệu quả đang xử lý, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đề án tái cơ cấu trong các lĩnh vực công nghiệp-thương mại, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ về tổ chức thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong lĩnh vực công thương có 9 nhiệm vụ lớn trong đề án tái cơ cấu. Theo đó, lĩnh vực công nghiệp-thương mại đã có sự tăng trưởng, đáp ứng được mục tiêu cơ cấu lại trong các lĩnh vực của kinh tế về mục tiêu cũng như thương mại, bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế, công nghiệp-thương mại và GDP.
Trong cơ cấu công nghiệp, thì công nghiệp chế biến chế tạo là nền tảng và động lực quan trọng cho các phát triển công nghiệp và kinh tế. Năm 2016, ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam tăng trưởng ở mức 11,9%, đến năm 2017 tăng lên 14,4% và trong 9 tháng đầu năm 2018 ở mức 13%.
Tỷ trọng của công nghiệp chế biến chế tạo trong cơ cấu hàng xuất khẩu đã có bước tăng mạnh, từ 61% của năm 2011 nay đã lên đến hơn 82% trong 9 tháng đầu năm 2018.
Trong các phân ngành của chế biến chế tạo, nhiều lĩnh vực đã có sự tăng trưởng ổn định ở mức hai con số như: điện thoại thông minh, chế biến thủy sản, thực phẩm, phương tiện thiết bị vận tải ôtô, da giày.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu như ngành dệt may đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu, da giày đứng 3 thế giới về sản xuất và đứng thứ 2 về xuất khẩu... Qua đó, Việt Nam vươn lên đứng thứ 27 trong số các quốc gia xuất khẩu trên thế giới.
Nhiều doanh nghiệp chế biến chế tạo đã gây dựng được uy tín trên thị trường như ở ngành công nghiệp chế tạo ôtô là Vingroup, Trường Hải, Thành Công; sữa và thực phẩm là Vinamilk, TH Truemilk... Cùng với đó là các lĩnh vực hóa chất, sắt thép kim loại.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, mặc dù đầu tư nước ngoài vẫn còn vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế và xuất khẩu nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn có sự phát triển mạnh mẽ, tích cực với mức tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 17,8%.
Điều này cho thấy có sự chuyển dịch tích cực, hiệu quả của chính sách liên kết từng bước giữa khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước đặc biệt là ở chuỗi công nghiệp phụ trợ gắn với doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch lại không gian lãnh thổ công nghiệp để cùng hình thành các khu công nghiệp tập trung trong khu vực lớn đã có hiệu quả như lĩnh vực dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ; cơ khí ôtô ở Khu công nghiệp Chu Lai; lĩnh vực điện tử tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long.
Tỷ trọng cơ cấu xuất khẩu cũng có sự chuyển biến tích cực. Các ngành công nghiệp chế biến chế tạo và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã khẳng định vị thế của mình với đóng góp ngày càng lớn hơn cho cơ cấu xuất khẩu và nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, không còn thị trường nào dễ tính. Các thị trường quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đối với hàng nông nghiệp, thủy hải sản. Vì vậy các hàng rào kỹ thuật là những yêu cầu đầu tiên để vươn ra thị trường thế giới. Đây là nhiệm vụ lớn để có thể tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới trong tổng thể của tái cơ cấu nền kinh tế cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thời gian tới, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo thực hiện đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế theo yêu cầu, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc chiến tranh thương mại phức tạp.
Kết thúc xử lý 12 dự án yếu kém vào năm 2020
Chia sẻ phản ánh của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre về 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội về 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai tích cực, đồng bộ và toàn diện đề án Chính phủ đã phê duyệt để khắc phục những tồn tại của 12 dự án kém hiệu quả. Theo lộ trình, trong hai năm 2018 - 2019 sẽ xử lý tương đối toàn diện tất cả các vấn đề tồn tại của 12 dự án này để kết thúc vào năm 2020.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, công tác xử lý được phân định với 4 nguyên tắc lớn. Đó là, tất cả các dự án này phải được triển khai thực hiện trong khuôn khổ luật pháp; bảo đảm đúng nguyên tắc của thị trường, không có câu chuyện tiếp tục thêm vốn, trợ cấp vốn từ ngân sách nhà nước; bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ đầu tư, các doanh nghiệp; phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế.
Đến nay, một số dự án đã có kết quả tương đối tích cực. Đối với 6 dự án phải dừng kinh doanh, có 2 nhà máy là Nhà máy sản xuất phân bón DAP Hải Phòng và Nhà máy Thép Việt Trung đã có lãi. 4 dự án còn lại đã từng bước khôi phục hoạt động, dần có lãi.
Riêng đối với dự án nhiên liệu sinh học của Phước Hậu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, dự án này có những vấn đề liên quan đến công nghệ, quản lý, thậm chí liên quan đến việc vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh, mức độ. Đến nay, dự án này đã có sự tham gia vào cuộc của các cơ quan điều tra của Bộ Công an cũng như các kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật và báo cáo tới Quốc hội, với mục tiêu giải quyết đồng bộ, bảo đảm công bằng trước pháp luật...
Tích hợp các chính sách vùng dân tộc thiểu số thành chương trình mục tiêu quốc gia
Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội; đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội cần có Nghị quyết chuyên đề tích hợp các chính sách vùng dân tộc thiểu số thành một chương trình mục tiêu quốc gia về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) nhận định thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã thụ hưởng rất nhiều chính sách trên nhiều lĩnh vực như: giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo...
Tổng thể bức tranh chung của đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giờ đây đã có bước tiến bộ, phát triển.
Nhiều chính sách đã được ban hành để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, cụ thể, đã có 118 chính sách, trong đó có 54 chính sách trực tiếp, 64 chính sách gián tiếp, góp phần tạo điều kiện, thúc đẩy kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khởi sắc.
So sánh việc phấn đấu để nhân dân miền núi tiến kịp với miền xuôi là còn xa vời, đại biểu dẫn chứng: dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số của cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 52,7%; hiện có 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo chữ phổ thông.
Kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm còn kém. Tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện đã được quan tâm đầu tư nâng cấp chất lượng khá hơn so với trước đây nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu so với sự phát triển.
Kết cấu mặt đường luôn mâu thuẫn với nhu cầu vận chuyển hàng hóa, mặt đường chỉ chịu được trọng tải thấp trong khi đó nhu cầu trọng tải xe lớn.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không người dân cũng tạo ra mặt trái đi ngược lại sự kỳ vọng của các nhà quản lý và tính nhân văn của chính sách; dẫn đến có một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ vào chính sách của Nhà nước, không tích cực lao động sản xuất, thiếu ý chí tích cực vươn lên, mặc dù có sức lao động, đất sản xuất, có đủ các điều kiện canh tác làm ra sản phẩm.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có các chính sách khuyến khích được người nghèo cũng vươn lên, người khá giả, người giàu được khích lệ.
Báo cáo kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 - 2017, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, thời gian qua, việc xuất bản sách giáo khoa giáo dục phổ thông thực hiện theo đúng quy trình bản thảo sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt, sẽ giao cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức xuất bản, in và phát hành.
Qua khảo sát cho thấy dư luận rất băn khoăn việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình.
Việc chỉ có duy nhất 1 đơn vị được giao tổ chức xuất bản sách giáo khoa dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền gây hạn chế cạnh tranh, hạn chế việc thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán sách giáo khoa, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi trong phát hành, đáp ứng yêu cầu lựa chọn của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, phê duyệt, xuất bản sách giáo khoa không phù hợp với Luật Xuất bản 2012. Xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước không tham gia biên soạn, xuất bản mà chỉ tổ chức kiểm duyệt, thẩm định sách giáo khoa.
Báo cáo cũng chỉ rõ hoạt động in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông cơ bản đáp ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời nhu cầu học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên cả nước.
Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc in sách giáo khoa giáo dục phổ thông được đấu thầu rộng rãi sau khi đã trừ sản lượng giao cho các đơn vị in nội bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và những tên sách có số lượng in thấp. Theo số liệu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tỷ lệ đấu thầu in trong năm 2016, 2017 là khoảng 70%.
Cách thức như trên và kết quả đấu thầu trong thời gian qua cho thấy hoạt động in sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn khép kín, tính cạnh tranh chưa cao,... có thể dẫn đến hạn chế về chất lượng, khó giảm giá thành, chưa khuyến khích việc đầu tư phát triển ngành in.
Đáng chú ý, tình trạng in lậu, in nối bản sách giáo khoa giáo dục phổ thông ngày càng lan rộng, tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng trong phân biệt thật, giả, phát hiện vi phạm; ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả, của nhà xuất bản và người tiêu dùng.
Sách in lậu có chất lượng kém, hình ảnh bị mờ, chữ mất nét, không có các nội dung chỉnh sửa, bổ sung, gây khó khăn cho học sinh trong quá trình học.
Làm rõ việc Nhà xuất bản báo lỗ
Theo Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, sản lượng in sách giáo khoa giáo dục phổ thông những năm gần đây rất lớn, chỉ tính riêng năm 2017 là gần 108 triệu bản sách/tổng sản lượng 312 triệu bản in xuất bản phẩm cả nước, chiếm khoảng 30%; nếu tính cả sách tham khảo, sách mô hình trường học mới (VNEN) và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục thì lên đến 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm toàn quốc.
Doanh thu từ bán sách giáo khoa giáo dục phổ thông những năm gần đây khoảng 1000 tỷ đồng/năm; lợi nhuận từ sách giáo khoa hằng năm tăng, năm 2016 là 72 tỷ đồng, năm 2017 là 150,8 tỷ đồng; mức chi chiết khấu phát hành là 25% (khoảng 250 tỷ đồng/năm) là khá cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh, giáo viên, lợi nhuận của các cơ sở in và các tổ chức, cá nhân liên quan khác, đồng thời mâu thuẫn với việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam báo lỗ liên tiếp ba năm gần đây. Đây là vấn đề cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ.
Cũng theo báo cáo, trong nhiều năm qua, tình trạng phần lớn sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần đã gây lãng phí ngân sách nhà nước, tăng chi trả của người dân, gây bức xúc dư luận xã hội.
Qua khảo sát cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc biên soạn, thiết kế sách giáo khoa chưa hợp lý, đã đưa các dạng/mẫu bài tập trắc nghiệm và các dạng bài tập khác với các “câu lệnh” để học sinh Điền/Viết vào chỗ chấm hoặc ô trống, lựa chọn Đúng/Sai, Nối, Khoanh, Vẽ, Đánh dấu, Tô màu,… vào nhiều cuốn sách giáo khoa trong khi đã có sách bài tập in sẵn bán kèm theo.
Ngoài ra, chất lượng giấy in, đóng quyển sách giáo khoa giáo dục phổ thông một số môn chưa bảo đảm (giấy mỏng, nhanh cũ, dễ rách, màu tối, dễ bung bìa).
Đặc biệt, việc chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa tuy đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm nhưng công tác kiểm tra, đánh giá việc in, phát hành, sử dụng sách của Bộ chưa sát sao, quyết liệt để có điều chỉnh kịp thời.
Hoàn thiện hệ thống chính sách về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa
Từ thực tế giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm, đặc biệt là sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm sửa đổi các quy định bất cập, bổ sung các quy định mới theo hướng đồng bộ, thống nhất, tạo lập môi trường pháp lý công bằng, có tính cạnh tranh, khuyến khích xã hội hóa, thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực này.
Trước mắt sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan trong Luật Giáo dục hiện hành về biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông phù hợp với Luật Xuất bản 2012, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội và hệ thống pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, xem xét tách việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa giáo dục phổ thông ra khỏi chức năng quản lý nhà nước về giáo dục; bổ sung quy định cụ thể liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, việc áp dụng phương pháp giảng dạy, tài liệu thí điểm trong hệ thống trường phổ thông (thời gian, địa bàn, cơ sở giáo dục, cấp học thí điểm).
Ủy ban cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông mới; khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà xuất bản được cấp phép xuất bản sách giáo khoa tham gia đấu thầu rộng rãi in, phát hành và khai thác các bản thảo sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chính phủ cần kiên quyết xử lý các cơ quan nhà nước tham gia vào quá trình in lậu, in nối bản sách giáo khoa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần triển khai tổng kết, đánh giá việc biên soạn, in, phát hành, sử dụng sách giáo khoa, sách bài tập, tài liệu tham khảo, mô hình thí điểm VNEN và thực nghiệm tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục.
Trên cơ sở đó kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về sách giáo khoa, sách bài tập, tài liệu tham khảo, về thí điểm, thực nghiệm trong giáo dục, đồng thời thông tin rộng rãi về kết quả tổng kết, đánh giá, tạo sự chia sẻ, đồng thuận trong ngành giáo dục, trong nhân dân và xã hội./.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII  (27/10/2018)
Các tỉnh tập trung phòng chống bệnh tay chân miệng  (26/10/2018)
Việt Nam sẽ là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc  (26/10/2018)
Việt Nam - Malaysia chia sẻ lập trường nhất quán trong vấn đề Biển Đông  (26/10/2018)
Việt Nam ủng hộ tiến trình dân chủ, hợp hiến tại Venezuela  (26/10/2018)
Chủ tịch Quốc hội Campuchia tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam  (26/10/2018)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên